Những ca khúc nhạc phim xưa nay vốn chỉ góp chút sức nho nhỏ vào sự thành công của một bộ phim, hầu hết đều ít được khán giả chú ý tới, bởi người ta xem phim thì chỉ tập trung vào nội dung phim, nhạc chỉ là đệm để phim thêm cao trào hay thêm phần cảm xúc. Nhưng cũng có không ít những ca khúc nhạc phim đã vượt ra khỏi phạm vi màn ảnh nhỏ, không chỉ được khán giả yêu thích mà sức sống của nó còn vô cùng mãnh liệt, kéo dài nhiều năm sau đó. Nhiều ca khúc đã có cách sống độc lập ngay cả khi những bộ phim ấy đã kết thúc từ rất lâu sau đó. Điển hình như ca khúc “NGƯỜI TÌNH KHÔNG CHÂN DUNG” của nhạc sĩ Hoàng Trọng viết cho bộ phim cùng tên.
Tên tuổi của nhạc sĩ Hoàng Trọng đã chẳng còn xa lạ với khán giả yêu nhạc bởi cái danh xưng “Ông hoàng Tango”. Trong giới nhạc sĩ Việt Nam, có thể Hoàng Trọng là nhạc sĩ viết điệu tango nhiều và thành công nhất. Ông để lại cho nền âm nhạc nước nhà hơn 200 ca khúc nổi tiếng như: Ngàn Thu Áo Tím, Mộng Lành, Tiễn Bước Sang Ngang,….Bên cạnh đó chính là những ca khúc nhạc phim nổi tiếng không chỉ tại thời điểm ra mắt phim và còn vang mãi đến ngày nay như: Giã Từ Bóng Tối, Bão Tình,….
“NGƯỜI TÌNH KHÔNG CHÂN DUNG” đánh dấu sự kết hợp đầu tiên của nhạc sĩ Hoàng Trọng với nhạc sĩ Dạ Chung – Cũng chính là diễn viên, đạo diễn nổi tiếng Hoàng Vĩnh Lộc, với nhịp điệu trầm buồn lại dặt dìu cùng với ca từ có phần bi thương, chứa đầy nỗi niềm của người lính quân khu đã vong trận bên cạnh chiếc nón sắt gắn bó bao tháng ngày. Một hình ảnh bi hùng tráng lệ hiện ra cho thấy được sự hy sinh cao cả của người trai thời chinh chiến.
“Hỡi người chiến sĩ đã để lại
cái nón sắt trên bờ lau sậy này
Bây giờ anh ở đâu, bây giờ anh ở đâu?
Còn trên đời này đang xông pha đèo cao dốc thẩm
hay đã về bên kia, phương trời miên viễn chiêm bao…..”
Mở đầu cho bài hát chính là hình ảnh một bờ lau sậy, một đầm lầy hoang vắng, bên dưới chính là một chiếc nón sắt nằm ngửa chơi vơi không ai bầu bạn. Hỡi người chiến sĩ, người bạn đã từng gắn bó với anh – chiếc nón sắt ấy đang yên vị nơi đầm lầy ấy, vậy còn anh thì đang nơi nào? Có thể chàng vẫn đang hừng hực ý chí, xông pha bao đèo để chiến đấu với quân thù. Và cũng thể chàng vĩnh viễn nằm lại nơi đáy sâu của đầm lầy hoặc một phương trời nào đó rất xa, hoàn toàn chìm vào giấc chiêm bao mà chẳng kịp nói câu tạ từ cùng nhân thế.
“….Trên đầu anh cái nón sắt ngày nào ấp ủ
mộng mơ của anh mộng mơ của một con người…..”
Chiếc nón sắt quân sĩ – Chiếc nón ấp ủ biết bao mộng ước của người lính sa trường, mong dẹp loạn được quân xâm lược, mang lại nền hòa bình vĩnh viễn cho đất nước chữ S thân yêu, ước mơ ngày trở về quê hương trong chiến thắng huy hoàng. Mộng ước của anh mộng ước của người chiến sĩ, mộng ước chung của hàng triệu con người Việt Nam.
“….Ôi nó khác chi mây trời hiền hoà
khác chi bốn mùa êm trôi
có tiếng cười thủy tinh của vài đứa trẻ
và hơi ấm vòng tay ôm của một người vợ hiền
phải thế không anh?…”
Chiếc nón sắt ngửa mặt đón nước mưa trời, nhìn vào đó là cả một khung trời thu nhỏ phản chiếu tất cả cảnh vật xung quanh qua chiếc hồ nước bé nhỏ. Có ánh sáng trời xanh lung linh, có mây trời hiền hòa lướt ngang qua và có vòng lặp tuần hoàn của mẹ thiên nhiên với bốn mùa êm ả: Xuân, Hạ, Thu, Đông – Mỗi mùa mỗi vẻ đẹp ngây ngất lòng người. Kỳ diệu thay, trong bầu trời nhỏ ấy còn có cả tiếng cười giòn của những đứa trẻ ngây ngô, có vòng tay ấm áp của người vợ hiền chung thủy, và có thêm nhiều thứ khiến người nghe phải nghẹn lòng. Đây chính là những điều anh mong muốn nhất, đây là tất cả niềm tin mà anh đặt vào nơi chiếc nón sắt nhỏ ấy, đúng không anh?
“…Trong cái nón sắt của anh
mặt trời vẫn còn đó ban ngày
và ban đêm mặt trăng hoặc muôn muôn
triệu triệu vì sao vẫn còn đó
tất cả vẫn còn đó vẫn còn đó….”
Nước mưa lòng nước như chẳng hề có ý định vơi đi, dù đêm hay ngày nó vẫn mang trong mình ý chí và ước mộng của người chiến sĩ. Ngày thì có trời xanh mây trắng, đêm thì có sao trăng lấp lánh như những ngọn đèn đêm soi đường cho người hành quận. Cất giữ những điều đẹp nhất, hoài niệm những hình ảnh thi vị nhất, chẳng bao giờ bị xóa nhòa.
“…..Nhưng anh bây giờ anh ở đâu
con ễnh ương vẫn còn gọi tên anh trong mưa dầm
tên anh nghe như tiếng thở dài của lòng đất mẹ
Dạo tháng Ba tên anh lẫn trong tiếng sấm đầu mùa mưa
nghe như tiếng gầm phẫn nộ đến từ cuối trời…..”
Anh ơi anh đang ở nơi nào? Hãy để lại một lời cho người đời còn nhớ tên anh – người chiến sĩ vô danh, hy sinh trong âm thầm bởi khi anh ngã xuống có mấy ai biết được. Chỉ có con ễnh ương đêm đêm trực chờ bên chiếc nón sắt đầy nước mưa, kêu gào gọi tên anh trong vô vọng. Tên anh như tiếng thở dài của đất mẹ, tên anh lẫn vào tiếng sấm đầu mùa như tiếng gầm cuối trời,….vừa u uất, vừa bi thương.
“…..Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt
trên bờ lau sậy này
Anh là ai? Anh là ai? Anh là ai?”
Có lẽ đây chính là bài hát duy nhất hình ảnh chiếc nón sắt được xuất hiện và nhắc đến nhiều nhất. Đồng hành với người chiến sĩ qua biết bao trận mạc, nhưng cuối cùng lại nằm im lìm bên bờ lau sậy hiu quạnh. Chẳng biết chủ mình là ai, chẳng biết mình còn tác dụng gì, cũng chẳng biết sẽ có ai cần đến mình nữa hay không? Khi người chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại nơi sa trường khắc nghiệt.
Bài hát chẳng chứa bất kỳ ngôn từ hận thù nào, nó chỉ đơn thuần viết cho một số phận, một người chiến sĩ vô danh đã mãi mãi ngã xuống, để lại vợ hiền con ngoan trên cõi đời cô liêu này. Hình ảnh chiếc nón sắt ấp ủ những ước mộng giản đơn nhưng lại phi thường cao cả đã đồng hành cùng người lính suốt chặng đường thân chinh. Nay anh chẳng còn, chiếc mũ bị rớt lại nơi đồng hoang, đọng nước làm hồ để đêm đêm nghe tiếng ễnh ương kêu gào ảo não.
Ca khúc “Người Tình Không Chân Dung” của nhạc sĩ Hoàng Trọng với ca từ sâu lắng cùng với chất giọng trầm buồn, gây nhiều thổn thức trong lòng người nghe của nữ danh ca nổi tiếng trong dòng nhạc trữ tình thời bấy giờ – Nữ danh ca Lệ Thu thể hiện. Sự kết hợp này đóng góp một vai trò không nhỏ cho sự thành công của bộ phim cùng tên sau khi ra mắt.
Hỡi người chiến sĩ đã để lại
cái nón sắt trên bờ lau sậy này
Bây giờ anh ở đâu, bây giờ anh ở đâu?
Còn trên đời này đang xông pha đèo cao dốc thẩm
hay đã về bên kia, phương trời miên viễn chiêm bao.
Trên đầu anh cái nón sắt ngày nào ấp ủ
mộng mơ của anh mộng mơ của một con người.
***
Ôi nó khác chi mây trời hiền hoà
khác chi bốn mùa êm trôi
có tiếng cười thủy tinh của vài đứa trẻ
và hơi ấm vòng tay ôm của một người vợ hiền
phải thế không anh?
(Hát)
Trong cái nón sắt của anh
mặt trời vẫn còn đó ban ngày
và ban đêm mặt trăng hoặc muôn muôn
triệu triệu vì sao vẫn còn đó
tất cả vẫn còn đó vẫn còn đó.
Nhưng anh bây giờ anh ở đâu
con ễnh ương vẫn còn gọi tên anh trong mưa dầm
tên anh nghe như tiếng thở dài của lòng đất mẹ
Dạo tháng Ba tên anh lẫn trong tiếng sấm đầu mùa mưa
nghe như tiếng gầm phẫn nộ đến từ cuối trời.
Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt
trên bờ lau sậy này
Anh là ai? Anh là ai? Anh là ai?