Hoàn cảnh sáng tác “Kiếp nghèo”

Đăng ngày 21/07/2024

Qua những bài viết trước về nhạc sĩ Lam Phương, chúng ta cũng đã biết được hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của nhạc sĩ lúc còn nhỏ. Lam Phương sinh ra trong một gia đình có 6 anh em và ông là con trai lớn trong nhà. Ông trải qua một tuổi thơ đầy đau buồn và bất hạnh. Nhà nghèo, cha ông không chịu được cảnh cơ cực và phải lòng người phụ nữ khác nên đã đi theo tiếng gọi của tình yêu mới, bỏ lại 6 đứa con thơ dại cho người vợ không nghề nghiệp ổn định chăm nom.

Thiếu đi trụ cột của gia đình, mẹ của ông một mình đầu tắt mặt tối, tất tả ngược xui trên sông, lúc làm mướn, khi thì bán buôn để kiếm tiền nuôi bầy con còn thơ dại. Bởi vậy trong tâm trí ông, luôn hiện hữu hình ảnh người mẹ chịu thương chịu khó, luôn gánh vác mọi việc để lo cho các con. Sau này trong một bài phỏng vấn ông từng chia sẻ: “ Tôi thương má tôi lắm! Má tôi mơ ước cái nhà che nắng mưa. Chỉ có vậy mà tôi làm cật lực, làm chết bỏ để có tiền mua nhà cho má”.

Hoàn cảnh sáng tác "Kiếp Nghèo" - Ca khúc dành cho những kiếp sống tha hương nơi Sài Gòn hoa lệ

Năm 10 tuổi, ông được mẹ gửi lên Sài Gòn, nương nhờ ở nhà bác ruột để được tiếp tục đi học và sớm có thể kiếm tiền phụ giúp gia đình, đỡ đần cho mẹ. Khi cuộc sống dưới quê đã tạm ổn định, mẹ ông dẫn các em lên theo, cả gia đình dọn về một ngôi nhà thuê khá tồi tàn và chật hẹp trong một căn hẻm lầy lội, tăm tối ở khu Dakao. Ước mơ lớn nhất lúc ấy của ông là có thể kiếm tiền thật nhanh để có tiền mua một căn nhà khang trang cho mẹ, để mẹ không phải chịu khổ vì các con nữa.

Nhưng cuộc sống này quả thật rất khó khăn, năm 15 tuổi Lam Phương sáng tác ca khúc đầu tiên “Chiều Thu Ấy” tuy nhiên ca khúc không mang lại nhiều thành công cho ông. Ông phải đi vay mượn tiền của bạn bè để mướn nhà in, in nhạc bướm, sau đó thuê xe chở nhạc đi bán lẻ khắp Sài Gòn. Thời gian đầu sáng tác này, ông gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính khi phải thường xuyên vay tiền bạn của mình để tự phát hành các tác phẩm âm nhạc. Ba năm sau, ông tung ra một loạt ca khúc viết về quê hương, nổi tiếng nhất là bài “Khúc ca ngày mùa”  được hầu hết các trường học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chọn dùng để dạy cho học trò ca múa. Danh tiếng của ông dần được mọi người biết đến, tuy nhiên về thu nhập cũng chưa đáng là bao so với đời sống đắt đỏ của phố thị. Trong sinh hoạt, tuy là một nghệ sĩ đã có chút tiếng tăm nhưng ông chi tiêu khá chừng mực đặc biệt ông không hút thuốc lá, không uống rượu hay tụ tập ở các tụ điểm, quán bar như một số nghệ sĩ đương thời khác.

Vào khoảng giữa năm 1954, khi những cơn mưa nặng hạt ở Sài Gòn bắt đầu phủ kín phố phường, thì Đakao, khu ông đang sống bị ngập úng nặng nề. Sau khi kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi, Lam Phương rã rời đạp chiếc xe đạp cũ kĩ về xóm trọ, thấy trước hiên nhà, mẹ ông đang loay hoay hứng nước mưa đang rơi lã chã. Căn nhà trọ ọp ẹp hiện ra trước mắt ông là một cảnh sống tăm tối của những phận đời trôi nổi, long đong. Chính giây phúc ấy trong đầu ông hiện lên những nốt nhạc để viết nên bài “ Kiếp nghèo

Hoàn cảnh ra đời bài hát KIẾP NGHÈO của Lam Phương

Đường về đêm nay vắng tanh
Rạt rào hạt mưa rớt nhanh
Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi
Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh
Lầy lội qua muôn lối quanh
Gập ghềnh đường đê tối tăm
Ngập ngừng dừng bên mái tranh
Nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi

Êm êm tiếng hát ngân nga ôi lời mẹ hiền ru thiết tha
Không gian tím ngắt bao la như thương đường về quá xa
Mưa ơi có thấu cho ta lòng lạnh lùng giữa đêm trường
Đời gì chẳng tình thương không yêu thương
Thương cho kiếp sống tha hương thân gầy gò gởi cho gió sương
Đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai
Đêm nay giấy trắng tâm tư gởi về người chốn mịt mùng
Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung

Trời cao có thấu cúi xin người ban phước cho đời con
Một mái tranh yêu, một mối tình chung thủy không hề phai
Và một ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài
Đây cả nỗi niềm biết ngày nào ai thấu cho lòng ai

Nhạc sĩ Lam Phương từng chia sẻ ông viết nên bài hát “Kiếp nghèo” từ hoàn cảnh hoàn toàn thật của mình lúc đó. Ông viết bằng rung động chân thành của chính mình, và lần đầu tiên ông viết ca khúc của mình bằng những dòng nước mắt.

Có thể nói rằng, từng ca từ trong bài hát như nỗi ai oán của tác giả, thương cho phận mình cơ cực, tha phương cầu thực nhưng chẳng được như mong ước, kiếp này vẫn quanh quẩn một chữ nghèo “ Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh. Lầy lội qua muôn lối quanh. Gập ghềnh đường đê tối tăm. Ngập ngừng dừng bên mái tranh. Nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi”. Người nhạc sĩ trẻ lúc ấy chắc có lẽ đang buồn tủi cho kiếp sống tha hương của mình “Thương cho kiếp sống tha hương thân gầy gò gởi cho gió sương”. Những câu từ giản dị, nhịp điệu nhẹ nhàng nhưng lại xoáy sâu vào lòng người nghe. Những ai đang sống xa quê hương, đang phải tất bật với cuộc sống mưu sinh để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình chắc hẳn khi nghe bài hát này sẽ dấy lên một cảm giác “nhói”, như chạm tới nỗi lòng của chính mình.

Lam Phương mất một tuần để chỉnh sửa lời và giai điệu cho bài hát này trước khi công bố ra công chúng qua nhà xuất bản “Tinh hoa miền nam”. Đây là nhà xuất bản do một người Huế gốc Quảng Đông, Trung Quốc tên là Tăng Duyệt sáng lập và làm chủ.

Người đầu tiên thể hiện ca khúc “Kiếp nghèo” của nhạc sĩ Lam Phương là ca sĩ Thanh Thúy, một trong những ca sĩ ăn khách nhất lúc bấy giờ. Cô thể hiện ca khúc với tiếng hát mang màu sắc liêu trai, khiến người nghe có thể bật khóc nếu đang ở trong gác trọ giữa đêm khuya thanh vắng. “ Kiếp nghèo” nhanh chóng được phủ khắp đất Sài Gòn thông qua sóng phát thanh và dĩa nhựa của hãng shotguns qua tiếng ca của ca sĩ Thanh Thúy. Không những thế, tiếp nối đàn chị ca sĩ Thanh Tuyền cũng đưa bản nhạc trở thành bài hát thịnh hành bậc nhất những năm 1960 ở miền Nam.

Lam Phương chia sẻ, với bài hát “ Kiếp nghèo” ông đã có thể mua được một ngôi nhà khang trang cho mẹ mình ở cư xá Lữ Gia. Gia đình ông tiết lộ giá trị ngôi nhà lúc ấy là 40 cây vàng, vàng lúc ấy chưa tới 30.000 đồng/cây. Tiền bản quyền mà Lam Phương thu được từ bài “ Kiếp nghèo” lên tới 1.200.000 đồng. Vì thế ông có tiền để mua nhà cho mẹ mình và các em như mong ước của ông.