Hình ảnh người lính cô đơn xa nhà giữa thời khắc giao thừa đang tới trong nhạc phẩm Phiên Gác Đêm Xuân

Nguyễn Văn Đông (1932 – 2018) nguyên là một sĩ quan Bộ binh cao cấp trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, mang cấp bậc Đại tá. Xuất thân từ trường Võ bị địa phương do Quân đội Pháp đào tạo. Đồng thời ông được nhiều người biết tới với tư cách là một nhạc sĩ nổi tiếng qua các ca khúc như “Chiều mưa biên giới”, “Sắc hoa màu nhớ”,…..Không chỉ được biết đến với bút danh Nguyễn Văn Đông, ông còn một số bút danh khác là Phượng Linh, Phương Hà, Hoài Phương, Vì Dân và Đông Phương Tử cũng được nhiều người biết đến.

Ông sinh ngày 15 tháng 3 năm 1932 tại Sài Gòn, nguyên quán ở Tây Ninh trong một gia đình nguyên là một điền chủ có nhiều ruộng đất ở Tây Ninh. Thời niên thiếu, do gia đình có điều kiện nên ông được tự học tại nhà dưới sự hướng dẫn của thầy học….. Sau đó ông theo học trung học tại trường Huỳnh Khương Ninh ở Sài Gòn. Năm 1946, ông được gia đình gửi gắm vào trường Thiếu sinh quân Đông Dương ở Vũng Tàu. Thời gian học tại đây ông được học nhạc với các giảng viên âm nhạc của học viện Âm nhạc quốc gia Pháp sang giảng dạy. Sau một thời gian, ông trở thành một thành viên của ban quân nhạc thiếu sinh quân, biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Năm 16 tuổi, ông có những sáng tác đầu tay như “Thiếu sinh quân hành khúc”, “Tạm biệt mùa hè”,… Đến năm 19 tuổi ông tốt nghiệp trường thiếu sinh quân và nhận được bằng tú tài.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

Cuối năm 1951, ông nhập ngũ vào Quân đội quốc gia Việt Nam, sau đó được cử theo học khóa 4 trường Võ bị Địa Phương Vũng Tàu. Đầu tháng 11 năm 1955, ông được chuyển biên chế sang Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngay từ thập niên 1950 ông đã nổi tiếng khi là Trưởng đoàn văn nghệ Vì Dân với thành phần ca nhạc sĩ tên tuổi Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm,… Ông đã tổ chức và điều khiển các chương trình đại nhạc hội tại Sài Gòn và khắp các tỉnh của Việt Nam Cộng Hòa. Từ năm 1958 ông là trưởng ban ca nhạc Tiếng thời gian của Đài phát thanh Sài Gòn. Ông cũng từng nhận giải Âm nhạc quốc gia do bà Trần Lệ Xuân trao tặng.Ông còn là Giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca, cộng tác với những nhạc sĩ tên tuổi như Lê Văn Thiện, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Y Vân,… Nguyễn Văn Đông được xem là người đã tiên phong thực hiện album riêng cho từng ca sĩ mà trước đó chưa từng ai làm. Không riêng về chủ đề yêu nước hay những tình khúc tình yêu lãng mạn, ông còn sáng tác nhiều ca khúc viết về người lính hay những chủ đề xuân được nhiều người đón nhận.

https://www.youtube.com/watch?v=iiFTHbSTKkM

Bấm vào hình để nghe ca khúc Phiên Gác Đêm Xuân do ca sĩ Thanh Tuyền trình bày.

Nhạc phẩm “PHIÊN GÁC ĐÊM XUÂN” được ông viết vào đêm 30 Tết Nguyên Đán năm 1956 khi gác phiên ở khu 9 Đồng Tháp Mười. Đây không chỉ là một nhạc khúc trữ tình mà còn được xếp vào tuyển tập nhạc xuân hay, được ca vang vào mỗi độ tết đến xuân về. Đón tết ở quân khu cùng những đồng đội tại vùng đất Đồng Tháp hoang sơ, đâu đâu cũng thấy những lau sậy ngút ngàn, dân cư thì lại thưa thớt, xa xa mới nhìn thấy được ánh sáng len lỏi của hộ gia đình. Ấy thế lại nhen nhóm trong tâm của người nhạc sĩ nguồn cảm hứng mãnh liệt cho nhạc khúc mùa xuân này. Ở cái tuổi 24 còn xanh mơn, nhưng tâm trí của Nguyễn Văn Đông đã đã luôn hướng về cách mạng, hướng về những người đồng đội “vào sinh ra tử”. Đã từng có một giai thoại về ca khúc này do chính người nhạc sĩ kể lại: Tiền đốn cuối năm, vào đêm 30 Tết, bầu trời tối đen như mực, không chút ánh sáng của sao trời, phút giao thừa có phần lạnh lẽo hắt hiu nơi quân khu đơn lẽ, không bánh chưng xanh, không hương khói bếp gia đình. Tác giả đã ngồi trên tháp quan sát qua màn đêm tối, chỉ thấy thấp thoáng những bóng tháp canh mờ nhạt bao quanh khu yếu điểm như những mái nhà tranh, chập chờn dưới đốm sáng hỏa châu mà mơ màng về mái ấm gia đình đoàn tụ lúc xuân sang, năm mới đến….  Nhạc sĩ đã rất rạo rực khi nghe tâm hồn nghệ sĩ của mình rộn lên những xúc cảm lạ thường, những nốt vang trong tâm trí, làm nảy lên những cung bậc đầu tiên của bài Phiên Gác Đêm Xuân:

“Đón Giao Thừa một phiên gác đêm

Chào xuân đến ѕúиɢ xa vang rền

Xác hoa tàn rơi trên báng ѕúиɢ

Ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi”.

Trong vô số những ca khúc nhạc vàng viết về đề tài mùa xuân và người lính, hiếm thấy ca khúc nào có lời ca đẹp và lãng mạn như “PHIÊN GÁC ĐÊM XUÂN”, đặc biệt là hình ảnh : “Xác hoa tàn rơi trên báng ѕúиɢ, ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi”. Ca khúc viết về một đêm giao thừa ở một đồn gác, nơi những người lính quên mình tập trung cho chiến sự đang chờ giao thừa và đón Tết trong một phiên gác đêm mùa xuân. Nơi vùng trời biên cương này một vài xác hoa rụng lên báng ѕúиɢ của người chiến sĩ. Trong khoảnh khắc đó, sự mờ ảo của đêm khuya đã làm cho người lính tưởng như đang được ngắm pháo hoa bay rực rỡ. Nhưng thức tỉnh khỏi ảo mộng ấy thì đó chỉ là “hoa lá rơi” trên báng ѕúиɢ của chính mình, chỉ có bản thân đang hòa mình với thiên nhiên để đón chờ những may mắn của tương lai.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc qua phần thể hiện của danh ca Bảo Tuấn.

“Bấy nhiêu tình là bao nước sông

Trời thương nhớ cũng vương mây hồng

Trách chi người đem thân giúp nước

Đôi lần nhớ bâng khuâng, gượng cười hái hoa xuân”

Trong đoạn này, tình yêu cũng được tác giả nhắc đến nhưng nhắc đến một cách mơ hồ, chỉ là đôi lần nhớ nhưng bâng khuâng. Nhưng tình yêu đó được tác giả ví như nước chảy trên sông, lúc thì êm đềm lặng lẽ, lúc thì cuồn cuộn dâng trào. Nhìn “trời thương nhớ” đang giăng những đám mây hồng, tác giả tưởng rằng trời cao xanh kia cũng thấu hiểu được nỗi lòng của chính mình, nỗi lòng thương nhớ đầy vơi lúc nửa đêm tàn, mùa xuân sang. Lúc này lòng tác giả lại mơ ước về một cảnh tượng rất đỗi bình dị trong đêm giao thừa:

“Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh

Mơ rằng đây mái nhà tranh

Mà ước chiếc bánh ngày xuân

Cùng hương khói vương niềm thương….”.

Tác giả ngồi trên đài gác nhìn về mấy nóc chòi canh và mơ về “mái nhà tranh”, “chiếc bánh ngày xuân” cùng “hương khói vương niềm thương”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sử dụng những hình ảnh rất bình thường như trong các ca khúc nhạc vàng khác. Những câu chữ trong đoạn này cũng được sắp xếp để trở thành khác biệt. Cũng chỉ là mái nhà tranh những ở đó có “hương khói vương niềm thương”. Niềm mong ước đó tuy đơn giản nhưng lại là mong ước xa vời của người lính khi năm mới qua mà phải ở lại chiến trường làm nhiệm vụ, không được về nhà đoàn tụ với gia đình, người thân.

“Ước mong nhiều đời không bấy nhiêu

Vì mơ ước trắng như mây chiều

Tủi duyên người năm năm tháng tháng

Mong chờ ánh xuân sang, ngờ đâu đêm cứ đi….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Vũ thâu thanh trước 1975

Thời gian không bao giờ chờ đợi bất kỳ ai, năm tháng cứ qua đi, mà cнιếɴ тʀᴀɴн vẫn ở lại, bởi chiến sự là không thể gấp gáp mà cần một quá trình không xác định được điểm kết. Bóng đêm ly loạn vẫn bao trùm khắp chốn, người người vẫn đang ấm êm bên bếp lửa hồng của gia đình nhưng với chiến sĩ quân khu thì làm sao dám lơ lỏng cảnh giác mà vui vẻ đón cái Tết quê hương đằm ấm. Trong bao nhiêu năm trường, chỉ biết nguyện cầu cho cнιếɴ тʀᴀɴн mau kết thúc, cho kháng chiến sớm ngày thành công, đón chờ một màu Xuân trọn vẹn và một cái Tết hạnh phúc, yên vui. Ai ai cũng mong chờ một ngày có ánh xuân gieo xuống chan hòa khắp chốn, một ánh xuân khi thời bình.

“Chốn biên thùy này xuân tới chi ?

Tình lính chiến khác chi bao người

Nếu xuân về tang thương khắp lối

Thương này khó cho vơi, thì đừng đến xuân ơi !….”

Ở cuối ca khúc, chúng ta bắt gặp một lời cầu xuân rất buồn đó là mong xuân tạm thời đừng đến…“Nếu xuân về tang thương khắp lối, Thương này khó cho vơi, thì đừng đến xuân ơi…”. Cũng có nhiều tác giả đã cầu xin như vậy trong các ca khúc của mình, Nhạc sĩ Châu Kỳ cũng có một ý tưởng như vậy trong ca khúc Tôi chưa có mùa xuân:

“Đợi hai ba năm nữa,

quê mình thôi khói lửa

Mời xuân đến với tôi,

Giờ này còn nổi trôi

Riêng tôi xin từ chối….”

Nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân cũng viết như vậy trong ca khúc Thư Xuân Trên Rừng Cao:

“Xuân ơi xuân nếu chẳng vui gì

Hãy đừng, đừng tìm đến chi…”

Mùa xuân là mùa của ước mơ và hy vọng, mùa cây cối đơm hoa kết trái, mùa của những rộn vui và sum vầy. Nhưng đã bao mùa xuân đến mà đất nước còn loạn lạc trong hiểm nguy, người dân khốn khổ, tang thương cùng mất mát vẫn tràn ngập trên quê hương Việt Nam. Thương thay người lính chiến sĩ chỉ biết ngậm ngùi mà quên đi mùa xuân của bản thân, cố gắng hết mình cống hiến cho non sông ở chốn sa trường này.

“PHIÊN GÁC ĐÊM XUÂN” có thể xem là một trong những sáng tác đầu tiên của Nguyễn Văn Đông về đề tài người lính, một bài hát với ca từ lãng mạn và rất đẹp làm cho chúng ta thêm thấu hiểu về nỗi khổ cực của những người lính ở chốn chiến trường đặc biệt là vào những dịp lễ Tết, ngày gia đình sum vầy bên nhau, cùng nhau nấu bánh chưng và chuẩn bị đầy đủ những tư trang cần thiết cho một năm mới đang về.

5/5 - (1 bình chọn)

Viết một bình luận