Nhạc sĩ Anh Việt Thu tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, sinh năm 1939, là một người nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng từ trước những năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Dưới ông còn có ba người em nhỏ hơn là Phi Long, Phi Hùng và Việt Thu. Từ đây cũng sẽ nhiều người nhận ra, bút danh Anh Việt Thu của tác giả từ đâu mà ra, chính là được lấy từ tên của người em út Việt Thu – Anh Việt Thu có nghĩa là “Anh của Việt Thu”. Ông là tác giả của nhiều nhạc khúc vô cùng nổi tiếng như “Người ngoài phố”, “Giòng An Giang”,…và đặc biệt là bài hát “HAI VÌ SAO LẠC”. Anh Việt Thu đã bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ rất sớm, từ năm 1956 ông đã có cho mình nhạc phẩm đầu tay và được người nghe nồng nhiệt đón nhận. Từ khi bắt đầu sáng tác đến khi qua đời, cố nhạc sĩ đã sáng tác hơn hai trăm bài hát.
Ca khúc “HAI VÌ SAO LẠC” được tác giả sáng tác vào năm 1966 – Thời điểm chiến tranh đang tiến vào giai đoạn cao trào, nhiều chiến sĩ phải chấp nhận rời bỏ quê hương để tiến vào tâm điểm của chiến khu, dũng mãnh chống giặc. Bài hát này được viết nên như lời tâm sự của tác giả khi thân là một người anh cả trong gia đình, nhưng lại chỉ có thể trơ mắt nhìn thấy em của mình lưng mang balo để tiến ra Bắc chiến đấu, hòa mình cùng cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Còn niềm đau nào đau hơn khi phải chứng kiến người thân của mình bước chân vào vùng nguy hiểm, không có ngày trở về. Nhưng thời buổi loạn lạc, quân thù rình rập, có thể làm gì khác hơn là cầu chúc người thân mình bình an.
Bản nhạc “HAI VÌ SAO LẠC” được viết theo thể loại nhạc Bolero nhưng âm điệu lại hoàn toàn khác, làm cho người nghe cảm thấy thu hút hơn và bắt tai hơn. Thông thường, những bài tình ca sẽ được sử dụng ngôi xưng “anh” và “em” để thể hiện sự thân mật, hoặc đối với anh em trong gia đình, danh xưng này cũng không quá xa lạ. Nhưng Anh Việt Thu lại không như vậy, ông sử dụng danh xưng là “Người” trong cả bài hát, như muốn nhắn gửi luôn cả với những ai phải lìa xa những người thân thương của mình trong thời chiến. Lời ca vô cùng bóng bẩy, giai điệu du dương và gợi lên một nỗi nhớ miên man và dịu dàng.
“Người về, một mùa thu gió heo may
Về đâu có nhớ chăng những vì sao long lanh
đưa tiễn người một đêm không trăng
Nói sao nên lời
lòng buồn như chiều rơi
Như trong đêm khuya những buớc chân qua thềm
Gợi niềm thương nhớ vô vàn…”
Anh chỉ biết thầm cầu mong em bình an, sớm ngày trở lại. Ngày chia tay, thân làm người anh nhưng anh chẳng dám nói nên lời chia tay, vì anh sợ nói ra sẽ chỉ là những lời nói giữ em lại, như vậy có khác nào hủy đi giấc mơ của em. Nên anh chỉ đành giữ nỗi buồn nơi đáy lòng mình thôi, chỉ biết ngày ngày mong tin em về, nhớ thương em trai của mình.
Tiễn em vào một đêm không trăng, không sao nhưng với anh em là vì sao sáng và long lanh đến lạ. Có lẽ bóng tối đã lau đi những giọt nước mắt thầm lặng của anh, tiễn bước em lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng là cứu nước.
“…Người về, đường đi kết gió trăng sao
Người đi có biết chăng trong chiều nay bơ vơ
Nghe lá thu vàng rơi bâng khuâng
Bước chân ai về chừng thời gian ngừng trôi
Như quên đêm khuya
để gió xuôi theo màu thầm làm ướt áo vai gầy
Người về chiều mưa hay nắng
Sao để khói lam chiều như se chùng màu không gian
Người về giòng sông thương nhớ
để bến vắng con đò buồn mong người người hay chăng?…”
Khi em trai quay bước ra đi trời như thay đổi, mây gió nổi lên như cõi lòng của tác giả đang dâng từng cơn bão. Người ra đi nơi đường phố bơ vơ, lẻ loi bước đi, em sẽ có con đường của mình, anh trai đã không còn cùng em đồng hành, em tự thân lập nghiệp, tự chọn tương lai cho mình. Lúc này đây sao anh hi vọng rằng thời gian như ngừng trôi, để anh em ta có thể tiếp tục bên nhau, em sẽ ở mãi dưới đôi cánh của anh, để anh bao bọc, để anh chở che. Nhưng điều đó không bao giờ là sự thật, có lẽ em đã lớn, đã có định hướng riêng….bước chân của em rất vững vàng…
Đôi khi nghe thấy tiếng lá vàng rơi mà anh cứ ngỡ là em đang về, anh nhớ em, miền quê này nhớ em, nơi không gian cũ cũng như thầm gọi tên em. Em về chưa? Em về vào ngày trời mưa hay trời nắng trong xanh, mà sao màu khói lam chiều lại trùng với một màu trời thế này?
“….Người là vì sao nhỏ bé
Ta mãi ước cho lòng làm bầu trời xanh xanh
Người về lòng ta thương nhớ
Ta khẽ hỏi đưa người hay thầm người đưa ta
Người về người về đâu nhớ ta chăng
Người ơi mỗi lá thu rơi làm ta bâng khuâng
Như áng mây chiều lam trong sương
Bước đi âm thầm lòng buồn như chiều rơi
Nghe chăng thu ơi để lá rơi chi hoài
Gợi lòng thương nhớ ai nhiều…”
Trong tim của người anh cả thì cũng sẽ như tấm lòng của người làm cha làm mẹ, đó là lúc nào cũng thấy những đứa em mình thật nhỏ bé và luôn cần anh cả bảo vệ chở che. Nên tác giả mới gọi em mình là “vì sao nhỏ bé”, để em biết em có thể quay về bất cứ lúc nào, vì luôn có vòng tay của anh che và bảo bọc cho em. Anh Việt Thu ví tấm lòng của bản thân như bầu trời xanh thăm thẳm, còn những đứa em là những vì sao, để vừa nhắc nhở bản thân kiêm thêm thiên chức của cha và mẹ là yêu thương các em, và gửi đến các em rằng anh mãi là gia đình, mãi là nơi các em có thể tìm về mỗi khi quá mệt mỏi.
Thời khắc tiễn bước chân em đi vào nơi miền Bắc gian truân và chưa báo ngày về, lòng anh cảm thấy rối bời, bao nhiêu cảm xúc ngổn ngang, chồng chất. Tự hỏi là em có nhớ đến mình không? Nhưng chắc chắn anh sẽ mãi mãi thương nhớ đến em. Mỗi chiếc lá thu rụng, như tình thương yêu em nặng thêm một phần. Đã bao lâu rồi ta chưa gặp lại nhau, lá cứ mãi rụng, mùa thu đến rồi lại đi, áng mây chiều cứ lặng lẽ trôi êm, làm lòng của tác giả thêm phần nặng trĩu. Không biết em của mình dạo này có khỏe không? Có nguy hiểm không? Có nhớ thương về người anh trai này hay không? Mọi cảm xúc cứ đổ dồn về….lòng tác giả càng thêm bâng khuâng.
Bài hát “HAI VÌ SAO LẠC” như một lời nhắn gửi của tác giả đến với người em trai của mình, luôn mong mỏi em trai trở về. Anh Việt Thu ở lại Sài Gòn để tiếp tục học tập cho sự nghiệp sáng tác của mình, còn em của ông phải quay trở về để chuẩn bị cho cuộc tập kết ra Bắc tác chiến. Đây có thể là lần gặp cuối cùng giữa anh em của ông, bởi lẽ ông nào đâu biết rằng, nền hòa bình đã được giữ vững nhưng ông lại mãi ra đi khi chiến tranh vừa kết thúc 1 tháng trời.
Trích lời bài hát Hai Vì Sao Lạc do nhạc sĩ Anh Việt Thu sáng tác.
Người về, một mùa thu gió heo may
Về đâu có nhớ chăng những vì sao long lanh
đưa tiễn người một đêm không trăng
Nói sao nên lời
lòng buồn như chiều rơi
Như trong đêm khuya những buớc chân qua thềm
Gợi niềm thương nhớ vô vàn
Người về, đường đi kết gió trăng sao
Người đi có biết chăng trong chiều nay bơ vơ
Nghe lá thu vàng rơi bâng khuâng
Bước chân ai về chừng thời gian ngừng trôi
Như quên đêm khuya
để gió xuôi theo màu thầm làm ướt áo vai gầy
Người về chiều mưa hay nắng
Sao để khói lam chiều như se chùng màu không gian
Người về giòng sông thương nhớ
để bến vắng con đò buồn mong người người hay chăng?
Người là vì sao nhỏ bé
Ta mãi ước cho lòng làm bầu trời xanh xanh
Người về lòng ta thương nhớ
Ta khẽ hỏi đưa người hay thầm người đưa ta
Người về người về đâu nhớ ta chăng
Người ơi mỗi lá thu rơi làm ta bâng khuâng
Như áng mây chiều lam trong sương
Bước đi âm thầm lòng buồn như chiều rơi
Nghe chăng thu ơi để lá rơi chi hoài
Gợi lòng thương nhớ ai nhiều…
- Hoài Niệm Tết Saigon xưa – Nhớ mùi vị của tết xưa
- “Quán bên đường” (Phạm Duy) – Những trái ngang của cuộc đời
- “Mùa Xuân Cưới Em” – Ca khúc về ngày cưới chính bản thân mình của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân
- “Đám Cưới Đầu Xuân” – Ước mơ đẹp của người lính chiến về một đám cưới vui tươi đầu xuân
- Ca khúc “Anh tiền tuyến, em hậu phương” – Mộng ước đẹp của tình yêu trong thời chiến