Giải mã “người trinh nữ tên Thi” trong bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Đăng ngày 21/07/2024

Phía sau bài hát nổi tiếng “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi” của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một câu chuyện có thật, kể về cuộc đời hồng nhan bạc mệnh của một người con gái.

Hoàng Thi Thơ (1929 – 2001) là một nhạc sĩ tài hoa của Việt Nam với số lượng hơn 500 ca khúc từ tình ca đến nhạc quê hương, dân ca đến nhạc thời trang, đoản khúc đến trường ca, nhạc cảnh đến nhạc kịch. Ngoài là một nhạc sĩ, Hoàng Thi Thơ còn vô cùng đa tài khi đảm đương nhiều vai trò khác như: đạo diễn kịch, điện ảnh, biên đạo múa, bầu show, nhà sản xuất, người dẫn chương trình.

Bí ẩn câu chuyện "người trinh nữ tên Thi" trong 3 ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Thậm chí, ông còn từng là một giảng viên tiếng Anh – Pháp, tác giả sách hướng dẫn hòa âm, luật sáng tác… Năm 1957, ông bắt đầu tổ chức những kỳ đại nhạc hội hoành tráng tại rạp Thống Nhất (Sài Gòn). Năm 1961, ông thành lập Đoàn Văn nghệ Việt Nam gồm hơn 100 nghệ sĩ tên tuổi và lưu diễn qua nhiều thành phố trên thế giới. Năm 1967, ông thành lập tiếp Đoàn Văn nghệ Maxim gồm 70 nghệ sĩ, tổ chức những chương trình ca vũ nhạc kịch đặc biệt tại nhà hàng Maxim (Sài Gòn).

Khoảng đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, Hoàng Thi Thơ cho ra đời một loạt ca khúc mà báo chí thời đó gọi là cảm hứng tân kỳ, đem lại cho làng tân nhạc Việt Nam luồng sinh khí mới như: “Rước tình về với quê hương”, “Việt Nam ơi ngày vui đã tới”, “Ô kìa đời bỗng dưng vui”, “Xây nhà bên suối”, “Ngày vui lý tưởng”… Những ca khúc này đã quen thuộc với người Việt Nam cho đến tận nay.

Trong đó, ca khúc “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi” được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác năm 1970 khi ông còn trong Đoàn Văn nghệ Maxim. “Thuở ấy xa xưa có một nàng một nàng thiếu nữ/ Một đóa hoa hồng tình phơi phới tuổi mới trăng tròn…”, những giai điệu quen thuộc vang lên khiến bất cứ ai cũng nhận ra đó là những giai điệu trong ca khúc “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi”. Và, hiện nay ca khúc đã được “cover” không biết bao nhiêu lần, ở mọi thể loại âm nhạc.

Sau khi ra đời, “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi” nhanh chóng trở thành bản hit của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Đây được coi là tác phẩm với thể loại nhạc kể chuyện rất nổi tiếng của ông. Ca khúc đủ da diết, đủ sâu lắng để người nghe cảm nhận trọn vẹn nỗi đau của một người trinh nữ mang trong mình mối tình bi ai, mà “Khi con tim yêu đương là sống với đau thương/ Khi con tim yêu đương là chết với u sầu/ Thì Thi đã biết cớ sao Thi buồn…”.

Ca khúc “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi” kể về câu chuyện tình buồn lâm ly. Nhiều người tưởng nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ viết bài này để kể về câu chuyện của ông, nhưng sự thật không phải như vậy. Ca khúc ra đời sau khi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chứng kiến toàn bộ câu chuyện tình đau thương của một nữ diễn viên trong Đoàn Văn nghệ Maxim. Cái chết của cô gái trẻ gây rúng động làng văn nghệ lúc bấy giờ.

Giải mã “người trinh nữ tên Thi” trong bản hit của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

“Cô Thi hoạt động trong đoàn nghệ thuật của thầy Thơ, cô ấy chỉ mới 19, 20 tuổi. Vì quá thương cảm cho cái chết của cô gái trẻ đồng nghiệp, thầy đã viết bài hát này ngay sau tang lễ”, danh ca Họa Mi chia sẻ. Trong lời đề tựa bài hát “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi”, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ viết: “Người con gái lạ lùng đó tên Thi. Thi trẻ đẹp như nhiều thiếu nữ thời nay. Thi yêu sớm. Tình Thi ngang trái. Người đời thị phi. Thi buồn và bỏ đi. Thi lên rừng. Có lẽ để khóc một mình dưới gốc cây già vô tri. Rồi cuối cùng Thi chết, một sáng mùa đông, trên nệm lá vàng…”.

“Tôi biết người con gái đó. Tôi ngạc nhiên về lòng chung thủy của nàng. Chuyện tình đẹp như một phép lạ đã mê hoặc tôi. Tôi mượn âm thanh để kể lại, để bất diệt hóa tình yêu của người. Xin Thi phù hộ cho tôi, cho cả những người nghe và hát “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi”, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ viết. Thời đó, Đoàn Văn nghệ Maxim có 12 nữ diễn viên múa chính, tất cả đều đẹp và múa giỏi. Họ đã được mời lên đài truyền hình góp mặt thường xuyên các chương trình ca nhạc có nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, đi lưu diễn khắp các tỉnh, thành.

Chuyện tình của người trinh nữ tên Thi (Hoàng Thi Thơ) | Dòng Nhạc Xưa

Trong 12 nữ diễn viên múa chính này có 3 chị em người Đà Lạt là Kim Lệ Thu, Kim Lệ Xuân, Kim Lệ Thi. Trong đó, Kim Lệ Thi yêu một nghệ sĩ đã có gia đình. Mối tình của Thi rất thiết tha và lý tưởng, nhưng rồi nó trở thành tuyệt vọng bởi người mà cô trao gửi tình yêu đã không thể đáp trái tim chân thành ấy. Say mê đến cuồng dại, nhưng vô vọng không tìm ra lối thoát, cuối cùng người trinh nữ tên Thi đã ra đi một cách bi thương, giữa khoảnh khắc thanh xuân tươi đẹp nhất của đời người.

Vợ nhạc sĩ là người nhan sắc, tài năng

Thơ ca của Hoàng Thi Thơ nổi tiếng là chuyện không bàn cãi. Thế nhưng, khi nhắc đến ông, khán giả vẫn thường nhớ đến những câu chuyện tình trắc trở với những bóng hồng nổi tiếng tài năng, xinh đẹp. Đó là mối tình sâu nặng với người tình Tân Nhân được nhiều sự chú ý và trở thành ý tưởng cho bộ phim “Đứa con và người lính”.

Tại một tập của chương trình “Chân dung cuộc tình”, lần đầu tiên khán giả được lắng nghe lại chuyện tình đẫm nước mắt nhiều biến cố không khác tiểu thuyết của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cùng người đẹp Tân Nhân. Ít ai biết rằng, nhạc sĩ tài hoa đã vụt mất cơ hội hai lần được gặp lại người xưa.

Biên tập Minh Đức chia sẻ: “Theo tài liệu tôi tìm hiểu được, trong năm 1963, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ở Campuchia thì gặp đoàn nhạc của Tân Nhân tại đây, nhưng bà nhất quyết không chịu gặp ông. Đến năm 1968, ông dẫn đoàn nhạc của mình đến Paris biểu diễn thì vô tình gặp đoàn hát của Tân Nhân cũng có mặt ở đây nên nhạc sĩ quyết tâm mua vé hàng đầu để chờ gặp người cũ, nhưng hết nhiều đêm diễn bà vẫn không xuất hiện”.

Câu chuyện của nhạc sĩ tài hoa Hoàng Thi Thơ cùng Tân Nhân như một cuốn tiểu thuyết tình yêu buồn luôn nhận được sự tò mò cũng như tiếc nối cho nhiều người. Bên cạnh đó, người vợ Thúy Nga của ông cũng nổi tiếng không kém về nhan sắc và tài năng, nhưng vẫn đôi lần ghen tuông với những bóng hồng xung quanh chồng.

Danh ca Phương Dung bật mí: “Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có hai lần rung động đều bị Thúy Nga phát hiện. Dù chỉ là hơi thoáng qua, nhưng bà Thúy Nga luôn có cách ứng xử của riêng mình rất thông minh, khôn khéo. Một lần anh Hoàng Thi Thơ rung động với một nữ ca sĩ xinh đẹp, bà Thúy Nga tự làm đau mình với câu nói đầy sâu sắc dành cho tình địch: “Chị không nghĩ em nỡ lòng làm đau chị như thế này”. Lần thứ hai anh Thơ ngẩn ngơ với một cô ca sĩ trẻ có đôi bàn tay đẹp, bà Thúy Nga liền gặp nói chuyện với người ấy, từ đó không thấy cô ấy đi hát nữa”.

“Bà Thúy Nga là người tài sắc, đoan trang, dù đang nổi cơn ghen của người phụ nữ, nhưng vẫn luôn kiềm nén cảm xúc và ứng xử rất khôn khéo khiến nhiều người nể phục”, danh ca Phương Dung cho biết. Cuộc đời âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ luôn sôi động với nhiều sự kiện, với những tác phẩm ấp ủ chuẩn bị ra đời.

Sống trọn vẹn với nghệ thuật, đến mức những năm cuối đời, sống xa quê hương dù sức khỏe đã yếu, Hoàng Thi Thơ vẫn mơ ước viết các opera nhạc hiện đại về lịch sử Việt Nam. “Tôi khổ lắm vì đến lúc này mà trái tim vẫn còn rung động”, ông nói khi đang nằm trên giường bệnh. Ba tháng sau, vào ngày 2/10/2001, ông qua đời ở Huntington Beach (Hoa Kỳ) trong khi trái tim nghệ sĩ đa tình vẫn thổn thức những nhịp đập đầy khát vọng như thuở đôi mươi…

Đình Phùng (Theo Báo Pháp Luật