Khi đất trời bước vào mùa Xuân, lòng người cũng rộn rã, ai ai cũng háo hức đón chờ; còn thiên nhiên như được thay màu áo mới tươi đẹp hơn, lung linh hơn. Và như một thói quen muôn thuở, nhà nhà đều đồng loạt bật vang những ca khúc nhạc Xuân trước năm 1975 – Nhưng dòng nhạc bất hủ của mọi dịp Tết đến Xuân về. Dù là nhạc hải ngoại hay nhạc Việt Nam thì nó như một truyền thống của cả dân tộc ta. Góp phần làm giàu đẹp cho tuyển tập nhạc Xuân trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, không thể bỏ qua nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng. Bởi 2 trong số 3 nhạc sĩ đã cho ra đời một ca khúc bất hủ theo thời gian – “GÁC NHỎ ĐÊM XUÂN” do nhạc sĩ Minh Kỳ và nhạc sĩ Lê Dinh cùng sáng tác.
Trước hết phải kể đến nhạc sĩ Minh Kỳ – Một cái tên đã gắn liền với những ca khúc nổi tiếng như “Anh tiền tuyến em hậu phương”, “Sầu tím thiệp hồng”, “Năm cụm núi quê hương”,….Sinh ra trong một gia đình hoàng tộc, là con cháu đời thứ sáu của vua Minh Mạng, nhạc sĩ đã trải qua thời thơ ấu tại Nha Trang, Khánh Hòa, nhưng quê gốc của ông lại ở Huế. Khi còn bé, ông đã có niềm yêu thích với âm nhạc, nhưng đến năm 19 tuổi ông mới có tác phẩm đầu tay cho mình. Đến năm 1957, ông vào Sài Gòn để định cư, cùng thời điểm này, ông có dịp họp mặt cùng Lê Dinh và Anh Bằng để thành lập nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng. Ròng rã hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc, Minh Kỳ đã không phụ lòng người hâm mộ khi để lại vô vàn bài hát nổi tiếng. Và ông luôn được xem là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng trước năm 1975.
Còn về nhạc sĩ Lê Dinh, sẽ không quá thiên vị khi nhắc đến ông với sức sáng tác đa dạng bằng những nhạc phẩm bền bỉ, bất diệt qua thời gian. Dòng nhạc mà ông theo đuổi chủ yếu là nhạc vàng, ông gây thương nhớ với người hâm mộ bằng nhiều tác phẩm có giá trị cao như: “Ga chiều”, “Chiều lên bản Thượng”, “Tình yêu trả lại trăng sao”,….Nhạc sĩ Lê Dinh tên đầy đủ là Lê Văn Dinh, là người con của miền sông nước miền Tây tại Gò Công (nay là tỉnh An Giang). Là một người có đời sống khá kín tiếng và có đôi chút trầm lặng, nhưng không thể phủ nhận, Lê Dinh đã thay mặt hàng triệu con người trên thế gian – viết nên những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống và trong cả tình yêu, vừa có tiếng cười vừa chứa đầy nước mắt. Điểm nhấn lớn nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông chính là những bài hát viết chung vùng nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng.
Bài hát “GÁC NHỎ ĐÊM XUÂN” là sự đồng điệu của hai nhạc sĩ có tên tuổi trong giai đoạn 1954 – 1975. Đây là ca khúc nói về tâm trạng của một người con gái đang đón chờ mùa Xuân khi đất nước vẫn còn chìm trong chiến tranh. Thời điểm ấy, người người nhà nhà chắc đều đang chuẩn bị cho một cách chưa mấy trọn vẹn, bởi Tổ quốc chưa thanh bình, người con Việt sao có thể an lòng mà vui Xuân. Tâm trạng của cô gái nhỏ cũng vậy, khi trông thấy dấu hiệu Xuân sang, lòng nàng cũng háo hức không kém nhưng dần dần niềm vui ấy chuyển sang thành buồn bã và cuối cùng thì lại tủi thân đến muốn rớt nước mắt. Xuân thì về rồi nhưng người thương thì chỉ nằm trong ký ức, nàng chỉ biết ôm những hoài niệm để động viên mình vui vẻ, nhưng sau đó lại chẳng kiềm được sự thật phũ phàng.
“Nhìn đôi bướm tung tăng trên cành lá
Tôi vui đón chờ, chờ tin Xuân thái hòa
nở trên khắp nơi như muôn hoa.
Bâng khuâng nhớ lại một mùa thương đã đi qua
Mùa Xuân ấy anh với tôi gặp gỡ
Đêm ba mươi giao thừa, niềm vui đến không bến bờ
Một căn gác nhỏ vùng ngoại ô thành đô
Nâng rượu mừng Xuân ước mơ……”
Xuân để về đến nơi rồi, đàn chim trên trời cũng háo hức đợi chờ, chúng đang líu lo trên những cành cây hé nụ. Những nụ tầm xuân cũng đang dần chớm nở để điểm tô thêm chút sắc cho đời. Còn cô nàng ấy, vẫn đang mong chờ khi Xuân đến sẽ nhận được tin báo thái hòa để bản thân còn được gặp lại người mình thương. Bởi đã bao mùa Xuân qua, nàng vẫn chẳng có tin tức gì về người ấy, chỉ biết lục lại phần ký ức đã chôn giấu để hoài niệm, để an ủi rằng người vẫn còn đây.
“Bâng khuâng nhớ lại một mùa thương đã đi qua” – Đã qua bao lâu rồi mà tình cảm ấy vẫn được cất giấu nơi trái tim này, chưa hề có dấu hiệu sẽ quên đi. Và mỗi mùa Xuân đến, nàng lại đem nó ra để nhớ lại rằng chúng ta đã từng gặp nhau như thế, khởi đầu cho một câu chuyện tình yêu như thế! Đêm ba mươi tết ta đón giao thừa cùng nhau, cùng nhau mong ngóng khoảnh khắc năm mới sang, cùng cầu nguyện cho một năm an lành sẽ đến. Niềm vui to lớn đã từng hiện diện nơi gác nhỏ của vùng ngoại ô thành phố, tuy không gian nhỏ, nhưng lại ấm áp lòng người. Cô nhớ rằng đôi lứa đã từng cạn ly rượu mừng Xuân vui vẻ và tràn ngập ước mơ….
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hương Lan trình bày.
“…..Nghe pháo nổ vang
Dáng anh mừng xích lại gần tôi nói rằng:
Chào Xuân vừa sang chúc Xuân đẹp cây bạc lá vàng.
Bao năm sống xa nhà chưa hề đón Xuân xa
Xuân nay hái hoa ngàn một cành đầy mai trắng
Chúc anh mãi yêu nàng một nàng Xuân thắm huy hoàng
Hẹn ngày vui đón Xuân sang…….”
Pháo hoa đã vang rền cả trời xanh, và pháo hoa đẹp nhất có lẽ là lòng em khi nghe được câu chúc năm mới được phát ra từ đôi môi anh: “Chào Xuân vừa sang chúc Xuân đẹp cây bạc lá vàng”. Nhưng đã qua bao mùa nhưng chàng vẫn chưa quay về để lại cùng đón năm mới, cùng trao cho nhau đôi lời chúc đẹp.
Thôi thì năm nay, em vẫn sẽ chúc anh có một năm mới tràn ngập hạnh phúc, nhanh chóng giành lại nền hòa bình cho Tổ quốc mai sau. Và hẹn đến mùa Xuân sang, nàng sẽ lại được cùng chàng đón một cái Tết đúng nghĩa, chẳng có sự hoài niệm mà chỉ có sự vui vẻ khi đôi lứa được bên nhau.
“…….Bạn thân hỡi! Hôm nay Xuân lại đến
Nhưng xa cách rồi mình tôi thương nhớ người
Giờ đây đón Xuân nơi xa xôi.
Hoa Xuân vẫn cười mà trời Xuân vẫn mưa rơi
Kỷ niệm ấy tôi biết đâu tìm nữa?
Đêm ba mươi giao thừa niềm thương đến không bến bờ
Một căn gác nhỏ vùng ngoại ô thành đô
không còn người thân đón đưa.”
Phải chăng, đoạn cuối của bài hát chính là những lời oán trách của nàng khi chàng đã quá lâu chưa cùng nàng chân chính đón chào một cái Tết đúng nghĩa. Nếu phải chờ đợi hơn nữa, phải hay không nàng sẽ quên đi mình còn có một người thương, người cùng đón Xuân đêm giao thừa? Những kỷ niệm ấy dù mỗi năm đều được lục lại thương nhớ, nhưng hình bóng chàng cũng đang dần nhòa đi rồi….Nơi gác nhỏ ấy đã từng là nơi chất chứa niềm vui không bến bờ, nhưng lại là nơi là người đau lòng.
“GÁC NHỎ ĐÊM XUÂN” không phải là ca khúc quá rộn ràng của những ngày Xuân háo hức, nhưng nó lại mang đến cho người nghe những cảm xúc dâng trào. Nếu bản thân bạn, chính là cô gái nhỏ trong bài hát, bạn sẽ thế nào khi đêm giao thừa lại chẳng một ai đón năm mới cùng? Cô đơn, hiu quạnh và nhiều hơn là sự tủi thân. Phần kết của bài hát tuy có chút sâu lắng, nhưng nhìn tổng thể, chúng ta vẫn thấy nhiều hơn là sự vui vẻ khi sắp được đón chào năm mới.
Nhạc Xuân cũng giống như bánh chưng hay bánh tét, nó đều không thể thiếu trong không khí rộn ràng của nàng Xuân vừa bước đến. Thiên nhiên thì có muôn hoa đua sắc, nhà nhà thì có bánh mứt cùng mâm quả, nhưng chung nhất và đồng điệu nhất chính là khúc ca ngày Tết. Thêm nhạc chính là thêm một nốt nhạc trọn vẹn cho sắc Xuân thêm ấm nồng, hãy tận hưởng những giây phút vui vẻ và hạnh phúc bên gia đình ngày Tết, để thấy yêu hơn khi trở lại những bộn bề chốn nhân gian đầy cạm bẫy.
Trích lời bài hát Gác Nhỏ Đêm Xuân:
Nhìn đôi bướm tung tăng trên cành lá
Tôi vui đón chờ, chờ tin Xuân thái hòa
nở trên khắp nơi như muôn hoa.
Bâng khuâng nhớ lại một mùa thương đã đi qua
Mùa Xuân ấy anh với tôi gặp gỡ
Đêm ba mươi giao thừa, niềm vui đến không bến bờ
Một căn gác nhỏ vùng ngoại ô thành đô
Nâng rượu mừng Xuân ước mơ.
Nghe pháo nổ vang
Dáng anh mừng xích lại gần tôi nói rằng:
Chào Xuân vừa sang chúc Xuân đẹp cây bạc lá vàng.
Bao năm sống xa nhà chưa hề đón Xuân xa
Xuân nay hái hoa ngàn một cành đầy mai trắng
Chúc anh mãi yêu nàng một nàng Xuân thắm huy hoàng
Hẹn ngày vui đón Xuân sang.
Bạn thân hỡi! Hôm nay Xuân lại đến
Nhưng xa cách rồi mình tôi thương nhớ người
Giờ đây đón Xuân nơi xa xôi.
Hoa Xuân vẫn cười mà trời Xuân vẫn mưa rơi
Kỷ niệm ấy tôi biết đâu tìm nữa?
Đêm ba mươi giao thừa niềm thương đến không bến bờ
Một căn gác nhỏ vùng ngoại ô thành đô
không còn người thân đón đưa.