“Đợi Chờ” không đáng sợ – Đáng sợ nhất là không biết phải chờ đợi đến bao giờ.

Đăng ngày 21/07/2024

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, ngay từ nhỏ nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã bộc lộ được tài hoa âm nhạc thiên bẩm của mình. Sinh năm 1929, Phạm Đình Chương chính là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc Việt từ những năm 1950 trở đi. Riêng về lĩnh vực âm nhạc, ông được coi là một nhạc sĩ tên tuổi với hàng trăm bài hát trong kho tàng của nền âm nhạc Việt Nam.

Bắt đầu sáng tác vào năm 18 tuổi, tác phẩm đầu tay của ông chính là bài hát “Ra đi khi trời vừa sáng”. Nhưng đến tận những năm 1950, những tác phẩm của ông mới thật sự thành công và để lại tiếng vang lớn như “Ly rượu mừng”, “Tiếng dân chài”, “Thủơ ban đầu”,….Và đáng kể nhất chính là trường ca bất hủ “Hội Trùng Dương” mà ông viết về đất nước Việt Nam với ba dòng sông như biểu tượng của đất nước quê ta: sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long.

Hơn 80+ câu ngôn tình ấn tượng nhất

Một tác phẩm khác không kém phần ấn tượng, chính là bản tình ca sâu lắng, đọng lại bao nhớ nhung của tác giả, đó cũng chính là ca khúc viết chung với nhạc sĩ Nhật Bằng – Bài hát “ĐỢI CHỜ”. Có một giai thoại cho rằng, đây chính là bản nhạc đầu tay của nhạc sĩ Nhật Bằng được lấy tên là “Hoa Trăng”, sau này khi vào Nam, được nhạc sĩ Phạm Đình Chương giúp viết phần lời ca và sau đó được đề nghị đổi tên thành “ĐỢI CHỜ”. Nhưng theo NXB Tinh hoa Huế in ấn vào năm 1952, thì dưới phần lời bài hát “ĐỢI CHỜ” được ghi rằng: “Lời và nhạc: Nhật Bằng và Phạm Đình Chương”. Điều này cho thấy, đây là bài hát được viết cả nhạc và lời do cả hai người.

Nhạc sĩ Nhật Bằng là một nhạc sĩ tiền chiến Việt Nam trước năm 1975 với gần 100 sáng tác với đầy đủ thể loại bài hát. Nhạc của ông không có sự thủ thỉ, nhẹ nhàng, lại càng không có tiếng la hét hay ồn ào nào. Tất cả đều là sự thu nhỏ vừa đủ, dịu dàng. Không có cái rạt rào mênh mông của sóng biển, chỉ có cái nắng ấm áp như vì sao trên mặt hồ. Nhạc của ông không có những nốt quá cao hay là quá thấp, mỗi nốt nhạc đều mang một sắc thái riêng của Nhật Bằng như bài hát “ĐỢI CHỜ” đấy.

Bài hát “ĐỢI CHỜ” chính là bài hát ghi lại một mối tình thời học trò, nhắc nhở những người yêu nhau phải yêu như thế nào khi xa nhau, nếu còn được gần nhau thì hãy cứ mạnh dạn yêu đi, mạnh dạn mà hết mình vì tình yêu đi, để đến lúc xa rồi mới thấy nhớ, mới thấy thế nào là chờ đợi một người. Trong tình yêu, bắt buộc nhau phải trải qua thời gian chờ đợi chính là việc làm tàn nhẫn nhất.

“Trăng lắng sâu vào đêm đợi chờ

Đêm thế gian quạnh khô mịt mờ

Như ném ai vào cõi bơ vơ

Nhưng vẫn chưa thấy người mơ….”

Làm gợi lên trong mỗi chúng ta câu thơ nổi tiếng của thi hào Nguyễn Du: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Chờ đợi một người chính là chìm đắm vào những nhớ thương, những mong ngóng, như tưởng mọi thứ xung quanh đều sẽ đồng tâm trạng với mình. Câu hát nghe sao mà tuyệt vọng: “Trăng lắng sâu….Đêm….mịt mờ, như ném ai vào cõi bơ vơ, nhưng người mơ vẫn chưa về…”. Chờ đợi một ai đó thực sự rất mệt mỏi, luôn đối diện với một hiện thực vô cùng tàn khốc là dù nằm mơ cũng chẳng thấy họ quay lại cùng ta. Sau đó, bản thân dần chìm vào tăm tối, cả cõi trời bơ vơ, hiu quạnh và chợt nhận ra mình chẳng là gì trong trái tim của họ cả.

Đã đến lúc thôi chờ đợi rồi phải không em?

“…Ta đi ngóng trông em, trong tiếng đêm dài….than

Ngàn tơ vàng chìm lắng, mơ dáng em về trong ánh trăng thề

Như gió đi tìm hương, như chim nhớ mùa, khát khao tình thương.

Ta níu xin thời gian, đừng cho phai úa, kiếp duyên tình man mác….”

Nhiều khi chúng ta đều biết đợi chờ là vô vọng nhưng trái tim không thể quên, không thể thôi mong ngóng, không thể thôi nhớ thương, càng không thể thôi hy vọng, dù cho chỉ là tự bản thân huyễn hoặc, tự an ủi lấy chính mình. Ta đã ngóng trông em trong từng đêm dài, khi những giấc mơ đêm ùa về ta luôn mơ em sẽ suy nghĩ lại mà quay trở về bên ta. Nhưng có lẽ sự thật mãi là sự thật! Em đã ra đi thật rồi, không bao giờ quay về nữa, nhưng sao ta vẫn luôn tìm kiếm bóng hình em “như gió tìm hương”, “như chim nhớ mùa”,….Tự cười bản thân sao ngốc nghếch quá, níu giữ chút thời gian để mọi thứ đừng trôi qua, và tình đôi ta vẫn như lúc đầu. Tình yêu sâu đậm là thế! Chính là muốn đứng trước một người đã ra đi không bao giờ quay lại mà thốt lên một câu: “Tôi sẽ chờ đợi” nhưng cái kết chính là “kiếp duyên tình man mác”.

“…Ta thiếp đi vì hơi tàn rồi

Bên khúc sông lạnh riêng mình ngồi

Ôm đóa hoa đọng ngát hương môi

Xa vắng cho lòng nhớ xa xôi.”

Để bắt đầu một mối tình luôn chứa đựng nhiều chông gai và khó khăn, nhưng để kết thúc một mối tình thì nó lại là việc quá đỗi dễ dàng bởi vì một cái quay mặt đi, vì một sự im lặng,  vì một cái gọi là sự chờ đợi.

Cái kết của sự chờ đợi trong tình yêu, có thể là người thương quay về, hai người sẽ hạnh phúc bên nhau, sống với nhau đến răng long đầu bạc. Nhưng một cái kết khác của sự chờ đợi, chính là một người mệt mỏi còn người kia chẳng biết gì cả. Tại sao? Bởi một khi quyết định ra đi, thì làm sao họ còn có ý định để quay về, vậy thử hỏi người chờ đợi để làm gì? Để mệt mỏi tinh thần và thể xác, để rồi nhận lại cái kết đau lòng với tấm thân cạn kiệt và một tâm hồn bị tổn thương – “Tôi thiếp đi vì hơi tàn rồi, bên khúc sông lạnh riêng mình ngồi”.

Một hình ảnh có thể sẽ lấy đi nhiều nước mắt của thính giả – “Ôm đóa hoa đọng ngát hương môi – Xa vắng cho lòng nhớ xa xôi”. Mệt mỏi rồi, anh buông tay đây, giờ đây anh đã buông bỏ những chờ mong em quay lại, chỉ giữ lại những kỷ niệm của đôi ta, giữ mãi trong lòng những thương nhớ dành cho người xa.

Cách hòa âm trong bài hát “ĐỢI CHỜ” khiến cho người nghe nhận ra rằng, cả da thịt lẫn linh hồn bài hát trở nên vô cùng gần gũi và trực tiếp hơn. Và đằng sau bài hát, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận ra cái không khí lành lạnh của Hà Nội vào đông, sự mờ mịt, cô đơn trên những con phố vắng người. Cảnh vật xung quanh đìu hiu như chính tâm trạng chờ mong của tác giả dành cho người mình yêu. Phải biết rằng, tình yêu một khi đã ra đi, dù cách nào cũng chẳng thể tìm lại, người cạn tình, dù có dành cả tuổi xuân để chờ đợi, để níu kéo cũng không thể nào quay về lại….

Đừng chờ đợi nữa! | Chùa A Di Đà

Trăng lắng sâu vào đêm đợi chờ.
Đêm thế gian quạnh cô mịt mờ.
Như ném ai vào cõi bơ vơ .
Nhưng vẫn chưa tìm thấy người mơ.

Ta đi ngóng trông em, trong (bóng) đêm dài … than.
Ngàn tơ vàng chìm lắng, mơ dáng ai về,
trong ánh trăng vàng.
Như gió đi tìm hương, như chim nhớ mùa,
khát khao tình xưa.
Ta níu xin thời gian, đừng cho phai úa,
kiếp duyên tình mộng mơ.

Ta thiếp đi vì vui tàn rồi.
Bên khúc sông lạnh riêng mình ngồi.
Ôm bó hoa đọng ngát hương môi.
Xa vắng cho lòng nhớ xa xôi!