“Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ” (Trịnh Công Sơn) – Tuổi trẻ vốn rất ngắn, hãy học cách trân trọng để không mang hối tiếc về sau…

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn thường gắn với hai chủ đề lớn: Thân phận con người trong kiếp sống vô thường và tình yêu (có thể là tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu giữa con người với con người,…). Từng có lần, nhạc sĩ họ Trịnh đã nói: “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”. Tính hữu hạn trong thân phận của con người thường được nhạc sĩ gửi gắm qua từng tác phẩm tinh thần của mình như một lời tâm sự, như một nỗi băn khoăn cần người chia sẻ. Và nhạc khúc “Đêm thấy ta là thác đổ” chính là một trong những bài hát điển hình khi người nhạc sĩ muốn trút những nỗi buồn, nỗi cô đơn của bản thân về thân phận con người, về kiếp nhân sinh trong cõi luân hồi với nhiều tâm sự lạc loài của kẻ bị bỏ rơi trong tình yêu.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Ta có thể dễ dàng mà nhận ra trong ca khúc “Đêm thấy ta là thác đổ” có sự chuyển dịch về thời không rất lớn và kéo theo sự xê dịch đó chính là những chuyển biến lớn về tâm trạng và cảm xúc của nhạc sĩ. Người nghe như đang đắm mình vào những thời điểm của không gian và thời gian, ở những cột mốc khác nhau người nghe rơi vào khoảng không khác nhau và có cảm nhận cùng sự thấu hiểu khác nhau dựa trên cảm nhận của người lãng du mang tên Trịnh Công Sơn. Thời điểm ấy, có thể là một đêm, một ngày, nhiều đêm, nhiều ngày, cũng có thể là mùa xuân, mùa hạ, một ngày trong thu,…và nó được gắn liền với những cảnh vật trong vũ trụ như gác nhỏ, phố nọ, vườn hoa,….Như nhiều nhạc sĩ khác, Trịnh Công Sơn cũng yêu thích sự dịch chuyển, nhưng lại khác với người khác khi đó chỉ là cái cớ mà Trịnh mượn để bộc bạch tâm tình của bản thân.

“Một đêm bước chân về gác nhỏ

Chợt nhớ đóa hoa Tường Vi

Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ

Giờ đây đã quên vườn xưa…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Ngọc trình bày.

Ban ngày, con người ta luôn đắm chìm và xoay quang với guồng quay công việc; những hối hả, tất bật; những căng thẳng, vồ vập,…cuống con người ta vào hố sâu của cuộc sống mưu sinh. Chỉ có đêm đến, bước chân trở về nơi gác nhỏ mới nhận ra rằng bản thân đã đánh mất quá nhiều, những khoảnh khắc trong cuộc đời vẫn còn sót lại trên những nẻo đường dài hun hút. Đến khi ngoảnh đầu nhìn lại, chỉ thấy đóa Tường Vi trắng nơi phố nọ đang vươn dài như những ngón tay xinh, mân mê và đắm chìm vào những suy nghĩ. Dường như, những bông hoa kia đã quên mất rồi nơi mình sinh trưởng, nơi vườn xưa đã bị trôi vào lãng quên. Khu vườn nhỏ cứ phập phồng, dâng lên từng đợt đau buồn khi nhắc về đóa Tường Vi, nỗi nhớ về nơi bước chân hài của một miền đất cát quê hương cội nguồn. Cái nhìn đau đáu vì sự cách biệt vời vợi, những vết nứt của thời gian chẳng thể hàn gắn.

“…..Một hôm bước qua thành phố lạ

Thành phố đã đi ngủ trưa

Đời ta có khi tựa lá cỏ

Ngồi hát ca rất tự do…..”

Bỗng một hôm có một chuyến đi qua nơi thành phố lạ, tựa như vòng quay cuốn con người ta vào chốn chu du bốn bể. Mặc dù thành phố kia đã chìm vào “giấc ngủ trưa” nhưng bản thân con người vẫn cứ như một nhà thám hiểm và khám phá mọi ngóc ngách, mọi cảnh vật đó đây. Những gam màu nâu sậm như màu đất của non nước dân tộc, hay những màu xanh biếc của bầu trời mới, màu trắng của những bức màn bí ẩn, màu đen của sự phiêu lưu cùng mạo hiểm,…tất cả đều cho chúng ta có chung một nhận định rằng, mình thật nhỏ bé “tựa lá cỏ”. Được thiên nhiên ôm vào lòng trong vòng tay trù phú và bao dung, cung cấp cho mầm sống tươi mát nhất của đất trời của hương hoa. Như trở thành một đứa con cưng, được mẹ thiên nhiên ủ ấm mà tránh hết những bão tố của cuộc đời. Còn bản thân lại cứ hồn nhiên, cứ vô tư mà “ngồi hát ca rất tự do”…..

“….Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà

Từ những phố xưa tôi về….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Khánh Ly trình bày.

“Đi để trở về”, đi thật xa nơi quê hương thân thuộc để rồi tự bản thân cảm thấy nhớ cái nơi mình vốn dĩ thuộc về rồi vượt ngàn trùng cách trở để quay lại nơi sinh thành….Về với khung trời kỷ niệm, về với những mộng ước ban đầu, về với tình yêu nguyên thủy,…Có những buổi chiều chạy theo nhịp điệu âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà ta như thấy mình đang trên một chiếc thuyền, được neo đậu tại một bến bờ nào đó, cứ lặng êm theo con nước trôi xuôi, cứ mặc cho gió vi vu thổi mát. Hy sinh tặng phẩm quý báu của tạo hóa – thời gian – để ngoái nhìn quá khứ, ngẫm nghĩ hiện tại và hướng vọng về tương lai. Đời này, ta chưa trải qua sẽ chẳng thể nào hiểu được sự vô giá của bến bờ, sẽ chẳng thể nào biết quý trọng cái gọi là “nơi tìm về”. Và chính bến bờ vô giá ấy mà ta chợt dừng lại để soi chính bóng mình dưới bến nước của cuộc đời, để dần chiêm nghiệm ra những triết lý nhân sinh mà không một ai có thể truyền thụ được. Cũng chính nó sẽ cho ta thấy được, những ngày xuân êm ấm quý báu đến nhường nào, dòng chảy thời gian như con suối từ thượng nguồn trong trẻo với những âm điệu róc rách của con nước, cho đến lúc đổ mình thành những cột thác đầy bọt trắng xóa và sau cùng vẫn là êm êm mà thả trôi trở về lại với đồng bằng.

“….Ngày xuân bước chân người rất nhẹ

Mùa xuân đã qua bao giờ

Nhiều đêm thấy ta là thác đổ

Tỉnh ra có khi còn nghe…..”

Tuổi trẻ ai mà không đầy nhiệt huyết và mong muốn trải nghiệm sự phiêu lưu khám phá. Mong ước ấy luôn mãnh liệt đến độ hàng đêm đều mơ thấy mình hóa thác, trút xuống từng đợt cuộn trào, phăng phăng qua những con dốc ghềnh, vùn vụt qua những đồi cao vời vợi. Như một thứ nhựa sống lúc nào cũng tràn đầy ý chí chiến đấu, cứ như những bọt nước trắng xóa vỡ tan theo từng đợt nước trút nơi chân thác. Nhưng, không có gì là mãi mãi cả, bởi những tinh thể nước vốn trong veo nhưng vượt qua nhiều gian truân từ thượng nguồn đến đồng bằng đã mang theo thêm nhiều vật chất khác. Nó không trường tồn, nó là sự hữu hạn đến nao lòng, bởi ban đầu “bước chân người rất nhẹ”, nhưng khi trải qua biết bao mùa xuân thì cũng dần trở nên nặng nề, và con người cũng không trẻ mãi mà sẽ nhanh chóng già đi theo quy luật luân hồi sinh – lão – bệnh – tử. Tuổi trẻ trong cuộc đời mỗi người vốn rất ngắn ngủ, chỉ một cái chớp cũng đã qua mấy mùa, chỉ một bước chân sai lầm cũng dẫn đến gục ngã,…nhưng chỉ cần mỗi người không đầu hàng trước số phận thì chúng ta tự ắt sẽ chống lại được thiên mệnh sẵn ban.

“……Một hôm bước chân về giữa chợ

Chợt thấy vui như trẻ thơ

Đời ta có khi là đóm lửa

Một hôm nhóm trong vườn khuya….”

Bản thân đã trở về rồi, rời xa nơi thành phố xa lạ và trở về với gánh chợ thân quen, bỗng nhận ra mình rất nhớ, nhớ cội nguồn thân sinh mà lòng bỗng vui như một đứa trẻ khi được tặng kẹo. Đời người vốn như bếp lửa, lúc bập bùng, lúc dần chợt tắt: cháy mãnh liệt mà cũng chóng lụi tàn, nhưng chỉ cần tiếp củi đúng cách, lửa kia vẫn được giữ mà cháy sáng như thuở ban đầu. Dù chóng tắt nhưng những đốm lửa tàn vẫn rất nóng, vẫn có thể làm bỏng người khi lỡ đụng vào, vẫn có khả năng bảo vệ bản thân trước những xâm phạm của cuộc sống đầy gian truân. Đôi lúc, bản thân tự hỏi, nếu những trái tim chẳng sôi sục như lửa nóng thì liệu nhân loại hôm nay sẽ ra sao? Cô độc, việc ai người nấy làm, chẳng ai biết đến ai, chẳng ai quan tâm đến ai, xung quanh bị bao trùm bởi một màu tối của bóng đêm hiu quạnh? Hay như thế nào? Đừng suốt ngày oán than non xanh bất công, mà không nhìn lại bản thân mình đang làm gì, trong khi trời cao nếu lấy đi của mình thứ này sẽ cố gắng mà bù lại cho mình những lựa chọn khác tốt hơn,…chỉ là ta đã vô tình đánh mất.

“…..Vườn khuya đóa hoa nào mới nở

Đời tôi có ai vừa qua

Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ

Tôi nghĩ quanh đây hồ như

Đời ta hết mang điều mới lạ

Tôi đã sống rất ơ hờ…..”

https://www.youtube.com/watch?v=JwSk3twV4h4

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Lệ Thu trình bày.

Chẳng phải là những loài hoa đặc trưng của bóng đêm, tỏa hương làm đẹp cho cuộc sống u tối, nhưng chỉ cần có đôi lúc đăm chiêu, hoang mang về cuộc sống mà bản thân đã vô tình bỏ qua nhiều thứ tốt đẹp khác. Cuộc đời này “hết mang điều mới lạ” bởi đôi lúc chúng ta đã quên xem xét lại bản ngã của chính mình, quên mất mình thật sự cần gì, thật sự muốn gì, mà cứ mải miết chạy theo những điều không tưởng. Nhiều khi vẫn tưởng mình đang đối mặt trực diện với đời, cứ nghĩ là bản thân sống thật chân thực, nhưng đến một ngày, chợt nhận ra đó chỉ là ảo mộng, chỉ là lớp mặt nạ mà ta cố gắng đeo lên.

“….Lòng tôi có đôi lần khép cửa

Rồi bên vết thương tôi quỳ

Vì em đã mang lời khấn nhỏ

Bỏ tôi đứng bên đời kia”

Trên đời này, không gì là tuyệt đối cả, kể cả niềm tin dành cho một ai đó hay dành cho chính cuộc đời này và nó càng nhạt nhòa nếu được quy chụp vào chuyện tình trường lứa đôi. Thật sự, bạn có tin vào những hứa hẹn hay không? Hay lúc chính mắt nhìn, chính tay cảm nhận vẫn không dám tin đó là sự thật? Tình yêu vốn lạ lùng như vậy đấy! Những say đắm lúc đầu tưởng sẽ là hạnh phúc của mãi mãi về sau, nhưng sau cùng lại nhận ra nó đang dần nhạt nhòa cứ như những đợt khói trắng bồng bềnh trôi về miền xa mù mịt. “Em đã mang lời khấn nhỏ” đã ra đi thật rồi, còn bản thân ta lại như món đồ chơi cũ bị bỏ lại trong miền ký ức của em, cứ lặng lẽ đứng đó mà không thể cử động, “đứng bên đời kia”.

“Đêm thấy ta là thác đổ” mang theo nhịp 2/4 chậm rãi của điệu Blue đầy khắc khoải, gợi lên những nỗi buồn miên man chứa đầy tâm sự. Cả bài hát đều như một điệp khúc, lặp đi lặp lại nhiều lần, vô cùng mãnh liệt. Góp phần tạo nên sức sống bền bỉ với thời gian cho ca khúc “Đêm thấy ta là thác đổ” chính là lời ca đầy ám ảnh, có người từng nói, nếu bỏ qua những giai điệu, bài hát có thể đứng hoàn toàn như một bài thơ, “một bài thơ hay”.

Lời bài hát Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ – Trịnh Công Sơn

Một đêm bước chân về gác nhỏ
Chợt nhớ đóa hoa Tường Vi
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa
Một hôm bước qua thành phố lạ
Thành phố đã đi ngủ trưa
Đời ta có khi tựa lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do
Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà
Từ những phố xưa tôi về
Ngày xuân bước chân người rất nhẹ
Mùa xuân đã qua bao giờ
Nhiều đêm thấy ta là thác đổ
Tỉnh ra có khi còn nghe

Một hôm bước chân về giữa chợ
Chợt thấy vui như trẻ thơ
Đời ta có khi là đóm lửa
Một hôm nhóm trong vườn khuya
Vườn khuya đóa hoa nào mới nở
Đời tôi có ai vừa qua
Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ
Tôi nghĩ quanh đây hồ như
Đời ta hết mang điều mới lạ
Tôi đã sống rất ơ hờ
Lòng tôi có đôi lần khép cửa
Rồi bên vết thương tôi quì
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia

Đánh giá post

Viết một bình luận