Nhạc sĩ Hoàng Trang tên thật là Trần Văn Phát, bút danh Hoàng Trang có nghĩa là hoa trang vàng, một loài hoa gắn bó với ông từ lúc nhỏ. Ngoài ra ông còn có nhiều bút danh khác như Thiên Tường, Hồng Đạt, Triết Giang, Trần Nguyên Thụy. Những bài hát nổi bật của ông có thể kể đến như Ăn Năn, Không Bao Giờ Quên Anh, Ngỏ Hồn Qua Đêm, Kể Chuyện Trong Đêm,…và một bài hát cũng rất nổi tiếng khác đó là Đêm Ru Điệu Nhớ, ca khúc nổi tiếng gắn liền với tên tuổi danh ca Giao Linh.
Phải nói rằng bài hát “Đêm ru điệu nhớ” là bài hát dành riêng cho ca sĩ Giao Linh bởi giọng hát của Giao Linh rất hợp bài này, nhiều người vẫn hay bảo rẳng “Đêm Ru Điệu Nhớ” chỉ có Giao Linh mới hát hay và trọn vẹn. Tiếng hát Giao Linh rất cảm xúc, giọng nhẹ nhàng, thủ thỉ nhưng rất nội lực, cô như thả hồn vào bài hát, truyền tải đến người nghe một cảm xúc hoàn hảo nhất.
Trong lời đề tựa, nhạc sĩ Hoàng Trang đã viết:
Tôi viết cho những người trai chiến đấu
Cho những dòng sông còn cô đơn
Cho những người yêu nhau chung thủy.
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Giao Linh thâu thanh trước 75
Nội dung bài hát xoay quanh chủ đề tình yêu thời chiến, một chủ đề rất phổ biến trong thập niên 1960-1970. Những bài hát về chủ đề này thường là tâm sự của những người ở hậu phương nhớ mong, chờ đợi người yêu trở về từ nơi tiền tuyến.
Anh nói từ lâu đôi ta yêu nhau chân thành một lòng
Ngày đầu gặp nhau, vì chung lý tưởng mình trao tiếng cười
Cùng một quê hương, cùng chung chí hướng
Kết nên câu chuyện ân tình ngày nay
Nên nhớ nên thương, những ngày mình xa cách tràn đầy con tim.
Em biết đời anh chưa nguôi đau thương chiến cuộc này còn
Thì dù ngàn phương là đêm cách biệt đừng dâng mắt buồn
Một vầng trăng khuya, đùa mây ngó xuống chứng minh câu thề của một người đi
Non nước chia phôi, chắc ngày về không có cùng người chinh nhân.
Đếm bước anh đi, em làm Tô Thị
Đèn chong soi đan áo chăn lạnh mùa đông
Cho nến tuôn rơi theo tấc lòng
Nếu biết quê hương em là sông Hồng
Thì quê hương anh cũng có một dòng sông
An Phú Đông… ôi An Phú Đông!
Có những dòng sông mênh mông yêu nhau như chuyện vợ chồng
Địa đầu từng đêm, người đi biết rằng, người thương đêm chờ
Đường dài quê hương, Trường Sơn hun hút
Chất cao ân tình không nhạt màu son
Nên nhớ nên thương những ngày mình xa cách, đừng buồn nghe em…
Bài hát “Đêm ru điệu nhớ” nhạc sĩ Hoàng Trang đã ký tên sáng tác là Hoàng Trang và Triết Giang. Thoạt đầu nếu những ai chưa biết về Hoàng Trang chắc chắn sẽ nghĩ rằng Hoàng Trang và Triết Giang là hai người khác nhau, nhưng thật ra đó lại là một người, Triết Giang là một bút danh khác của ông. Cũng chẳng hiểu vì sao Hoàng Trang lại để như vậy, điều đó chỉ có nhạc sĩ biết mà thôi.
Bút danh Triết Giang của nhạc sĩ Hoàng Trang lần đầu xuất hiện trong bài hát Ngỏ Hồn Qua Đêm (Triết Giang – Hàn Châu). Theo lời kể của người nhà của nhạc sĩ thì 2 cái tên này được nhạc sĩ lấy dựa theo tên tỉnh thành ở Trung Quốc, Hàn Châu và Triết Giang (Hàn Châu là thủ phủ của tỉnh Triết Giang (tức Chiết Giang).
Phần lời gốc của bài hát là tâm sự của chàng lính gửi tới người yêu nơi hậu phương. Trong bản thu âm sau năm 1975, ca sĩ Giao Linh đã sửa lại một vài từ, chuyển thành nội dung là lời tâm tình của cô gái nhớ mong người yêu đang ở nơi đầu tuyến.
Em biết từ lâu đôi ta yêu nhau chân thành một lòng
và
Nên nhớ nên thương những ngày mình xa cách, đừng buồn nghe anh…
Tình yêu người lính đều là những mối tình xa, với bao nỗi nhớ nhung chờ đợi. Chàng trai và cô gái trong bài hát đã có một tình yêu như vậy. Họ cùng lớn lên, ở cùng một quê hương, cùng chung chí hướng, cùng mang một tình yêu đất nước, nên đã “kết nên câu chuyện ân tình ngày nay”. Dẫu vậy, họ vẫn phải xa nhau, vì một lý tưởng cao cả. Có những tình yêu mang tên Tổ Quốc, một thứ tình yêu nồng cháy và mãnh liệt. Không lãng mạn như tình yêu đôi lứa nhưng đó là tình cảm thiêng liêng nhất, đáng quý nhất. Khi chúng ta cùng hướng về hai tiếng Tổ Quốc thì khoảng cách bao xa cũng không còn quan trọng.
Biết rằng yêu người lính ấy là chấp nhận hy sinh, chấp nhận thiếu đi bóng hình người ấy bên cạnh, thiếu đi những cái nắm tay, cái ôm trìu mến, nhưng cô gái vẫn một lòng đợi anh, vẫn khắc ghi từng câu ước hẹn, và luôn mong rằng anh cũng nhớ lời, “đùa mây ngó xuống chứng minh câu thề của một người đi”. Về sau, liệu có còn gặp nhau nữa không, có được hội ngộ với người chinh nhân. Niềm hy vọng mong manh, nhưng một khi đã trót gửi gắm tâm tình nơi xa ấy, cô gái nào buông xuôi được.
Cả cuộc đời vì một chinh nhân mà khoác lên mình hai chữ “hậu phương”. “Đếm bước anh đi”, “đèn chong soi đan áo chăn lạnh mùa đông”. Từng ngày trôi qua cô gái không ngừng nghĩ về chàng trai, không những thế, cô gái tự tay đan áo để gửi ra tiền tuyến cho chàng giữa mùa đông lạnh giá. “Nến tuôn rơi theo tấc lòng”, nhớ người đau đáu trong tim, ngẩn ngơ chờ đợi mà lòng buồn man mác, nỗi buồn trống rỗng, cô đơn.
Ở đoạn cuối bài hát là những lời nhắn nhủ của chàng trai với người yêu, để cô yên tâm, đừng nên quá lo lắng và buồn tủi. “Có những dòng sông mênh mông yêu nhau như chuyện vợ chồng”, những con sông dù có chảy đi đâu nữa thì điểm cuối cùng cũng sẽ trở về biển. Con người ta cũng vậy, chỉ cần luôn nhớ về nhau, trong tim vẫn còn chỗ cho nhau thì cuối cùng ắt sẽ gặp lại, người đi rồi cũng sẽ quay về. Bước chân người lính trên những đoạn đường gian khổ, khi đêm về là nỗi nhớ về em. Anh luôn biết rằng ở nơi xa đó, em vẫn chờ đợi, anh nơi đây cũng không thôi nghĩ về nơi em, nhưng vì xa cách, tâm tình này chỉ biết gửi nơi Trường Sơn hun hút. “Nên nhớ nên thương những ngày mình xa cách, đừng buồn nghe em…”.
Tình yêu người lính không dồn dập như những con sóng, không mãnh liệt như sức gió ngoài biển khơi mà lại dịu dàng như làn tóc và ấm áp như hơi thở của em. Yêu anh em bằng lòng đợi anh, khi đất nước yên bình anh sẽ lại về bên em.
Em biết từ lâu đôi ta yêu nhau chân thành một lòng
Ngày đầu gặp nhau, vì chung lý tưởng mình trao tiếng cười
Cùng một quê hương, cùng chung chí hướng
Kết nên câu chuyện ân tình ngày nay
Nên nhớ nên thương, những ngày mình xa cách tràn đầy con tim.
Em biết đời anh chưa nguôi đau thương chiến cuộc này còn
Thì dù ngàn phương là đêm cách biệt đừng dâng mắt buồn
Một vầng trăng khuya, đùa mây ngó xuống chứng minh câu thề của một người đi
Non nước chia phôi, chắc ngày về không có cùng người chinh nhân.
Đếm bước anh đi, em làm Tô Thị
Đèn trong soi đan áo chăn lạnh mùa đông
Cho nến tuôn rơi theo tấc lòng
Nếu biết quê hương anh là sông Hồng
Thì quê hương em cũng có một dòng sông
An Phú Đông… ôi An Phú Đông!
Có những dòng sông mênh mông yêu nhau như chuyện vợ chồng
Địa đầu từng đêm, người đi biết rằng, người thương đêm chờ
Đường dài quê hương, Trường Sơn hun hút
Chất cao nhưng lòng không hề nhạt phai
Nên nhớ nên thương những ngày mình xa cách, đừng buồn nghe anh.
- Sau 4 thập kỉ giai thoại “con ma nhà họ Hứa”
- “Ăn năn” (Hoàng Trang) – Tình càng đậm sâu lại càng đau
- Tiết lộ thú vị về cầu Ba Cẳng – Cầu đi bộ đầu tiên ở Saigon
- Hiểu rõ hơn về kiến trúc đặc biệt của Tôn giáo xưa ở Sài Gòn qua hơn 90 bức ảnh quý – Phần 2
- Những dòng kỷ niệm khó quên trên mảnh đất Sài Gòn- Phần đầu