Đất trời có vạn mùa xuân – con người có mấy lần xuân trong đời…“Xuân Và Tuổi Trẻ”

Đúng vậy! Đất trời có mùa xuân tuổi đẹp, còn con người thì có tuổi thanh xuân tươi trẻ. Mùa xuân của đất trời thì đầy hoa thơm cùng sắc thắm, còn thanh xuân của một người thì tràn đầy sức sống của tình yêu, tươi mới như nhau, nồng cháy như nhau….Nhưng có một điều ai ai cũng biết, đó là mùa xuân thì như vòng tuần hoàn lặp lại, qua đi sẽ lại trở về, còn thời thanh xuân của con người thì mãi chẳng quay đầu, đã ra đi thì trôi qua mãi mãi….Ta đón xuân qua mỗi năm bằng những xúc cảm khác nhau, dù mùa xuân lặp lại như vòng tròn, nhưng đối với chúng ta mỗi mùa xuân lại đón chào một sự tươi mới. Dù thanh xuân chẳng thể níu kéo, nhưng ta vẫn có thể làm cho thanh xuân của mình luôn lạc quan và xinh đẹp. Có lẽ chẳng ai thấu hiểu được xúc cảm này bằng hai người nhạc sĩ La Hối và Thế Lữ khi truyền tải đến với người yêu nhạc ca khúc nhộn nhịp đón chào năm mới trong sắc thái vui tươi của “XUÂN VÀ TUỔI TRẺ”.

Nghệ sĩ La Hối

La Hối không chỉ là người nhạc sĩ nổi tiếng, mà ông còn là người chiến sĩ quân khu anh dũng trong thời kỳ chống phát xít Nhật. Sinh ra vào năm 1920, là người con mang hai dòng máu Trung – Việt, từ nhỏ ông đã bộc lộ năng khiếu về âm nhạc. Trong giai đoạn 1936 – 1938, ngoài thời gian học tập tại Sài Gòn, ông còn dành ra để trau dồi và học hỏi âm nhạc cổ điển phương Tây. Yêu âm nhạc là vậy, nhưng công cuộc kháng chiến không cho ông quá nhiều thời gian để được thỏa sức sáng tác, khi cho ra đời nhạc phẩm “XUÂN VÀ TUỔI TRẺ” thì sang năm La Hối đã tham gia vào một tổ chức chống phát xít và bị hiến binh Nhật вắт ɢιữ. Ông đã cùng những người đồng chí đã phải chịu sự hành hạ tàn nhẫn và bị κếт ʟιễu cuộc đời bằng những phát súng không thương tiếc. Nhưng trong tâm người hâm mộ, ông vẫn luôn sống và bất tử như nhạc phẩm của ông.

Nhạc sĩ Thế Lữ

Còn về nhạc sĩ Thế Lữ thì nhiều người đã quá quen thuộc, bởi ông không chỉ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật bằng con đường sáng tác, mà còn được biết đến với vai trò nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu,….Tên thật của Thế Lữ là Nguyễn Đình Lễ, sinh năm 1907 tại thủ đô Hà Nội. Bút danh Thế Lữ của ông trải qua nhiều sự kiện mà hình thành nên, nhưng với ông bút danh này lại hay nhất và phù hợp với quan niệm sống của ông nhất – Bởi “Thế Lữ” mang ý nghĩa là “Người khách đi qua trần thế”, chỉ phiêu lãng chứ chẳng dừng chân lại đâu.

Nhạc khúc màu xuân của đôi nhạc sĩ La Hối và Thế Lữ – “XUÂN VÀ TUỔI TRẺ” chính là bài hát thịnh hành nhất hơn 70 năm kể từ khi nó ra đời. Cứ mỗi dịp tết đến xuân lại về, thì giai điệu của ca khúc lại được ngân vang khắp nơi, điểm tô thêm chút sắc màu lạc quan cho đất trời. Đây được xem là bài hát tạo nên sự thành công vang dội cho cố nhạc sĩ La Hối, và cũng là bài hát duy nhất trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ông. Phần nhạc của ca khúc “XUÂN VÀ TUỔI TRẺ” được nhạc sĩ hoàn thành vào năm 1944 – Đây cũng là giai đoạn sớm trong nền tân nhạc Việt Nam. Phần lời do Thế Lữ đảm nhận và hoàn thiện vào năm 1946, nhưng ông lại không phải là người đầu tiên, lời nhạc ban đầu là do một người mang nghệ danh Diệp Truyền Hoa viết bằng tiếng Hán. Trong một lần vô tình khi đoàn kịch nói của Thế lữ có dịp vào Nam biểu diễn, ông đã nghe thấy bản nhạc, cảm thấy hay và yêu thích nên ông đã đặt thêm phần lời Việt và phần lời này được truyền mãi đến ngày nay.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do danh ca Thái Thanh trình bày.

Mang trong mình chất nhạc trữ tình đằm thắm cùng với những hình ảnh trong sáng trên điệu nhạc Valse tươi tắn, ca khúc “XUÂN VÀ TUỔI TRẺ” đã hoàn toàn chinh phục người yêu nhạc khi bộc lộ được nỗi niềm hân hoan trước thềm mùa xuân tới. Cảm xúc yêu đời của cố nhạc sĩ đã góp phần để lại tất cả những điều tinh hoa, tâm hồn trong trẻo và lòng yêu đời mãnh liệt trong cuộc sống dù khốn khó, cổ vũ tất cả mọi người. Mặc dù bài hát này rất thịnh hành cùng lan rộng, nhưng một phần do tiết tấu nhanh cùng mười trường canh hát liền một hơi phần đoạn kết, nên bài này được xếp vào nhạc xuân khó hát nhất.

“Ngày thắm tươi bên đời xuân mới,
Lòng đắm say bao nguồn vui sống.
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng,
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…..”

Bằng nhịp điệu vui nhộn và giai điệu mượt mà, lại có phần hối hả, từng ca từ trong bài hát lại gợi lên sự trong sáng và tươi trẻ, bài hát đã mang người nghe trải qua những cảm xúc chẳng thể nói nên lời.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Lưu Ánh Loan trình bày.

Mùa xuân luôn là mùa đẹp nhất trong năm, nó chẳng nóng bức như mùa hè, mà lại có thời tiết mát mẻ vừa phải chẳng nóng cũng chẳng lạnh. Thời tiết và không khí hoàn toàn tươi mới, làm cho muôn hoa thêm xinh đẹp, muôn thú thêm tung tăng và con người thêm hạnh phúc. Mùa xuân còn mang ý nghĩa của sự chan hòa, sum vầy và yêu thương, người tha hương về với gia đình, người yêu nhau được kề cạnh bên nhau, con cái được êm đềm cùng bố mẹ,…khung cảnh ấy mấy ai dám phá vỡ. “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới, lòng đắm say bao nguồn vui sống…” đột nhiên nghe những ca từ này, lòng chẳng thể bình yên, cứ nôn nao trông chờ những nhịp xuân sắp tới như bước chân người trẻ trung tăng dạo bước trên phố vui đùa.

“….Ngày thắm tươi bên đời xuân mới,
Lòng đắm say bao nguồn vui sống.
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng,
Ta muốn luôn luôn cười với hoa….”

Nếu một ngày có 12 tiếng để nắm giữ sự vui vẻ và nhộn nhịp của đời người, thì khi mùa xuân đến, ta lại cảm thấy cả ngày cả đêm đều là tuổi trẻ, sức sống luôn ngập tràn, như một dòng chảy không bao giờ cạn trong lòng chúng ta. “Xuân về với ngàn hoa tươi sáng, ta muốn luôn luôn cười với hoa” – Thời gian cũng như được đổi thay, có lẽ mùa xuân chính là nhựa sống của muôn loài. Dù những ai đang mang nhiều tâm sự trong lòng, khi thấy hoa tươi đua nở giữa lòng xuân mơn man, thì cũng chỉ muốn tươi cười mà thôi nó như được xua tan hết mọi phiền muộn trong cuộc sống.

“…..Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời,
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi……”

Xuân về như thay màu áo mới cho thiên nhiên, từng đàn én tung bay vờn nhau trên vòm trời rộng lớn, vui sướng reo vang từng tiếng ríu rít nhộn nhịp, người gia cũng như được trẻ lại vui đùa cùng bầy cháu thơ. Mừng xuân vui vẻ là thế, những Thế Lữ cũng không quên nhắc nhở mọi người: Dù bạn là ai, cũng đừng thoái hóa quá mức mà hãy giữ cho mình một chừng mực nhất định – “Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm”. Tích cực cùng lành mạnh, đừng phá đi nét đẹp thuần phong mỹ tục của nền văn hóa Việt Nam. Ta cảm thấy trẻ khi vui và cảm thấy vui tức là mình còn trẻ mãi “Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi” – Đó mới là niềm vui cùng ý nghĩa thực sự của mùa Xuân.

“…..Vui sướng đi cho đời tươi sáng,
Vui sướng đi cho lòng thêm tươi,
Ta hát ca đón mừng xuân mới,
Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái…..”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thanh Thuý trình bày.

Quẳng hết tất cả những gánh lo trên vai, nhẹ nhàng mà tận hưởng một mùa xuân hạnh phúc. Đời sẽ tươi sáng khiu bản thân ta thực sự vui vẻ, đời sẽ chẳng còn bóng tối khi nụ cười luôn nở trên môi, lòng nhẹ người sẽ đẹp, tâm trẻ đời luôn sáng. Đừng chôn giấu hoài những chán ghét nhau, hãy học cách tha thứ cho người khác, để tâm chẳng còn nặng, tận hưởng một cái Tết đúng nghĩa.

“……Hát vang lên đời ta thắm tươi,
Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca
Hát vang hòa lòng thêm hăng hái

Hát vang lên đời ta thắm tươi,
Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca,
Xuân tưng bừng …”

Thật vậy! Chẳng ai có thể ngăn được bạn vui tươi và sung sướng, con chim dù bị giam cầm trong lồng sắt vẫn có thể an ủi mình bằng cách cất tiếng hót vang trời, cánh hoa sớm nở tối tàn nhưng khi được nở lại vẫn tung cánh mà nở rộ lung linh. Vậy có điều gì có thể ngăn cản chúng ta “Hát vang lên đời ta thắm tươi, tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa”.

Có lẽ mỗi người đều nghĩ, niềm vui sẽ chẳng nở nụ cười tươi lần thứ hai, nhưng với mùa Xuân thì định luật ấy hoàn toàn bị dẹp bỏ, bởi niềm Xuân luôn được nhân đôi, như câu hát “Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca” được lặp lại đến hai lần trong ca khúc. Xuân luôn ngập tràn, Xuân luôn rộn ràng muôn tiếng hát. Ngại gì mà không tận hưởng niềm vui ấy một cách trọn vẹn!

Chắc có lẽ mọi người cũng cảm nhận được nét nhạc khác lạ nhưng lại vô cùng độc đáo của  bài hát “XUÂN VÀ TUỔI TRẺ”, lúc thì sâu lắng, trữ tình nhưng lại đâu đó nét hồn nhiên; lúc thì vui nhộn, tưng bừng…..Tác giả đã vẽ nên bức tranh mùa xuân với hàng ngàn sắc tía, không quá u buồn, nhưng cũng tràn ngập ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải.

Mùa xuân đang tràn về khắp muôn nơi trên mảnh đất hình chữ S thân yêu này, mùa xuân mang đến xúc cảm lạ lùng cho các nhạc sĩ nói riêng và cho tất cả nghệ sĩ nói chung. Những rung cảm như nguồn động lực mạnh mẽ khơi gợi sức sáng tạo mãnh liệt, và cũng từ đó các nhạc sĩ như có thêm cảm hứng ra đời nhiều tác phẩm tươi mới về mùa xuân của đất nước nước, mùa xuân của tình yêu hay mùa xuân của tuổi trẻ như La Hối và Thế Lữ.

Đánh giá post

Viết một bình luận