Một chút se lạnh, đón chờ từng đợt gió xuân trở về, những cánh đào tươi thắm, những hoa mai vàng “ngự trị” trên những nhành cây, bất chợt nhận được một tấm thiệp hồng báo tin mừng….cũng là lúc chúng ta nhận ra mùa cưới đã đến rồi. Mùa của bao mật ngọt yêu thương, mùa của các cặp đôi sẽ được về chung một mái nhà cùng với vô vàn lời chúc tốt đẹp để đôi trẻ mãi hạnh phúc bên nhau. Không chỉ ứng với hiện tại, mà đây có lẽ là phong tục có tự thời xa xưa và trong cả thời chinh chiến. Họ mong lương duyên đầu năm có thể mang đến nhiều phước lành cho đôi trẻ và cũng vì thể càng nhiều người mong đợi có được một các lễ cưới lúc đầu năm.
Trong dòng nhạc vàng của nền âm nhạc Việt Nam, có rất nhiều ca khúc mượn chủ đề mùa xuân mà nói lên tâm tình của người lính chiến khu. Cả nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng như vậy, với danh hiệu nhạc sĩ chuyên nhạc lính ông đã không phụ lòng người hâm mộ khi để lại khá nhiều nhạc khúc nổi tiếng như “Đồn vắng chiều xuân”, “Mùa xuân lá khô”, “Phút giao mùa” và nổi bật với nhạc phẩm “ĐÁM CƯỚI ĐẦU XUÂN”. Bài hát này thường được chọn làm ca khúc chủ đề để chúc mừng đôi tân lang và tân nương trong ngày cưới, một không khí vui tươi xen chút không gian ngày tết làm cho tiệc mừng thêm náo nhiệt.
Một chút đáng yêu trong ca khúc “ĐÁM CƯỚI ĐẦU XUÂN” khi nhạc sĩ đa tài Trần Thiện Thanh đã mượn một chút ý Xuân để diễn tả nên một câu chuyện tình yêu ngọt ngào và ông đã vẽ nên bức tranh tình thật dễ thương. Từng kỷ niệm, từng hồi ức yêu thương được chàng tỉ mỉ mà ôn lại, nhớ lúc hẹn hò đôi lứa, nhớ làm sao khung cảnh tỏ tình yêu đương, lại nhớ những điều dặn dò kín đáo tâm tư. “ĐÁM CƯỚI ĐẦU XUÂN” là một trong những nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, bài hát đã vẽ nên một bức tranh về mối tình ngây dại…sau từng ấy năm trôi qua, khi chàng trai đã đủ tuổi để lên đường nhập ngũ nhưng mối tình thơ vẫn hằn sâu trong trái tim của người chiến sĩ xa nhà. Một sự thân thuộc gợi nên bao điều quyến luyến. Trên con đường hành quân, trông thấy sắc tím của những cánh sim rừng, lòng chàng lại miên man mà hoài niệm về thời xưa cũ….
“Ngày xửa ngày xưa đôi ta chung nón đôi ta chung đường.
Lên sáu lên năm đôi ta cùng sách đôi ta cùng trường.
Đường qua nhà em nghiêng nghiêng sân nắng,
nghiêng nghiêng mây hồng.
Chiều nao đuổi bướm, bướm bay vô vườn
mà nước mắt rưng rưng ……”
Cụm từ “ngày xửa ngày xưa” gắn liền với bao thế hệ trẻ thơ, như đang bắt đầu một câu chuyện bà kể cháu nghe, chỉ một câu thôi cũng đủ làm ta nhớ lại biết bao là kỷ niệm thơ ấu. Bằng giai điệu thiết tha cùng với sự hồn nhiên trong sáng, nhạc sĩ đã đem ta trở về thời thơ ấu để ông lại những kỷ niệm vụng dại khi xưa.
Chàng trai đã mở ra cánh cửa tuổi thơ cùng với cô nàng chung nón, đôi trẻ một thời chung đường về, sau đó lại chung trường dùng chung quyển sách. Một tàu lá, một con đường đã gắn kết hai đứa trẻ ngây thơ. Ngày xửa ngày xưa ấy còn non dại, có biết điều gì đâu, chỉ biết đôi ta là hàng xóm, là thanh mai trúc mã vui buồn có nhau, cũng chẳng biết ta thân nhau tự bao giờ. Lại thêm một câu hát mới đẹp làm sao “Đường qua nhà em nghiêng nghiêng sân nắng, nghiêng nghiêng mây hồng”, một sự thơ mộng đúng tuổi mộng mơ, cảnh sắc về nhà rải đầy những áng mây hồng như mở ra một câu chuyện cổ tích. Câu hát làm người nghe cứ lâng lâng theo từng giai điệu, làm lòng ta thấy nhẹ nhàng và suy nghĩ cũng dần trôi về quá khứ. Cũng trên cung đường đó, đôi chúng ta vẫn thường hay đùa giỡn với nhau, cùng nhau đuổi bắt bướm xinh, nhưng trẻ con mà, lúc nào cũng vô ưu vô tư và lại mau nước mắt…
“……Rồi một ngày kia em khoe áo mới xanh hơn mây trời.
Hai đứa chung vui khi xuân vừa tới thơ ngây cuộc đời.
Trò chơi trẻ con em cô dâu mới chưa nghe nặng sầu.
Chú rể ngân ngơ ra hái hoa cà làm quà cưới cô dâu…..”
Có tuổi thơ của ai đã từng chơi trò “cô dâu chú rể”, em làm cô dâu còn anh là chú rể, đôi ta cười đùa đến quên trời đất. Tuổi mới lớn có suy nghĩ gì nhiều, chỉ biết bản thân đã rất vui vẻ và cười rất nhiều.
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Nhật Trường trình bày.
Đó có lẽ chính là khoảnh khắc anh nhớ mãi trong tim, lần đầu tiên chàng trai ngẩn ngơ, trái tim có phần nhộn nhịp khi chợt nhận ra người bạn thanh mai nay đã trở thành một người thiếu nữ quá đỗi đẹp xinh trong tà áo xuân mới. Ngẩn ngơ nhưng cũng không quên hái một hóa cà để làm quà cưới cho cô dâu bé nhỏ, hình ảnh ấy mãi mãi khắc ghi trong tim của chàng.
“…….Mười mấy năm qua khi hoa vừa hé
nhụy thì đời trai vui chinh chiến
Anh xuôi miền xa bao lần đếm bước xuân qua
Em ơi, kỷ niệm xưa anh còn giữ mãi trong lòng……”
Nhưng ngày vui chưa được bao lâu, thanh xuân còn chưa đủ thì lại hay tin người trai pahir lên đường tòng quân ra trận, con tim vừa loạn nhịp nay lại về đúng vị trí, tình cảm vừa chớm nở lại nhanh chóng bị chôn vùi. Nhưng khoảng cách chẳng phải lý do, chàng vẫn ôm mãi hình bóng người thiếu nữ đẹp xinh ấy để thương để nhớ, để chờ đợi và thề hẹn một lòng sắt son. Chẳng biết đã bao mùa xuân qua đi, nhưng chiến sự vẫn còn đè trên vai, nghĩa vụ còn chưa hoàn thành làm sao dám nghĩ đến chuyện ra chiến khu mà về sum họp. Chỉ xin em hãy chờ anh trở về, chờ anh dành tặng em những điều em nên có, chờ anh mang đến em một đám cưới vui vẻ ngày đầu xuân.
“……Em biết không em, xuân lại trở về,
đường rừng chiều hoang sương xuống.
Thương sao là thương trong màu tím sắc hoa xưa …
Dĩ vãng đâu trôi về nhắc ta ngày xưa……”
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Vũ & Phương Dung trình bày.
Em biết không, lại một mùa xuân nữa đã đến, lại một mùa xuân nữa anh thất hẹn cùng em. Trên đoạn đường rừng chiều hoang nhiều sương xuống, anh luôn nhủ thầm tên em và cầu mong em gắng đợi chờ. Nhìn thấy những bông hoa sim màu tím nhuộm cả một mảnh rừng hoang mà chàng chiến sĩ lại nhớ đến bông hoa cà anh đã tặng nàng làm quà cưới khi xưa. Màu tím không chỉ mang ý nghĩa của sự buồn thương mà nó còn hiện lên như một đoạn tình yêu xa cách làm cho người lữ khách chiến binh phải dừng chân mà quyến luyến về ngày xưa.
“……Chuyện xửa chuyện xưa,
chuyện từ xuân trước xuân nay chưa nhòa
Anh nói em nghe thương em từ lúc hoa chưa mặn mà
Cầu cho mùa xuân nồng nàn trên má em thôi đợi chờ
Giữa lòng chiều hoang nâng cánh sim rừng
Ngỡ màu hoa tím năm xưa …”
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Duy Quang trình bày.
Dẫu có trải qua biết bao là mùa xuân thì chúng ta vẫn phải công nhận một điều rằng những kỷ niệm về xuân chẳng bao giờ bị phai nhòa trong lòng chúng ta. Chỉ cần một ngày bên nhau cũng có với nhau biết bao là ký ức, huống hồ gì ta đã dành cả thanh xuân khi nhau, cùng nhau lớn lên, cùng nhau vui đùa. Thời gian trôi nhanh quá, chỉ mới cạnh nhau thời thơ ấu, vậy mà giờ đây mỗi người mỗi ngã, chỉ đến khi một thân một mình trong cánh rừng sim hoang vu ấy anh mới dám một lần nói thật lòng mình rằng “Anh nói em nghe thương em từ lúc hoa chưa mặn mà”. Liệu những nhung nhớ có làm buồn đôi má đào ấy, có phủ tầng sương mỏng trên đôi mắt người xưa không? Anh không mong chỉ vì thời gian mà vươn chút gì héo úa trên đôi má hồng thắm ấy, anh cầu cho mùa xuân sẽ mãi nồng nàn để nụ hồng trong em luôn rực rỡ.
“ĐÁM CƯỚI ĐẦU XUÂN” là một đoạn ký ức của nhạc sĩ về trò chơi thuở bé, là trò cô dâu chú rể cùng với cô nàng thanh mai trúc mã, nhưng nó cũng phần nào nói lên mong ước của Trần Thiện Thanh về một lễ cưới trong dịp xuân thanh bình. Trần Thiện Thanh là một trong những nhạc sĩ kiêm ca sĩ nổi tiếng giai đoạn trước năm 1975, ông là một người có đóng góp tích cực trong việc cách tân nhạc vàng. Qua đôi bàn tay ấy, dòng nhạc này đã giảm bớt đi phần nào sự bi lụy hay ủy mị, mà thêm vào đó nhiều sự tươi tắn và yêu đời, làm cho tâm tư của người lính chiến sĩ thêm phần lạc quan hơn. Góp thêm sự thành công cho công cuộc bảo vệ nền hòa bình của Tổ quốc, giữ yên bờ cõi cho non sông này thêm đẹp tươi. Tuy chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng đã không ít lần phải ra tận tiền tuyết và thâm gia vào hàng quân ngũ, nên ông có thể cảm nhận sâu sắc tâm trạng của một người lính xa nhà, từ đó mà truyền tải đến người nghe những cảm xúc chân thật nhất và xúc động nhát.
- Nhạc khúc “Tàu Về Quê Hương” của nhạc sĩ Hồng Vân
- Đồng Ông Cộ – Từ vùng đất rộng lớn bây giờ chỉ còn là những con hẻm nhỏ ngổn ngang
- “Chế độ Diệm không Diệm” – Lời chỉ trích về chính quyền Đệ nhị Cộng hòa dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (Phần 2)
- Ca khúc “Duyên phận” do Như Quỳnh đạt lượng view khủng sau 4 năm
- “Gánh lúa” – Nhạc khúc về bức tranh đời thường của một công việc nặng nhọc nhưng vẫn vui tươi và lạc quan trong từng giai điệu