Trong các thập niên 60 và 70… bộ ba nhân vật Trịnh Cung, Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, họ là những người rất lẫy lừng trong sinh hoạt nghệ thuật tại miền nam Việt Nam. Họ là ba người bạn chí thân. Tuy được ra đời tại ba vùng đất khác nhau. Trịnh Công Sơn, trên đất Daklak (gốc Hương Trà Thừa Thiên), Đinh Cường trên đất Thủ Dầu Một (1939), Trịnh Cung trên đất Nha Trang.
Trịnh Cung tên thật Nguyễn Văn Liễu, ra đời năm 1939, tại làng Trạch, cạnh bờ biển đẹp nhất Việt Nam. Cha gốc Quảng Nam, mẹ gốc Nha Trang. Anh theo học tại trung học Võ Tánh Nha Trang. Cùng một số bạn đồng trang lứa, Nguyễn Văn Liễu say mê đọc sách, thích thơ và vẽ vời. Anh dùng bút hiệu Duy Trung cho những sáng tác có hơi thở học trò của mình. Duy Trung biết mơ mộng và biết yêu khá sớm. Một trong những người đẹp của đất Nha Trang làm anh mê say là cô nữ sinh tên Nguyệt, chị họ của nhà thơ Từ Thế Mộng,(một bạn học trên Trung một năm). Yêu Nguyệt, Duy Trung không những mang “vầng trăng” óng ánh này vào thơ, mà anh còn dùng tên người đẹp để làm bút hiệu cho mình. Cái tên Thương Nguyệt từ đó xuất hiện khá nhiều trên một số báo, tạp chí của thủ đô Sài Gòn.
Vì mê thơ, đặc biệt thích những bài thơ viết về xứ Huế, Nguyễn Văn Liễu đến đất cố đô và vào học Cao Đẳng Mỹ Thuật từ năm 1957. Hội họa đã thổi lớn Nguyễn Văn Liễu từng ngày. Tuy vẫn còn lai rai làm thơ, nhưng anh đã đặt hết lòng cho sơn cọ. Bút danh Trịnh Cung được khai sinh, mỗi ngày một lớn mạnh. Cũng trong thời gian này, phong trào sinh hoạt văn học nghệ thuật tại thành phố Huế phát triển rất mạnh. Những bút hiệu thường xuất hiện trên các tạp chí ở Sài Gòn có thể kể: Lữ Quỳnh, Trần Quang Long, Nguyễn Đắc Xuân, Ngô Kha, Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường…và hai khuôn mặt nữ từ Nha Trang ra tạm trú: Cao Hoành Nhân, Thanh Nhung (tên thật Tôn Nữ Nha Trang)…Trịnh Cung chơi thân với Đinh Cường, Trịnh Công Sơn. Tình bạn sớm giúp họ tạo ra cái không khí sinh hoạt thật sinh động hào hứng, khởi sắc. Theo tiết lộ của nhà biên khảo Nguyễn Đắc Xuân, trong giai đoạn này, Trịnh Cung để ý và si mê một cô sinh viên văn khoa Huế có tên là …Nh.Hg và viết được bài thơ để đời “Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu”. Ông Nguyễn Đắc Xuân viết tiếp:
“…Trịnh Cung thú nhận cho đến nay Nh.Hg đã có gia đình, có cháu nội, cháu ngoại mà vẫn chưa biết bài thơ phổ nhạc bất hủ ấy Trịnh Cung đã làm cho chính mình”.
Nhưng trong một bài viết “Người Tình Cuối Cùng Của Trịnh Công Sơn Là Ai ?” phổ biến trên trang web Vietnam.net, vào ngày 28 tháng 02 năm 2005, Trịnh Cung cho biết:
“…Đánh dấu lớn nhất và dài lâu nhất cho tình bạn giữa tôi và Sơn chính là bài thơ “Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu” tôi viết vào năm 1958 ở Huế và Sơn đã phổ nhạc vào khoảng giữa năm 1959, trước ca khúc Diễm Xưa và chỉ sau các ca khúc Ướt Mi, Thương Một Người và Nhìn Những Mùa Thu Đi. Nhiều người đã hỏi tôi viết ca khúc này cho ai ? Anh bạn, nhà nghiên cứu Huế học Nguyễn Đắc Xuân đã xác định bài thơ ấy viết cho Nh. Hg, một nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế) nhưng thật ra không phải như vậy.
Tôi có nhắc đến cô ấy vì vẻ đẹp rất Huế của Nh. Hg. Nhưng bài thơ ấy là một hư cấu để nói về những năm tháng đầu tiên của một sinh viên tỉnh lẻ từ say đắm đến thất vọng trên con đường tình của Huế. Ca khúc này, Sơn đã làm cho bài thơ tầm thường ấy trở nên bất tử trong nhiều thế hệ người Việt. Điều này tôi không chờ đợi khi chơi với Sơn. Có nhiều năm, gia đình Trịnh Công Sơn in sách nhạc và các nhà xuất bản băng đĩa đã không in tên tôi là tác giả của lời nhạc, vì thế có rất nhiều giới trẻ ngày nay và có lẽ cả mai sau không biết điều này. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi” (Trịnh Công Sơn). Tôi đang sống với khái niệm: Để Gió Cuốn Đi…”
Việc Trịnh Công Sơn phổ thơ Trịnh Cung, còn sinh thêm một giai thoại, mà nhiều người cho là ca sĩ Khánh Ly kể lại, đại ý như sau:
Để dứt khoát với thi ca, chú tâm vào hội họa, năm 1963, tại căn nhà trên đường Trương Minh Giảng Sài Gòn, Trịnh Cung đã đốt bản thảo tập thơ của mình. Anh vừa đốt vừa khóc. Tiếng khóc của anh đã làm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tỉnh ngủ, sau hành trình từ B’Lao về Sài Gòn. Sơn vội vã và chụp và giữ lại được bài thơ Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu, sau đó đem phổ nhạc. Giai thoại này thiếu chính xác ở thời điểm ca khúc được hình thành theo lời kể của chính Trịnh Cung ở trên. Dù vậy, giai thoại này cũng có một điểm rất đẹp, ở chỗ Trịnh Cung vừa đốt thơ vừa khóc. Cử chỉ này rất dễ xảy ra với một người đa cảm, và trân quí những tác phẩm của mình như Trịnh Cung. Theo họa sĩ Đinh Cường, bài thơ của Trịnh Cung được Trịnh Công Sơn phổ nhạc tại Huế, trong giai đoạn cả ba cùng cư ngụ tại đất thần kinh. Bài thơ Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu vì đối tượng nào mà thành hình cũng không là điều quan trọng. Điểm chính là tài nghệ làm thơ của Trịnh Cung với lối dùng từ rất mới của anh. Tôi rất thích những từ: ừ, đói, rỗi, đầy…trong bài thơ. Sự ly biệt vừa như một lẽ đương nhiên vừa như miễn cưỡng. Bối cảnh chung quanh cùng những hình ảnh góp phần làm giàu thêm nỗi ngậm ngùi của một cuộc tình tan vỡ
Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới
Bây giờ anh vui, hai bàn tay đói
Bây giờ anh vui, hai bàn chân mỏi
Thời gian nơi đây
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Khánh Ly trình bày.
Một chút lạnh lùng “ừ thôi em về, chiều nay mưa giông tới”, lời tạm biệt mang một chút lạnh lùng, xen lẫn chút quan tâm khi trời mưa giông sắp tới, em hãy về đi. “Ừ thôi” tưởng chừng như câu nói vô ý, nhưng sao với lời ca với giai điệu của Trịnh Công Sơn, câu nói ấy lại đau đáu một nỗi sầu và chan chứa một nỗi ngậm ngùi đành thôi, sự chia ly vừa như lẽ đương nhiên lại vừa miễn cưỡng. Em về với con đường em vốn phải đi, còn anh đây ở lại “bây giờ anh vui, hai bàn tay đói/ Bây giờ anh vui, hai bàn chân mỏi”. Cuộc sống đói nghèo và mệt mỏi nhưng lại khiến “anh vui”. Vui vì “thời gian nơi đây” anh có thể một mình “một linh hồn rỗi” mà nhớ tình yêu khi xưa của chúng mình.
Bây giờ anh vui, một linh hồn rỗi
Tình yêu xứ này
Một lần yêu thương, một đời bão nổi
Giã từ giã từ.
Chiều mưa giông tới em ơi em ơi
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Elvis Phương trình bày.
Anh vui vì đã “một lần yêu thương” chỉ là có chút nuối tiếc và ngậm ngùi khi “một đời bão nổi”. Chúng ta từng mang trái tim yêu trao người, tình yêu thuở ấy ấm nồng của ái ân, để rồi khi tình tan, chuyện mình dở dang, anh vẫn vui khi đã được yêu em, một lần yêu nhưng cả đời nhớ. Một lần trải nếm được vị ngọt của tình yêu lại phải một mình chịu đắng cay suốt đời khi tan vỡ. Thôi thì “giã từ giã từ/ Chiều nay giông tới em ơi em ơi”, em về đi khi cơn giông sắp tới, em về đi khi mưa kia chưa giăng lối. Và em về đi, chuyện tình mình nay đã hết, lần sau cuối ta gặp nhau để nói câu giã từ…
Sầu thôi xuống đầy, làm sao em nhớ
Mưa ngoài sông bay, lời ca anh nhỏ, nỗi lòng anh đầy
Sầu thôi thôi đầy
Sầu thôi xuống….đầy.
Mưa giông sắp tới và hạt mưa như mang sầu gieo nhân gian, chỉ là mong mưa kia chớ vội rơi mau, để em về. Mong cho “sầu thôi xuống đầy”, mưa khóc cho chuyện tình dang dở của ta chăng? Nhưng “làm sao em nhớ”, em nay đã quên đi rồi tình yêu xưa kia, chỉ còn lại anh đây ôm nỗi sầu với lời ca nhỏ nói thay nỗi lòng,“sầu thôi thôi đầy/ sầu thôi xuống… đầy”…
Một chút thiết tha, một chút da diết và man mác sầu thương đã làm nên thành công của nhạc khúc bất hủ “Cuối cùng cho một tình yêu”, có lẽ chính như tên nhan đề ấy, một chút cuối cùng cho một tình yêu đã mất…
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chắp cánh cho áng thơ “Cuối cùng cho một tình yêu”. Giai điệu ấy đã mang nỗi buồn và mất mác của tình yêu dang dở trong ý thơ Trịnh Cung trải khắp không gian mà hòa vào lòng người. Những người yêu thơ lẫn yêu nhạc đều có thể cảm được nỗi đau của thi sĩ ấy, cảm nhận sự đồng điệu của hai tâm hồn nghệ thuật giữa người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh và người họa sĩ viết thơ Trịnh Cung.
Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới
Bây giờ anh vui, hai bàn tay đói
Bây giờ anh vui, hai bàn chân mỏi
Thời gian nơi đây
Bây giờ anh vui, một linh hồn rỗi
Tình yêu xứ này
Một lần yêu thương, một đời bão nổi
Giã từ giã từ.
Chiều mưa giông tới em ơi em ơi
Sầu thôi xuống đầy, làm sao em nhớ
Mưa ngoài sông bay, lời ca anh nhỏ, nỗi lòng anh đầy
Sầu thôi thôi đầy
Sầu thôi xuống….đầy.
- Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Hà Thanh – Cô ca sĩ được mệnh danh “Chim họa mi xứ Huế”
- Ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị: Sự thật ít biết và lời thắc mắc của Thái Thanh với Phạm Duy
- Bộ ảnh về Ga Xe Lửa xưa
- Tuyển tập những ca khúc để đời của cố nhạc sĩ Lam Phương
- Choáng ngợp với căn biệt thự rộng cả ngàn mét vuông của danh ca Thanh Tuyền