Nhạc sĩ Y Vũ là tác giả của nhiều nhạc khúc nổi tiếng và được công chúng yêu thích như “Tôi đưa em sang sông”, “Ngày em cưới”, “Kim”, “Hận”, “Những tâm hồn hoang lạnh”,…Ông là em ruột của cố nhạc sĩ Y Vân, từ nhỏ đã được anh trai dạy âm nhạc và cũng vì là anh em nên hai ông thường xuyên bị nhầm lẫn với nhau, điển hình là khi giới thiệu về Y Vũ người ta thường lấy hình của Y Vân thế vào và ngược lại.
Sau thành công của nhạc phẩm đầu tay “Tôi đưa em sang sông” kể về mối tình đầu với cô nữ sinh cùng trường, tuy nhiên có khá nhiều tranh cãi giữa nhạc sĩ Nhật Ngân và Y Vũ về tác quyền của nhạc khúc này và vẫn chưa có được lời giải đáp thích đáng vì ai cùng nhận rằng mình tác giả chính thức. Tạm gác chuyện này lại, sau đó nhạc sĩ Y Vũ đã cho ra mắt thêm nhiều nhạc khúc khác và cũng mang về nhiều thành công lớn, điển hình là nhạc khúc “Cành hòa trắng”. Khi kể lại sự tan vỡ của một câu chuyện tình đã cũ, nó là sự hoài niệm về những ký ức đã qua, những câu thề hẹn năm nào nhưng người xưa đã đi mất và chẳng còn nhớ gì những mộng ước xuân thì.
“Thương nhớ bây giờ thương nhớ anh
Nghe dòng khóc hận giọt vào tim
Nhớ anh vô vàn trong kỷ niệm
Thời gian đâu phải dễ mau quên…”
Chợt buồn, chợt nhớ những câu chuyện tình đã qua, tình có thể cạn nhưng những kỷ niệm đã gieo vào lòng thì xóa nhòa bằng cách nào đây. Không đề cập đến chuyện người con gái khổ đau như thế nào khi cuộc tình đi đến hồi kết không vui, ở đây chúng ta nói về “người nào thương nhiều hơn, hi sinh nhiều hơn trong câu chuyện tình đôi lứa, thì lúc ly biệt họ càng chịu nhiều tổn thương hơn”. Tại sao lại nói vậy? Vì chỉ có hết lòng với tình yêu, chấp nhận hy sinh, quên đi bản thân mình mà say đắm yêu thương một người, xem họ là cả thế giới thì khi mất đi, khi người đó rời đi; họ đã mất cả thế giới. Với người yêu nhưng không sâu đậm, họ có thể quen người này bỏ người kia để lấp liếm chút ưu buồn trong lòng, nhưng với người chịu tổn thương thì sẽ chữa lành bằng cách nào đây? Họ không học được cách quên đi mà cứ mãi “thương nhớ bây giờ thương nhớ”, tình yêu và nỗi đau cùng ngự trị trong tim, quên không được nhưng yêu thương cũng chẳng vẹn toàn nữa. Bản thân họ chỉ biết lắng nghe từng tiếng nấc nghẹn nơi đáy tim, cảm nhận từng giọt “hận” rơi vào tim, từng chút từng chút đong đầy, từng chút từng chút nhớ thương. Với họ, thời gian không còn là liều thuốc trị thương, xóa nhòa đi những vết thương dài và sâu mà thời gian chỉ có tác dụng làm mờ nhưng những kỷ niệm và hồi ức cũ thì lại chẳng thể nào nói quên là quên….
“……Xưa nếu ta đừng quen biết nhau
Cũng đừng chấp nhận cuộc tình trao
Bến chia ly tàn đêm nghẹn lời
Đò tình lỡ chuyến xa anh rồi….”
Nếu có một điều ước, người con gái ấy sẽ ước được quay trở về quá khứ, quay về thời điểm mà hai người từ xa lạ đến gặp nhau, để nàng ngoảnh mặt đi con đường khác, để “ta đừng quen biết nhau”, để không trao nhau những câu nói lời yêu ngọt ngào, để chấp nhận cuộc tình không kết quả trong tương lai. Và để không có cuộc chia ly đẫm nước mắt, người rời đi có thể sẽ mỉm cười hạnh phúc trên con đường mới, nhưng người ở lại chỉ có thể nghẹn lời suốt những đêm tàn. Nhưng biết làm sao được khi hiện thực đã diễn ra, biết làm sao được khi “đò tình lỡ chuyến xa anh rồi”…..
“…..Từ đây đã đường ai nấy đi
Sẽ chẳng nhìn nhau nữa
Cố quên chuyện tình đã qua
Anh ơi lá hoa nào không tàn
Những ân tình cũng sẽ phai dần trong mắt thôi
Đời anh với lụa là gấm hoa
Trải rộng đường anh tới chút duyên nghèo xưa sá chi
Em đi với âm thầm tháng ngày
Nhắc tên người yêu dấu
Với bao niềm tủi hận….”
Từ giây phút đôi ta đường ai nấy đi, nàng cũng đã dặn lòng mình không được nhớ đến anh nữa, không còn nhìn thấy dáng hình của nhau nữa và buộc bản thân phải quên đi những hồi ức đã qua. Có hoa nào mà không tàn, có tình nào mà chẳng tan, có yêu thương nào mà chẳng dần mờ nhạt khi trong mắt người thương đã chẳng còn vị trí nào cho riêng ta.
Ngày “đường ai nấy đi”, đường anh bước sẽ có muôn vàn gấm lụa vì người người đón chờ anh, rộng mở duyên tình chào người trở về cuộc sống hào hoa. Còn riêng nàng, sẽ sống một cuộc đời âm thầm và tĩnh lặng với năm tháng, ôm theo những nỗi ưu tư về câu chuyện tình cũ. Sẽ có những lúc vô tình bản thân nhắc về người thương cũ, dần rồi tim sẽ chẳng còn đau, vết thương sâu trong lòng cũng không còn rách miệng nhưng vết sẹo kia thì dù ngàn năm vẫn chẳng thể nào mờ phai.
“….Ai sẽ không còn thương nhớ ai
Hết rồi cách biệt bọt bèo trôi
Gió mây tan hợp nên chuyện đời
Hồn nghe sao lạnh giá đơn côi
Anh có bao giờ anh nhớ tôi
Khơi dòng dư lệ một lần thôi
Ái ân phai nhạt không chờ đợi
Đò tình lỡ bến sang ngang rồi .”
Tình cảm rồi cũng dần phai nhạt, nhưng có người chuyển hóa nó từ tình yêu thành tình thân và gắn kết suốt đời suốt kiếp, chẳng thể tách biệt. Nhưng cũng có người tâm nguội tình lạnh, không còn mặn nồng yêu thương như thuở ban đầu và đương nhiên kết quả cuối cùng chính là sự chia ly khi một người trong cuộc vẫn còn rất thương. Nhưng biết làm sao giờ, níu kéo làm sao khi người đã muốn ra đi, giữ bằng cách nào khi tâm của họ đã chẳng chứa được mình nữa. Cũng biết “gió mây tan hợp” là lẽ thường tình của đời nhưng lòng vẫn đau và hồn vẫn mang theo nhiều chua xót không thốt được nên câu. Người ơi, người đã bao giờ, trong một khoảnh khắc nào đó của cuộc sống mà chợt nhớ người từng thương này hay chăng, có bao giờ rơi lệ vì hoài niệm về ký ức lứa đôi đã có. Hay cứ mặc cho ân tình phai nhạt dần theo thời gian mà chẳng có chút luyến lưu, mặc cho con đò tình lỡ chuyến chẳng nhớ gì về bến cũ ngày xưa vẫn đang ngóng trông chờ đợi….
“Đò tình lỡ chuyến” của nhạc sĩ Y Vũ là một nhạc khúc buồn, hát về một câu chuyện tình dang dở của lứa đôi. Tình yêu chính là con dao hai lưỡi, nó có thể khiến con người ta hạnh phúc như đang lơ lửng nơi thiên đường nhưng cũng có thể làm con tim chảy máu. Và khoảng thời gian chia lìa hay kết thúc một câu chuyện tình chính là khoảng thời gian đau khổ nhất, gấp vạn lần nỗi đau thể xác, mất đi phương hướng, mất đi người san sẻ sớm hôm, chỉ biết một mình chịu đựng mà không thể nói cùng ai.