Quốc Dũng là một nhạc sĩ thực thụ trong nền âm nhạc Việt Nam, ông đa tài với những sáng tác đa dạng từ nhạc trẻ đến nhạc vàng, tình khúc Bolero. Quốc Dũng tên đầy đủ là Nguyễn Quốc Dũng, ông sinh năm 1951 tại xứ sở chùa Vàng, Thái Lan. Năm ba tuổi ông và gia đình hồi hương trở về Việt nam. Tài năng của Quốc Dũng bộ lộ từ rất sớm, năm 10 tuổi ông học tại Quốc gia Âm nhạc ở Sài Gòn và đến năm 16 tuổi thì tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc pháp Tây phương. Quốc Dũng bắt đầu viết nhạc từ năm 11 tuổi, song khi đó chỉ là nhạc phẩm không lời. Đến năm 17 tuổi, ông hoàn chỉnh bản nhạc ấy và cho ra đời tác phẩm đầu tay Em đã thấy mùa xuân chưa. Sau thành công của tác phẩm đầu tay, Quốc Dũng tiếp tục trên con đường sáng tác và gặt hái được nhiều thành công qua các nhạc khúc bất hủ như: Đường xưa, Chuyện ba người,Người về từ lòng đất, Điệp khúc mùa xuân, Chuyện hợp tan,… Ngoài vai trò là nhạc sĩ, Quốc Dũng còn thử sức ở vai trò là diễn viên, ông từng đóng vai nam chính trong phim Trường tôi của đạo diễn Lê Dân.
Trong số rất nhiều nhúng ca khúc thành danh của mình, nhạc khúc Chuyện hợp tan là một sáng tác nổi tiếng mà Quốc Dũng viết cho hai người bạn của ông trước khi chia tay đi Mỹ. Theo chia sẻ của danh ca Bảo Yến, người vợ thứ hai của Quốc Dũng thì “Anh viết chuyện hợp tan để miêu tả chuyện ly hợp thường tình của cuộc đời, bài hát viết cho người nam nhiều hơn nữ”. Chuyện hợp tan là một nhạc khúc mang nỗi vấn vương của buổi chia tay, những luyến lưu về người và nỗi nhớ quê hương tất cả hòa quyện và lắng đọng lại trong từng lời chao chuốc mà Quốc Dũng viết nên.
Đêm nay lặng lẽ, sương mù về giăng trên mảnh tình quê
Có ai để buồn chất chứa sơn khê
Có nhịp đàn, lưu luyến trên đường quê
Anh ơi có hay, khi nước mắt bây giờ đang rớt mau
Khi tiếng hát hôm nào, thôi vút cao
Lòng bỗng thấy vương vấn bao nỗi sầu
Đêm về lặng lẽ trên miền quê, sương đêm cũng giăng kín và phủ đầy quê hương, trong cảnh đêm tĩnh lặng và se lạnh của hơi sương ấy “có ai để buồn chất chứa sơn khê”. Phải là một nỗi buồn như thế nào mới có thể “chất chứa sơn khê”, nỗi buồn là tâm trạng của con người, không thể cân đo đong đếm nhưng với Quốc Dũng, ông đã đo nỗi buồn “đầy” tựa “sơn kê”, nỗi buồn chất đầy núi quê hương. Trong đêm vắng, ta nghe như “Có nhịp đàn lưu luyến trên đường quê”, nỗi nhớ quê hương của người con xa xứ là nỗi nhớ khôn nguôi, nỗi canh cánh trong lòng khi rời xa mảnh đất quê hương sau nhiều năm gắn bó. Trong đêm cuối cùng trước ngày rời xa quê hương, đêm đến sao nhanh và buồn tĩnh mịch, nhìn về nơi xa xăm tận cùng kia, tác giả nhớ quê nhà, lưu luyến trước ngày rời xa mà nước mắt lăn dài trên má “anh ơi có hay, khi nước mắt đang rớt mau”. Nhớ mãi nỗi quê nhà, nhớ những con đường quê hun hút, con đường làng chất chứa bao bước chân tuổi thơ và nhớ mãi “tiếng hát hôm nào”, nhưng giờ đây khi sắp xa quê, sẽ không còn nghe tiếng hát quê nhà “lòng bỗng thấy vấn vương bao nỗi sầu”.
Mai tôi rời bước, quê nhà hành trang mang nặng niềm thương
Nhớ khi mình cùng thức trắng đêm sương
Nhớ điệu hò tha thiết bao sầu thương
Mai xa cách nhau thương những lúc đôi mình, chia lối đau
Thương biết mấy ân tình ta đã trao
Cùng ước muốn cơn mộng thôi giãi dầu
Mai đây khi cất bước ra đi, rời xa quê nhà với “hành trang mang nặng niềm thương”, thương nhớ những lúc chúng ta cùng nhau thức trắng trong đêm sương. Rời xa quê hương xứ sở “nhớ điệu hò tha thiết bao sầu thương”, nhớ mãi những “đặc sản” quê hương như câu hò, điệu lý tình ca, những làn điệu mộc mạc chân chất tình quê hương thiết tha. Tình yêu quê hương nơi người con xa xứ càng mãnh liệt và lưu luyến hơn khi sắp phải đi xa, sắp rời xa quê cha đất tổ. “Mai xa cách nhau thương những lúc đôi mình chia lối đau/ Thương biết mấy ân tình đã trao”, mai đây xa cách rồi, càng luyến lưu chia xa người bạn tâm giao, người bạn tri kỷ đã cùng ta những lúc khó khăn, cùng nuôi mộng đời “cùng ước muốn cơn mộng thôi giãi dầu”. Chúng ta từng hứa sẽ cùng nhau chung lối phấn đấu thoát nghèo, “thôi giãi dầu” vất vả nhưng nay mộng ước chưa thành mà đã “chia lối đau”.
Vì đời, còn những nhánh sâu xa, dần thoáng buồn
Vì đời, còn những bước chân miệt mài, cỏ hoang
Để rồi mình ta, âm thầm từng chiều vắng
Cuộc đời vốn muôn ngàn ngã rẽ, có buổi tiệc nào không phải tàn nên chúng ta rồi cũng chia xa. Tác giả mượn lý do “vì đời còn những nhánh sâu xa dần thoáng buồn/ Vì đời còn những bước chân miệt mài cỏ hoang” vì cuộc đời để nói về cuộc chia ly này. Vì đời còn nhiều “nhánh sâu xa”, có thể hiểu là những ngóc ngách, ngõ rẽ và nhiều điều không biết đến đến, rồi mai sau sẽ “dần thoáng buồn”. Thời gian sẽ trôi qua, những đau buồn luyến lưu sẽ phai nhạt và nỗi buồn cũng thoáng qua “dần thoáng buồn”. Đến khi ấy, chỉ còn mình ta nhớ “Để rồi mình ta, âm thầm từng chiều vắng/ Nghe tim mãi mơ màng, chuyện hợp tan”. Dẫu biết rằng có sum vầy sẽ có ngày chia xa, nhưng mỗi lần chứng kiến chuyện hợp tan, dù dặn lòng hãy mạnh mẽ đón nhận nhưng sao vẫn “nghe tim mơ màng”, vẫn buồn thương luyến lưu “âm thầm từng chiều vắng”.
Mai chia ngàn lối, biết đời còn cho ta được ngày vui
Ước mơ lần về, xóa nỗi đơn côi
Chúng mình lại thao thức, bao niềm vui
Đêm nay tiễn đưa, giây phút cuối vẫn còn, tay ấm tay
Mai sẽ thấm cơn lạnh, khi gió lay
Và những lúc mưa gọi, thương nhớ đầy
Mai đây ta chia xa nhau, đi muôn ngàn lối “biết đời còn cho ta được ngày vui”, không biết sau hôm nay, khi chia xa người bạn tâm giao ta có còn được gặp lại nhau không hay chỉ có thể “ước mơ lần về, xóa nỗi đơn côi”. Không biết rằng mai sau có còn được bắt tay nhau, cùng nhau thức những trắng đêm sương không hay chỉ có thể mơ về một lần về lại quê hương, về gặp người bạn tâm giao, mơ một giấc mơ trở về để xóa nỗi đơn côi của lòng. Nhưng dẫu ngày sau có thế nào, dẫu đường đời có trăm ngã rẽ nhưng ta hãy quý trọng phút giây ngắn ngủi còn bên nhau “chúng ta lại thao thức bao niềm vui/ Đêm nay tiễn đưa giây phút cuối vẫn còn tay ấm tay”. Dù sau này có ra sao và có còn được gặp lại nhau không thì ta vẫn trân quý những kỷ niệm cùng nhau. Đêm nay chia xa nhau, buông đôi tay từng nắm lấy để vẫy chào người rời xa, rồi ngày mai khi “thấm cơn lạnh khi gió lay”, hay “những lúc mưa gọi”, nhìn lại đôi tay lạnh từng có hơi ấm người mà lòng “thương nhớ đầy”.
“Chuyện hợp tan” một lẽ nhân sinh thường tình, có buổi tiệc nào không tàn, nhưng lòng vẫn luyến lưu không đành mà đưa tiễn người bạn tâm giao. Nhạc khúc đã khắc họa tâm trạng buồn thương, lưu luyến và vấn vương của một người con sắp rời xa quê hương, đâu đó ẩn chứa một nỗi niềm thương đau vì xa cách người bạn tri kỷ. Như một lời tiễn đưa buồn, nhạc khúc mang tất cả nỗi lưu luyến không đành của nhạc sĩ truyền tải và lan rộng trong không gian, người nghe như được chứng kiến đêm chia tay ấy và cùng đồng cảm với nỗi niềm của người con xa xứ đó. Chuyện hợp tan đã mang lại cho người nghe những cảm xúc chân thực và khắc sâu nhất về buổi chia tay đầy luyến thương, người nhạc sĩ tài hoa Quốc Dũng đã mượn lời ca vẽ nên một cuộc chia ly đầy cảm xúc, mượn cung đàn ngân nga tiếng sầu thương chia xa.
Đêm nay lặng lẽ, sương mù về giăng trên mảnh, tình quê
Có ai, để buồn chất chứa, sơn khê
Có nhịp đàn, lưu luyến trên, đường quê
Anh ơi có hay, khi nước mắt bây giờ, đang rớt mau
Khi tiếng hát hôm nào, thôi vút cao
Lòng bỗng thấy vương vấn, bao nỗi sầu
Mai tôi rời bước, quê nhà hành trang mang nặng, niềm thương
Nhớ khi, mình cùng thức trắng, đêm sương
Nhớ điệu hò, tha thiết, bao sầu thương
Mai xa cách nhau, thương những lúc đôi mình, chia lối đau
Thương biết mấy, ân tình ta đã trao
Cùng ước muốn, cơn mộng thôi giãi dầu
Vì đời, còn những nhánh sâu xa, dần thoáng buồn
Vì đời, còn những bước chân miệt mài, cỏ hoang
Để rồi mình ta, âm thầm từng chiều vắng
Nghe tim mãi mơ màng, chuyện hợp tan
Mai chia ngàn lối, biết đời còn cho ta được ngày vui
Ước mơ lần về, xóa nỗi đơn côi
Chúng mình lại thao thức, bao niềm vui
Đêm nay tiễn đưa, giây phút cuối vẫn còn, tay ấm tay
Mai sẽ thấm cơn lạnh, khi gió lay
Và những lúc mưa gọi, thương nhớ đầu