Nhạc sĩ Anh Bằng (1926-2005) là một trong ba thành viên của nhóm Lê Minh Bằng. Anh Bằng là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng lẫn nhạc hải ngoại. Nhưng trước khi bắt đầu sự nghiệp sáng tác, Anh Bằng từng là một người lính nhập ngũ, trong thời gian tại ngũ ông tham gia viết kịch kiêm diễn viên trong ban kịch Liên Đoàn Công binh lưu diễn từ Quảng Trị vào Bình Định với các vở kịch như: Hoa Tàn Trên Đất Địch, Lẽ Sống Và Nát Tan, Đứa Con nuôi,… Ông bắt đầu sáng tác nhạc từ sau năm 1962 với các tác phẩm như: Nếu vắng anh, Đôi bóng, Lẻ bóng,… Sau năm 1975, Anh Bằng cùng hai cậu con trai và cô gái con nhỏ ông phiêu bạt trên đất khách từ thủ đô Manila, Philippines đến đảo Guam, Washington rồi sau đó về tiểu bang California để lập nghiệp. Anh Bằng là một nghệ sĩ tài hoa thực thụ, những năm trên đất Mỹ, ông tiếp tục sáng tác và sáng lập nên Trung tâm Asia vào năm 1988. Sau này Anh Bằng lui về sáng tác và giao quyền quản lý trung tâm cho con gái Thy Vân. Dưới sự hợp tác khéo léo của Thy Vân, Trúc Hồ và Diệu Quyên, Trung tâm Asia đã trở thành một trong những trung tâm ca nhạc lớn nhất của cộng đồng người việt tại hải ngoại. Sau khi trao quyền lại con gái, tuổi già và sức khỏe cũng suy giảm dần, nhưng Anh Bằng vẫn miệt mài với niềm đam mê sáng tác. Từ đó cho đến lúc ông qua đời, dù thính lực bị suy giảm nặng nhưng ông vẫn sáng tác rất nhiều ca khúc phổ lại từ thơ như: “Anh còn nợ em”, “Anh cứ hẹn”, “Chuyện giàn thiên lý”, “Chuyện hoa sim”, “Khúc thụy du”
Trong đó bài hát “Chuyện giàn thiên lý” là một sáng tác được Anh Bằng phổ từ thơ “Nhà Tôi” của thi sĩ Yên Thao, một bài thơ sáng tác trong thời kháng chiến chống Pháp năm 1949. Trong thời gian tham gia kháng chiến, thi sĩ Yên Thao đã sáng tác bài thơ “Nhà Tôi” – một tác phẩm thơ lãng mạn được nhiều người yêu thích. Nhưng thời gian dần qua, khi lớp bị thời gian phủ đầy những trang thơ xưa, bài thơ được yêu thích ngày nào cũng dần bị lãng quên và chôn vùi trong bụi thời gian. Cho đến năm 1993, nhạc sĩ Anh Bằng đã phổ lại bài thơ và đặt tên bài hát là “Chuyện giàn thiên lý”, một lần nữa bài thơ ấy được sống lại qua nét nhạc tài hoa của Anh Bằng.
Chuyện giàn thiên lý là một nhạc khúc được lấy từ ý thơ của Yên Thao nhưng lại không sử dụng nguyên vẹn lời thơ mà chỉ phỏng lại thơ. Ở sáng tác thơ “Nhà Tôi” của Yên Thao như một câu chuyện kể về một người bạn lính phải lên đường nhập ngũ xa vợ và mẹ già chốn quê nhà. Người bạn ấy thường tâm sự cùng thi sĩ Yên Thao về nỗi nhớ người thân, nhớ mẹ già và nhớ người vợ vừa cưới chưa tròn tháng. Trong câu chuyện kể của người bạn lính ấy, cậu hay nhắc đến giàn hoa thiên lý của nhà mình. Nên từ đó mà Yên Thao viết nên bài thơ “Nhà Tôi”. Nhạc sĩ Anh Bằng đã mượn ý thơ của Yên Thao, nhưng ông không tập trung vào chuyện kể như thơ mà chỉ tập trung khai thác những cảm xúc của người lính, tâm trạng của người lính chiến khi xa mẹ và vợ.
Tôi đứng bên này sông, bên kia vùng lửa khói.
Làng tôi đây, bao năm dài chinh chiến,
từng lũy tre muộn phiền.
Tôi có người vợ ngoan.
Mở đầu nhạc khúc là hình ảnh người lính đứng “bên này sông” mà nhìn về bên kia sông “vùng lửa khói” là quê hương của mình. Anh xa quê lên đường kháng chiến, nay đứng bên dòng sông ngăn cách quê nhà chỉ có thể nhìn về làng quê có người mẹ già, có người vợ trẻ đang hằng chờ mong anh về, anh chỉ có thể ngắm nhìn lại không thể về thăm vì còn mang trách nhiệm trên lưng. Ccahs con sông ngắn hai bờ, anh nhìn về nơi làng quê của mình nhìn lại “từng lũy tre muộn phiền” mà nhớ về “người vợ ngoan” chốn quê nhà.
Đẹp như trăng mười sáu, cưới rồi đành xa nhau.
Nhớ đôi môi nàng hiền, xinh xinh màu nắng.
Má nàng hồng thơm mùi thơm lúa non.
Anh nhớ về người vợ trẻ “đẹp như trăng mười sáu, cưới rồi đành xa nhau”, anh và vợ vừa thành hôn chưa lâu, nhưng đất nước gọi tên, anh phải lên đường kháng chiến mang theo hành trang là nỗi nhớ niềm thương “nhớ đôi môi nàng hiền, xinh xinh màu nắng/ Má nàng hồng thơm mùi thơm lúa non”. Hình ảnh người vợ hiền hiện lên là bức chân dung về một người vợ với đôi môi cười dịu hiền, là nét em xinh như màu nắng chiều ấm áp, là đôi má em hồng và thơm như mùi thơm của lúa non. Anh nhớ mãi ánh mắt buồn của vợ ngày bịn rịn đưa tiễn anh lên đường hành quân.
Ai ra đi mà không từng bịn rịn.
Xa người yêu mà dễ mấy ai vui.
Em nhìn theo bằng nước mắt chia phôi.
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ
Này anh lính chiến, người bạn pháo binh.
“Ai ra đi mà không từng bịn rịn/ Xa người yêu mà dễ mấy ai vui” nhưng giặt tràn về trên quê hương ta, đất nước đang gọi tên, phận trai nên anh phải lên đường bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương cũng là bảo vệ thanh bình cho vợ hiền và mẹ già. “Em nhìn theo bằng nước mắt chia phôi” khiến anh cũng luyến lưu giây phút chia xa nhưng chỉ có thể cố gắng “mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ”. Gạt đi giọt lệ, anh bước mạnh về phía trước, hẹn em một ngày đất nước không còn quân thù, anh sẽ trở về cùng em sum vầy trong ngày vui thống nhất.
Mẹ tôi tóc sương từng đêm nghe đạn pháo rơi thật buồn.
Anh rót cho khéo nhé, kẻo lầm vào nhà tôi.
Nhà tôi ở cuối chân đồi,
có giàn thiên lý, có người tôi thương.
“Mẹ tôi tóc sương từng đêm nghe đạn pháo rơi thật buồn” hình ảnh người mẹ già “tóc sương” đêm không ngon giấc, meh buồn khi nghe tiếng pháo đạn ngoài hiên. “này anh bạn lính chiến, người bạn pháo binh” “anh rót cho khéo léo, kẻo lầm vào nhà tôi” Anh bạn lính ơi, nếu có bắn định anh hãy khéo léo đừng nhầm vào vào tôi, ngôi nhà dưới chân đồi có giàn hoa thiên lý và có người tôi thương. Đoạn hát không một từ của đau thương mà sao vẫn nghe nỗi buồn man mát, vẫn nghe xót xa khôn cùng. Hình ảnh mẹ già, vợ trẻ coi cúc trong nhà nhỏ với giàn hoa thiên lý trước cửa, đạn bom rơi ngoài hiên như một bức tranh gây ám ảnh và xé nát lòng người. Hoa thiên lý, loài hoa dân giã chốn quê hiện lên một cách đầy nét thơ và lạc quan, trong cảnh khói đạn bao trùm làng quê, ta vẫn thấy được giàn hoa thiên lý kia nở, màu hoa thiên lý như nét chấm phá cho bức tranh xám đen của khói đạn.
“Chuyện giàn thiên lý” là một nhạc khúc của sự khéo léo trong việc mượn ý thơ nhưng được Anh Bằng viết lại với lời nhạc một cách uyển chuyển, tự nhiên và chở đầy cảm xúc hơn. Nhạc khúc con thuyền chở đầy cảm xúc của nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ già và nhớ người vợ trẻ của những người lính chiến. Nỗi buồn và niềm nhớ thương ấy được Anh Bằng truyền tải qua những giai điệu du dương và sâu lắng, cảm xúc như lắng đọng mãi trong hồn người nghe. Dù chiến tranh đã lùi xa, chúng ta cũng không còn phải trải qua những cuộc chia xa bịn rịn nước mắt, nhưng mỗi lần nghe lại “Chuyện giàn thiên lý”, người nghe như thật sự cảm nhận được nỗi niềm của người lính chiến thời ấy, nỗi nhớ thương và sầu dâng khi nhìn cảnh quê hương chìm trong khói đạn. Đây cũng là lý do mà cho dù đã qua hàng chục năm, chiến tranh đã không còn nhưng những cảm xúc và thành công mà nhạc khúc “Chuyện giàn thiên lý” mang lại là những ký ức chiến tranh không bao giờ phai trong lòng người mộ nhạc ngày nay và mãi về sau nữa.
Tôi đứng bên này sông, bên kia vùng lửa khói.
Làng tôi đây, bao năm dài chinh chiến,
từng lũy tre muộn phiền.
Tôi có người vợ ngoan.
Đẹp như trăng mười sáu, cưới rồi đành xa nhau.
Nhớ đôi môi nàng hiền, xinh xinh màu nắng.
Má nàng hồng thơm mùi thơm lúa non.
Ai ra đi mà không từng bịn rịn.
Xa người yêu mà dễ mấy ai vui.
Em nhìn theo bằng nước mắt chia phôi.
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ
Này anh lính chiến, người bạn pháo binh.
Mẹ tôi tóc sương từng đêm nghe đạn pháo rơi thật buồn.
Anh rót cho khéo nhé, kẻo lầm vào nhà tôi.
Nhà tôi ở cuối chân đồi,
có giàn thiên lý, có người tôi thương.