Anh Việt Thu tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang sinh năm 1939 mất năm 1975. Ông sinh ra tại Campuchia đến năm 1940 mới có giấy khai sinh tại làng An Hữu, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho. Anh Việt Thu là một nhạc sĩ nổi tiếng từ trước năm 1975, ông là tác giả của vô số ca khúc nổi tiếng như “Hai Vì Sao Lạc”, “Người Ngoài Phố”, “Cuốn Theo Chiều Gió”… Tên khai sinh của ông là “Kim Sang”, trùng với tên của vị sư thầy tại ngôi chùa mà cha mẹ ông cầu tự. Đối với nghệ danh “Anh Việt Thu”, ông có người em út tên là Việt Thu nên ông đã lấy nghệ danh “Anh Việt Thu” với ý nghĩa đơn giản “Anh của Việt Thu”. Anh Việt Thu là một nhạc sĩ trẻ sáng tác từ rất sớm lúc bấy giờ. Từ năm 1956 (17 tuổi), Anh Việt Thu đã có một số tác phẩm đầu tay như “ Giòng An Giang”, “Đẹp Bạc Liêu”… Từ đó đến khi ông qua đời, ông đã có khoảng hai trăm bài hát.
Bài hát “Cho Chuyện Chúng Mình” là tác phẩm Anh Việt Thu sáng tác dựa trên một câu chuyện tình buồn. Bài hát như là những lời nói cuối cùng của cặp tình nhân, gửi cho nhau đôi lời tâm sự cuối cùng.
“Thôi đã xa nhau rồi kể từ đêm nay.
Từ con đường cỏ lá me rơi.
Qua dòng sông rất đẹp đưa tiễn em qua cầu.
Cầu sang sông bao nhiêu nhịp em sầu bao nhiêu?
……
Dù sao anh cũng nhớ thương vô cùng.
Đường tình xưa hoa nắng nắng rưng rưng.
Lời thề đong đưa theo gió chắc em còn nhớ.
Thôi giã từ kỷ niệm chúng mình yêu nhau….”
Vào thời điểm cuối cuộc tình, lúc chia tay chàng trai nhớ lại con đường tình yêu mà mình đã trải qua. Khởi đầu tình yêu là hình ảnh “Từ con đường cỏ lá me rơi”, một hình ảnh hồn nhiên, trong sáng lúc mới yêu. Đến khúc cuối cuộc tình, câu chuyện tình của họ gắn liền với chiếc cầu, gắn liền với tình yêu của chàng trai. Nỗi nhớ của của người con gái được chàng trai cảm nhận như những nhịp cầu, liệu có bao nhiêu nhịp, cây cầu đó ra sao? Nỗi nhớ của người con gái lúc bấy giờ chính là thứ quyết định được liệu có mấy nhịp cầu sang sông. Quá khứ và hiện tại của chuyện tình được chàng trai ghi nhớ, thể hiện một tình yêu chưa có một phút giây thay đổi, đến cuối cuộc tình nhưng tình cảm hai bên dường như vẫn còn.
Tình cảm vẫn còn đó nhưng vẫn không thể tiếp tục, chỉ có thể dấu kín trong tâm tư. Câu hát “Thôi nhé hai chúng mình giã từ đêm nay” nghe sao thật tiếc nuối, không cam chịu trước hoàn cảnh. Chỉ một đêm sao có thể giải bày, làm sao câu chuyện tình này có thể lành lại. Họ đành trao trả nhau những kỷ niệm về quá khứ, sẽ không còn là người yêu mà chỉ còn là người từng thương. Liệu họ có làm được điều đó? Có thể trao trả kỷ niệm? Có đành lòng gọi nhau là “cố nhân”? Quá khứ của tình yêu đã in sâu trong tâm trí, những thứ họ trải qua cùng nhau từ con đường có lá me bay đến chiếc cầu tình yêu. Mọi thứ chỉ khiến cho cuộc tình thêm lưu luyến dù cho có kết thúc.
“Thôi đã xa nhau rồi cầm bằng như cơn gió thoáng qua sông.
Từng đêm anh thui thủi sống trong kỷ niệm.
Và từng đêm em cũng chắc nhớ bâng khuâng
Biết xa nhau rồi sẽ chẳng mong gặp lại.”
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hương Lan trình bày.
“Như cơn gió thoảng qua sông”, đó là những suy nghĩ của chàng trai về cuộc tình đã rời xa. Anh Việt Thu sử dụng từ “cầm bằng” ý như bằng mặt như không bằng lòng. Không muốn cuộc tình của họ cứ như một cơn gió, bay đi rồi sẽ khó có thể quay về. Hai người đã trao trả cho nhau thư tình, đã hứa với lòng sẽ thôi không luyến lưu nhưng sao họ có thể làm được. Cả hai chỉ có thể sống trong kỷ niệm đôi lứa, tiếc nuối con đường cỏ lá me bay một thời. “Biết xa nhau rồi sẽ chẳng mong gặp nhau” cũng như là bức thư tình vậy, họ nói được nhưng không thể làm được. Thật lòng họ không muốn có cuộc chia ly, luôn ao ước sẽ có ngày gặp lại, cùng nhau đi trên con đường cỏ năm nào.
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Phương Hồng Quế trình bày.
Cuối bài hát chàng trai lại tiếp tục nhớ về những kỷ niệm. Anh nhìn thấy cơn nắng vàng trên con đường tình yêu, cảm nhận được cơn gió thoáng qua của một thời tuổi trẻ. Chuyện tình của họ đẹp là thế, hoài niệm biết bao nhưng cuối cùng chàng trai cũng phải gác lại. Chàng trai cũng đã chọn phương án tốt nhất đó là giải thoát cho cuộc tình, để nó ngủ yên trong dĩ vãng. Nhưng cũng giống với những gì anh đã hứa từ trước, liệu anh có thể trao trả được thư tình, có mong muốn không gặp mặt và có thể để cho quá khứ đi về lãng quên?
Anh Việt Thu với bài hát “Cho Tình Yêu Chúng Mình” như lời tự sự về một câu chuyện chia tay buồn, là một sự dứt khoát qua lời nói nhưng trong lòng lại đầy luyến lưu. Một khi đã yêu thật khó để nói câu từ bỏ, vì kỷ niệm là thứ quý giá nhất của tình yêu. Tình yêu giống như một cuốn sách, nếu lật giở mà không để tâm sẽ bị lướt qua, đọc quá chăm chú sẽ khiến ta rơi nước mắt. Câu nói trên thật giống với nội dung bài hát.
Trích lời bài hát Cho Tình Yêu Chúng Mình:
Thôi đã xa nhau rồi kể từ đêm nay.
Từ con đường cỏ lá me rơi.
Qua dòng sông rất đẹp đưa tiễn em qua cầu.
Cầu sang sông bao nhiêu nhịp em sầu bao nhiêu?
Thôi nhé hai chúng mình giã từ đêm nay.
Từ đây tình nghĩa có thế thôi.
Mỗi người đi mỗi ngã trao trả những trang thư tình.
Từ đây thôi không gọi nhau nhân tình mà sẽ gọi bằng cố nhân.
Thôi đã xa nhau rồi cầm bằng như cơn gió thoáng qua sông.
Từng đêm anh thui thủi sống trong kỷ niệm.
Và từng đêm em cũng chắc nhớ bâng khuâng
Biết xa nhau rồi sẽ chẳng mong gặp lại.
Dù sao anh cũng nhớ thương vô cùng.
Đường tình xưa hoa nắng nắng rưng rưng.
Lời thề đong đưa theo gió chắc em còn nhớ.
Thôi giã từ kỷ niệm chúng mình yêu nhau.
- Những hình ảnh quý hiếm về Toà Nhà Saigon Xe Hơi – Nơi sản xuất ra những chiếc xe hơi đầu tiên của Việt Nam
- Cuộc đời bạc bẽo như vôi với nhạc phẩm “Hai Bàn Tay Trắng” của nhạc sĩ Vinh Sử
- Trở về những tháng ngày cũ của thập niên 1920, ngắm nhìn Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định
- Opera House – Ký ức một thời về nhà hát đầu tiên tại Sài Gòn từng là trụ sở Quốc Hội và Hạ Nghị viện
- Đôi lời tâm tình mang vào khúc hát “GỬI NGƯỜI YÊU XƯA”