“Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người của thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ… Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra”
Đó là những lời của nhạc sĩ Văn Cao khi được hỏi về nhạc của Trịnh Công Sơn. Những sáng tác của Trịnh Công Sơn từ rất sớm đã chinh phục nền âm nhạc bởi sự tài hoa dưới ngòi của mình, nghe nhạc của ông ta ngỡ như được nghe bài thơ ngâm, nhạc và thơ quyện vào nhau và thoát khỏi mọi khuôn khổ và dấu vết âm nhạc đương thời. Nét riêng của người nhạc sĩ họ Trịnh là những lời từ được ông viết như “móc từ trong túi ra”, ông dùng từ rất tự nhiên, mộc mạc tưởng chừng như rời rạc, riêng lẻ nhưng tất cả lại thống nhất và nói nên nỗi niềm thổn thức của chính tâm hồn. Và trong rất nhiều những sáng tác bất hữu của Trịnh Công Sơn, không thể không kể đến nhạc khúc “Chiếc lá thu phai”. Nhạc khúc “Chiếc lá thu phai” là một sáng tác đậm chất riêng của Trịnh Công Sơn, mà không ai có thể bắt chước hoặc mượn lại được. Vì ở “Chiếc lá thu phai” ta nghe được sự nức nở của chính tâm hồn trong từng lời từ mộc mạc nhất.
Về đây đứng ngồi
đường xa quá ngại
để lòng theo chút nắng bên ngoài
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Khánh Ly trình bày.
Mở đầu bài hát như một chuyện kể của kẻ lữ hành đang lang thang trên đường đời và bỗng dưng “về đây”, không có một nơi chốn cụ thể, tác giả như mượn chốn không gian để dừng chân mà đứng ngồi và chợt nhận ra “đường xa quá ngại”. Người lữ khách ấy bỗng dưng ngại khi nhìn về đường xa và bỗng dừng lại tại đây để lắng lòng theo “chút nắng bên ngoài”. Chút nắng, một chút nắng thoáng qua nơi đây nhưng người lữ khách ấy cũng muốn được bắt lấy, muốn giữ lại chút nắng bên ngoài kia. Vì có lẽ người nhận ra rằng “mùa xuân quá vội”, thời gian trôi mau, nên một chút nắng ngoài kia xin được giữ lại.
Mùa xuân quá vội
Mười năm tắm gội
Giật mình ôi chiếc lá thu phai
Thời gian ai đuổi mà cứ chạy mãi chạy mãi, chẳng dừng lại chút nào “mùa xuân qua vội” nên “mười năm tắm gội” thoáng cái đã qua mau. “Mười năm tắm gội” là câu nói ý chỉ tuổi thơ vô lo, với tác giả tuổi thơ chỉ ngắn ngủi là mười năm, nên bỗng chốc khi chợt giật mình nhận ra xuân qua vội và “chiếc lá thu phai”. Một chút giật mình mà “ôi chiếc lá thu phai”, thật sự, Trịnh Công Sơn là bậc tài của người dùng từ, cái giật mình thổn thức của tâm hồn như được tái hiện lại qua đôi ba từ đơn sơ. Ông dù từ tưởng chừng rời rạc nhưng chính cái rời rạc ấy lại tạo nên một tâm trạng thoáng giật mình trước thời gian, khi tác giả bỗng nhận ra mười năm tắm gội đã qua rất mau, khi ta nhìn lại thì lá thu đã phai.
Người đâu mất người
đời tôi ngốc dại
Tự làm khô héo tôi đây
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Ngọc trình bày.
Vì thời gian qua mau, đời người ngắn ngủi và “sinh lão bệnh tử” nào có loại trừ ai, nên khi “người đâu người mất” khiến cho “đời tôi ngốc dại” và “tự làm khô héo tôi đây”. Ba câu hát ngắn ngủi, mang nỗi đau một đời chia ly… Thế mới biết được thân phận của con người trên thế gian này, mới biết được thế nào là “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”, thế mới biết được nếu “hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn” thì “sớm mai đây lại tiếc xuân thì”.
Chiều hôm thức dậy
Ngồi ôm tóc dài
Chập chờn lau trắng trong tay
Ca dao ta có câu rằng “đời người bằng một gang tay/ ai hay ngủ ngày, còn được nửa gang”, với Trịnh Công Sơn ông cũng nhìn đời người ngắn ngủi như thế vì “chiều nay thức dậy” bỗng nhận ra thời gian qua mau “ngồi ôm tóc dài/ chập chờn lau trắng trong tay”. Vinh hoa phú quý vốn là phù du, như một giấc chiêm bao phù phiếm và hoa lệ để khi chợt tỉnh giấc để khi giấc mộng tỉnh, vinh hoa đã mất và ta trắng lau tay trong sự chập chờn ngwox như còn mơ. Nếu là thực thì không phải mơ, và nếu là mơ thì nào là thật, tất cả đã được Trịnh Công Sơn lý giải một cách đơn sơ nhất và mộc mạc nhất.
Về thu xếp lại
Ngày trong nếp ngày
Vội vàng thêm những lúc yêu người
Cuồng phong cánh mỏi
Về bên núi đợi
Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay
Vì nhận ra rằng thời gian qua nhanh và không đợi chờ ai nên tác giả cũng muốn “về thu xếp lại/ ngày trong nếp ngày”. ÔI, Trịnh Công Sơn đã dùng từ “ngày trong nếp ngày” để nói về một khoản thời gian của quá khứ ta đã vội vàng thêm màu cho cuộc sống, là màu của tình yêu “Vội vàng thêm những lúc yêu người”. Là thơ rất thơ, thơ trong cách nói, thơ trong từ câu từng lời mà Trịnh Công Sơn sử dụng, “vội vàng thêm” chỉ đôi từ nhưng lại những sắc thái của một đời hồng trần vốn ngắn ngủi và vội vã. Cũng có những ngày “cuồng phong cánh mỏi”, ta mệt nhoài vì đời nhiều bão giông, đôi cánh xưa nay mỏi mệt và ta tìm về bên núi đợi mà “ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay”. Đá kia vô tri, đá kia sừng sững và trường tồn theo tháng năm thời gian nhưng đá vẫn thương thay cho phận người sống vội vàng quá. Ta vội vàng yêu, vội vàng mong cầu lớn khôn đẻ dang đôi cánh với đời, để rồi khi cuồng phong cánh mỏi, ta lại vội tìm về bên núi đợi mà ngậm ngùi cho thời ấu thơ đã qua.
Nằm nghe giữa trời
Giòn vang tiếng cười
điệu kèn ai buốt trong tôi
Mùi hương phấn người
Một hôm nhớ lại
Hẹn ngày sau sẽ mua vui.
Để khi về bên núi đợi “ta nằm nghe giữa trời” mà “giòn vang tiếng cười” trong điệu kèn ai buốt trong tôi. Thế gia này có người khóc, có kẻ cười, cuộc sống luân hồi và thời gian vẫn sẽ trôi qua. Để khi một hôm nhớ lại những tháng năm tuổi trẻ ta từng sống “mùi hương phấn người” mà chỉ có thể “hẹn ngày sau sẽ mua vui”.
“Chiếc lá thu phai” đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tạo nên bởi những nét bút tuyệt diệu của lời từ, sự tinh tế trong từ câu chữ đã mang lại cho ta những cảm xúc bất chợt, thổn thức và lắng đọng lại để ta có thể chiêm nghiệm đôi điều về thời gian đã trôi mau, về trần đời vốn ngắn ngủi. Nhân sinh không chờ ai, và lá thu kia sẽ phai màu trong nắng, nên người sau hãy quý trọng thời gian, quý trọng tình cảm của nhau, đừng vội vàng sống qua ngày, mà hãy sống hạnh phúc từng ngày để một mai khi có “về bên núi đợi” ta không còn hối tiếc vì đã sống quá vội vàng trong một đời vốn đã ngắn ngủi.
Về đây đứng ngồi
đường xa quá ngại
để lòng theo chút nắng bên ngoài
Mùa xuân quá vội
Mười năm tắm gội
Giật mình ôi chiếc lá thu phai
Người đâu mất người
đời tôi ngốc dại
Tự làm khô héo tôi đây
Chiều hôm thức dậy
Ngồi ôm tóc dài
Chập chờn lau trắng trong tay
Về thu xếp lại
Ngày trong nếp ngày
Vội vàng thêm những lúc yêu người
Cuồng phong cánh mỏi
Về bên núi đợi
Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay
Nằm nghe giữa trời
Giòn vang tiếng cười
điệu kèn ai buốt trong tôi
Mùi hương phấn người
Một hôm nhớ lại
Hẹn ngày sau sẽ mua vui.