Cảm nhận về tình yêu tuổi học trò qua bài hát “Bây giờ tháng mấy” của nhạc sĩ Từ Công Phụng

Từ Công Phụng sinh ngày 27 tháng 7 năm 1942 của vùng đất Ninh Thuận, là một nhạc sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam và cũng là số ít nhạc sĩ thuộc dân tộc Chăm. Từ Công Phụng nổi tiếng từ rất sớm, ông chính là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của nền âm nhạc thập niên 1960, 1970 cùng thời với các nhạc sĩ nổi danh khác như: Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An…

Nhạc sĩ Từ Công Phụng

Từ Công Phụng là một nhạc sĩ hiếm hoi khi chỉ theo đuổi một dòng nhạc, bởi lẽ cả cuộc đời của ông gần như chỉ viết tình ca, hoặc ít nhất là nổi tiếng chỉ với những bản nhạc tình có giai điệu trữ tình, êm đềm và lãng mạn. Ông đã từng chia sẻ rằng từ những bước đầu chập chững bước lên nấc thang của âm nhạc thì ông vẫn luôn tự dặn lòng mình rằng sẽ kiên định với dòng nhạc tình ca. Bởi tình ca đối với tác giả chính là một sự vĩnh hằng, luôn tồn tại trong tim của mỗi người, khi nào còn những cặp tình nhân thì lúc đó nhạc tình ca của ông sẽ còn sống mãi. Để ngợi ca sự tươi đẹp chuyện tình của một thế hệ, dù thế hệ này qua thế hệ khác, tuần hoàn mãi không bao giờ dứt, dù có qua ngàn năm vẫn vậy. 

Bài hát “Bây giờ tháng mấy” được Từ Công Phụng sáng tác năm 1960, là tác phẩm đầu tay khi ông chỉ mới 18 tuổi, và bài hát nhanh chóng lan rộng trong giới sinh viên Văn Khoa. Đó là bài hát về một học sinh mới lớn, đang còn tuổi ăn tuổi học nhưng đã có những rung động đầu đời, những tình yêu thầm kín không dám thổ lộ của thời hoa học trò đỏ thắm. Từ những cảm xúc riêng tư, Từ Công Phụng đã viết thành ca khúc “Bây giờ tháng mấy”.

“Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?

lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm

Chiều nay nếu em đừng hờn dỗi,

trách nhau một lời thôi

Tâm hồn mình đâu lẻ đôi.

……

Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?

Anh đi tìm mùa xuân trên đời

Mùa đông chết đi rồi mùa xuân

mắt em đẹp trời sao

cho mình thương nhớ nhau.”

 

Bài hát là những nỗi buồn bâng khuâng của một chàng trai mới lớn khi bị người con gái hờn dỗi, giận hờn. Trong tình yêu tuổi học trò, cái tuổi vừa chớm nở ấy sẽ không thể nào tránh khỏi được những hờn giận vu vơ. “Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em” nó là một câu hỏi nhưng cũng là một câu tự tình, chúng ta giận nhau đã bao lâu rồi em hỡi, chúng ta đã có thể làm lành lại chưa, liệu thời gian này có quá lâu không? Đúng vậy, quá lâu, lâu đến nỗi chàng trai còn có thể cảm nhận được sự chuyển động của mây trời – “Lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm”. Chàng trai ước gì mình đừng giận nhau, sự giận hờn ấy sẽ chỉ là vu vơ thôi, sẽ chóng lành, đôi ta sẽ lại vui vẻ như lúc đầu thôi, như vậy chúng ta sẽ lại ở bên nhau, cùng nhau đi tiếp trên con đường tình yêu, xây dựng tiếp tương lai như bầu trời kia cứ chuyển động không bao giờ dừng lại. Thời gian sẽ không chờ đợi một ai, nó cứ trôi đều và dường như đôi tình nhân ấy đang lãng phí thanh xuân và tuổi trẻ của mình vào những trò giận dỗi ấy.  Cuộc đời ngoài kia cứ trôi qua, thời gian bên nhau, mỗi phút mỗi giây đều quý giá, sao ta không gác lại những muộn phiền, nhường nhịn lẫn nhau đôi chút để đón chào những cảm xúc nồng nàn và nhiệt huyết đáng có của tình yêu tuổi học sinh.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Bây giờ tháng mấy do Tuấn Ngọc trình bày.

Trong thời gian giận hờn của cô gái, chàng trai chỉ biết tìm lấy tình yêu qua những kỷ niệm trong suy nghĩ “Anh đi tìm màu hoa em cài”. Hình ảnh đẹp của cô gái được chàng trai cất giữ trong lòng, nhưng có lẽ thời gian giận nhau quá lâu, ký ức ấy cũng đã phai mờ phần nào làm cho chàng trai không còn nhớ rõ nữa màu hoa em cài khi ấy. Những lãng quên ấy chỉ khiến cho chàng càng thêm thương nhớ người yêu, mong sẽ không còn hờn dỗi, sẽ về bên nhau không còn đôi ngã chia ly như hiện tại. “Áo em đẹp màu thơ, môi tràn đầy ước mơ” là những suy nghĩ, liên tưởng về cô gái khi đến ngày gặp lại, hình ảnh cô gái học sinh mang trên mình tà áo dài thơ mộng, trên môi là nụ cười mang trong mình ước mơ tuổi trẻ về một tương lai phía trước. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng khiến cho chàng trai muốn xé tan không gian hiện tại để được gần bên nàng, để nói lên những tâm tư mà bản thân mình đã cất giấu trong suốt thời gian xa nhau.

“Mai đây anh đưa em đi về,

Mưa giăng chiều nắng tàn

Cho buốt lạnh chúng mình.

Em ơi, thôi đừng hờn anh nữa,

Nhìn nhau buồn vời vợi,

Để mùa đông buốt giá bờ vai mềm” 

Những chi tiết trong “Bây giờ tháng mấy” là một khung cảnh rất đẹp được Từ Công Phượng tưởng tượng ra như trong một cuốn tiểu thuyết. Trên con đường anh đưa em về mưa giăng kín lối, những giọt mưa ấy không làm chúng ta lạnh mà những giận hờn ấy mới khiến ta “buốt giá bờ vai mềm”. Khi giận hờn nhau ai sẽ là người hạ cái tôi của bản thân mình xuống, nói một câu nhận lỗi là một điều cao thượng nhưng lại chẳng mất mát gì. Giận hờn làm chi để ta ngày một xa cách, để sau này tự trách bản thân rằng giá gì mình đã từng nói một lời xin lỗi.

“Anh đi tìm mùa xuân trên đời

Mùa đông chết đi rồi mùa xuân” 

Hình ảnh mùa xuân ở đây như đang ví cho cô gái mà chàng trai thương nhớ. Anh sẽ đi tìm em, tìm lại mùa xuân, tìm lại tình yêu trong cuộc đời này. Không chấp nhận mùa đông lạnh giá của khoảng thời gian xa nhau, bỏ qua cái tôi chính mình để đôi mình được có lại mùa xuân của tuổi trẻ. Giận hờn khiến cho ta quên đi cả thời gian và không gian hiện tại, khiến tình yêu càng thêm xa cách và rạn nứt. Nhưng tình yêu là vậy, có tình yêu nào lại không giận hờn vu vơ huống gì là tình yêu thời học sinh bồng bột. Trong tình yêu giận hờn nhau chỉ là một liều thuốc thử, liệu ta có bỏ qua cái tôi của bản thân, cái tự cao của tuổi trẻ để hướng về tình yêu chung của đôi lứa.

Tình yêu trong ca khúc của Từ Công Phụng thật là đẹp, nó cho ta thấy được cái sự hồn nhiên và ngây thơ của tình yêu tuổi học trò. Giận hờn của tình yêu tuổi trẻ buồn là thế nhưng lại là niềm vui cho người nghe, đó có lẽ sẽ là một hoài niệm ngọt ngào của bản thân. Ta như đang sống lại tuổi trẻ của chính mình trong từng câu hát trữ tình của nhạc sĩ Từ Công Phụng.

Trích lời bài hát Bây giờ tháng mấy:

Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm
Chiều nay nếu em đừng hờn dỗi,
trách nhau một lời thôi
Tâm hồn mình đâu lẻ đôi.

Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
Anh đi tìm màu hoa em cài
Chiều nay nhớ em rồi và nhớ
áo em đẹp màu thơ,
môi tràn đầy ước mơ

Mai đây anh đưa em đi về,
mưa giăng chiều nắng tàn
cho buốt lạnh chúng mình.
Em ơi, thôi đừng hờn anh nữa,
nhìn nhau buồn vời vợi,
để mùa đông buốt giá bờ vai mềm.

Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
Anh đi tìm mùa xuân trên đời
Mùa đông chết đi rồi mùa xuân
mắt em đẹp trời sao
cho mình thương nhớ nhau.

Đánh giá post

Viết một bình luận