Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Hàn Mặc Tử” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

Ca khúc “Hàn Mặc Tử” được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác vào khoảng đầu thập niên 60. Đây là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của ông, khi kể về cuộc đời tình ái và sự nghiệp của thi sĩ Hàn Mặc Tử một nhà thơ nổi tiếng, người khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, một thi sĩ tài hoa nhưng lại bạc mệnh.

Năm 1965 ca khúc “Hàn Mặc Tử” được ca sĩ Trúc Mai hát ở Đại nhạc hội tại rạp hát Thanh Bình, Sài Gòn, với giọng hát ngọt ngào, đầm ấm, cô đã diễn tả bài hát thật nhẹ nhàng, êm ái thổi hồn bài hát vào người nghe để khán thính giả có thể cảm nhận được cái hồn của ca khúc, cũng chính vì lẽ ấy mà bài hát đã nhanh chóng được mọi người yêu mến và biết đến, trở thành tác phẩm nổi tiếng ở Việt Nam lúc bấy giờ. Sau đó, bài hát được phổ biến rộng rãi khắp mọi nơi cho đến tận ngày nay. Ở cuộc sống bộn bề hiện tại, lâu lâu ta lại nghe từ đâu đó phát ra những câu từ “Ai mua trăng, tôi bán trăng cho…” hết sức quen thuộc từ những quán cà-phê, bến xe đò, bến phà hay đơn giản là từ các bác bán hàng rong đi khắp hang cùng ngõ hẻm…

Cuộc đời của thi sĩ Hàn Mặc Tử chỉ ngắn ngủi trong 28 năm nhưng tài năng và số mệnh của ông được không biết bao nhiêu người nhắc đến. Từ báo đài, thơ ca, tiểu thuyết, cải lương, thoại kịch, phim truyện cho đến các đài truyền hình bên Việt Nam cũng đã cho trình chiếu một bộ phim truyện dài tập về cuộc đời Hàn Mặc Tử. Phải nói rằng, ông là một thiên tài trong làng thơ ca của Việt Nam nhưng lại có số phận vô cùng bất hạnh và nghiệt ngã.

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, ông sinh năm 1912 tại Quảng Bình trong một gia đình theo đạo Công giáo. Từ nhỏ ông đã theo cha đi nhiều nơi và học nhiều trường khác nhau. Năm 1926 cha ông mất, mẹ ông cho ông học ở trường Pellevin ở Huế, nhưng đến năm 1930, ông thôi học và theo mẹ vào Quy Nhơn, Bình Định. Từ nhỏ Hàn Mặc Tử đã ốm yếu, tính tình hiền lành, ông đặc biệt thích văn thơ và thích giao du với bạn bè trong lĩnh vực này.

Khi mới 16 tuổi ông đã bộc lộ được tài năng làm thơ của mình. Hàn Mặc Tử chịu ảnh hưởng khá lớn về mặt tư tưởng của chí sĩ Phan Bội Châu, ông cũng đã từng gặp Phan Bội Châu và được người này giới thiệu bài thơ “Thức khuya” của mình lên một tờ báo. Một thời gian sau ông nhận được suất học bổng đi Pháp nhưng phải đình lại vì quá thân với Phan Bội Châu. Sau đó, vào năm 21 tuổi ông quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp.

Khi đến Sài Gòn, Hàn Mặc Tử làm phóng viên và phụ trách trang thơ cho tờ báo Công luận. Khi ấy, có một người con gái tên Mộng Cầm ở Phan Thiết cũng hay làm thơ và gửi lên báo. Hàn Mặc Tử bắt đầu tìm hiểu sau đó họ trao đổi thư từ cho nhau, và rồi ông quyết định ra Phan Thiết để gặp Mộng Cầm. Giữa họ nãy nở một tình yêu đầy lãng mạn, kèm theo đó là những vần thơ êm ái được ra đời. Trong các cuộc dạo chơi, họ đã từng đi qua “Lầu Ông Hoàng”. Trong ca khúc “ Hàn Mặc Tử” Trần Thiện Thanh đã viết Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa. Lầu ông Hoàng đó thuở nao chân Hàn Mặc Tử đã qua”.

Lầu Ông Hoàng là một dinh thự to lớn đầy nguy nga tráng lệ, bao quanh là vườn tược, cây cảnh rất xinh đẹp và nằm trên một ngọn đồi nhìn ra biển xanh. Dinh thự này do một ông hoàng (công tước) người Pháp tên là De Montpensier mua khu đất này và xây cất lên vào năm 1911 để làm nơi nghỉ hè, vui chơi cho gia đình ông. Đến năm 1917, thì một người Pháp mua lại để làm khách sạn cho du khách thuê. (Trong thời chiến tranh sau này, khu vực Lầu Ông Hoàng đã bị phá hủy hoàn toàn, nay chỉ còn cái nền cao mà thôi). Thời ấy, những cặp tình nhân thường hay hẹn hò nhau đến khu vực này để ngắm cảnh và tâm tình với nhau nhất là trong những đêm trăng sáng.

Thông qua Mộng Cầm, Hàn Mặc Tử quen biết được với thi sĩ Bích Khê là cậu của Mộng Cầm, sau vài lần chuyện trò hai thi sĩ này trở nên thân thiết với nhau như tri kỷ. Hầu như cuối tuần nào Hàn Mặc Tử cũng tới Phan Thiết và ở trọ nhà Bích Khê, sau đó hẹn gặp Mộng Cầm (Mộng Cầm ở trọ nhà một người cậu khác).

Vào khoảng đầu năm 1935, ông phát hiện dấu hiệu của bệnh phong trên cơ thể, tuy nhiên ông không quan tâm vì cho rằng nó chỉ là một chứng phong ngứa gì đó không đáng kể. Đến năm 1936, ông xuất bản tập “ Gái quê”, Rồi đi Huế, Sài Gòn, Quảng Ngãi, lúc vào Sài Gòn lần thứ hai, ông được mời làm chủ bút cho tờ Phụ nữ tân văn, nhưng ông nghĩ đến bệnh tật của mình và muốn chữa cho dứt hẳn một loại bệnh thuộc loại “phong ngứa” gì đấy, để yên tâm vào Sài Gòn làm báo chứ không ngờ đó là một căn bệnh nan y. Từ khi biết bệnh tình của Hàn Mặc Tử, tuy vẫn thư từ qua lại, nhưng Mộng Cầm lãng tránh dần thi sĩ, ít khi hò hẹn với nhau, tương tự như câu hát “Trách thay cho tơ duyên chưa thắm nồng đã vội tan” của Trần Thiện Thanh.

Khi bệnh tình trở nên ngày càng nặng hơn, thi sĩ bèn quay về Quy Nhơn thuê một căn nhà nhỏ nằm ven bãi biển Gềnh Ráng, cạnh một đồn lính Tây của hai chị em người đàn bà góa để trú ngụ. Hàng ngày có em họ ông tên là Phạm Hành (em con chú ruột của Hàn Mặc Tử). Vì quá thương anh sớm lâm trọng bệnh mà ông bỏ học để theo chăm sóc, phục vụ chu tất trong những ngày nhà thơ chống chọi tuyệt vọng với căn bệnh, ngày ngày ông Hành về nhà mẹ của Hàn Mặc Tử gần đó lấy cơm nước, thuốc men đem đến cho ông. Trần Thiện Thanh đã viết:

“Hàn Mạc Tử xuôi về quê cũ, giấu thân nơi nhà hoang
Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi
Tình đã lỡ xin một câu hứa, kiếp sau ta trọn đôi
Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi.”

Năm 1938 – 1939, căn bệnh quái ác đã làm cho Hàn Mặc Tử đau đớn dữ dội. Lúc này ông chỉ có thể làm thơ để dịu đi vết thương về thể xác và tâm hồn của mình. Ông sáng tác bài thơ Trăng Vàng Trăng Ngọc trong giai đoạn này:

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…
Bao giờ đậu trạng vinh quy đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.

Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hồn Trăng.
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt, là anh dại quá:
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.


Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!

Hai anh em Hàn Mặc Tử ở trong căn nhà thuê lụp xụp bên mé biển đó tầm được 5 tháng thì bệnh của Hàn Mặc Tử nặng ra. Hàn Mặc Tử được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Quy Nhơn, nằm được vài hôm, đến ngày 20/09/1940 thì ông chuyển qua ở Bệnh viện Phong Quy Hòa. Ở nơi đó, thời bấy giờ được xem là nơi tột cùng đau khổ của nhân gian…

https://www.youtube.com/watch?v=1Uic4Xpa4EQ

Trong những ngày tháng cuối đời, ông vẫn luôn đau đáu nhớ về Phan Thiết, nhớ đến Mộng Cầm và những kỷ niệm ngày xưa. Hàn Mặc Tử đã viết nên những câu thơ dưới đây như những lời trăn trối cuối cùng trong nỗi tuyệt vọng:

“(…) Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng
Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông-Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương tha thiết

Ôi! Trời ơi! là Phan Thiết! Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi
Ta đến nơi: nàng ấy vắng lâu rồi!
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ!

Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng

Ta vãi tung thơ lên tận cung Hằng
Thơ phép tắc bỗng kêu rên thống thiết.

Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết!
Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư!”(..)

Ngày 11 tháng 11 năm 1940 Hàn Mặc Tử ra đi mãi mãi, để lại bao tiếc thương cho những người thân và cho bao người mến mộ ông. Kết thúc chuỗi ngày đau đớn vì bệnh tật của mình, khép lại cuộc đời của một người thi sĩ tài hoa. Như những lời ca mà Trần Thiện Thanh đã viết:

“Tìm vào cô đơn đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến
Người xưa nào biết, chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa
Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm nghe trăng vỡ
Khóc thương thân bơ vơ, cho đến một buổi chiều kia
Trời đất như điên cuồng khi hồn phách vút lên cao
Hàn Mặc Tử nay còn đâu?”

Trần Thiện Thanh sau một lần viếng thăm mộ Hàn Mặc Tử, ông đã về viết nên ca khúc này để tiếc thương cho người thi sĩ đại tài nhưng lại có số phận quá bi thương. Mà khi sáng tác ca khúc “Hàn Mặc Tử” cách đây hơn 50 năm, chắc có lẽ nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng không ngờ rằng sau này cuộc đời ông cũng có nhiều điểm giống như thi sĩ tài hoa bạc mệnh này.

Nguồn tổng hợp

5/5 - (1 bình chọn)

3 bình luận về “Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Hàn Mặc Tử” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh”

Viết một bình luận