Hầu hết những người yêu thơ hay đam mê những dòng nhạc xưa, đều sẽ biết đến bài hát phổ thơ Nguyễn Bính – “Cô hái mơ” của người nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy. Đây cũng chính là nhạc phẩm đầu tay của ông vào năm 1942 – Được xem như “đứa con tinh thần” của cố nhạc sĩ. Ông đã từng tâm sự rằng: “Tôi đã phổ bài thơ này vào năm 1942. Đó là bản nhạc đầu tiên của tôi cho nên tôi yêu nó lắm….”. Ca khúc này nhanh chóng được nhiều người đón nhận bởi ca từ đẹp, rất ngây thơ, rất trong sáng; giai điệu thì nhẹ nhàng và da diết, nó như cuốn người nghe vào khung cảnh mà chính tác giả đã vẽ nên.
“Cô hái mơ” được lấy bối cảnh ở chùa Hương. Đây không chỉ là một nơi tôn nghiêm cửa Phật, mà còn là một trong những danh lam thắng cảnh đệ nhất động trời Nam. Luôn mang đến nguồn cảm hứng mãnh liệt cho những ai trót một lần đặt chân tới. Nguyễn Bính cũng không ngoại lệ, không ai biết ông đã làm gì và gặp gỡ những ai, mà khi về ông đã cho ra một thi phẩm gây thương nhớ đến vậy!
“Cô hái mơ” đã gây nên sự bứt rứt trong lòng Nguyễn Bính rất lâu, và nó cũng lấy đi rất nhiều tình cảm của Phạm Duy.
“Thơ thẩn đường chiều, một khách thơ
Say nhìn xa rặng núi xanh mờ
Khí trời trong sáng và êm ái
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ…”
Ôi! Chỉ bốn câu hát đầu tiên thôi, sao mà hay quá, tuyệt vời quá! Ngôn từ nào để diễn tả nên sự đẹp đẽ của khung cảnh này bây giờ? Nhưng sao trong thâm tâm lại thấy khang khác. Phải chăng, câu từ trong bài hát này quá đỗi chau chuốt, nó kiểu cách hơn, nó làm người nghe khó mường tượng được chính xác cái khung cảnh mơ mộng này. Câu chính của bài thơ “Khí trời lặng lẽ và trong trẻo” được thay bằng câu “Khí trời trong sáng và êm ái”, dù 2 cái có nghĩa tương đương, đều muốn diễn tả nên một viễn cảnh thật trong, thật xanh, thời tiết thật đẹp. Nhưng rõ ràng câu hát của Phạm Duy, dễ đi vào lòng người hơn, nó chân thật hơn. Hình ảnh cô hái mơ dù chỉ là thấp thoáng, nhưng phần nào hoàn thiện hơn khung cảnh nhìn có vẻ đơn côi ấy.
Đã từng có một nhà phê bình mang tên Hoài Thanh bày tỏ sự bức xúc của mình về lối thơ trong bài Cô hái mơ của Nguyễn Bính. Nó mang lại cho Hoài Thanh cảm giác “khó chịu” khi trong những câu từ giống hệt ca dao lại bỗng chen vào những câu quá đỗi mới lạ, nó giống như bước chân vào một ngôi chùa được thấp bằng những ánh đèn điện trên bàn Phật. Nhà phê bình đã nói đúng nhưng không sao, vì dẫu sao thì bài hát Cô hái mơ của cố Nhạc sĩ Phạm Duy vẫn rất hay và rất nổi tiếng trong giới mộ nhạc.
“…Hỡi cô con gái hái mơ già!
Cô chửa về ư? Đường còn xa
Mà ánh chiều hôm dần sắp tắt
Hay cô ở lại về cùng ta
Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách Động Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương…”
Làm sao đây? Tại sao càng nghe lại càng thấy hay, càng thấy thấm trong từng câu hát thế này? Cái nét duyên dáng ấy, cái nét thướt tha ấy cứ quanh quẩn trong đầu người nghe. Hai câu hát mang đến một khung cảnh thật lãng mạn, có tiếng suối róc rách, có hương hoa ngọt ngào, tô điểm thêm cho khung cảnh “màu hồng” ấy tràn ngập tiếng yêu. Cái hình ảnh “suối nước trong tuôn róc rách” và “hoa bên suối ngát đưa hương” làm liên tưởng đến câu “hương đồng gió nội bay đi rất nhiều”.
Phải chăng “cô hái mơ” trong câu hát chính là nơi mà Phạm Duy đã sinh ra – Cái nơi “chôn rau cắt rốn” – Mang tên Hà Nội. Đối với Phạm Duy – Một người xa cách quê hương nhiều năm, sinh sống xứ người, thì bài hát này chứa đựng biết bao nhiêu là tình cảm, bao nhiêu là tình yêu với quê hương đất nước. Điều này thể hiện rõ nhất ở giai điệu bài hát, da diết, tình cảm, đi sâu vào lòng người, có ai vừa nghe mà lòng vừa hơi nghẹn ngào hay không?
“…Cô hái mơ ơi!
Không trả lời tôi lấy một lời
Cứ lặng mà đi, rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi.”
Một người xa quê, nhớ quê da diết nhưng lại không thể nhanh chóng quay về, như cô hái mơ cứ lặng lẽ quay đi, bỏ lại chàng trai ấy trong rừng mơ hiu hắt, quay lưng không một câu từ giã. Tiếng kêu không lời đáp, chỉ để lại một bóng lưng mơ hồ, cho lòng nhạc sĩ thêm cô đơn. Đây có thể xem là câu hát chứa chan tình cảm, nghèn nghẹn nơi trái tim của tác giả khi nhớ về mảnh đất thân yêu
“Cô hái mơ” không chỉ là một thi phẩm thành công của nhà thơ Nguyễn Bính, mà nó còn là “đứa con tinh thần” đầu tay của nhạc sĩ Phạm Duy. Nó là một tác phẩm có nét cách tân hiện đại, nhưng vẫn giữ được đâu đó nét mộc mạc dân quê. Sau 64 năm kể từ khi sáng tác này, Phạm Duy đã phải lặn lội đến chùa Hương một lần, tìm gặp cô hái mơ khi ông có cơ hội quay trở về Việt Nam vào năm 2003. Một chút gửi gắm, một chút nhớ thương về quê nhà yêu dấu.
Thơ thẩn đường chiều
một khách thơ say nhìn
xa rặng núi xanh mờ
Khí trời trong sáng và êm ái
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ
Hỡi cô con gái hái mơ già!
Cô chửa về ư ? Đường còn xa
Mà ánh chiều hôm dần sắp tắt
Hay cô ở lại về cùng ta
Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách Động Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương
Cô hái mơ ơi !
Không giả lời tôi lấy một lời.
Cứ lặng mà đi
Rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt
lá mơ rơi.