Nhạc sĩ Minh Kỳ tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, ông là một người con của đất Huế. Theo bảng gia phả của triều Nguyễn, thì ông chính là cháu đời thứ 6 của vua Minh Mạng. Tuy ông ra đi khi tuổi đời còn khá trẻ nhưng trong suốt sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của mình ông đã sáng tác rất nhiều nhạc phẩm và được phổ biến rộng rãi đến ngày hôm nay. Các sáng tác của ông gắn liền với thời kỳ kháng chiến cứu nước. Trong đó bài hát nổi bật về tình yêu đôi lứa trong thời kì đấu tranh bảo vệ hòa bình đất nước “ANH TIỀN TUYẾN, EM HẬU PHƯƠNG” của ông đã mang lại cái nhìn đa chiều về tình cảm đôi lứa thời bấy giờ. Không như những cặp đôi yêu nhau ngày nay có thể ở cạnh nhau thì chính vào thời điểm đất nước trong ngày tháng điêu linh ấy, những cặp đôi phải tạm rời xa nhau để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ được nước nhà.“Em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến
chúng ta cách xa rồi nhưng tình đâu có chia phôi
Mình gọi tên nhau nhớ nhau trong mộng thôi
tha thiết yêu nhau mà vui
Em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến
những đêm phố lên đèn
Tuyến đầu anh đón trăng lên
Tình mình cao hơn núi non kia hùng vĩ,
nên vẫn vui câu biệt ly.”
Vào đầu bài hát câu nhạc được cất lên “Em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến” để nhấn mạnh việc xa nhau về khoảng cách địa lí quân sự. Anh thì ở tiền tuyến nơi trực tiếp thực hiện các nghĩa vụ còn em chính là hậu phương vững chắc luôn ủng hộ và mang đến cho anh niềm tin để có thể cố gắng chiến đấu. Nhưng dù khoảng cách có xa đến thế nào thì hai con tim vẫn luôn hướng đến nhau. Và cũng chính vì không thể gặp được nhau trong lúc đất nước loạn lạc như vậy nên những khi nhớ nhau thì cũng chính là lúc gọi tên nhau trong những giấc mộng đẹp. Những giấc mộng của cặp đôi yêu nhau thật sự và luôn lo lắng về nhau, chỉ cần gọi tên nhau trong những đêm say giấc thế thôi là cũng đã đủ khiến lòng người ấm lên xoa dịu tất cả nỗi đau chiến tranh. Những đêm ở nơi hậu cần phố lên đèn, thì ở nơi tiền tuyến cũng đang đón ánh trăng nơi phương xa. Những khi ấy người lính vừa ngắm trăng trong những đêm canh gác nơi chiến trường vừa suy nghĩ về tình cảm của chính bản thân mình còn cao hơn cả những ngọn núi hùng vĩ ngoài kia nên dù có chia xa thì anh vẫn cảm thấy hạnh phúc luôn đong đầy.
“Anh ơi em mơ thấy anh về bao rộn ràng
đôi tim hân hoan kết se duyên thắm nồng nàn
Hòa theo cung đàn có lời ca nhịp nhàng
vạn niềm vui chứa chan
Em ơi biên cương súng vang rền
Anh ngờ quê hương thân yêu
đón xuân về pháo rượu nồng
mừng duyên tơ hồng,
chúng mình nên vợ chồng
là ngày anh ước mong.”
Em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến
ước mong nước non mình hết ngày chinh chiến điêu linh
Mộng đẹp yên vui với câu ta thường nói:
“Thương mến nhau không hề vơi”
Có những khi nhớ về người lính nơi phương xa quá nhiều nên những cô gái nơi hậu phương cũng đã từng không ít lần có những giấc mơ về sự sum vầy, đôi tim được kề cạnh bên nhau. Không những vậy, hòa chung với niềm vui đó còn có những lời ca, tiếng đàn chung vui với niềm vui lứa đôi. Về phần anh lính nơi phương xa, anh cũng không ít lần dù đang ở nơi biên cương anh vẫn luôn ước mong về ngày vui của mình có pháo đỏ rượu hồng. Ngày mà anh và người mình thương được chính thức trở thành vợ chồng của nhau. Lời bài hát cho thấy rõ tình cảm và những mong muốn của những cặp đôi yêu nhau luôn hướng về hạnh phúc cuối cùng là được về chung một nhà. Nhưng để mong ước đó có thể thực hiện được thì trước tiên quê hương đất nước phải hòa bình, không còn những cảnh bom rơi, đạn lạc, chết chóc thì cũng chính là ngày những người chiến sĩ có thể an tâm để quay trở về với hạnh phúc riêng của mình.
“Mai này đây người em thơ nhỏ bé
có anh vuốt vai gầy,
ngắm làn môi thắm thơ ngây
Trọn đời chung đôi mãi yêu như ngày cưới
Hai đứa kêu nhau: “Mình ơi!”…”
Cuối bài tác giả đã hướng đến một tương lai tươi sáng, ngày mà người chiến sĩ có thể quay về với tình yêu của mình nơi hậu phương. Và lúc đó anh có thể chăm sóc cho người đã luôn ở phía sau ủng hộ anh trong lúc anh thực hiện nghĩa vụ ở nơi xa. Ngày mà anh có thể nhìn ngắm làn môi thắm thơ ngây của người mình yêu thương mỗi ngày. Và cuộc sống sẽ viên mãn được bên nhau đến trọn đời, và ngày nào cũng sẽ giống như ngày cưới. Sẽ là một ngày mà chính thức được gọi nhau bằng hai tiếng “Mình ơi…”.
Qua bài hát chúng ta có thể nhận rõ hơn về tình yêu của các cặp đôi trong thời kỳ đất nước đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Tuy rằng có xa cách về mặt địa lí nhưng trong tâm trí vẫn luôn hướng đến nhau và luôn tin tưởng về một tương lai quê hương ta sẽ sống hòa bình và những người chiến sĩ ở tiền tuyến sẽ được quay về bên cạnh người hậu phương của mình và lúc đó họ sẽ sống hạnh phúc bên cạnh nhau mãi.