“Bảy ngày đợi mong” một ca khúc vô cùng dễ thương về tình yêu của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

Trần Thiện Thanh (sinh năm 1942) là một người nhạc sĩ chuyên viết nhạc trữ tình. Bút hiệu thường dùng của ông là Trần Thiện Thanh, nhưng đôi lúc ông cũng sẽ ký tên con trai ông hoặc tên của em trai ông vào những tác phẩm đắt giá của mình. Ngoài là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất giai đoạn 1975, thì ông còn là một nam ca sĩ nổi danh với nghệ danh Nhật Trường. Ông khá lẫy lừng vào thời điểm ấy khi được xem như là một trong 4 giọng ca nam đình đám của dòng nhạc vàng thời bấy giờ – Ông chính là một trong “tứ trụ nhạc vàng”.

Trần Thiện Thanh và người vợ thứ 2 – Kim Dung
Trần Thiện Thanh và người vợ Kim Dung

Hai chủ đề lớn trong sáng tác của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh chính là tình yêu giữa nam nữ và tình người lính. Ông sáng tác khá nhiều bài hát về tình lính, nhưng trong nhạc phẩm của ông không hề có sự thù hận, sự gay gắt hay là sự kích động. Không hề có sự u uất, bi thảm nào cả, mà phong cách nhạc Trần Thiện Thanh theo đuổi là sự vui tươi, làm thi vị hóa và lãng mạn hóa cuộc đời gian truân của những người lính.

“BẢY NGÀY ĐỢI MONG” như là chính quyển nhật ký hẹn hò của một cô gái, tưởng chừng buổi hẹn hò ngọt ngào, nhưng đáp lại sự nồng nhiệt của cô gái chính là sự đợi chờ người yêu.

Anh hẹn em cuối tuần

Chờ anh nơi cuối phố

Biết anh thích màu trời

Em đã bồi hồi chọn màu áo xanh

Chiều thứ bảy người đi

Sao bóng anh chẳng thấy

Rồi nhẹ đôi gót hài

Chiều nghiêng bóng dài

Áo em dần phai

Anh hẹn em, nhưng cuối cùng người thất hứa lại là anh, em đã mong chờ thế nào cho buổi hẹn, đã chờ mong anh thế nào. Biết anh thích màu sắc của trời cao xanh mướt, em đã dụng tâm chọn lựa “màu áo xanh” theo sở thích của anh. Chỉ để đôi mắt anh có thể ngắm nhìn em, khen em xinh đẹp, nhưng đáp lại chỉ có sự thất vọng vì “Chiều thứ bảy người đi – Sao bóng anh chẳng thấy”.

Ôi! Thương biết bao người con gái ấy “nhẹ đôi gót hài, chiều nghiêng nghiêng bước dài, áo em dần phai”. Cảm giác hụt hẫng, buồn bã, tổn thương khi nhìn ngắm dòng người tấp nập, người đến người đi, nhưng sao chẳng thấy anh…..

Sáng chủ nhật trời trong

Nhưng trong lòng dâng sóng

Chẳng thấy bóng anh sang

Nên thứ hai thu tàn

Nên thứ ba thu vàng

Mùa đông thứ tư sang

Qua thứ năm nghẹn ngào

Giận anh đêm thứ sáu

Quyết, em quyết dặn lòng

Không nói nửa lời, dù là ghét anh

Cung bậc cảm xúc trong bài hát “BẢY NGÀY ĐỢI MONG” mang đến cho người nghe sự thay đổi thất thường trong cảm xúc yêu đương đôi lứa, thất thường, không đoán trước, buồn vui hờn giận cứ luân phiên nhau mà xuất hiện. Tác giả Trần Thiện Thanh tài hoa khi đính lên những phím nhạc bằng chính những cảm xúc yêu đương chuyển biến liên tục: Từ sáng chủ nhật “lòng dâng sóng” khi chờ hoài mà chẳng thấy người đến, rồi đến ngày thứ 2 thu tàn, thứ 3 thu vàng và mãi đến thứ 6 sự chịu đựng đã đến giới hạn nên quyết dặn lòng “không nói nửa lời, dù là ghét anh” . Không một lời nhắn nhủ, “bật vô âm tính” suốt năm ngày qua. Một sự thất vọng, một sự tổn thương từ sâu trong trái tim. “Nghẹn ngào” không nói ra được thành lời, uất ức tận trái tim nhỏ bé, và đỉnh điểm cảm xúc bắt đầu được bùng phát chính là “giận”, là quyết tâm không nói chuyện cùng anh nữa nếu anh có đến đi chăng nữa, quyết chiến tranh lạnh cùng anh dù rất ghét hay rất nhớ anh. Vì dẫu sao thì trái tim của người con gái muôn đời vẫn mềm yếu lắm, dễ tổn thương lắm, chỉ bằng vài câu nói vô tâm hay sự im lặng không hồi đáp của người yêu, cũng khiến cô ấy giữ mãi trong lòng, tự vấn mình đã không tốt như nào để không còn nhận được sự quan tâm của ai đó nữa!

Chiều thứ bảy mưa rơi

Ai bảo anh lại tới

Ai bảo anh xin lỗi

Ai bảo anh nhiều lời

Cho mắt em lệ rơi

Thế rồi chiều thứ 7 anh cũng tới, người thương đến bây giờ cũng đã xuất hiện. Vui đó nhưng cũng giận đó. Cảm giác nhớ nhung, giận hờn trong những ngày qua không đếm sao cho hết. Cho nên cô gái có trách móc cũng là điều hiển nhiên “ Ai bảo anh lại tới. Ai bảo anh xin lỗi. Ai bảo anh nhiều lời. Cho mắt em lệ rơi”. Bao hờn dỗi, tủi thân cứ theo những lời xin lỗi, năn nỉ ỉ ôi của anh mà theo nước mắt tuôn rơi. Nước mắt rơi vì giận hờn nhưng hơn hết là vì niềm hạnh phúc đã được gặp anh sau bao ngày xa cách. Chàng trai đã không phụ sự chờ mong của cô, không làm tổn thương trái tim mỏng manh của người thiếu nữ.

Chắc có lẽ những ai đã từng trải qua cảm giác yêu đương, đều đã được trải nghiệm qua những cảm xúc khi đợi mong một người, hờn dỗi và trách móc một người thì khi ngồi nghe lại giai điệu và ca từ của bài hát này, chắc cũng đang cười thầm vì sự dễ thương, ngọt ngào mà giai điệu và ca từ bài hát mang lại. Từ trước đến nay luôn là như thế, tình yêu lúc nào cũng là một con dao hai lưỡi, một lưỡi ngọt ngào, một lưỡi đau thương. Dù chịu đựng đau thương nhưng vẫn chấp nhận vì sự ngọt ngào mà nó mang đến.

Bài hát Bảy ngày đợi mongthật sự là một ca khúc rất dễ thương của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, với ca từ rất đơn giản nhưng chứa nhiều hình ảnh đẹp, giai điệu slow nhẹ nhàng, dù vui tươi nhưng cũng có sự da diết của sự chờ đợi. Nếu hai người yêu nhau, bất chấp mọi thứ để đến với nhau, thì chờ đợi thật sự là hạnh phúc, vì kết quả của chờ đợi chính là hai người yêu nhau quay về bên nhau.

“Anh hẹn em cuối tuần, chờ nhau nơi cuối phố.
Biết anh thích màu trời, em đã bồi hồi chọn màu áo xanh.
Chiều thứ bảy người đi, sao bóng anh chẳng thấy.
Rồi nhẹ đôi gót hài, chiều nghiêng bóng dài, áo em dần phai.

Sáng chủ nhật trời trong, nhưng trong lòng dâng sóng
Chẳng thấy bóng anh sang.
Nên thứ hai thu tàn, nên thứ ba thu vàng
Mùa đông thứ tư sang.

Qua thứ năm nhẹn ngào, giận anh đêm thứ sáu
Quyết, em quyết dặn lòng không nói nửa lời, dù là ghét anh.
Chiều thứ bảy mưa rơi, ai bảo anh lại tới
Ai bảo anh xin lỗi, ai bảo anh nhiều lời,
Cho mắt em lệ rơi.”

Trích lời bài hát “Bảy ngày đợi mong”.

Đánh giá post

Viết một bình luận