“Bao giờ biết tương tư” (Phạm Duy & Ngọc Chánh) – Tâm hồn yêu thương lãng mạn đa chiều của một chàng trai mới lớn

Đăng ngày 20/07/2024

“Bao giờ biết tương tư” ban đầu chỉ là một đoạn nhạc nền do nhạc sĩ Ngọc Chánh viết bộ phim “Điệu ru nước mắt” (tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Duyên Anh) do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện vào những năm thập niên 70. Theo nhạc sĩ chia sẻ, chính mối tình mộng mơ của chàng trùm du đãng Đại Cathay đã mang đến cho người nhạc sĩ nguồn cảm hứng. Bộ phim sau công chiếu đã gặt hái được rất nhiều thành công và nhạc nền cho ca khúc cũng được công chúng đón nhận. Ở thời điểm đó, do có mối quan hệ công tác chặt chẽ với nhạc sĩ Phạm Duy nên Ngọc Chánh đã nhờ Phạm Duy đặt lời nhạc cho ca khúc của mình và ca khúc “Bao giờ biết tương tư” cũng được ra mắt công chúng vào từ thuở đó (năm 1972) và ca sĩ Anh Khoa là người đã trình diễn thành công ca khúc và lột tả được những cảm xúc đúng ý với đôi nhạc sĩ nhất

Ca khúc “Bao giờ biết tương tư” thu hút bởi những giai điệu da diết và ca từ lãng mạn. Bài hát được công chúng nhanh chóng đón nhận ngay từ lúc ra mắt, đặc biệt là giới học sinh sinh viên. Bởi ca khúc chính là những lời thổ lộ chân phương của một chàng trai mới lớn khi vừa bước vào tình yêu, mang theo một tâm hồn rộng mở đam mê và sự chuyển biến của cảm xúc khi trải qua những cung bậc, thăng trầm khác nhau của mối nhân duyên yêu đương. Bài hát như mang người nghe tận hưởng vào một luồng gió mới, nghiền ngẫm lại những trăn trở và ưu tư trong cuộc sống tình trường bằng giọng điệu da diết, sầu nhưng không bi, yêu nhưng không lụy.Nhạc sĩ Ngọc Chánh – Phạm Duy và tuyệt phẩm "Bao Giờ Biết Tương Tư"

“Ngày nào cho tôi biết,
Biết yêu em rồi tôi biết tương tư
Ngày nào biết mong chờ,
Biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa…”Ngay từ khi mở đầu ca khúc, chàng trai đã bộc bạch những tâm tư, những cảm xúc lạ lẫm khi chỉ vừa mới bước chân vào câu chuyện tình yêu, lần đầu biết được thế nào là lãng mạn, thế nào là hương vị ngọt ngào mà đôi người yêu nhau vẫn thường ca tụng. Chàng trai, lần đầu tiên trong đời biết thế nào “tương tư” một người con gái, lần đầu biết “mong chờ” hình bóng của một ai đó dù họ chỉ lướt nhẹ qua cuộc đời anh và cũng là lần đầu anh “biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa”. Nếu là trước đây, chàng trai mới lớn ấy sẽ “khinh thường” việc chờ đợi một ai dù trời đang mưa giông rất lớn, chàng sẽ trách người kia sau ngu ngốc và dại khờ như vậy, bởi có ai nhìn thấy sự tận tâm của mình đâu. Nhưng khi bản thân thật sự rơi vào lưới tình, thật sự rung cảm với một người thì chàng cũng hiểu được cảm giác nhung nhớ, tận hưởng cảm giác chờ đợi dù trời có đang bão tố cũng chỉ mong nhìn ngắm được bóng hình trong tim.

Có lẽ, sẽ rất nhiều người bắt gặp hình ảnh của chính mình trong câu hát ấy và hoài niệm về một thời ngây dại của bản thân. Chúng ta dường như rất dễ dàng mà bắt gặp những chàng trai Sài Thành, dù không hẹn hò cùng ai nhưng vẫn một mình đứng chơi vơi mà chờ đợi, để rồi nhìn thấy hình ảnh của nàng tan trường, nàng tung tăng vui cười cùng đám bạn, cũng đủ làm cho lòng chàng thêm nhiều xáo động và lưu luyến. Đấy là những cảm xúc tinh khôi nhất và trinh nguyên nhất của tình yêu đầu đời, thứ tình yêu mãi mãi được lưu dấu trong hồi ức và trí nhớ của chúng ta, hai tác giả đã gom góp hết tất cả những cảm xúc chân thật nhất và tinh tế nhất để viết nên từng lời ca, điệu nhạc. Quả đúng như thế, chỉ khi thật sự rơi vào lưới tình, con người ta mới thật sự hiểu và biết, thấm nhuần những cảm xúc tương tư và nhung nhớ mà trước nay chưa hề có. Những chộn rộn le lói, những rộn ràng nơi con tim khi cảm xúc vui buồn lên xuống, những thứ cảm xúc này, chẳng thể nào tìm được nơi nào khác ngoài “vũ trụ yêu đương”.

“….ôi biết đem tin này,
Vắng như lòng giấy, tình yêu lấp đầy
Rồi biết quên câu cười,
Biết cho đôi dòng lệ rơi….”Thuỳ Dương - bao giờ biết tương tư | | Trung tâm Asia

Khi bản thân biết rộn ràng khi đợi chờ hình bóng em chính là lúc biết lòng này đang hoang vắng như màu trắng của trang giấy, là khi chàng đang đợi chờ một thứ gọi là tình yêu đến để lấp đầy sự cô liêu trong tâm hồn và chàng sẽ cảm thấy thế giới này dường như thiếu vắng đi một liều thuốc “cười” bởi chẳng tìm thấy được nụ cười của người thương. “Rồi biết quên câu cười”, sau đó lại “biết cho đôi dòng lệ rơi” thì kẻ ấy chắc chắn đang đắm chìm trong nhung nhớ và ôm hoài mộng tương tư, tâm trạng buồn vui vô định, cảm xúc đan xen bất chợt làm cho con người ta dần trở nên khó hiểu khi yêu.

Tình yêu luôn mang đến cho chúng ta những cảm xúc tích cực: sự rạo rực khi được gặp người, sự xuyến xao khi ngắm nhìn nụ cười tươi tắn trên khuôn ngài xinh đẹp, sự ngọt lịm khi trao nhau những câu từ đơn giản….Nhưng đồng thời đó, tình yêu cũng mang đến cho ta nhiều thêm sầu muộn khi nhớ thương về một người, ê chề khi không được đáp trả tình yêu và lạc lõng khi không còn người bên cạnh….Nhạc sĩ Phạm Duy cùng Ngọc Chánh đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời ca và giai điệu để người nghe có thể dễ dàng cảm nhận được sự tê dại và trống trải khi người trai thất tình; thậm chí là cảm xúc thăng hoa hay vui tươi khó tả khi đi đến đỉnh điểm của câu chuyện tình yêu. Hóa ra, cảm xúc yêu thương chính là như thế! Là giống như việc ta vẽ hình lên một trang giấy trắng, bất kể đó là cảnh tươi đẹp của ngày xuân rộn rã hay đó là ngày buồn cùng những chiếc lá vàng rơi rụng độ cuối thu, thì nó đều là những cảnh được được in hằn trên giấy chẳng thể nào gôm tẩy được như tình yêu dù vui hay buồn cũng sẽ hằn sâu vào trong tim ta, vĩnh viễn chẳng bao giờ có chuyện phai nhòa.

“….Tình yêu đã trở lại,
Đôi mắt đêm ngày vơi hết đọa đầy
Tà áo em phơi bày,
Ngón tay em dài, tiếng yêu không lời….”

Tình yêu như một thứ độc dược không bao giờ có thuốc giả, nó có thể mang con người ta đến đỉnh cao của sự hạnh phúc thì cũng có thể đạp họ xuống tầng sâu nhất của vực sâu, sự tuyệt vọng khó vực dậy đối với những chuyện tình đầu. Tình yêu một khi ra đi, sẽ khiến ta chợt quên đi cách thức cười, cách thức hạnh phúc và thậm chí quên đi bản thân mình đã sống như thế nào, suốt ngày chỉ biết rửa mặt bằng đôi dòng lệ rơi rơi. Nhưng một khi tình yêu trở lại thì “đôi mắt đêm ngày vơi hết đọa đầy”, người yêu và người được yêu đều như trút bỏ hoàn toàn những muộn phiền trong cuộc sống, những đau khổ hay dằn vặt trước đó đều như một làn khói mà bị gió thoảng thổi đi, như từng xuất hiện trong cõi đời này. Và chỉ cần nhìn thấy “tà áo em phơi bày, ngón tay em dài…” thì bao nhiêu lời yêu cũng như nghẹn nơi cổ họng, chỉ biết ngượng ngùng mà không dám nói lời thương.

Tình yêu có lúc là độc dược nhưng có lúc lại như một vị thuốc thần thánh, bởi nó giúp người vốn đang đắm chìm hư cảnh, giúp người đang tàn phá bản thân trở nên tỉnh táo, như một con quỷ dữ được tình yêu cảm hóa mà vơi hết những đọa đầy trong quá khứ, giúp chàng trai vực dậy tinh thần sau những khổ lụy trần ai. Hình ảnh “tà áo em phơi bày” làm cho người người liên tưởng đến hình tượng của một thiên thần, thiên thần cứu rỗi “con quỷ dữ” ra khỏi vũng lầy tăm tối, mà tự tin bước tiếp trên con đường tương lai rạng rỡ.

“…..Ngày nào lòng tôi đã
Biết vui biết buồn, ôm mối tương tư
Ngày nào cánh Thiên Đường
Đã mở hé tình yêu là trái táo thơm….”

Tình yêu là thứ không hẹn mà lại đến, chẳng nói câu nào đã phủi tay rời đi, chẳng ai trong chúng ta có thể dự đoán được bao giờ thì yêu sẽ đến hay cảnh báo trước khi nào thì nó được chấp cánh bay xa. Chúng ta chỉ biết tình yêu hiện hữu trong mỗi con người khi biết bản thân đang “ôm mối tương tư”, “biết vui biết buồn” bất chợt vì hình ảnh người ấy chợt thoáng qua và khi “cánh Thiên Đường đã mở hé tình yêu là trái táo thơm”. Tình yêu khi được chấp thêm đôi cánh, tức là đến cả Thiên Đường cũng chào đón đôi uyên ương, mong cầu cho đôi tình lữ được đưa đến nơi thần tiên hạnh phúc, để cõi nhân gian này có thêm một định nghĩa tình yêu ngọt ngào như trái táo thơm! Tình yêu như một thứ trái ngọt lành, lúc nào cũng khiến người ta khao khát và mong đợi, lúc nào cũng quyến rũ khôn nguôi và hiển nhiên chẳng ai có thể cưỡng lại sức hấp dẫn “chết người” ấy, đặc biệt là tình yêu tuổi trẻ, tình yêu của thuở sơ khai.

“…..Tôi ghé răng cắn vào
Miệng môi ngọt đắng, tình yêu cuối đường
Là trối trăn cuối cùng,
Giấc mơ não nùng vợi tan…”

Mùi vị của quả ngọt tình yêu khiến cho không ai có thể chối từ, mỗi lần ghé răng cắn vào thì như cắn phải một thứ thuốc phiện, cứ mê hoặc và quyến rũ. Người vào thì dễ, kẻ ra lại khó muôn trùng, tình yêu dù đẹp đẽ và ngọt ngào thì vẫn mang theo sự khổ sở và cay đắng, chính chàng trai dường như cũng cảm nhận được tình yêu của mình sau này sẽ chẳng thể nào được trọn mộng ước….Câu hát: “Là trối trăn cuối cùng, giấc mơ não nùng vợi tan…” làm cho người nghe có cảm tưởng gần gũi như câu hát: “Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn” của nhạc sĩ Trúc Phương, tình yêu dù mang lại hạnh phúc thì đến lúc nào có chúng ta cũng sẽ trải qua những nốt trầm, những cảm xúc sầu thương khi câu chuyện yêu không như mong đợi. Ca khúc như mang người nghe tản mạn hết cung đường của tình yêu, lúc thì êm đềm và ngọt ngào, lúc lại như rơi vào hố sâu khi cảm nhận được sự miên man buồn…

Không mang nhiều ý nghĩ khiến cho ca từ trở nên dài lê thê, bài hát “Bao giờ biết tương tư” của đôi nhạc sĩ Ngọc Chánh – Phạm Duy được cô động lại bởi những ca từ sâu lắng và tràn đầy ý nghĩa. Những câu hát mang đậm ý thơ và ẩn chứa hàng vạn tâm tình của kẻ khi yêu, ca khúc được nhạc sĩ Phạm Duy vẽ nên bằng những ca từ, một bức tranh tình yêu lãng mạn và cũng ngọt ngào như hương vị của “trái táo thơm”!

Ngày nào cho tôi biết,
Biết yêu em rồi tôi biết tương tư
Ngày nào biết mong chờ,
Biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa…

ôi biết đem tin này,
Vắng như lòng giấy, tình yêu lấp đầy
Rồi biết quên câu cười,
Biết cho đôi dòng lệ rơi.

Tình yêu đã trở lại,
Đôi mắt đêm ngày vơi hết đọa đầy
Tà áo em phơi bầy,
Ngón tay em dài, tiếng yêu không lời.

Ngày nào lòng tôi đã
Biết vui biết buồn, ôm mối tương tư
Ngày nào cánh Thiên Đường
Đã mở hé tình yêu là trái táo thơm.

Tôi ghé răng cắn vào
Miệng môi ngọt đắng, tình yêu cuối đường
Là trối trăn cuối cùng,
Giấc mơ não nùng vợi tan