Hai nhạc sĩ Bằng Giang và Tú Nhi có lẽ đã chẳng còn xa lạ gì với khán thính giả yêu thích dòng nhạc vàng. Đôi nhạc sĩ hợp tác cùng nhau và để lại cho nền tân nhạc nhiều ca khúc bất hủ, trong đó có thể kể đến là “Đêm Buồn Tỉnh Lẻ” và “Bài Ca kỷ Niệm”. Hai ca khúc này không chỉ đánh dấu bước ngoặt hợp tác mà còn là một trong những sáng tác đầu tay của đôi bạn. Vào khoảng năm 1961 – 1962, sau khi đoàn văn nghệ Biệt Chính Biên Hòa ngừng hoạt động, nhạc sĩ Tú Nhi (danh ca Chế Linh) đã bỏ về Bửu Long (Biên Hòa) để làm tài xế chở đá cho người ta, tại đây ông cùng nhạc sĩ Bằng Giang vẫn tiếp tục hợp tác. Cả hai vừa làm việc, vừa sáng tác, vừa luyện giọng cùng nhau, tình yêu âm nhạc cũng ngày một mạnh mẽ trong hai người. Ngoài hai sáng tác đầu tiên đồng tác giả với Tú Nhi, Bằng Giang còn nhiều sáng tác riêng cũng rất được đón nhận và nổi tiếng như “Thành Phố Mưa Bay”, “Người Em Xóm Đạo”, “Người Về Đơn Vị Mới”,….
Ca khúc “Bài Ca Kỷ Niệm” được sáng tác vào năm 1962, do nhạc sĩ Tú Nhi đảm nhận phần viết lời còn nhạc sĩ Bằng Giang phổ nhạc. Ca khúc với hai tầng ý nghĩa sâu sắc vừa như tình cảm đôi lứa, vừa như tình đồng đội ngày đêm kề cạnh. Nhưng có lẽ, khi giai điệu cùng lời nhạc của bài hát cất lên, mọi người đều mặc định theo ý nghĩa đầu tiên là ca khúc nói về những kỷ niệm yêu đương mặn nồng, tha thiết của đôi tình nhân trẻ. Khi yêu thương đã được gieo mầm thì những hạt giống nhung nhớ đã nảy nở trong lòng, dù chia xa cách biệt, mỗi người mỗi phương trời thì yêu thương xưa cũng trở thành kỷ niệm mà in hằn nơi đáy tim. “Bài Ca Kỷ Niệm” mang trong mình giai điệu nhẹ nhàng lại da diết, như lời tâm tình của người lính chiến sĩ hành quân khi nhung nhớ về người yêu nơi quê nhà xa vắng, một chút ưu tư, một chút mong đợi được gửi gắm vào từng câu hát.
Bài hát được chia thành ba phần với ba tầng cảm xúc riêng biệt: Từ nhớ nhung về những kỷ niệm ngọt ngào đôi lứa, đến khoảnh khắc ly biệt hai phương trời anh tiền tuyến – em hậu phương, sau cùng là nỗi xót xa và thất vọng khi đánh mất tình yêu. Ca khúc từ nhẹ nhàng đằm thắm đến mãnh liệt dâng trào, từ yêu thương đến bi thương được gom gọn trong một tình khúc. Bằng Giang tài tình trong việc viết nhạc, Tú Nhi giỏi trong việc dùng câu từ, cả hai đã kết hợp để mang đến cho người nghe một tuyệt phẩm trong âm nhạc mang tên “Bài Ca Kỷ Niệm”.
“Còn gì giờ đây em sao nhớ thương đầy vơi.
Mộng tình còn trong tim hay chết theo ngày tháng.
Còn mãi nhớ hôm nào, lời trao nhau ban đầu.
Ai nỡ quên tình nhau?
Đời còn gì vui hơn trong phút giây được yêu.
Đời còn gì đau thương khi lắng nghe tình vỡ.
Vì đã trót yêu rồi, thì xin ghi đôi lời.
Dù xa cách phương trời…….”
Mở đầu ca khúc chính là viễn cảnh của quá khứ, một quá khứ ngọt ngào với bao hoài niệm đẹp của đôi tình nhân trẻ. Họ cũng như bao cặp khác, cũng có những lần hẹn hò nơi phố nhỏ, cũng có những lần tay trong tay tiếp bước trong chiều hoàng hôn, và cũng có những câu yêu thương trao nhau tâm tình. Nhưng liệu giờ phút này, em có còn nhớ hay chăng? Nhớ những mặn nồng đôi ta đã dành cho nhau, nhớ những ước mơ ta từng hẹn ước xây đắp cùng nhau…. “Mộng tình còn trong tim hay chết theo ngày tháng” – Liệu có còn hay người đã xóa sạch dấu tích, phủ nhận những ái ân thuở nào?
“Đời còn gì vui hơn trong phút giây được yêu” – Đúng vậy! Trên đời này còn có điều gì khiến con người ta vui vẻ hơn là lúc đắm chìm trong tình yêu. Hai con người vốn xa lạ lại được định mệnh sắp đặt ở cạnh nhau, những hờn giận vu vơ, những ghen tuông nhỏ nhẹ,…hay những bất ngờ cũng làm tăng thêm gia vị trong tình cảm. nhưng nó cũng có một thái cực khác của tình yêu, ở thái cực này, con người ta không còn hạnh phúc cũng chẳng còn vui tươi như lúc ban đầu. Mà thay vào đó là sự khổ đau và ai oán với nỗi đau dằn xé tâm can khi tình tan vỡ, khi đôi lứa chẳng còn là gì của nhau – “Đời còn gì đau thương khi lắng nghe tình vỡ”. Nhưng dù yêu thương kề cạnh hay chia ly xa cách thì những kỷ niệm đã từng có vẫn được lưu giữ như một lời nhắc nhở, nhắc bản thân cũng từng hạnh phúc, nhắc đôi ta đã từng của nhau.
“…..Ôi! Bao năm đã cách biệt.
Anh ra đi vì đất Việt
Thì dù xa xôi em nhớ rằng đừng tủi sầu.
Làng thôn êm ấm lúc anh về đẹp tình nhau.
Vài lời gửi cho em anh viết nên bài ca.
Kỷ niệm một đêm mưa, đêm cuối ba ngày phép.
Ngồi thức suốt đêm dài, thầm ghi câu sum vầy.
Lòng thương nhớ vơi đầy….”
Ngày anh thân chinh lên đường đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc, cũng chính là ngày đôi ta cách biệt hai phương trời. “Anh ra đi vì đất Việt” chỉ mong em nơi quê nhà đừng tủi sầu, nhung nhớ, hãy vững tâm mà chờ một ngày anh trở lại, ngày đất nước yên bình – làng thôn êm ấm – anh sẽ quay về mang theo tình đẹp đôi ta mà đón em về dinh. Ngày ngày đối mặt với nguy hiểm cũng không ngăn được tinh thần lạc quan của người chiến sĩ biên thùy, anh vẫn mộng ước về một tương lai tươi đẹp cho quê hương đất nước và cho cả bản thân mình.
Chàng lính chiến khu nơi miền xa lạ vẫn muốn gửi đôi lời hỏi thăm đến người thương nơi quê nhà vắng, trong đó có tình yêu của chàng, có nỗi nhớ nhung khôn nguôi và có những hoài niệm xưa cũ. Tất cả anh xin được viết nên thành một bài ca, để đêm đêm nhớ em anh ngâm nga tâm sự, để ủi an tâm hồn cho vơi đi chút nhớ nhung. Trong khúc hát ấy, anh muốn viết thêm đôi câu sum vầy, mong tình mình sẽ đạt thành nguyện ước, cho đôi trẻ hạnh phúc bên nhau, cho chút nhớ thương được “vơi đầy”.
“…..Ôi! Duyên ta đành lỡ rồi.
Thôi tâm tư cạn hết lời.
Mộng lòng ta mang thêm nỗi niềm sầu suốt đời.
Đường khuya thôi đếm bước âm thầm một mình tôi.
Giờ còn bài ca yêu ai viết trao ngày xưa.
Bỏ lại mình tôi nay thương nhớ theo ngày tháng.
Người yêu tôi đâu rồi? Người tôi yêu đâu rồi?
Tình tôi đã chết rồi.”
Cuộc vui nào cũng sẽ tàn, cuộc tình nào cũng đến lúc tan, yêu thương hôm qua còn đong đầy, ngờ đâu hôm nay “duyên ta đành lỡ rồi”. Người đã chẳng thể chờ chàng nói nên câu hẹn ước mà đã vội tiếp bước sang ngang, bỏ lại một tấm chân tình đang dần cạn hết. Nhưng biết nói thêm gì khi bản thân không thể đảm bảo được tương lai cho người, nghiệp nước chưa vẹn sao dám trách người phụ bạc. “Mộng lòng ta mang thêm nỗi niềm sầu suốt đời, đường khuya thôi đếm bước âm thầm một mình tôi” – Ôm đau thương riêng mình, lê từng bước chân lạc lõng trên đoạn đường vắng. Từ phút giây này đây, đường khuya đó chỉ còn một mình ta âm thầm bước, chẳng còn người chung đôi. Người ra đi mang theo con tim tôi, người đi mất rồi tình tôi cũng chết theo ngày tháng, kề cạnh tôi lúc này có chăng chỉ là những kỷ niệm cũ đã được kết thành bài ca u buồn.
Kiếp lính thân chinh có mấy lần được về phép, có bao lần được hạnh ngộ cùng người thương, cùng nắm tay dạo bước trên con phố êm ả cuối chiều. Nhưng làm được gì khi trên vai còn nặng gánh quốc gia, nhiệm vụ đất nước chưa hoàn thành làm sao dám lơi là mà lo toan chuyện tương lai của bản thân. “Bài Ca Kỷ Niệm” như mang người nghe vào những miền yêu thương, miền ký ức tươi đẹp của một đôi tình nhân trẻ. Nhưng tất cả chỉ có hai tiếng “kỷ niệm”, bởi ngày ngày đối mặt cùng hiểm nguy bom đạn, chính người chiến sĩ cũng chẳng biết ngày mai mình còn sống hay không, còn được quay trở về gặp lại người em bé nhỏ hay chăng. Thì làm sao nói trước được tương lai bản thân thế nào mà hẹn thề cùng người thương!
Còn gì giờ đây em sao nhớ thương đầy vơi.
Mộng tình còn trong tim hay chết theo ngày tháng.
Còn mãi nhớ hôm nào, lời trao nhau ban đầu.
Ai nỡ quên tình nhau?
Đời còn gì vui hơn trong phút giây được yêu.
Đời còn gì đau thương khi lắng nghe tình vỡ.
Vì đã trót yêu rồi, thì xin ghi đôi lời.
Dù xa cách phương trời.
Ôi! Bao năm đã cách biệt.
Anh ra đi vì đất Việt
Thì dù xa xôi em nhớ rằng đừng tủi sầu.
Làng thôn êm ấm lúc anh về đẹp tình nhau.
Vài lời gửi cho em anh viết nên bài ca.
Kỷ niệm một đêm mưa, đêm cuối ba ngày phép.
Ngồi thức suốt đêm dài, thầm ghi câu sum vầy.
Lòng thương nhớ vơi đầy.
Đời còn gì vui hơn trong phút giây được yêu.
Đời còn gì đau thương khi lắng nghe tình vỡ.
Vì đã trót yêu rồi, thì xin ghi đôi lời.
Dù xa cách phương trời.
Ôi! Duyên ta đành lỡ rồi.
Thôi tâm tư cạn hết lời.
Mộng lòng ta mang thêm nỗi niềm sầu suốt đời.
Đường khuya thôi đếm bước âm thầm một mình tôi.
Giờ còn bài ca yêu ai viết trao ngày xưa.
Bỏ lại mình tôi nay thương nhớ theo ngày tháng.
Người yêu tôi đâu rồi? Người tôi yêu đâu rồi?
Tình tôi đã chết rồi.
- Tục bó chân của những thiếu nữ người Hoa xưa “du nhập” vào Sài Gòn – Chợ Lớn
- Miên man với giai điệu của “Bản Tình Cuối” (Ngô Thụy Miên)
- Thất phủ Thiên Hậu cung – Công trình tín ngưỡng của xưa tại Sài Gòn – Chợ Lớn
- Đón giáng sinh này tôi nhớ giáng sinh xưa – Những hình ảnh đẹp về giáng sinh cách đây 50 năm trước.
- Câu chuyện đẫm nước mất của đôi uyên ương ẩn trong ca khúc “Đồi Thông Hai Mộ”