“Ba Tháng Tạ Từ” – Nhạc khúc đánh thức những kỷ niệm học trò tưởng như đã quên

Đăng ngày 21/07/2024

Người ta biết đến Nhạc sĩ Thanh sơn qua những làn điệu dân ca nam bộ với câu hò, điệu ru như “Hành trình trên đất phù sa”, “Bạc Liêu hoài cổ”, “Gợi nhớ quê hương”,.. Nhưng nhạc sĩ còn là cha đẻ của nhiều ca khúc về tuổi học trò như “Nỗi buồn hoa phượng”, “Nhật ký đời tôi”, “Hoa tím người xưa”, “Trả lại thời gian”,… Nhưng đặc biệt nhất vẫn phải kể đến nhạc khúc “Ba tháng tạ từ”. “Ba tháng tạ từ” là câu chuyện về cuộc chia tay sau một năm học của tuổi học trò, là những bùi ngùi, lưu luyến của giây phút chia xa.

Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện (1940-2012), là con thứ mười trong một gia đình có mười hai anh chị em, tại vùng quê Sóc Trăng. Khởi đầu là một ca sĩ nhưng với niềm đam mê sáng tác, ông mày mò tự học sáng tác nhạc với cuốn “Để sáng tác một ca khúc” của Hoàng Thi Thơ.  Ca khúc đầu tiên ông sáng tác là Tình học sinh (1962), tuy nhiên lại ít được biết đến. Một năm sau đó, với ca khúc Nỗi buồn hoa phượng, Thanh Sơn bắt đầu nổi tiếng với những ca khúc về mùa hè.

Còn một chút gì để nhớ Việt Nam Cộng Hòa (Vann Phan) | Thanh Thúy

“Ba tháng tạ từ” là một trong chuỗi các ca khúc về mùa hè được Thanh Sơn viết vào những năm 1975. “Ba tháng tạ từ” là bản nhạc nhẹ nhàng của tuổi học trò, là những  kỷ niệm về tình bạn, những cảm xúc dâng đầy của ngày cuối năm học

Người ơi! Thắm thoát niên học hết rồi.
Chúc nhau cạn lời giây phút ly bôi.
Ngày mai tan trường mình không chung lối.
Thương nhau nhiều biết gửi về mô.
Kỷ niệm cũ tan vào hư vô.

Thời gian ai đuổi mà chạy nhanh, dòng đời ai bắt mà hối hả. Thấm thoát lại hết một niên học, chúng ta lại không biết nói gì “giây phút ly bôi”. Không phải không có gì để nói, mà do không biết nói như thế nào, khoogn biết nói sao cho hết những luyến lưu bây giờ. Hôm nay xa rồi, trên đường đời rộng lớn, mỗi đứa một con đường, biết có còn gặp lại nhau. Những thương yêu biết gửi về đâu, những “kỷ niệm cũ tan vào hư vô”.

Tân Nhạc VN – Ca Khúc Vượt Thời Gian – “Nỗi Buồn Hoa Phượng”, “Mùa Hoa Anh Đào”, “Thương Về Cố Đô”, “Hồn Quê”, “Nhật Ký Đời Tôi”, “Lưu Bút Ngày Xanh”, “

Cầm tay bốn mắt thương cảm nỗi sầu.
Tiễn đưa bùi ngùi hai đứa như nhau.
Đời không bao giờ hợp nhau mãi mãi.
Thương yêu rồi nỡ đành biệt nhau.
Để nhung nhớ muôn vàn ngày sau.

Ngày chia xa, tay cầm tay, bốn mắt thương cảm nỗi sầu. Rồi chúng ta cũng phải chia tay nhau trong bùi ngùi luyến lưu. Đâu có buổi tiệc nào sum họp mãi, rồi cũng có lúc chia xa. Biết là không thể sum họp mãi, nhưng “thương yêu rồi nỡ đành biệt nhau”, một lần chia xa là “nhung nhớ muôn vàn ngày sau”.

Thôi nhé, từ đây cách xa trong đời.
Ân tình theo tháng ngày trôi.
Nụ cười khô héo trên môi.
Mỗi lần, thấy phượng nở tim xao xuyến.
Bạn bè đâu chỉ ta một mình.
Nỗi buồn này đành câm nín.

Vậy là “thôi nhé, từ đây cách xa trong đời”, dù rằng còn nhiều bùi ngùi không muốn rời xa, nhưng ai rồi cũng có một con đường của riêng mình. Nên ta đành chấp nhận cách xa trong đời, những ân tình cũ xin trả lại cho thời gian. Những kỷ niệm cũ, những nụ cười tươi trẻ của một thời tuổi học trò, trước giây phút chia xa cũng là “nụ cười khô héo trên môi”. Chia xa rồi, mỗi lần thấy phượng nở, chúng ta lại nhớ về mùa hè năm đó, một mùa hè chia xa, nhớ về một thời tuổi học trò từng có nhau. Nhớ về những kỷ niệm ngây ngô thời còn là những cô cậu bé cắp sách đến trường. Nỗi buồn của mùa hè, nỗi buồn của chia xa, một nỗi buồn “câm nín”.

Rồi đây, có những khi buồn não lòng.
Cố nhân biền biệt có nhớ nhau không?
Ngoài kia hoa phượng rụng rơi tơi tả.
Dư âm làm sống lại đời ta.
Dù ngăn cách nhớ hoài ngày qua.

Xa cách muôn trùng, không còn gặp lại, nhưng “rồi đây, có những nỗi buồn não lòng, cố nhân biền biệt có nhớ nhau không?”. Để mỗi khi thấy buồn, ta có còn nhớ về nhau, nhớ về một “cố nhân” từng san sẻ buồn vui cùng ta những ngày tuổi học trò. Nhớ về những tháng ngày qua…

Ngoài kia hoa phượng vẫn rụng rơi tơi tả, một mùa hè lại sắp qua. Dù thời gian có trôi nhanh, dù chúng ta vẫn chia xa không gặp lại, nhưng ta vẫn cám ơn mùa hè ấy, mùa hè chúng ta có nhau. Dù có ngăn cách nhưng ta vẫn sẽ nhớ về nhau, vẫn nhớ hoài ngày qua.

Tuổi học trò là khoảng thời gian vui vẻ, hồn nhiên và là một ký ức đẹp khó phai trong lòng mỗi người. Chúng ta của khi đó không phải là chúng ta tuyệt vời nhất, nhưng lại là chúng ta có điều tuyệt vời nhất- tuổi trẻ. Để rồi những năm tháng đi qua, nhìn cánh hoa phượng rơi, thấy một mùa hè lại đến, những hoài niệm cũ như sống dậy lòng ta. Những cảm giác bùi ngùi, luyến lưu chia xa như mới vừa qua. Rồi ta lại nhớ về người cố nhân cũ, nhớ lại những hoài niệm xưa cũ và thầm cảm ơn vì đã cho nhau một kỷ niệm đẹp…

 

“Ba tháng tạ từ”, một bản nhạc về mùa hè nhẹ nhàng, thắm thiết nhưng chứa nặng kỷ niệm, một nhạc khúc chở đầy những hoài niệm của tuổi học trò. Không có nhiều chua xót của chia xa, nhưng lại khiến người nghe bồi hồi nhớ nhung về tuổi học trò của mình. Thật cảm ơn nhạc sĩ Thanh Sơn, người đã dùng âm nhạc đánh thức những kỷ niệm học  tưởng chừng đã quên trong lòng chúng ta.

Trích lời bài hát Ba Tháng Tạ Từ:

Người ơi! Thắm thoát niên học hết rồi.
Chúc nhau cạn lời giây phút ly bôi.
Ngày mai tan trường mình không chung lối.
Thương nhau nhiều biết gửi về mô.
Kỷ niệm cũ tan vào hư vô.

Cầm tay bốn mắt thương cảm nỗi sầu.
Tiễn đưa bùi ngùi hai đứa như nhau.
Đời không bao giờ hợp nhau mãi mãi.
Thương yêu rồi nỡ đành biệt nhau.
Để nhung nhớ muôn vàn ngày sau.

Thôi nhé, từ đây cách xa trong đời.
Ân tình theo tháng ngày trôi.
Nụ cười khô héo trên môi.
Mỗi lần, thấy phượng nở tim xao xuyến.
Bạn bè đâu chỉ ta một mình.
Nỗi buồn này đành câm nín.

Rồi đây, có những khi buồn não lòng.
Cố nhân biền biệt có nhớ nhau không?
Ngoài kia hoa phượng rụng rơi tơi tả.
Dư âm làm sống lại đời ta.
Dù ngăn cách nhớ hoài ngày qua