Tứ Trụ Nhạc Vàng Chế Linh viết hồi ký về cuộc đời dài hơn 200 trang: ‘hoàn toàn là sự thật’

Đã gần hai năm Chế Linh không bước lên sân khấu do dịch bệnh hoành hành nhưng ông vẫn bận rộn, thường xuyên làm việc trong phòng thu. Ngoài ra, danh ca còn đang thực hiện dự án sách bấy lâu ấp ủ: Viết hồi ký.

Chế Linh tiết lộ, ông đã viết được hơn 200 trang. Và cam đoan, những gì ông viết hoàn toàn là sự thật, những người bạn thân của ông còn đang sống sẽ kiểm chứng Chế Linh nói thật hay giỡn.

Chế Linh và vợ thứ 4 bên nhau trên mọi hành trình

Chế Linh viết hồi ký về cuộc đời ca hát của mình không phải để kiếm tìm sự nổi tiếng hay tiền bạc. Ở tuổi này, ông không còn quan tâm đến những thứ “phù du” ấy nữa. Giọng ca “Thói đời” muốn dành tặng hồi ký cho khán giả Việt đã yêu thương ông hơn nửa thế kỷ qua. Nam danh ca không ngại thừa nhận: “Khán giả không những nuôi tôi mà còn dưỡng tôi. Họ cho tôi quá nhiều mà không đòi hỏi ở tôi điều gì hết”.

Khán giả quan tâm đến đời tư của Chế Linh, muốn khám phá thế giới ấy, ông không từ chối mà sẵn sàng “mở cửa”: “Nếu tôi giấu kín thì tôi hơi khắt khe với khán giả vì khán giả thương tôi”. Đây là cuốn hồi ký do chính danh ca tự viết, ông không nhờ nhà văn chấp bút: “Hồi ký này không viết theo kiểu văn chương. Mà theo lối tự sự, thành thật”.

Chế Linh đang sống ở Canada. Ông không gặp khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh: “Gia đình tôi không có gì lao đao, vấn đề tài chính không có gì mệt nhoài. Ở đây có Chính phủ hỗ trợ. Đồng thời Chế Linh vẫn làm việc bình thường, làm trong phòng thu cho các trung tâm. Họ đặt mình cái gì thì mình làm cái ấy. Họ trả tiền cho mình”. Bao năm chạy “sô” khắp nơi trên thế giới, dịch bệnh làm thay đổi nhịp sống bình thường, giúp ông có thời gian nghỉ ngơi, viết sách, viết nhạc.

Từng tu luyện trên núi Bửu Long

Chế Linh là người Chăm, tên tiếng Việt là Lưu Văn Liên, tiếng Chăm là Jamlen. Ông sinh ra và lớn lên ở làng Hữu Đức, Phan Rang, trải qua tuổi thơ thiệt thòi, 4 tuổi mồ côi cha. Chế Linh học ở trường làng, được các linh mục hướng dẫn căn bản về nhạc lý. 17 tuổi, ông một mình vào Sài Gòn lập nghiệp, không quen biết một ai, tiếng phổ thông (tiếng Kinh) chỉ đủ giao tiếp giản đơn, chưa thật sõi.

Để có thể tồn tại giữa Sài Gòn, ông nhận trông con cho một gia đình người Hoa. Khi công việc trong ngày kết thúc, đêm đến Chế Linh thắp đèn dầu tự học, không dám thắp đèn của chủ. Vợ chồng người Hoa dần dần thương Chế Linh như con. Họ đã mua đèn neon cho Chế Linh học. Nhắc đến gia đình người Hoa tử tế ngày ấy, Chế Linh luôn nói lời cảm ơn.

Nhưng dù sống với gia đình người Hoa khá ổn, Chế Linh vẫn ra đi, bởi chàng trai người Chăm không muốn xây dựng sự nghiệp bằng nghề trông trẻ. Để chinh phục mảnh đất mới, Sài Gòn, ông chọn âm nhạc làm vũ khí. Ông tham gia một đoàn văn nghệ thường xuyên đi hát ở vùng sâu, vùng xa. Trong đoàn có nhạc sỹ Trúc Phương, Châu Kỳ, Bằng Giang…

Tôi hỏi Chế Linh: Sự may mắn hay nỗ lực không ngừng, giúp ông ghi tên mình trong làng ca nhạc? Ông cười: “Tôi phải nói, ban đầu tôi không nghĩ tới việc làm một nghệ sỹ tên tuổi. Nhưng khi du nhập vào làng ca nhạc sâu hơn, bắt buộc tôi phải cố gắng làm thế nào để đứng trong hàng nghệ sỹ có danh tiếng. Vì thế, tôi phải tự học, phải tìm hiểu, phải nghiên cứu, uốn nắn mọi thứ, từ tiếp xúc ở bên ngoài, từ lời ăn tiếng nói… tất cả đều phải chỉn chu”.

Để mở ra một trường phái riêng, tạo lập một phong cách riêng, không lẫn với những tên tuổi thời ấy, Chế Linh đã làm một cuộc “tu luyện”. Đó là những ngày tháng trên núi Bửu Long (Biên Hòa).

Chế Linh thời trẻ

Khi đoàn văn nghệ tan, Châu Kỳ, Trúc Phương trở lại Sài Gòn thì Chế Linh và nhạc sỹ Trường Giang lại trải qua những tháng ngày khó khăn, vất vả ở Biên Hòa. Tại đây, Chế Linh làm nghề lái xe chở đá thuê để mưu sinh. Nhưng trong ông vẫn cháy bỏng đam mê âm nhạc.

Ngoài thời gian lái xe chở đá thuê, chàng trai người Chăm lên núi Bửu Long luyện giọng: “Lúc đó, nếu luyện trên núi người ta sẽ nghe thấy, nên tôi phải xuống hố sâu để luyện. Ở núi Bửu Long có chùa Bửu Long. Sư thầy cứ tưởng tôi bị cọp tấn công nên phái đệ tử xuống coi. Khi biết tôi đang luyện giọng, thầy bảo: Muốn luyện thì ở trong này luyện đi, con xuống dưới luyện làm chi? Nhưng tôi sợ ồn, ảnh hưởng người khác.

Một lần, ông Nguyễn Cao Kỳ lên trên núi Bửu Long mua đá để xây nhà thì nghe có tiếng hú, tiếng la. Ông mới hỏi sư thầy: Có tiếng gì la ở dưới? Sư thầy đáp: Có một thằng cháu đang luyện giọng. Rồi thầy kêu tôi lên cho ông Nguyễn Cao Kỳ gặp. Ông Nguyễn Cao Kỳ hỏi tôi hát được những bài nào?

Sau đó, ông mời tôi đi hát ở Sài Gòn. Tôi đồng ý nhưng lại không có quần áo biểu diễn. Ông Nguyễn Cao Kỳ chở tôi đi mua đồ ở Biên Hòa, cứ thấy tiệm may ông dừng lại để tôi thử đồ. Ông mua tặng tôi một bộ quần áo. Chính lần đi hát theo lời mời của ông Nguyễn Cao Kỳ đã giúp tôi gặp lại anh Châu Kỳ, Duy Khánh và một số nghệ sỹ nữa”.

Nhưng hát xong ở Sài Gòn, Chế Linh lại về núi Bửu Long: “Tôi và Bằng Giang sống rất khổ. Bằng Giang là con nhà giàu ở Biên Hòa nhưng không về nhà, lại mướn nhà ở chung với Chế Linh. Hai anh em không muốn ra ngoài, chỉ muốn tập trung sáng tác những bài gần gũi với làng mạc, với dân quê, phục vụ những người làm đồng áng. Bởi lúc đó những người ở quê có điều kiện vào trường học tới nơi tới chốn ít lắm, nên không thể hiểu những bài hát cao siêu”.

Khi sáng tác nhạc Chế Linh dùng bút danh Tú Nhi, có nghĩa đứa trẻ khôi ngô, tuấn tú: “Tôi thích cái tên đó. Khi tôi còn nhỏ xíu, người ở trong làng thường bảo thằng bé này dễ thương”. Những nhạc phẩm của Tú Nhi – Bằng Giang đến nay vẫn được khán giả yêu thích như “Đêm buồn tỉnh lẻ”, “Bài ca kỷ niệm”…

Khoảng một năm luyện giọng trên núi Bửu Long, Chế Linh được sư thầy khuyến khích trở lại Sài Gòn, Bằng Giang cũng cảm thấy tài năng của Chế Linh đã chín, nên động viện bạn “xuống núi”. Nhạc sỹ Châu Kỳ, nhạc sỹ Trúc Phương cũng đi tìm Chế Linh, khuyên ông trở lại làng nhạc.

Chế Linh đặt điều kiện với Châu Kỳ và Trúc Phương, nếu muốn đưa giọng ca người Chăm về Sài Gòn thì phải viết ca khúc theo yêu cầu của ông. Thế là Chế Linh có những ca khúc “đo ni đóng giày”. Châu Kỳ tặng Chế Linh “Con đường xưa em đi”, “Túy ca”… Trúc Phương lại dành riêng cho Chế Linh “Thói đời”: “Đường thương đau đày ải nhân gian/Ai chưa qua chưa phải là người…”.

Nói về nghệ danh Chế Linh, nam danh ca chia sẻ: “Họ Chế sẽ khiến người ta nghĩ ngay người Chăm. Còn Linh là linh thiêng. Nếu tôi không lấy họ Chế thì bỏ cuộc lâu rồi. Vào Sài Gòn rất áp lực, đã lấy họ Chế, họ vua (vua Chế Mân lấy Huyền Trân Công chúa- PV), thì phải đi tới. Tôi nguyện cầu: Con đã lấy họ của Ngài rồi thì hãy giúp con vượt qua ải lớn, để con đạt được mong ước của mình”.

Không quên nguồn cội

Tôi hỏi Chế Linh: “Ông đã “tây hóa” chưa?”. Danh ca trải lòng: “Tôi sống ở hải ngoại nhiều hơn trong nước. 30 tuổi tôi đã ra nước ngoài. Bây giờ 80 tuổi rồi. Sống ở nước ngoài nhưng với tôi quê hương vẫn là trên hết, vẫn nhớ, vẫn thèm cơm canh cá mặn. Dù điều kiện sống ở đây tốt hơn song tôi không quên được Việt Nam”.

Chế Linh còn chia sẻ: “Tiếng Chăm, chữ Chăm, tiếng Việt, chữ Việt của tôi vẫn rất tốt. Tôi nói được, hát được tiếng Chăm, viết được bài hát dành cho người Chăm. Tôi cũng nói, viết và sáng tác được những bài hát bằng tiếng phổ thông. Hai ngôn ngữ này bắt buộc phải gắn bó. Phải tự hào và hãnh diện về dân tộc mình, đất nước mình, dù đất nước mình, dân tộc mình còn khó khăn. Nhưng đó là văn hóa căn bản nhất, không được phép quên”.

Năm 2007, Chế Linh trở về Việt Nam theo chương trình của UNESCO. Năm 2008, ông về nước làm văn hóa Chăm. Năm 2011, Chế Linh có liveshow đầu tiên trên quê hương: “Tôi cứ nghĩ, khán giả trong nước chỉ nhớ tôi phần nào. Nhưng không ngờ, tôi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Khán giả dành cho tôi cảm xúc quá sâu đậm, tôi vô cùng cảm ơn khán giả đã không quên tôi. Tôi rất hạnh phúc”. Từ đó đến nay, Chế Linh thường xuyên về nước biểu diễn.

Chế Linh vẫn tỏa sáng trên sân khấu ở buổi hoàng hôn cuộc đời

Hiện nay, Chế Linh là một trong những nghệ sỹ lớn tuổi nhất thế giới vẫn còn lên sân khấu. Ông sở hữu lượng fan khổng lồ ở trong nước và hải ngoại. Cách hát của ông trở thành một trường phái riêng, ảnh hưởng đến thế hệ ca sỹ sau này.

Ở tuổi 80, Chế Linh vẫn chạy “sô”, vẫn tổ chức liveshow, vẫn hát trong những chương trình lớn. Ông được xem như một trong những giọng ca bất bại với thời gian: “Tôi đã nhiều lần chia sẻ bí quyết giữ giọng, ấy là nhờ khán giả. Khán giả còn thương mến tôi, cho nên tôi không thể làm ngơ với sự tập luyện hàng ngày”.

Đang vô cùng hạnh phúc

Ngoài bút danh Tú Nhi, khi sáng tác nhạc Chế Linh còn có bút danh khác: Lưu Trần Lê. Ông giải thích: “Bút danh này ghép từ họ của tôi với họ của người vợ thứ nhất và người vợ thứ nhì”. Vì sao ông vẫn trân trọng những người đàn bà “đứt gánh giữa đàng”? Giọng ca “Thói đời” nói: “Phải trân trọng họ vì họ đã sanh con cho tôi. Họ đã từng chung sống với tôi. Đoạn đường đã qua không thể nào quên được. Sinh ra là con người phải có chung thủy, có tôn trọng”.

Chế Linh trải qua 4 cuộc hôn nhân. Người vợ thứ 4 thua ông chừng 15, 16 tuổi. Với người vợ thứ 4, Chế Linh cảm thấy vô cùng hạnh phúc: “Người vợ này giúp tôi có sức khỏe tốt. Tôi ăn uống đều đặn chứ không phải muốn ăn gì thì ăn. Khi tôi tập trong phòng thu không nhớ bữa, cô ấy ở bên ngoài nhấn chuông để nhắc tôi”. Nhiều người cho rằng, Chế Linh đa tình khi thấy ông trải qua 4 cuộc hôn nhân. Danh ca cười: “Nếu đúng như thế thì tôi không sống được với người vợ thứ 4 lâu vậy. Chúng tôi đã ở bên nhau mấy chục năm rồi”. Phải chăng cuộc hôn nhân thứ 4 của Chế Linh là sự lựa chọn hoàn hảo? Ông đáp lại bằng giọng hài hước: “Phải đậy nắp hòm mới biết hoàn hảo hay không. Không nên nói trước điều gì”.

5/5 - (1 bình chọn)

Viết một bình luận