Những kỷ niệm về tuổi học trò qua ca khúc “Dư Âm Ngày Cũ” của Nhạc Sĩ Thanh Sơn

Đăng ngày 21/07/2024

Thanh Sơn (Ngày 1 tháng 5 năm 1940 – Ngày 4 tháng 4 năm 2012) là một nhạc sĩ được biết đến từ thập niên 1960 với những ca khúc trữ tình nói về tuổi học trò. Khoảng thời gian sau đó, ông nổi tiếng hơn với những ca khúc chủ đề miền Tây nam bộ mang âm hưởng dân ca Nam Bộ. Ông tên thật là Lê Văn Thiện, quê ở Sóc Trăng; là con thứ mười trong một gia đình có 12 anh chị em. Do gia đình từng che dấu cán bộ nên bị ruồng bố gắt gao, Thanh Sơn phải nay đây mai đó.

Sheet nhạc Dư âm ngày cũ PDF, Lời & hợp âm | Nhạc Nhẽo

Khởi đầu của Thanh Sơn là ca sĩ. Ông học nhạc từ hồi tiểu học với thầy Võ Đức Phấn. Năm 1955, thầy Phấn mất, Thanh Sơn lên Sài Gòn làm thuê, ở mướn nhưng ông vẫn tiếp tục học nhạc với thầy Lê Thương và nuôi ước mơ làm ca sĩ. Năm 1959, ông đăng ký tham dự cuộc tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn và đạt giải nhất. Sau khi đạt giải, ông được mời đi hát trong ban Tiếng tơ đồng của Hoàng Trọng. Dù là ca sĩ, ông vẫn mày mò học sáng tác nhạc. Ca khúc đầu tay của ông là Tình học sinh ra đời năm 1962 tuy nhiên không được ai chú ý. Một năm sau, Nỗi buồn hoa phượng ra đời và trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về mùa hè. Năm 1963, Thanh Sơn bỏ hẳn làm ca sĩ và tập trung sáng tác.Từ năm 1973, nhạc của ông bắt đầu chuyển sang đề tài viết về quê hương. Sau sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông ngưng sáng tác và bắt đầu sáng tác trở lại từ thập niên 1990, những ca khúc mới thời này của ông mang âm hưởng dân ca lập tức được công chúng đón nhận. Nhiều bài hát trở nên được thịnh hành: Hình bóng quê nhà, Hành trình trên đất phù sa, Bạc liêu hoài cổ…

Thanh Sơn

Ta thấy rằng, nhạc của Thanh Sơn thời kỳ đầu thường nói về tình cảm của tuổi học trò, đặc biệt là mùa hè, đặc biệt là ca khúc Nỗi buồn hoa phượng được ông tâm đắc nhất với những lời ca chân tình, mộc mạc “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…”. Ngoài đề tài học trò, ông còn có những sáng tác về chủ đề mùa xuân: “Mùa xuân sang có hoa anh đào, Màu hoa tôi trót yêu từ lâu…” (Mùa hoa anh đào) hay “Nghe xuân sang thấy trong lòng vui chứa chan, tiếng pháo vui vang đó đây nghe rộn ràng… (Đoản xuân ca) hay những bài nhạc vàng than trách số phận, viết theo điệu bolero:

“Xin trả lại những kỷ niệm buồn vui

Ngày vui đã theo thời gian qua mất rồi

Ngồi viết tâm sự, nhớ ngược về quá khứ

Chợt lên nét suy tư

Bao năm thầm kín trót thương tà áo tím

Những đêm sương lạnh nghe trái sầu rót vào tim…”

(Trả lại thời gian)

Dư âm (Nguyễn Văn Tý) – Sheet nhạc Piano

Trước năm 1975, lời nhạc của Thanh Sơn chân thật, giản dị, ít trau chuốt đến khi ông chuyển hướng sang nhạc quê hương, lời ca mới được chú trọng đến nhiều. Nhiều ca khúc được viết để hát bằng giọng Nam Bộ với những điệu hò rất quen thuộc:

“Ơi hò ơi ví dầu thương những con đò bên hàng dừa xanh,

Thương nhiều chiếc áo bà ba,

Vai nặng gánh lúa lúc tan chợ chiều,

Bên mái tranh nghèo nghe bìm bịp kêu nước lớn nước ròng…”

(Gợi nhớ quê hương)

“Hò ơ..

Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn trầu, về sông ăn cá

về sông ăn cá, về đồng ăn cua…”

(Hình bóng quê nhà)

Ngoài ra, Thanh Sơn cũng thường đem địa danh, đặc sản hay giai thoại lịch sử có thật vào nhạc như là để quảng bá hình ảnh miền quê xứ đó như bài hát Hành trình trên đất phù sa, Bạc Liêu hoài cổ,…

Ngoài nhạc miền Nam, Thanh Sơn còn viết một số ca khúc ca ngợi miền khác như bài Non nước hữu tình, Trở lại thành phố sương mù, Thương về cố đô, Đôi lời gửi Huế, Quê hương ba miền.Thời kỳ này, ông được đánh giá là nhạc sĩ năng nổ nhất của miền Nam với những ca khúc ca ngợi quê hương.

“DƯ ÂM NGÀY CŨ” là ca khúc Thanh Sơn đồng sáng tác với nhạc sĩ Sơn Tuyền. Bài hát là những hoài niệm của tác giả về một thời đã qua, hiện tại chỉ còn nằm trong những ký ức được góp nhặt mà tìm vui. Ai trong cuộc sống mà chẳng giữ nổi cho mình một hay vài những kỷ niệm: Kỷ niệm về thời thơ ấu cùng bạn bè vui đùa thôn xóm, kỷ niệm lần đầu tiên được mẹ dắt tay đến trường, kỷ niệm về tuổi học trò với bao mơ mộng cùng tình yêu đầu đời mật ngọt,…..và còn nhiều nữa. Không phải chỉ có kỷ niệm vui mới được gìn giữ, hồi ức đau thương cũng được chôn giấu trong lòng, như một hồi chuông cảnh tỉnh con người khỏi những điều oái oăm trong cuộc sống,…Riêng ý nghĩa của “DƯ ÂM NGÀY CŨ” của Thanh Sơn lại là những hoài bão về tuổi học trò, những buồn vui thời niên thiếu, cũng như sự hoài niệm về thời gắn bó bên nhau của những cô cậu học sinh tinh nghịch. Nhưng chỉ là hồi ức, giờ thì mỗi người mỗi ngã, không biết đến bao giờ mới đầy đủ mặt nhau….

“Những người bạn thân ái tôi ngày xưa

Xa nhau mười năm anh quên được chưa?

Mỗi lần nhắc đến thêm buồn

Đâu còn giờ phút bên trường

Gần nhau ấp ủ yêu thương……”

Tác giả hoài niệm lại những người bạn thân hồi còn đi học giờ đã xa nhau mười mấy năm. Ông tự hỏi không biết các bạn có còn nhớ mình hay không? Mỗi lần như thế ông lại buồn và lưu luyến “đâu còn giờ phút bên trường, Gần nhau ấp ủ yêu thương”. Tình cảm của tác giả với bạn bè, trường lớp thật sự chân thành và sâu nặng. Nhớ lúc nào cả đám còn những phút giây bên mái trường, cùng đùa giỡn, cùng vui cười, vậy mà giờ mỗi người một nơi, cũng không biết còn nhớ nhau hay không? Bạn bè chơi cùng nhau, cảm xúc nó lạ lắm! Gần nhau thì đùa giỡn, quậy phá, ghẹo chọc nhau,…đến khi xa nhau thì nước mắt lưng tròng, không nỡ phút giây chia ly.

“…..Biết rằng chừ đây mỗi đứa một nơi

Anh đi đường anh tôi đi đường tôi

Ân tình tuy cách xa rồi

Hỡi người bạn mến của tôi

Nhớ nhau chỉ đành thôi…..”

Hiện tại, mỗi người đều đã có cuộc sống riêng, gia đình riêng, “mỗi người một nơi” rất khó có thể gặp nhau. Có nhớ nhau thì cũng đành chịu vì khoảng cách địa lý cũng như khoảng cách về tình cảm. Có lẽ những ai đã từng trải qua sẽ hiểu được cái cảm xúc và những kỉ niệm thời đi học. Nơi được khóc, được cười, được vui chơi với những tình cảm chân thành không vụ lợi.

“….Dư âm ngày cũ xin giữ trong tim suốt đời

Dù đi chiến chinh xa vời

Mỗi lần đọc thư, bạn ơi có nhớ tôi không

Cách mặt nào đâu cách lòng…..”

Tác giả luôn ghi nhớ và giữ gìn những kỉ niệm với bạn bè dưới mái trường ở sâu trong tim. Mặc dù ông phải ra chiến trận chiến đấu bận rộn là thế nhưng ông vẫn thường viết thư cho bạn bè. Rồi tự suy nghĩ “Mỗi lần đọc thư, bạn ơi có nhớ tôi không?” chứ “Cách mặt nào đâu cách lòng”. Nỗi nhớ của tác giả nghe sao nặng lòng thương mến đến thế.

Khoảng cách địa lý, khu vực sinh sống sẽ chẳng là gì nếu những con tim hướng về nhau. Tôi ở chiến trường, bạn nơi bình yên hậu phương, cũng có thể là một chiến trận nào khác, nhưng nó sẽ chẳng là cớ để chúng ta thôi nhớ về nhau. Tim này tuy nhỏ bé, nhưng sẽ chẳng là gì khi vẫn đâu đó có một góc dành cho các bạn, những hoài bão cùng nhau, những nhung nhớ, những kỷ niệm về nhau đều được lưu giữ nơi góc nhỏ ấy.

“….Tiếc thời gian qua giết đi tuổi thơ

Dư âm để lại trăm thương nghìn nhớ

Chỉ còn lưu bút kỷ niệm

Những dòng mực cũ chưa mờ

Tháng năm chìm vào mơ”.

Thời gian trôi đi phủ một lớp bụi mờ lên kí ức ngỡ mãi mãi không thể phai nhòa. Khi trưởng thành rồi con người ta mới thấu, mới trân quý những phút giây mặn nồng của tuổi học trò nới mái trường thuở nào. Bữa tiệc nào cũng có kết thúc, gặp gỡ nào rồi cũng sẽ phải chia xa nhưng ngần ấy ký ức thì sẽ mãi ở lại nơi ấy “Dư âm để lại trăm thương nghìn nhớ, Chỉ còn lưu bút kỷ niệm, Những dòng mực cũ chưa mờ”, những kỷ niệm vẫn còn rất trinh nguyên, vẹn tròn như chưa hề bị sứt mẻ khi “tháng năm chìm vào mơ”.

Bài hát này của Thanh Sơn thật chân tình với những tình cảm của tuổi học trò vô lo vô nghĩ. Ai trong mỗi chúng ta cũng bước qua thời gian của tuổi học trò đó với những ký ức vui vẻ, hồn nhiên, yêu đời dưới mái trường bên cạnh thầy cô, bạn bè. Đó là nơi ta được khóc, được cười mà không cần suy nghĩ gì về xã hội bên ngoài kia, là nơi ta có cảm xúc chân thành nhất dành cho nhau. Là nơi ta chia tay quãng thời gian tươi đẹp đó để đặt chân đến thế giới của người lớn với bao khó khăn, chông gai phía trước. Dù có đi đâu, làm gì thì ký ức đó sẽ luôn hằn sâu trong tâm trí của mỗi người và là hành trang cho ta bước vào cuộc đời mới với tuổi học trò ý nghĩa và nhiều kỷ niệm tuyệt vời.

Trích lời bài hát:

Những người bạn thân ái tôi ngày xưa
Xa nhau mười năm anh quên được chưa ?
Mỗi lần nhắc đến thêm buồn
Đâu còn giờ phút đến trường
Gần nhau ấp ủ yêu thương.

Biết rằng giờ đây mỗi đứa một nơi
Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi
Ân tình tuy cách xa rồi
Hỡi người bạn mến của tôi
Nhớ nhau chỉ đành thôi.

[ĐK:] Dư âm ngày cũ xin giữ trong tim suốt đời
Dù xa cách nhau phương trời
Mỗi lần đọc thư, bạn ơi ! có nhớ tôi không ?
Cách mặt nào đâu cách lòng.

Tiếc thời gian qua giết đi tuổi thơ
Dư âm để lại trăm thương nghìn nhớ
Chỉ còn lưu bút kỉ niệm
Những dòng mực cũ chưa mờ
Tháng năm chìm vào mơ.