Sau một ngày vất vả với những xô bồ của cuộc sống mưu sinh, ganh đua, tranh giành, hơn thua và toan tính thiệt hơn từng chút một giữa con người với con người thì đêm đến chính là khoảng thời gian tuyệt vời nhất. Ta được trở về với chính con người thật của mình, được thu mình vào vỏ ốc của riêng mình, không đụng chạm tới ai, không quan tâm tới người khác nghĩ gì về mình, được tự do làm điều mình muốn mà không phải dựa theo sắc mặt của bất kỳ ai. Đêm! Ta được trở về với bản thể nguyên sơ của mình – trọn vẹn và đủ đầy, trở về với đêm là trở về với chính mình, chẳng cần cười nói theo một khuôn khổ hay một lập trình được lên sẵn, chẳng có nút bật nào để nhấn vào thì sẽ suôn sẻ từ đầu chí cuối. Mà thay vào đó chính là những khoảng lặng! Những khoảng thanh bình và mênh mông đến vô tận.
Chính lúc này đây, bật một chiếc nhạc của Trịnh Công Sơn, “Cỏ xót xa đưa” đưa con người ta trở về với những mớ suy nghĩ tận cùng của một kiếp người. Suy cho cùng thì trong một kiếp nhân sinh, có bắt đầu thì ắt hẳn cũng có sự kết thúc, đó là quy luật, là vòng lặp tuần hoàn, dù muốn dù không thì điều đó vẫn xảy ra và ta chẳng thể nào chối cãi được. Con người vốn như một hạt bụi nhỏ, tạo hình, lớn lên, phiêu lãng sau cùng vẫn trở về làm bạn với đất cát. Nếu xét trên một phương diện khác, “Cỏ xót xa đưa” có thể được xem như một bản tuyên ngôn về kiếp người với đầy những băn khoăn và trăn trở của Trịnh Công Sơn. Một con người từng trải, từng chiêm nghiệm, là một minh chứng sống cho kiếp trần gian khổ ải, nhưng vẫn có lúc ông không hề biết được chặng đường sắp tới mà mình đi qua sẽ có những gì, điều gì đang đợi chờ mình ở phía trước.
“Trên đời người trổ nhánh hoang vu
Trên ngày đi mọc cành lá mù
Những tim đời đập lời hoang phế.
Dưới mặt trời ngồi hát hôn mê
Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ
Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa….”
Cuộc đời của mỗi con người chúng ta vốn trải qua nhiều giai đoạn, có lúc thăng hoa cũng có thời gian trầm lắng, chẳng ai sẽ mãi mãi đứng trên đỉnh vinh quang và cũng không người nào suốt kiếp nơi tầng đáy xã hội. Có người phải chịu đựng những gian lao và cực khổ mới có thể tận hưởng được phước lành và hạnh phúc mai sau; có người phung phí vì nghĩ mình có tất cả, không quan tâm kẻ bần hèn, không biết cách san sẻ và hy sinh nên sau cùng chỉ có thể lủi thủi trong đơn độc. Cuộc đời mà, lúc lên voi thì cũng có lúc xuống chó, ai cũng phải trải qua tất tần tật những hỉ – nộ – ái – ố, thất tình lục dục.
Trên cõi đời này, người ta vẫn mong muốn hủy hết đi những vùng hoang vu, lập nên những điện đài nguy nga tráng lệ, họ muốn tận dụng hết những khoảng trống để khoe nên sự giàu có của bản thân. Không còn những ngày dưới trời mát mà hát vu vơ những câu hát làm say lòng người, không còn những vòng nôi đã từng đưa con người ta vào giấc mộng ảo, không còn những bãi cỏ mướt gánh chịu thân mình làm lối mòn êm chân người di bước. Nhưng có lẽ họ chưa biết, sẽ đến lúc nào đó, bản thân cần một khoảng trời hoang vu để cây mọc thêm lá, để có thêm không khí tươi mát cho đời, để có một bầu trời trong lành mà bản thân vô tình phá đi. Cũng giống như họ cố tình làm sạch đi những thiện lương ban đầu, thay vào đó là những mưu mô và toan tính, mong cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn mà rời xa hạnh phúc nguyên thủy. Sau cùng nhìn lại, cứ ngỡ bản thân có tất cả nhưng lại là mất đi tất cả.
“….Người đã đến và người sẽ về bên kia núi
Từng câu nói là từng cánh buồm giong cuối trời.
Còn lại tiếng cười khóc giữa đời…..”
Bấm vào hình để nghe ca khúc do Quang Dũng trình bày.
Người đến rồi đi, người sống rồi cũng sẽ chết đi, đó là quy luật của cuộc sống,là vòng tuần hoàn của kiếp luân hồi trong cõi nhân sinh. Còn về lời nói, bản thân sợ tổn thương mà chối hoàn toàn những câu từ được thốt ra từ người khác, nhưng họ có biết rằng lời nói cũng như một cơn gió thoảng, đến nhanh và đi cũng lẹ, rồi cũng sẽ trôi vào lãng quên mà thôi. Dù có bon chen, dù có giành giật hay dẫm đạp lên nhau để mong cầu một điều nào đó, thì sau cùng, thứ còn lại chỉ là cảm xúc thật với đời: nước mắt và nụ cười. Tại sao lại nói như thế? Vì sự dằn vặt của tác giả khi nghiền ngẫm về cõi nhân sinh đã thấm đượm và hiện hữu trong từng ca từ, từng giai điệu của bài hát. Những dồn nén và băn khoăn về sự đời đã vỡ òa như tiếng cười khóc giữa đời. Rất khó để có thể nói hết được thành câu…..
“……Dưới ngọn đèn một bóng chim qua
Giữa đường đi một người đứng gọi
Có biết gì về ngày chưa tới.
Những ngày ngồi rủ tóc âm u
Nghe tiền thần về chào bóng lạ
Những mai hồng ngồi nhớ thiên thu.”
Dưới những ngọn đèn sáng rực vô tình có một đàn chim bay ngang tìm kiếm độ ấm, giữa dòng người đông đúc trong cõi hư vô vẫn sẽ có một người nguyện ý chờ đợi ta nơi đâu đó. Mọi thứ trong kiếp người đều đã được sắp đặt sẵn, chỉ là ta không biết khi nào nó đến và đến dưới dạng nào, chẳng ai đoán trước được tương lai của bản thân dù có chiêm nghiệm, có quan sát đến bậc nào đi chăng nữa. Mọi chuyện cũng sẽ xuôi theo tự nhiên, như người ta vẫn thường nói: “Khi thượng đế đóng một cánh cửa, ngài sẽ mở ra một cánh cửa khác”, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau và cũng chẳng ai được ưu tiên chú ý, mọi người trong vòng luân hồi là bình đẳng. Vậy nên đừng cứ mãi ủ rủ âm u vì nghĩ mình kém hơn người, cũng đừng hóa thân thành một cái bóng suốt ngày theo sau ai đó, hoặc hoài niệm mãi một đoạn quá khứ đã cũ. Hãy cứ mạnh dạn mà hòa đồng với vũ trụ, biến những nỗi ưu tư trở thành niềm vui vì chẳng ai tránh được quy luật vong – tồn nơi vô thường hay sự sinh – diệt của cõi vô tận. Thời gian rồi sẽ mất đi một cái quy chuẩn được gán định sẵn, dù quá khứ hay hiện tại và tương lai rồi cũng thành một và “mai hồng” cũng chính là “thiên thu”.
Phải yêu cuộc đời này, cái tâm yêu người lớn bao nhiêu nhạc sĩ họ Trịnh mới viết lên được những câu hát lay động lòng người đến thế này, thật tuyệt vời và cũng thật tài tình. Hiểu và cảm nhận thì mới thấu cảm được những ước vọng mà Trịnh Công Sơn gửi gắm qua những đứa con tinh thần của mình. Sau đó, tự bản thân sẽ ngộ ra thêm nhiều màu sắc trong cuộc sống, những sắc màu mà trước giờ bản thân mình đã cố tình hay trong lúc vô tình bỏ qua. Rồi cũng từ đó mà nuôi dưỡng lại tâm hồn, làm cho tâm thần bớt khô khan và già cỗi, học được cách sống nhân ái hơn, lương thiện hơn và tốt đẹp hơn. Đã từng có rất nhiều người chỉ trích âm nhạc của Trịnh Công Sơn, họ bảo rằng: “Tư tưởng trong nhạc Trịnh vẫn còn đó sự hẹp hòi, loanh quanh luẩn quẩn không lối ra… nhạc thì tối, mang đầy âm khí. Chẳng thấy có cái gì cao siêu ở đây để mà thờ cả!”, nhưng sau cùng, những cáo buộc ấy chỉ càng thêm chứng minh rằng: Nhạc của họ Trịnh là những viên kim cương quý, lấp lánh và tỏa ra thứ ánh sáng chói lóa giữa cuộc đời