Thiên nhiên có cả thảy bốn mùa, nếu mùa xuân cây trái đơm hoa kết trái làm lòng người háo hức đón chờ một năm mới sang; mùa hạ chứa đầy bao nỗi nhớ và đặc biệt là mùa mà cô cậu học trò ai ai cũng mong đợi; mùa thu lại êm ả và gợi lên bao cảm xúc cho các thi sĩ; thì mùa đông lại chính là mùa của sự lắng đọng. Mùa đông đón chào ngày lễ Giáng sinh – Ngày lễ lớn trong năm, ngày Chúa Giáng thế và cũng là mùa mà người người đều phải “chạy đua” như để níu kéo chút gì đó còn sót lại trong những ngày cuối cùng của năm.
Giáng sinh chính là khoảng thời gian tuyệt đẹp để mọi người được sum họp cùng nhau, cùng ngồi bên bếp lửa để trải lòng cùng nhau, hồi tưởng lại bao ký ức của tuổi thơ, tất tần tật những hoài niệm dù đẹp đẽ hay đau thương. Với nhiều người sẽ dần đưa những điều ấy vào quên lãng, còn với vài người nó mãi mãi ở đây – nơi trái tim ấm áp. Với Ngân Giang, những kỷ niệm về Giáng sinh là một điều gì đó rất đẹp – ông muốn lưu giữ mãi, nên nhạc sĩ đã đem nó bài hát, vẽ lại bằng những ca từ đẹp qua ca khúc “DƯ ÂM MÙA GIÁNG SINH” – Với một người con sống trong cảnh đất nước còn khốn cùng vì chiến tranh, thì đây hẳn chỉ là những kỷ niệm buồn mà thôi!
Nhạc sĩ Ngân Giang sinh năm 1946, ông là một trong những nhạc sĩ nhạc vàng nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam trước năm 1975. Sinh ra tại miền Bắc Việt Nam và người con của gia đình nho giáo, ông đã bộc lộ tài năng cùng với niềm đam mê âm nhạc khi còn rất bé. Năm 9 tuổi, ông đạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi về âm nhạc, từ đây ông cũng được các vị linh mục của dòng Cứu Thế biết đến và nhận làm đệ tử để dạy về âm nhạc, ca hát,…Đến năm 14 tuổi, Ngân Giang bắt đầu tập tành sáng tác, lúc này, đa phần các sáng tác của ông đều thuộc hùng ca và các bài hát tập thể cho trường cùng đoàn du ca hướng đạo. Vào năm 1967, do tình hình đất nước mà ông tham gia quân đội, từ đây ông cũng chuyển hướng sáng tác của mình sang tình ca, nhạc tình, nhạc lính. Ngoài ca khúc “DƯ ÂM MÙA GIÁNG SINH”, nhạc sĩ Ngân Giang còn sáng tác rất nhiều bài hát bất hủ như: “Người tình không đến”, “Tình nào trong mắt em (Đôi mắt người xưa)”, “Chờ đông”,…..
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Vũ trình bày.
Về bài hát “DƯ ÂM MÙA GIÁNG SINH” được nhạc sĩ Ngân Giang khi đất nước vẫn còn đang chìm trong lửa đạn, người người đau buồn vì sự đau thương của chiến tranh mang lại. “DƯ ÂM MÙA GIÁNG SINH” là nỗi da diết và nhớ thương về một tà áo Noel thướt tha trong một buổi chiều, là sự khát khao về một quê hương yên bình không còn bóng dáng quân thù, là sự cầu mong đất nước được thống nhất cùng niềm tin mãnh liệt vào sự ra đời của Chúa Cứu thế. Bài hát đã tạo nên sự đồng cảm của phần đông người hâm mộ nhạc nói riêng và của tất cả người con Việt Nam nói chung.
“Bài hát đêm đông chợt lòng tôi nhớ người
Tà áo Noel thướt tha trong chiều nào
Dập dìu trên đường đi lễ
Lấp lánh sao đêm tuyệt vời
Đẹp thay ôi mùa sao sáng
Từ khắp muôn phương lòng thành đang hướng về
Mừng Chúa ngôi hai giáng sinh trên trời cao
Nguyện cầu yên bình nhân thế
Giữ vững tin yêu trọn đời
Bài thánh ca ngọt đầu môi….”
Nỗi nhớ thương da diết của Ngân Giang cùng với hàng triệu đồng bào Việt Nam mỗi khi vào đông được bộc lộ ngay từ những câu đầu của bài hát. Nhớ làm sao tà áo màu của Noel còn lượn lờ trong chiều hôm nao, người người còn dập dìu hẹn nhau đi lễ. Những đêm ấy, bầu trời đầy ắp những vì sao, lấp lánh chiếu sáng cả một vùng – “Đẹp thay ôi mùa sao sáng”.
Nhưng tự bao giờ mà lòng người chẳng dám mong chờ mùa Giáng sinh nữa, phải chăng từ lúc đất nước lâm nguy, bao người ra đi để cứu nước nhưng vẫn chẳng thấy thư về? Lòng người nào dám nguyện cầu cho bản thân nữa, chỉ đồng nhất hướng lòng thành nguyện ước hòa bình cho nhân gian, cho con người trần thế. Bài thánh ca ngọt ngào hơn, lắng đọng hơn khi người người đều đồng thanh cất tiếng ca, tin tưởng vào sự ra đời của Chúa, cũng như tin tưởng sự thái bình cũng sắp trở lại với đất nước khi Chúa Trời hiển linh.
“…..Quê hương chinh chiến đã lâu rồi
Người ngoài biên cương vẫn miệt mài đi
Mấy mùa Giáng sinh niềm nhớ bâng khuâng tìm về
Hòa theo khúc nhạc mừng Chúa sinh ra đời…”
Trường kỳ kháng chiến, người ngoài biên cương vẫn luôn miệt mài để bày mưu đánh giặc, người nơi quê nhà chỉ biết nguyện cầu Chúa Giáng sinh hiển linh mà giúp đỡ phần nào để mang hòa bình về cho quê hương này.
Thương sao những chiến sĩ quân khu, đã bao mùa Noel qua nhưng vẫn chưa được về thăm nhà, chưa được một lần bình yên mà vây quầng bên gia đình nhỏ. Nhưng biết làm sao khi thân mang nghĩa cử người lính, ngày nào đất nước chưa thống nhất, người trai chẳng thể yên lòng mà vui vẻ bên mái ấm của mình. Vậy nên, cứ mỗi độ Giáng sinh, miệng chỉ biết thầm nhẫm theo khúc hát mừng Chúa ra đời mà thôi…..
“…Và cũng đêm nay một người ôm kỷ niệm
Ngồi đếm sao đêm chép cho xuôi vần thơ
Gởi về cho người biên giới
Chiến đấu xông pha địa đầu
Một dư âm mùa Giáng Sinh”
Có khoảng thời gian đầu quân vào quân đội nên Ngân Giang hiểu được thế nào là khổ cực và tinh thần sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì tổ quốc. Đều là những con người óc tinh thần thép, lúc nào cũng có thể đối mặt với hiểm nguy thì thời gian đâu mà họ nghĩ đến sự vui vẻ hay nhộn nhịp của mùa Giáng sinh. Biết thế Ngân Giang đã ghi lại tất cả những điều đẹp nhất của mùa Noel và mong muốn gửi gắm đến những người chiến sĩ quân khu chút dư âm còn đọng lại. Ông gửi cùng với những ánh sao đêm lấp lánh, gửi những kỷ niệm cho các đồng chí kèm với đôi dòng thơ nhỏ. Đây như một lời cảm tạ vì sự hy sinh chiến đấu, vì đã cố gắng để gìn giữ nền hòa bình cho non sông Việt Nam.
Một sự kết hợp tưởng chừng như chẳng liên quan gì nhau, nhưng trong bài hát này, nhạc sĩ Ngân Giang lại kết hợp hài hòa cả tình và lý. Đời và đạo, nỗi niềm của những con người nơi trần thế đắng cay và lòng tin vững vàng vào Chúa Giáng sinh – Một con người được xây dựng nên bằng niềm tin của người mộ đạo. Thực thực ảo ảo lại là điểm nhấn tạo nên sự bất hủ với thời gian của ca khúc này của nhạc sĩ Ngân Giang.