Nhạc sĩ Trịnh Hưng bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 1950, tuy nhiên thuở ban đầu các ca khúc của ông chưa được khán giả biết đến nhiều, phải đến năm 1956, các nhạc phẩm của ông mới được phổ biến và được công chúng yêu thích. Khán giả yêu nhạc biết đến Trịnh Hưng như một nhạc sĩ gạo cội gắn liền với những giai điệu vui tươi, lời ca mộc mạc trong các bài hát viết về quê hương. Bài hát “Lúa Mùa Duyên Thắm” của Trịnh Hưng là bản tình ca thôn dã, đẹp đẽ về nông thôn Việt Nam mà từ nhan đề đã toát lên tình cảm nồng hậu của tác giả, thấm đẫm niềm yêu thương lưu luyến. Nghe nhạc của Trịnh Hưng, ta thật sự cảm nhận được một cuộc sống thanh bình nơi làng quê yên ả.
Hình ảnh cây lúa đã gắn bó từ lâu với đời sống nhân dân, trở thành biểu tượng của nông thôn Việt Nam, nhắc đến cây lúa, người ta sẽ nhớ ngay đến những người nông dân tần tảo, chịu thương chịu khó, không quản ngại mưa gió, cày xới chăm bón để có được những hạt gạo quý giá. Đồng thời cây lúa cũng đại diện cho sự ấm no, sung túc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hình ảnh cây lúa gắn liền với hình ảnh hậu phương vững chắc, đó cũng là biểu tượng cho trường kỳ xây dựng đất nước sau chiến tranh với mục tiêu lấy phát triển nông nghiệp làm gốc. Chính những ý nghĩa sâu sắc như vậy nên cây lúa thường trở thành đề tài chính trong thi ca. Đã có rất nhiều bài hát ngợi ca cây lúa được ra đời.
Bài hát “Lúa Mùa Duyên Thắm” là những hình ảnh cây lúa ở đồng quê, rất gần gũi, thân thuộc, cùng với cảnh sắc thiên nhiên và con người bình dị của làng quê Việt Nam.
Chiều dần rơi sau mái đồi ánh trăng buông lả lơi
Nhịp chày rơi như tiếng ca thiết tha xây cuộc đời
Làng thôn tôi mừng hát vui mùa lúa lên màu tươi
Hạt lúa thơm vị thấm bao mồ hôi và sớm hôm ra sức ta cày xới.
Mừng đêm nay bông lúa vàng thắm tươi vui miền Nam
Nhịp hò quan cô gái ngoan hát vang lên dịu dàng
Hò hò khoan rằng chúng em là gái sông Cửu Long
Cày cấy mong mùa tốt cho nhiều bông
Gạo trắng trong mà nên duyên mặn nồng.
Đây dòng Cửu Long lúa về mát lòng nhà nông
Vui đời no ấm lúa mùa mến người lập công
Lúa thắm vàng đầy đồng, người sống với tình mặn nồng
Như cùng nhau xây tình yêu sông núi, tô màu cho nước Việt ngày thêm tươi.
Kìa trăng soi bông lúa vàng gió reo vui miền Nam
Đồng mênh mang cô gái ngoan hát vang lên dịu dàng
Này ai ơi miền nước tôi ruộng lúa ôm bờ đê
Người sống vui tình thắm vương hồn quê
Gạo trắng trong mà nên duyên hẹn thề!
Chốn làng quê thôn dã vào buổi chiều tà qua lời kể của tác giả là một bức tranh vui tươi nhộn nhịp. Núi đồi mênh mông hùng vĩ, xa xa là ánh trăng lả lơi nhô lên sau ngọn đồi. Không khí rộn ràng ấm cúng với tiếng chày giã gạo, tiếng hát hò reo mừng mùa gặt mới. Ta cảm nhận được trong những thanh âm ấy là sự hân hoan của mùa vụ, là no ấm đủ đầy. Những hạt lúa thơm hôm nay chất chứa bao công sức, bao mồ hôi, nhọc nhằn của người nông dân. Bao tháng ngày vất vả chăm bón cũng nhận lại được thành quả đầy xứng đáng. Những niềm vui bình dị và giản đơn ấy đã khiến người ta quên đi hết những vất vả, nhọc nhằn ngày lúa vào vụ.
Để có được những hạt thóc vàng, bát cơm trắng dẻo thơm nuôi ta khôn lớn, là nhờ bao nhọc nhằn vất vả của mẹ, của cha, là bao công sức của những người nông dân cần cù một nắng hai sương. Những hình ảnh ngày mùa bận rộn thân quen bình dị ấy đã ăn sâu vào tiềm thức, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi chúng ta. Tuy vất vả, tuy nhọc nhằn nhưng những người nông dân vẫn lạc quan, yêu đời. Những điệu hò, những bài ca được cất lên trong không khí rộn ràng hối hả ngày mùa, có cả những điệu hát trao duyên của những cô gái, chàng trai. Cây lúa đã giúp se duyên cho bao cặp trai gái, nhờ gạo trắng trong mà nên duyên mặn nồng.
“Đây dòng Cửu Long, lúa về mát lòng nhà nông”, người nông dân tần tảo sớm hôm chăm bón, ước mong nhỏ nhoi là ngày mùa được bội thu, để được yên vui sung túc, gia đình thêm hạnh phúc, nghĩa tình thêm mặn nồng. Góp phần xây dựng non nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Một niềm hạnh phúc giản đơn ở chốn làng quê thanh bình.
Ánh trăng thanh sáng tỏ, chiếu rọi những bông lúa trĩu vàng lung lay trước gió, một hình ảnh tuyệt đẹp mà chỉ ở nông thôn mới có. Vùng đồng bằng sông Cửu Long là nơi có những cánh đồng lúa bạt ngàn, rộng lớn nhất cả nước. Đồng lúa nơi đây không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn là nguồn sống rất quan trọng của đất nước, qua nét vẽ của nhạc sĩ Trịnh Hưng thì nó còn mang một vẻ đẹp tuyệt mỹ. “Này ai ơi miền nước tôi ruộng lúa ôm bờ đê, người sống vui tình thắm vương hồn quê”, câu hát này như một lời giới thiệu, ngợi ca quê hương, rằng quê hương tôi có đồng lúa mênh mông, có những con người giàu tình cảm nồng hậu. Nhờ có cây lúa mà được sinh ra, được lớn lên, được sống và được yêu thương…
Nhạc sĩ Trịnh Hưng không chỉ viết về quê hương theo ký ức những gì nhìn thấy, mà ông còn viết bằng nỗi nhớ da diết chất chứa khao khát thanh bình. Cảnh vật làng quê trong tình ca quê hương của Trịnh Hưng là những bức tranh vẽ bằng âm nhạc, từ trái tim khắc khoải. Quê hương trong âm nhạc Trịnh Hưng còn có cả miệt vườn, sông nước miền Nam, có hình ảnh đất nước yên bình, hạnh phúc.
Chiều dần rơi sau mái đồi ánh trăng buông lả lơi
Nhịp chày rơi như tiếng ca thiết tha xây cuộc đời
Làng thôn tôi mừng hát vui mùa lúa lên màu tươi
Hát lúa thơm vị thấm bao mồ hôi và sớm hôm ra sức ta cày xới.
Mừng đêm nay bông lúa vàng thắm tươi vui miền Nam
Nhịp hò quan cô gái ngoan hát vang lên dịu dàng
Hò hò quan rằng chúng em là gái sông Cửu Long
Cày cấy mong mùa tốt cho nhiều bông
Gạo trắng trong mà nên duyên mặn nồng
Đây giòng Cửu Long lúa về mát lòng nhà nông
Vui đời no ấm lúa mùa mến người lập công.
Lúa thắm vàng đầy đồng
Người sống với tình mặn nồng
Như cùng nhau xây tình yêu sông núi tô màu cho nước Việt ngày thêm tươi!
Kìa trăng soi bông lúa vàng gió reo vui miền Nam
Đồng mênh mang cô gái ngoan hát vang lên dịu dàng
Này ai ơi miền nước tôi ruộng lúa bờ đê
Người sống vui tình thắm vươn hồn quê
Gạo trắng trong mà nên duyên hẹn thề!