“Dù ai buôn bán nơi đâu
Nhớ đến ngày Tết rủ nhau mà về” (Ca dao)
Vâng, đó chính là một truyền thống của người Việt Nam chúng ta từ xưa đến nay. Hằng năm, mỗi dịp Tết đến xuân về luôn là dịp để những người con đi làm xa quê trở về sum họp với gia đình, người thân hay bạn bè. Tuy nhiên vẫn có những người phải chịu thiệt thòi dầm sương dãi nắng, ngủ ven rừng bụi cỏ để trấn thủ biên thùy. Họ chỉ hưởng được chút hương vị tết từ những món quà do người thân gửi từ hậu phương đến, thiếu hẳn cái không khí Tết ấm cúng, thiếu hoa mai, hoa đào, pháo hoa rộn ràng,…Họ là những người lính, chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, để cho người thân của họ có thể đón những cái Tết trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc.
Từ xưa đến nay, dù xảy ra ở bất cứ nơi đâu thì chiến tranh đều gây nên nhiều đau khổ, tang tóc. Những chuyện như cha xa con, chồng xa vợ, con xa gia đình, những chàng trai trẻ phải xa người yêu là chuyện không thể nào tránh khỏi. Những mất mát to lớn về người thân, nhân tài, người dân và nhất là những người lính trận đã phải hy sinh xương máu của mình, có khi còn bị thương hoặc trở thành phế binh hoặc thậm chí bỏ cả mạng sống để cho người dân được sống. Chính vì điều đó mà ước mơ, khát vọng đất nước hòa bình là của tất cả mọi người, tất cả mọi tầng lớp. Nhạc sĩ Hoài Linh và nhạc sĩ Tấn An đã truyền tải nỗi niềm của những chàng trai khoác áo chiến y vừa mới từ biên cương trở về thăm người yêu ở hậu phương với lời cầu chúc đầu năm chân thành, tình cảm, ấm áp và nồng nàn qua lời bài hát của ca khúc Đầu xuân lính chúc.
Nhạc sĩ Hoài Linh tên thật là Lê Văn Linh, sinh năm 1925 tại Quảng Trị, là nhạc sĩ thuộc nhóm nhạc Vàng. Ông có 3 nghệ danh khác là Nguyên Lễ, Hà Vị Dương và Lục Bình Lê. Cũng giống như các nhạc sĩ giai đoạn cuối những năm 1950, trước khi chuyển sang và thành công với dòng nhạc vàng, Hoài Linh cũng sáng tác những bài hát có nét nhạc cổ điển ảnh hưởng bởi giai đoạn trước đó, lời ca các bài hát giai đoạn này lãng mạn nhưng chưa vương khói lửa chiến chinh. Ca khúc nổi tiếng nhất của ông giai đoạn này là Nếu đừng dang dở qua tiếng hát của ca sĩ Lệ Thu.
Đầu thập niên 1960, Hoài Linh chuyển sang dòng nhạc vàng và nhanh chóng nổi tiếng với ca khúc Sầu tím thiệp hồng qua tiếng hát của ca sĩ Hà Thanh. Từ đó cho đến năm 1975, Hoài Linh liên tục cho ra đời những nhạc phẩm mang nhiều chủ đề từ tình cảm đôi lứa đến chủ đề người lính, đề tài quê hương, ca ngợi thiên nhiên được khán thính giả khắp nơi yêu thích và được các nhạc sĩ cùng thời đánh giá cao bởi những ca khúc của ông có giai điệu dễ nghe, nhưng bay bướm, văn hoa và có vần điệu. Thời đó hầu như nhạc sĩ nào cũng muốn Hoài Linh đặt lời cho ca khúc của mình, vì bài nào có bút của ông đặt vào là rất anh khách, trong đó có nhạc sĩ Tấn An. Tấn An có khá nhiều ca khúc do Hoài Linh đặt lời. Thông tin về nhạc sĩ Tấn An thì không có nhiều. Chỉ biết Đầu xuân lính chúc là một trong những ca khúc sáng tác chung của ông và nhạc sĩ Hoài Linh.
“Ngày đầu Xuân chúc non nước thanh bình,
ngày mồng hai chúc cho lứa đôi mình
Và mồng ba anh chúc cho đôi mắt em xinh,
Má em hồng cho nét Xuân mãi trong lòng anh.
Ngày Tết, chàng trai ở biên cương được trở về thăm người yêu với nỗi mừng khôn tả. Ngày đầu xuân, anh chúc cho đất nước thanh bình, người dân sống ấm no, hạnh phúc không phải chịu đựng sự tàn khốc của chiến tranh nữa. Ngày mùng hai, anh cầu chúc cho “lứa đôi mình” được suôn sẻ, hạnh phúc. Ngày mùng ba, anh chúc cho “đôi mắt em xinh, má em hồng cho nét xuân mãi trong lòng anh”. Những lời chúc của chàng trai dành cho người yêu của mình sau một thời gian dài gặp lại nghe thật ngọt ngào và đầy tình cảm.
“Từ ngoài biên anh vừa về đến, đôi lời trìu-mến chân thành chúc em …
Đầu Xuân xin chúc quê hương yên bình thành đô đến nơi đồng xanh,
Ý lành nước non vươn màu xanh mới đón Xuân thắm trong niềm vui .
Hương xuân giao hòa nhân thế đẹp mãi,
Xuân đem sang giàu cho kiếp nghèo đói .
Tương lai lên mầu như áo ngày cưới,
Xuân sang muôn người thấy vui,”
Tiếp đến vẫn là những lời chúc chân thành của chàng lính dành cho đất nước “Đầu Xuân xin chúc quê hương yên bình thành đô đến nơi đồng xanh, Ý lành nước non vươn màu xanh mới đón Xuân thắm trong niềm vui, Hương xuân giao hòa nhân thế đẹp mãi, Xuân đem sang giàu cho kiếp nghèo đói, Tương lai lên mầu như áo ngày cưới, Xuân sang muôn người thấy vui”. Phải có tình cảm với đất nước quê hương và con người lớn như thế nào thì chàng lính mới có thể chúc được những câu nghe ấm lòng đến như vậy?
“Người yêu lính nếu em biết cho rằng
Đời quân nhân sống đây đó không ngừng,
Vì như thế năm ngoái sai hứa với em,
Tết không về chắc em ghét anh nhiều lắm,
Và giờ đây xuân trời rực rỡ, xuân mình vừa nở, em vừa ý chưa”?
Chàng lính mong muốn người yêu hãy hiểu cho cuộc sống của mình, anh vì đất nước, vì trách nhiệm đè nặng trên đôi vai nên mới phải nay đây mai đó chiến đấu với quân thù, có thể Tết không về thăm người yêu được. Mong cô gái hiểu cho mình. Chàng trai còn tự hỏi “Tết không về chắc em ghét anh nhiều lắm”, chứng tỏ anh thật sự tự ti với tình yêu này. Nhưng năm nay, thật may mắn anh được về thăm nhà, thăm người yêu. Mùa xuân năm nay của anh thật đẹp, thật rực rỡ. Tình yêu của anh cũng tốt đẹp lên qua câu hát “xuân mình vừa nở, em vừa ý chưa?”
Ước mong quê hương không còn chiến tranh cũng là tâm trạng và mong ước của nhiều nhạc sĩ cùng thời khác.Dẫu vậy người con trai Việt vẫn ngạo nghễ chấp nhận định mệnh đã dành riêng cho mình trong thời buổi loạn ly với sự kiêu hãnh đáng khâm phục. Họ luôn làm tròn bổn phận làm trai, chấp nhận gian khổ, bảo vệ an ninh cho đồng bào ở hậu phương an lòng hưởng Tết. Dầu vậy, những chàng lính chẳng buồn lòng, chẳng than thân trách phận, dù cho tâm trạng của họ lúc nào cũng nhớ “nàng xuân”, người yêu của mình. Nhưng định mệnh nghiệt ngã họ chỉ còn biết tiếc thương mùa xuân nào đã đi qua.Nhạc sĩ Hoài Linh và nhạc sĩ Tấn An qua nhạc phẩm Đầu xuân lính chúc đã diễn tả được ước mơ thầm kín, cầu mong sao cho khói lửa chiến tranh qua nhanh để cho những người lính có thể trở về sống gần gia đình, bạn bè , người yêu và hưởng một cái Tết đúng nghĩa.