Tòa Thánh Tây Ninh còn được gọi là Đền Thánh là một công trình tôn giáo của đạo Cao Đài, tọa lạc trong khuôn viên Nội ô Tòa Thánh Tây Ninh tại phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Cách trung tâm Thành phố Tây Ninh khoảng 5 km về phía Đông Nam, thuộc miền Nam nước Việt Nam.
Đây là Tổ Đình, tức cơ sở thờ tự cấp trung ương của đạo Cao Đài. Gọi Tòa Thánh Tây Ninh là Tổ Đình, vì đây là nơi phát xuất của Đạo Cao Đài, là nơi đặt các cơ quan trung ương của Hội Thánh Cao Đài, tức Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, để điều hành toàn bộ các hoạt động truyền giáo và cứu độ nhơn sanh. Đền Thánh là một ngôi đền đồ sộ, nguy nga, đặc sắc, để thờ phượng Đấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng đế, các vị Giáo chủ Tam Giáo, Tam Trấn và Ngũ Chi Đại Đạo, cùng các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Theo giáo lý của Đạo Cao Đài thì Tòa Thánh mang kiểu vở của Thiên đình, được gọi là Bạch Ngọc Kinh tại thế, từ việc chọn mua đất đến việc xây cất tạo tác Tòa Thánh về kích thước lẫn hình dáng được Đức Lý Giáo Tông và Đức Chí Tôn chỉ dạy tỉ mỉ thông qua một hình thức thông công cùng các Đấng vô hình là Cơ bút.
Hàng trăm tín đồ hành lễ, các chức sắc mặc lễ phục có hình Thiên Nhãn, chân dung giáo chủ Phạm Công Tắc… là loạt ảnh tư liệu hiếm về Tòa thánh Tây Ninh năm 1948 do phóng viên tạp chí Life thực hiện.Chùm ảnh: Tòa thánh Tây Ninh năm 1948 qua loạt ảnh của tạp chí Life
Sau khi làm Lễ Khai Đạo tại chùa Từ Lâm (Gò Kén) ngày 15 tháng 10 năm Bính Dần (Dl: 19-11-1926), chủ chùa Từ Lâm là Hòa Thượng Như Nhãn (Giác Hải) đòi chùa lại, không hiến cho Hội Thánh Cao Đài nữa, kỳ hẹn trong 3 tháng phải dời đi.
Ngày 19 tháng 1 năm Đinh Mão (Dl: 20-2-1927), tại Từ Lâm Tự, Hội Thánh được Đức Lý Giáo Tông giáng cơ quyết định trả chùa lại cho Hòa Thượng Như Nhãn, rồi dạy Hội Thánh đi chọn mua đất cất Tòa Thánh, phải chọn đất tại Tây Ninh nầy mà thôi, bởi vì Tây Ninh là Thánh địa, nơi đây phong thổ thuận tiện cho người ngoại quốc đến học Đạo.
Ngày 22 tháng 1 tháng Đinh Mão (Dl: 23-2-1927), Hội Thánh vâng theo lời chỉ dạy của Đức Lý, gặp được một miếng đất là khu rừng rậm do một người Pháp tên ASPAR làm chủ, nằm kế khu đất của ông Cao Văn Điện, bạn của Đức Cao Thượng Phẩm và sau đó đã mua được đất.
Ngày 16 tháng 3 năm 1927, các cơ quan của Đạo cũng lần lượt được xây dựng tạm với mái tranh vách đất, để có nơi làm việc và nghỉ ngơi cho chư Chức sắc. Công việc tiến hành dần dần đi vào ổn định để lo xây dựng Tòa Thánh bằng vật liệu nặng với quy mô lớn.
Tuy nhiên, trong những năm sau đó, những mâu thuẫn trong các chức sắc nảy sinh, nội bộ của Hội Thánh rạn nứt, có một số chức sắc tách riêng ra lập chi phái, trở lại công kích Hội Thánh. Việc xây dựng Tòa Thánh không thể khởi công được, mà phải gác lại nhiều năm.
Tháng tháng 10 năm 1931, Đầu Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ) đã đứng ra tổ chức khởi công đào móng làm nền, đào hầm Bát Quái. Công việc không tiến triển nhiều do tài chính hạn hẹp, vì thế không lâu phải tạm ngưng.
Năm 1933, Quyền Giáo tông Thượng Trung Nhựt chính thức khởi công xây dựng Tòa Thánh. Tuy nhiên cũng không tiếp tục được bao nhiêu do thiếu kinh phí. Không lâu sau thì ông lâm bệnh rồi đăng tiên vào ngày 13 tháng 10 năm Giáp Tuất (1934).
Năm 1935, Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh vận động tiền của trong giới tín đồ, nhờ đó xây dựng được lầu Hiệp Thiên Đài, đúc cột đổ trần mái. Nhưng sau đó thì việc xây dựng cũng ngừng lại.
Ngày 14 tháng 2 năm 1936, Hộ pháp Phạm Công Tắc, bấy giờ là Chưởng quản Nhị Hữu Hình Đài, nắm quyền lãnh đạo Hội Thánh, đã huy động 500 vị Phạm Môn (tiền thân của Cơ quan phước thiện) tiếp tục khởi công xây cất Tòa Thánh. Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu các tín đồ khác quyên góp tiền bạc, vật liệu, lương thực, gởi về Thánh địa để việc xây dựng tạo tác Tòa Thánh không bị gián đoạn.
Việc xây dựng được tiến hành liên tục trong hơn 4 năm và hầu như hoàn thành căn bản, chỉ còn phần tạo tác trang trí. Tuy nhiên, ngày 28 tháng 6 năm 1941, chính quyền thực dân Pháp lo ngại trước các hoạt động của đạo Cao Đài, nên đã cho bắt giữ Hộ pháp Phạm Công Tắc, Khai pháp Trần Duy Nghĩa và một số chức sắc cao cấp khác đày đi Madagascar. Họ cũng cho quân lính chiếm đóng chiếm đóng Tòa Thánh làm nhà xe và chỗ ở cho lính Pháp, đuổi các chức sắc và công thợ ra khỏi Thánh địa.
Mãi đến ngày 30 tháng 8 năm 1946, để tranh thủ thêm đồng minh trong cuộc chiến chống Việt Minh, chính quyền Pháp cho phép Hộ pháp Phạm Công Tắc trở về Tòa Thánh. Sau khi trở về Tòa Thánh, ông đã huy động số thợ trở lại để sửa chữa những chỗ hư hỏng của Tòa Thánh do lính Pháp gây ra, rồi tiếp tục tạo tác cho đến ngày 24 tháng 1 năm 1947 thì Tòa Thánh được hoàn thành. Tổng Giám Lê văn Bàng, các Phó Tổng Giám và Tá Lý, đại diện các công thợ Nam Nữ làm Lễ Bàn giao Tòa Thánh cho Hội Thánh và được Hội Thánh tiếp nhận.
Ngày 27 tháng 1, tức là 3 ngày sau khi làm Lễ Bàn giao Tòa Thánh, Đức Phạm Hộ pháp làm Lễ Trấn Thần Tòa Thánh.
Ngày mùng 8 tháng 1 năm Đinh Hợi (Dl: 29-1-1947), Đức Phạm Hộ pháp làm Lễ rước Quả Càn Khôn (đã gởi nơi Báo Ân Từ khi tạo tác Tòa Thánh) về thờ nơi Tòa Thánh, để khuya hôm đó, giờ Tý cúng Đại Lễ Vía Đức Chí Tôn.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, mãi 8 năm sau, Đại lễ Khánh thành Tòa Thánh và các cơ sở Đạo trong vùng Thánh địa mới được tổ chức vào dịp Đại lễ Đức Chí Tôn, mùng 9 tháng 1 năm Ất Mùi (Dl: 1 tháng 2 năm 1955[2]). Đây là một cuộc lễ vĩ đại nhứt của Đạo Cao Đài kể từ trước tới nay.
Khuôn viên phía trước Tòa Thánh
Khuôn viên nội ô Tòa Thánh Tây Ninh rộng 1 km vuông. Giống như các công trình kiến trúc tôn giáo khác trên toàn thế giới, kiến trúc bố cục Tòa Thánh Tây Ninh cũng chứa đựng những quan điểm triết lý, tôn giáo hoặc huyền học. Theo kinh sách Cao Đài, Tòa Thánh tượng trưng cho Bạch Ngọc Kinh (nơi Thượng đế ngự) tại thế gian. Ngoài ra, tại Tòa Thánh còn có nhiều biểu tượng ẩn chứa những ý nghĩa đặc biệt. Một số biểu tượng dễ nhận thấy tượng Ông Thiện – Ông Ác, tượng Hộ pháp, v.v… Ngoài ra, các tín đồ Cao Đài tin rằng tất cả những biểu tượng như kích thước của các cột chạm rồng, các bậc trong Cửu Trùng Đài, các tượng đắp nổi trên trần, v.v… cũng giống như những lời tiên tri trong các sấm truyền đang chờ người giải đáp.
Toàn bộ khu nội ô Tòa Thánh có hàng rào bao bọc xung quanh, có gần 100 công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhỏ khác nhau như Tòa Thánh, Báo Ân Từ (Đền thờ Phật Mẫu tạm), các cơ quan Đạo, Bửu tháp chư Chức sắc cao cấp… Liên kết giữa những kiến trúc này là những con đường rộng thênh thang. Với diện tích to lớn như vậy, Tòa Thánh Tây Ninh được xem là một trong những Thánh địa tôn giáo lớn nhất thế giới.
Khu vực chung quanh Tòa Thánh Tây Ninh (Nội ô Tòa Thánh Tây Ninh) có 12 cổng tam quan xây dựng theo 3 dạng kiến trúc khác nhau. Cổng lớn nhất được gọi là Cửa Chánh Môn (cổng số 1), 11 cổng khác nhỏ hơn được đánh số từ 2 đến 12.
Chánh môn Tòa Thánh Tây Ninh
Chánh môn là cửa chính và là cửa lớn nhất trong 12 cửa ra vào nội ô Thánh địa. Cửa này thường đóng và chỉ mở vào các dịp đón tiếp nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các Tôn giáo.
Kiến trúc cổng đắp nhiều phù điêu, nổi bật với các biểu tượng Lưỡng long tranh Cổ pháp (tức một trong những biểu tượng của Đạo Cao Đài), hoa sen và 3 cổ pháp: kinh Xuân Thu, bình Bát vu và Phất chủ. Bình Bát Vu là bình đựng thực phẩm của tăng ni Phật giáo dùng khất thực. Phất chủ (còn gọi Phất trần) là chổi quét bụi hồng trần, tượng trưng Đạo giáo. Kinh Xuân Thu là do Khổng Tử viết, được chọn làm cổ pháp tượng trưng cho Nho giáo. Ba cổ pháp trên để nói lên sự đồng nguyên của Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo trong giáo lý Cao Đài.
Trên Chánh môn có đắp nổi chữ “ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ” bằng chữ Quốc ngữ ở trên và chữ Hán ở dưới. Ngoài ra có chữ “TÒA THÁNH TÂY NINH”, ghi năm 1965 và Ất tỵ. Hai bên trụ cổng có đôi câu liễn bằng chữ Hán nói lên tôn chỉ của đạo Cao Đài:CAO THƯỢNG CHÍ TÔN ĐẠI ĐẠO HÒA BÌNH DÂN CHỦ MỤC
ĐÀI TIỀN SÙNG BÁI TAM KỲ CỘNG HƯỞNG TỰ DO QUYỀN.
Tạm dịch:
Đấng Chí Tôn ở trên cao hơn hết, Đạo lớn hòa bình hướng tới dân chủ.
Trước đài tôn thờ ba kỳ cùng chung hưởng quyền tự do.
Theo thiết kế ban đầu, kích thước Tòa Thánh được quy định dài 135m, rộng 27m, nền cao 1,8 m. Tuy nhiên, khi mới khởi công xây dựng Tòa Thánh, tín đồ khi đó còn nghèo, Hội Thánh gặp khó khăn về tài chính nên khi thi công đã thu bớt lại kích thước trên. Kích thước thực tế chỉ còn dài 97,5m, rộng 22m. Theo quan niệm của các tín đồ Cao Đài, thiết kế và kích thước Tòa Thánh do Đức Giáo tông Lý Thái Bạch giáng cơ quy định theo hệ mét, tuy nhiên về sau được Đức Chí Tôn giáng cơ quy định lại theo hệ thước ta (thước mộc) nên quy đổi ra kích thước như trên
Tổng thể Đền Thánh mang hình tượng Long Mã bái sư. Mặt tiền Đền Thánh như đầu Long Mã nhìn thẳng về phía tây, là khu vực Hiệp Thiên Đài. Hai lầu chuông và trống vươn lên như hai sừng nhọn. Nằm giữa hai lầu chuông trống là tòa nhà lầu với tầng trệt có tên Tịnh Tâm Đài như miệng Long Mã hả ra. Tầng hai có tên Phi Tưởng Đài, như cái trán với 2 cửa được coi như hai con mắt. Phần thân Long Mã là khu vực Cửu Trùng Đài, nối tiếp theo Hiệp Thiên Đài. Khu vực Bát Quái Đài nằm phía cuối của Đền Thánh, phần đuôi của Long Mã, hướng thẳng về phía đông. Chung quanh Tòa Thánh có tất cả 112 cây cột tròn để chống đỡ mái hiên nơi hành lang. Tính tổng cộng ở tầng trệt Tòa Thánh, cả bên trong và bên ngoài, có tất cả 156 cây cột lớn nhỏ.
Xung quanh vách của Đại điện có những khung cửa sổ được trang trí bằng họa tiết hoa sen đỡ một khung hình Thiên Nhãn chính giữa một tam giác đều, có làm những tia hào quang phát ra. Toàn thể vách xung quanh Linh Tiêu Điện (Đại điện Tòa Thánh) có tất cả 23 ô hoa sen có hình Thiên Nhãn, cộng với biểu tượng Thiên Nhãn trên Phi Tưởng Đài phía trước Tòa Thánh, tổng cộng 24 Thiên Nhãn. Ngoài lối vào chính qua Tịnh Tâm Điện, có cả thảy 6 lối vào phụ, hai bên có tượng Kim Mao Hẩu.
Là Thánh địa lớn nhất của tôn giáo Cao Đài, hàng năm Tòa Thánh Tây Ninh thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan và các tín đồ hành hương. Kiến trúc độc đáo, phối hợp giữa quan điểm triết học Đông – Tây, Tòa Thánh Tây Ninh thể hiện một sự tổng hợp của nhiều yếu tố tâm linh một cách dung hòa. Quy hoạch Thánh địa được tổ chức chặt chẽ, khoa học, kiến hợp giữa kiến trúc nhân tạo cũng như cảnh quan tự nhiên, tạo nên nét thoáng đãng, thích hợp cho những ai tìm kiếm sự bình thản tâm hồn.
Một năm 2 dịp Đại lễ Vía Đức Chí Tôn mùng 9 tháng Giêng và Hội Yến Diêu Trì Cung rằm tháng 8, Thánh địa là nơi tổ chức lễ hội thu hút nhiều tín đồ và du khách dự lễ. Khu vực xung quanh Thánh địa quy tụ rất đông tín đồ sinh sống, với nết sống thanh tịnh, được xem là một trong những nơi có tỷ lệ người ăn chay lớn nhất nước, thậm chí trên cả thế giới
Trước khi Tòa Thánh Tây Ninh được xây dựng, vùng này chỉ là nơi hoang vắng biên viễn của Việt Nam. Dưới con mắt quy hoạch và bàn tay xây dựng của các tín đồ, vùng đất này nhanh chóng phát triển thành một trong những vùng dân cư sầm uất nhưng vẫn giữ được nét chất phác của những nhà khai khẩn Việt Nam. Do vị trí cách Thành phố Hồ Chí Minh chưa đầy 100 km với đường sá giao thông thuận lợi, Tòa Thánh Tây Ninh còn là vị trí chiến lược về quân sự cũng như kinh tế, kiểm soát một trong những tuyến giao thông cửa ngõ của tỉnh này.
Về cách thức kiến trúc, sự tạo tác Tòa Thánh Tây Ninh không giống với bất cứ một công trình xây dựng lớn lao nào của người đời.
Thông thường, trước khi xây dựng một công trình lớn, người ta phải nhờ kiến trúc sư vẽ kiểu dáng tổng quát, những sự trang trí chi tiết, nghiên cứu nền móng và những kết cấu bê tông, tính toán chọn lựa các thứ vật liệu xây dựng đúng chất lượng cần thiết,…rồi phải xin phép cơ quan nhà nước cấp phép xây dựng.
Đối với Tòa Thánh Tây Ninh, Đức Hộ Pháp của Đạo Cao Đài chỉ đạo xây dựng không có một đồ án chi tiết nào vẽ ra trên giấy hết, cũng như không có sự tham dự của một kiến trúc sư hay kỹ sư xây dựng nào, cũng không có một thứ máy móc nào giúp đỡ, chỉ toàn trông cậy vào 2 bàn tay với sức lực của con người, những người thợ nam nữ làm không lãnh tiền công, ăn chay trường với cháo rau đạm bạc và đặc biệt có lập thệ là không được cưới vợ hay lấy chồng trong suốt thời gian xây dựng Tòa Thánh, để có đủ Âm Dương và đủ tinh khiết trong việc xây dựng Đền thờ, cũng không xin phép xây dựng với một Chánh quyền nào hết. (cũng tương tự như khi lập Tờ Khai Đạo).
Theo những tài liệu về lịch sử xây cất Tòa Thánh trong Đạo Cao Đài: Đức Lý Thái Bạch giáng cơ dạy Đức Phạm Hộ Pháp về vị trí xây cất Tòa Thánh, về kích thước tổng quát: bề dài, bề ngang, bề cao. Đức Hộ pháp cứ theo đó mà chỉ bảo lại cho công thợ làm, chỉ tới đâu làm tới đó, không biết gì thêm. Hết phần đó rồi, Đức Lý Giáo Tông giáng cơ dạy tiếp, hoặc Đức Hộ pháp ban đêm xuất chơn thần đi lên gặp Đức Lý để nhờ Đức Lý chỉ dạy trực tiếp, hay Đức Hộ pháp vào Bạch Ngọc Kinh quan sát tỉ mỉ kiểu vở, ghi nhớ để về bắt chước làm giống theo.