Quê hương là tiếng gọi thân thương chất chứa bao kỷ niệm. Là một vùng đất thiêng liêng trong trái tim mỗi người. Nên con đường về nơi thân thương ấy, là con đường thân quen và đẹp nhất. Thuở nhỏ, con đường về về quê hương là “Con về rợp bướm vàng bay”, là tâm trạng náo nức vui tươi của một thời trẻ nhỏ. Nhưng khi ta lớn, khi xa quê hương xứ sở, con đường về quê là “đường xa vời gieo nhớ thương”. Đó cũng là những cung bậc cảm xúc của một người xa quê, nay được trở lại thăm nhà được người nhạc sĩ tài ba Hoàng Trọng viết nên trong ca khúc “Đường về”.
Nhạc sĩ Hoàng Trọng (1922-1998) là một nhạc sĩ nổi tiếng, ông tên thật là Hoàng Trung Trọng, một người con tài hoa của vùng đất Nam Định. Nhạc sĩ Hoàng Trọng được mệnh danh là “Vua Tango” của nhạc Việt Nam. Những ca khúc để đời và đi sâu vào lòng người của ông như: Cánh hoa yêu, Ngàn thu áo tím, Nhạc sầu tương tư, Dừng bước giang hồ,… Ông cũng tham gia viết nhạc phim, một vài phim có tiếng như: Xin nhận nơi này là quê hương, Giã từ bóng tối, Người tình không chân dung,… Với nhạc phim Triệu phú bất đắc dĩ, Hoàng Trọng được nhận giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 1972-1973.
Đường về là một nhạc khúc được ông viết theo giai điệu Tango kể về tâm trạng của người xa quê nay trên đường hồi hương. Nhạc khúc Đường về được sáng tác năm 1950, đây được xem là một khúc ấn tượng, một bản Tango mẫu mực có thể đưa vào sách giáo khoa dạy khiêu vũ. Chỉ một câu nhạc mở đầu đã thấy hồn của Tango trong từng ca từ, Hoàng Trọng thổi hồn cho nhạc khúc, đưa cái “chất” Tango một cách luồn lách nhưng uyển chuyển và gợi cảm.
“Đường về xa vời gieo thương nhớ cho lòng
Hồn quê lai láng
Khi ánh chiều rơi.
Đã mấy thu xưa qua rồi
Khi gió sầu đông mang về
Lòng buồn man mác niềm nhớ.”
Đường về tuy còn xa vời nhưng “gieo thương nhớ cho lòng”. Người nahcj sĩ ấy không chỉ tinh tế trong giai điệu mà cả ca từ. Tác giả nói “gieo thương nhớ”, một cách nói đầy chất thơ nhưng cũng đầy ý nghĩa. Nỗi nhớ quê như một mầm cây, được gieo vào tận đáy lòng. Để hôm nay, chân bước trên đường về, trong cảnh “ánh chiều rơi”, “gió sầu đông” thì hạt giống thương nhớ ấy như nảy mầm trong sâu thẳm đáy lòng. Hạt giống của nỗi nhớ quê nhà, của tâm hồn người con xa xứ khiến cho “lòng buồn man mác nhớ thương”.
Từng đàn chim chiều tan tác bốn phương trời
Miền xa xa vắng
Đâu chốn cố hương.
Khói biếc hồn quê chứa chan
Trông mãi đường về xa xôi
Như nhắc tình sầu ly hương.
Có lẽ lòng nhớ mong quê nhà, nỗi khát khao được về thăm quê làm cho tác giả thấy sao “đường về xa xôi”, nhìn từng đàn chim chiều mà lòng như nhớ thương thêm. Đàn chim “tan tác bốn phương” như những người lữ hành xa quê, rời xa quê hương, mỗi người một hướng, một chân trời. Nhưng dù ở “miền xa xa vắng” có nơi nào bằng cố hương. Như lá rụng về cội, người tìm về quê hương là lẽ tất nhiên. Nhưng sao nay chân bước trên đường về, lại thấy chặng đường dài đi mãi, mà quê hương xa xôi quá như khắc sâu nỗi sầu xa quê “ tình sầu ly hương”.
Xa khuất sau chân trời
Từng đàn chim én ngơ ngác bay.
Tiếng sáo quê lưng trời
Một mùa đông tô thêm màu nhớ .
Khi khung cảnh chiều tà buông xuống, khi những đàn chim én kia cũng “ngơ ngác bay” tìm đường về nhà, thì người lữ khách vẫn còn trên đường về xa xôi. Nhìn cảnh chiều, lòng người con xa xứ càng thêm nhớ quê nhà, nhớ “tiếng sáo quê lưng trời”, nhớ những ký ức tuổi thơ êm. Nhưng giờ đây xa quê “mịt mùng”, “xa cố hương muôn trùng”, lòng sầu nay như giá băng.
Khắp đó đây mịt mùng
Một chiều tan tác với nhớ nhung.
Xa cố hương muôn trùng
Chiều đông sương xuống lòng giá băng.
Chiều nay gió rét
Khiến lòng bâng khuâng
Mang sầu ly hương.
Buồn ngơ ngác ngắm
Cánh chim chiều bay
Tung khắp đó đây.
Chiều nay gió rét, cơn gió rét không chỉ ở thân da thịt, mà như rét tận đáy lòng. Nỗi lòng của một người xa xứ, nỗi lòng mong ngóng được về mảnh đất quê hương thiết tha. Cảnh chiều buông, gió rét từng cơn, nhưng một chất xúc tác khiến nỗi nhớ quê nay tăng vời vợt. Nhìn cánh chim bay mà như thấy bản thân mình, như một cánh chim lạc bay giữa bầu trời bao la rộng lớn, tìm đường về cố hương xa muôn trùng. Một điệu Tango, một bức tranh chiều nhưng muôn ngàn nỗi niềm nhớ thương của người con xa xứ.
Như nhắc ta trên đường về .
Ngàn tre xa xa theo gió lay.
Nơi cố hương xa vời
Đường về tô thắm lòng nhớ mong.
Ngàn tre tung bay theo gió như điệu nhạc nhắc ta trên đường về, khiến cho đôi chân mỏi như có thêm sức mạnh trên đường về xa xôi. “Nơi cố hương xa vời. Đường về tô thắm lòng nhớ mong”, chặng đường xa xôi về lại quê hương không khiến lòng người mệt mỏi, chán nản mà như thêm sức mạnh, tiếp thêm động lực cho nỗi nhớ quê nhà “tô thắm lòng thương nhớ”. Dù đường về có xa xôi, đôi chân bước dù có mỏi, nhưng chỉ cần nhớ lại quê hương, nhớ lại những người trông ngóng ta về thì bước chân như vững vàng kiên định hơn.
Có lẽ, trong chúng ta, rất nhiều đôi chân đã “chùn chân mỏi gối” trên con đường về, nhưng hãy nhớ lại quê nhà, nhớ lại những tháng ngày êm đềm, nhớ lại những kỷ niệm đẹp mà về với quê hương. Bởi dù đi trăm phương nhưng quê hương chỉ một
Đường về xa vời gieo thương nhớ cho lòng
Hồn quê lai láng
Khi ánh chiều rơi.
Đã mấy thu xưa qua rồi
Khi gió sầu đông mang về
Lòng buồn man mác niềm nhớ .
Từng đàn chim chiều tan tác bốn phương trời
Miền xa xa vắng
Đâu chốn cố hương.
Khói biếc hồn quê chứa chan
Trông mãi đường về xa xôi
Như nhắc tình sầu ly hương.
Xa khuất sau chân trời
Từng đàn chim én ngơ ngác bay.
Tiếng sáo quê lưng trời
Một mùa đông tô thêm màu nhớ .
Khắp đó đây mịt mùng
Một chiều tan tác với nhớ nhung.
Xa cố hương muôn trùng
Chiều đông sương xuống lòng giá băng.
Chiều nay gió rét
Khiến lòng bâng khuâng
Mang sầu ly hương.
Buồn ngơ ngác ngắm
Cánh chim chiều bay
Tung khắp đó đây.
Như nhắc ta trên đường về .
Ngàn tre xa xa theo gió lay.
Nơi cố hương xa vời
Đường về tô thắm lòng nhớ mong.