Gánh nước mướn – Cái nghề chỉ mong đủ cơm hai bữa qua ngày của dân nghèo Sài Gòn xưa

Đăng ngày 21/07/2024

Thủy đài nước (đài nước) trực thuộc khuôn viên Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn – Sawaco ở quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở Công trường Quốc tế (vị trí Hồ Con Rùa sau này). Đây là thủy đài đầu tiên của Sài Gòn do người Pháp xây dựng và được khánh thành vào năm 1886, đây chính là một trong hai thủy đài cổ xưa nhất Sài Gòn và Đông Dương chưa qua bất kỳ lần tu sửa nào. Sài Gòn xưa, nước của thủy đài này được bơm thủ công lên bể chứa từ các giếng cạn gần đó để phục vụ cho các nhu cầu của người dân như các công sở, các cơ quan quan chức Pháp hoặc một ít dân chúng người Việt được cho là khá giả sinh sống tại khu vực trung tâm.

Gánh Nước Mướn (Sài Gòn Xưa) – VVBC AZ | A Family Church

Thời điểm đó, các thủy đài được xây dựng rất ít, phần lớn người dân Sài Gòn chỉ có thể dùng nước giếng, nước được lấy từ sông lên sau đó để lóng phèn rồi mang sử dụng hoặc hứng nước trời, nước mưa vào các lu khạp để dành xài dần! Mãi đến nửa thế kỷ sau, khi chính quyền Pháp cho xây dựng thủy đài rồi tiến hành lắp đặt các phông – tên (Fontaine) công cộng dọc ở những con phố chính thì lúc đó người dân mới có nguồn nước sinh hoạt sạch để sử dụng. Những phông – tên nước này được nối trực tiếp từ những giếng khoan trực tiếp do công ty Société Lanyne France et Cie tiến hành khảo sát địa hình rồi cho khoan thẳng xuống những tầng nước ngầm sâu đến cả trăm mét vào trong lòng đất. Vào thời điểm ấy, người dân dần dần quen với việc sử dụng mạch nước ngầm thông qua những phông – tên nước này. Rộng rãi hơn với số lượng dân nhiều hơn mặc dù số lượng giếng khoan được đưa vào sử dụng chỉ có khoảng 30 cái, trong khi dân số Sài Thành từ đầu những năm thập niên 1930 đã lên đến con số trăm ngàn người rồi. Việc lấy nước từ các phông – tên này cũng khá mất sức, bởi phải dùng sức tay kéo cần bơm nước lên xuống liên tục, mãi một hồi “vật vã” thì nước mới chịu áp lực mà trào lên trên, người ta mới có thể hứng được nước rồi mang về.

Theo các chính quyền Pháp thì nguồn nước giếng khoan này chỉ được khai thác để cung cấp cho các công sở, các cơ quan viên chức Pháp và người dân có tiền khá giả ở Sài Thành, nên họ không chấp nhận việc phải dùng sức tay cùng việc chầu trực mà chờ đợi để hứng nước mang về. Vậy nên, để tiện cho việc có nước mà lại chẳng phải cực nhọc gì nhiều, họ đã thuê người với mức giá rẻ bèo (thời điểm đó, dân chúng bị áp bức khá nhiều ở thời Pháp, nên khi được thuê giá rẻ họ vẫn phải chấp nhận nếu muốn kiếm sống chứ chẳng được đòi hỏi về tiền lương). Cũng từ đây, nghề gánh nước mướn ra đời, cái nghề này được cho là “bền” khi kéo dài đến tận năm 1970. Mãi đến khi chính quyền thiết lập hoàn chỉnh hệ thống cung cấp nước và các nhà máy nước máy vào tận nhà mỗi người dân để phục vụ cho dân sinh thì mới kết thúc.

Người giữ nghề gánh nước ở Hội An - Tuổi Trẻ Online

Đa phần những người làm nghề gánh nước mướn ở Sài Gòn ngày xưa đều là những lao động nghèo ở tứ xứ tụ về, mong muốn lập nghiệp tại Sài Gòn hoặc tìm kế sinh nhai. Họ đều là những người sống trong những khi xóm nhỏ nghèo đói, cứ hễ nhà nào cần nước thì sẽ kêu họ đến những phông – tên nước để chờ hứng nước rồi chở về. Nghề này nói nhẹ cũng không hề nhẹ mà thậm chí là khá nặng nề và vốn luyến duy nhất họ có được chính là sức lao động.

Thời điểm ấy, tại Sài Gòn chưa có bất kỳ hệ thống nào có thể kéo nước vào tận nhà dân để phục vụ dân sinh, khái niệm đồng hồ nước của bây giờ đối với thời đó chính là một thứ vô cùng xa xỉ mà ít ai dám ao ước. Nó chỉ có trong những doanh trại của quân đội, lắp đặt tại các trường học hoặc bệnh viện là chủ yếu, còn ngoài ra, khi người dân muốn xài nước thì buộc phải ra tận những phông – tên nước công cộng đã được lắp đặt sẵn để tự bơm và tự hứng mang về. Ban đầu người sử dụng khá ít, chỉ có ít nhà thôi nên cũng khá tiện cho những ai ở gần phông – tên nước trong bán kính dưới 100m. Xong lâu dần, người tản cư và di cư vào Nam cũng khá nhiều, số người quần tụ tại Sài Gòn cũng ngày một đông đúc hơn, khoảng cách cũng dần tăng lên nên hiển nhiên việc thiếu nước sinh hoạt trở thành vấn đề nghiêm trọng và khó tránh khỏi. Thế là nảy sinh ra việc có nhiều nhà có tiền, những gia đình khá giả lựa chọn thuê người gánh nước cho nhà mình thay vì phải đích thân ra tận nơi lấy nước, cũng nhờ đó mà nghề gánh nước mướn bỗng dưng có một chỗ đứng “vững chãi” trong xã hội Việt Nam thời điểm đó.

Mưu sinh bằng nghề gánh nước mướn của người dân Sài Gòn xưa

Làm được nghề này cũng khá đơn giản, người gánh nước chỉ cần có một hoặc nhiều đôi thùng thiếc (những chiếc thùng này thường được lấy từ những thùng đựng dầu hỏa của hãng Shell, trên mỗi thùng có có thêm ký hiệu được khắc nổi hình con sò màu vàng viên đỏ). Chắn ngang thành thùng là khúc gỗ cây tròn hoặc vuông, đóng đinh cố định lại tạo thành một thanh tựa, nối hai thành vách thùng. Sẽ có một thanh kẽm dài khoảng 1m uốn cong lại thành hình chữ V có hai móc ở đầu (nhiều người sẽ lựa chọn thay thế bằng dây thừng hoặc dây dù xanh để nối thùng thiếc với đòn gánh. Nghề gánh nước mướn tính ra cũng khá cực nhọc bởi nó đòi hỏi người gánh phải có sức khỏe khá tốt để gánh được nước đi xa và còn đủ để trả về cho nhà thuê. Tại thời điểm đó, người lao động rất nghèo chỉ có thể gánh trên vai những gánh nước nặng trĩu để mưu sinh, kiếm sống qua ngày chứ chẳng được di chuyển bằng xe đạp để chở nước. Có khi người gánh nước thuê phải lê đôi chân đi cả một đoạn đường dài cả 300 – 400m là chuyện bình thường, hoặc họ phải gánh trên vai những đôi nước nặng mà ngang dọc trong những con hẻm nhỏ mà lại còn xa hơn nữa. Cứ hễ có người gọi đi gánh nước thì người nông dân nghèo lại xách theo đôi thùng thiếc, tiến thẳng đến những chiếc phông – tên công cộng để chờ đợi đến lượt mình rồi tự bơm nước lên sau đó lại tự hứng mà mang lại cho nhà người đí. Giá thuê thuở đó rẻ lắm! Mỗi gánh nước có giá trung bình tâm 2 đồng/đôi, nhà 5 người thì xài chỉ tầm 4 đôi nước là đủ nên người gánh nước chỉ cầu mong có thêm người thuê để đủ tiền cơm hai bữa mỗi ngày. Chỉ khi đến Tết nghề gánh nước mới được trọng vọng thêm đôi chút, bởi chỉ có thời điểm này thì những gia đình thuê mới có nhu cầu xài nước nhiều hơn bình thường, có gia đình cần gấp đôi gấp ba lượng nước ngày thường. Chỉ có như thế họ mới có thể bán sức lao động mà kiếm thêm thu nhập để mưu sinh. Ngoài ra, nhiều người Sài Gòn xưa có tâm lý rằng: Tết đến, năm mới đến thì gia đình lúc nào cũng phải đủ đầy, chỉ có thế thì cả năm mới được may mắn và tốt lành. Nên cứ độ khoảng ba mươi tết thì chủ nhà lại thuê người gánh nước mướn gánh thêm nhiều nước, đổ đầy ăm ắp những chiếc lu chứa đủ cho cả gia đình sử dụng qua những ngày đầu năm. Đặc biệt, những dịp thế này, nhiều người gánh nước thuê sẽ hào phóng mà tặng cho chủ nhà thuê vài thùng nước để xài dịp Tết, coi như một lời cầu chúc tốt lành cho cả một năm mới phát đạt. Và đáp lại điều này, người chủ nhà sẽ vui vẻ mà  trao lại phong bì lì xì đỏ tươi cho người gánh nước mướn để coi đó như một lời chúc và trao lộc mừng đầu nă

Thời đó, trong số những người làm nghề gánh nước mướn, người được xem có số may mắn và sung sướng nhất phải để đến hoa khôi chân đất Bùi Thị Ba, bởi cô nàng có mệnh hạnh phúc hơn nhiều những người cùng nghề khác. Tuy sống một cuộc sống khá vất vả và đầy cực nhọc với nghề gánh nước mướn nhưng cô nàng lại sở hữu cho mình một vẻ ngoài xinh đẹp mỹ miều, nét tươi tắn toát lên từ thân hình của cô hoa khôi chân đất đã hút hồn không biết bao chàng hắc bạch công tử nổi tiếng ở miền Nam thuở đó. Công việc thường nhật nhất của những chàng hắc công tử thành thị này chính là ngắm nhìn nàng Ba gánh từng gánh nước nặng vai đi ngang mình, chỉ một cái lướt qua cũng đủ làm những tâm hồn chàng hắc công tử phải xốn xang và lưu luyến. Thời điểm đó, có một chàng hắc công tử mê đắm vẻ đẹp của nàng cùng nét dịu dàng toát ra từ cô gái nông thôn tay lắm chân bùn, ông nhất quyết phải tìm bằng được nhà của cô gái gánh nước mướn ấy. Cuối cùng, ông cũng truy ra được, nàng là con gái của một cụ già hành nghề sửa xe đạp nghèo, hai cha con nương tựa nhau mà sống. Biết được điều đó, ông nhất quyết phải có cho bằng được nàng nên đã xin đổi một căn nhà để xin hỏi cưới nàng làm vợ và người cha nghèo đã đồng ý. Cuộc sống của cô gái nghèo xinh đẹp, mưu sinh bằng nghề gánh nước mướn đã bước sang một trang mới, tốt đẹp hơn và no đủ hơn. Cô sinh cho hắc công tử ấy những bốn người con (hai trai và hai gái) đặt tên lần lượt là Hoàn, Toàn, Trinh và Nữ. Cuộc sống của cô cùng chàng công tử như được vẽ nên bằng chuyện cổ tích, bởi nàng sống rất hạnh phúc. Bùi Thị Ba chính là cô nàng hoa khôi của nghề gánh nước mướn và cũng là cô gái có số phận may mắn nhất trong những con người lam lũ thời đó. Cô có mệnh tốt khi được chồng thương yêu, chiều chuộng và những đứa con ngoan, dù trước đó, bản thân đã phải trải qua nửa quãng đời cơ cực.

Đến đầu những năm của thập niên 1970, Công ty thủy cục Sài Gòn đã dần hoàn thiện hệ thống nước máy và tiến hành lắp đặt những đồng hồ nước vào từng hộ gia đình, từng nhà dân thì cũng là lúc nghề gánh nước mướn này mất hẳn đi. Từ đó trở đi, ở những khu xóm nghèo của Sài Gòn, những người dân xưa chẳng còn nhìn thấy hình ảnh gánh nước ngang dọc của những con người lam lũ, chẳng còn thấy những đám đông xếp hàng đợi chờ tới phiên hứng nước….Có lẽ, những người Sài Gòn ở thế hệ mới thậm chí còn chẳng biết đến sự tồn tại của những phông – tên công cộng ấy, chẳng biết nó hình dáng ra sao và chẳng biết sự vất vả của cái nghề này như thế nào, những phông – tên đã một thời nuôi sống biết bao người nông dân nghèo nơi xóm nhỏ Sài Gòn. Chẳng biết tự lúc nào mà cái nghề khó nhọc ấy dần dần trôi vào quên lãng trong ký ức của những người Sài Gòn xưa.