Kẹo ú ngày xưa – Món quà đặc sản của người miền Trung

Đăng ngày 21/07/2024

Một ngày cuối tháng mười hai dương lịch, tôi có hẹn đi Ninh Sơn, một xã gần chân núi Bà Ðen, thuộc thành phố Tây Ninh. Nơi đây có rất nhiều người miền Trung vào định cư, làm ăn sinh sống. Phần lớn là dân Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Ðịnh.

Ghé nhà bạn, bên bình trà thơm bốc khói là một chiếc đĩa men sứ trắng, trên có một gói quà quê mang từ xứ đường Quảng Ngãi vào, bọc trong những miếng lá chuối khô đã thẫm màu nâu đen quen thuộc.

Chưa kịp hỏi tên món “đặc sản quê nhà”, bạn đã trịnh trọng tháo sợi dây gai cột gói lá chuối khô và khẽ mở lớp lá bên ngoài. Một ít chất bột trắng mịn rơi ra cùng với mùi thơm ngọt của đường, của gừng thoảng lên, khiến tôi buột miệng:

Kẹo dồi - quà quê xưa thành đặc sản - Tuổi Trẻ Online

-Ôi! Kẹo ú?

Mọi người gật đầu cười xoà, tôi bỗng nghe mắt mình cay cay và như có lớp sương khói của ký ức ngày xưa chợt ùa về trong cái gió cuối mùa đông lành lạnh…

Thuở ấy, tôi chỉ là một đứa bé con vừa qua lớp học đồng ấu, thường hay lẽo đẽo theo mẹ đi chợ quê ở đầu dốc xóm, hay có khi đứng tựa lưng vào cây cau lão trước sân nhà mắt ngong ngóng chờ mẹ đi chợ về và reo lên mừng khi thấy mẹ móc ra từ trong túi áo gói kẹo lá chuối khô màu nâu đen, trong đó vỏn vẹn chỉ dăm viên kẹo màu vàng nâu thẫm, phơn phớt những bột mì hoặc bột sắn màu trắng.

Những viên kẹo mà ở quê tôi thường gọi là kẹo ú, có nơi còn gọi là kẹo củi hay kẹo bột. Chúng cứng ngắt, khi ngậm cứ tan dần trong miệng với vị ngọt của đường, cay cay của gừng, nồng ấm như tấm lòng người mẹ nơi chốn quê nghèo…

Kẹo ú, món quà quê dân dã, gợi thương, gợi nhớ thuở ấu thơ đã theo tôi suốt thời niên thiếu, đến tuổi trưởng thành. Một lần được trực tiếp tham gia và chứng kiến một buổi làm kẹo ú ở nhà một người bạn khi lên trung học, tôi mới cảm nhận hết nỗi vất vả, nhọc nhằn của những người thợ làm bánh kẹo bằng thủ công ở quê nhà.

Những món đặc sản miền Trung làm quà ý nghĩa cho người thân

Ðể làm ra những viên kẹo ú, người thợ cần phải chuẩn bị đầy đủ những nguyên liệu như đường chén vàng- cũng giống như đường tán vàng làm từ mật mía, nhưng khuôn đổ là chén ăn cơm nên gọi là đường chén, có nơi còn đổ ra tô, tĩn để dành ăn được lâu! Còn phải có bột gạo hoặc bột mì, gừng tươi giã nhuyễn, bột sắn… và một cây cột lớn, thường là cột nhà trên có đóng cây đinh lớn để móc bột! Nước đường được nấu trong một cái chảo lớn, đường sôi bỏ gừng đã được giã nhuyễn vào, khi đường và gừng đã dậy mùi thơm lừng, phải chờ chúng nguội, sau đó cho bột gạo vào trộn đến khi đặc sánh lại, có thể cầm nắm và vắt thành khối trên tay, sau đó, đến công đoạn móc và đánh vào cái cột nhà bóng lưỡng như người ta đánh dây thừng trên cột, phải là người có sức khoẻ và mạnh tay mới có thể làm được công việc này, đến khi miếng bột quện lại, kéo dài thành sợi như sợi dây thừng mới đem lên mặt bàn lăn vào bột sắn để không dính vào nhau, dùng kéo hay dao lớn, xắn từng viên một lớn khoảng ngón tay cái của người lớn. Có lẽ viên kẹo cắt ra có hình như chiếc bánh ú nên người ta gọi là kẹo ú- cái tên thật quê mùa, hiền hoà, thật chất phát và dễ thương.

Kẹo ú làm thủ công, khi ăn không cần cắn nhai mà cứ để tan dần trong miệng. Sẽ nghe đủ vị cay, thơm, ngọt trong vòm họng, đôi khi có lẫn chút cát. Song vẫn là một món quà quê mà tất cả chúng tôi khi ấy đều mê đắm, vì rẻ tiền và vì cái vị ngọt ngào mê hoặc nên thường trong cặp đứa nào cũng có gói lá chuối đựng vài viên kẹo. Nhiều khi quên, kẹo bị chảy nước, dính vào sách vở, có khi vì vậy mà bị lũ chuột, gián gặm nhấm đến lủng cả cặp, làm nên những kỷ niệm thật buồn cười.

Viết ngắn Kẹo ú ngày xưa... - Báo Tây Ninh Online

Xa quê hương lâu ngày. Món kẹo ú ngày xưa tưởng đã chìm sâu vào lớp bụi thời gian, vì không còn nhìn thấy ở đâu có bán. Chiều nay, bỗng gặp lại “cố nhân”, hỏi sao lòng không khỏi bồi hồi và thương cảm? Ngậm viên kẹo và nghe vị ngọt nồng nàn của quê hương thấm dần vào cơ thể. Bất giác, đôi mắt bỗng cay cay…