Ca khúc “Nhớ Người Ra Đi” (Phạm Duy)

Đăng ngày 21/07/2024

Chiến tranh đã đi qua, dân tộc Việt Nam được sống trong một cuộc sống độc lập, tự do và hạnh phúc. Với những con người đã từng trải qua cuộc chiến dai dẳng ấy, ắt hẳn vẫn còn đọng lại trong mình những hồi ức tươi đẹp và đau thương. Để có được hòa bình như ngày hôm nay trên mảnh đất này, biết bao xương máu của đồng bào đã đổ xuống, phủ kín từng tấc đất trên khắp mọi miền Tổ Quốc. Có những câu chuyện mà đến tận hôm nay vẫn được xem là huyền thoại khi nhắc đến, tình yêu thương của người hậu phương dành cho người tiền tuyến là một trong số đó. Hình ảnh người mẹ già tóc bạc, người vợ tần tảo quên đi tuổi xuân của mình tiễn người con, người chồng ra trận là những hình ảnh thiêng liêng và bất diệt trong tâm trí của mỗi người, diễn tả được hết sự đau khổ, day dứt và đẹp đẽ nhất về sự hy sinh cao cả cho độc lập dân tộc. Sự hy sinh ấy đã được nhạc sĩ Phạm Duy kể trong một ca khúc của mình bằng những ca từ đơn sơ, mộc mạc với tên gọi “Nhớ người ra đi” nói về những gì ông đã được chứng kiến.

Câu chuyện về ca khúc Nhớ Người Ra Đi (nhạc sĩ Phạm Duy) - "Ai có nghe tiếng hát hành quân xa..."

Ca khúc được viết trên giai điệu chậm rãi, nhẹ nhàng dễ dàng dẫn người nghe vào những cung bậc cảm xúc của sự thương nhớ, chia xa. Mỗi khi lời ca được cất lên, sự xúc động và đồng cảm là đều hiện hữu trong mỗi chúng ta. Từ đó ca khúc lan tỏa được thông điệp về sự biết ơn đối với những người đã hy sinh, từ bỏ hạnh phúc của đời mình để đổi lấy hạnh phúc cho những thế hệ sau này.

Bài hát có ba phần nội dung chính nói về tình thương của mẹ già với người con, tình yêu của người vợ đối với chồng và cuối cùng là nỗi nhớ nhung mà đứa con thơ dành cho cha. Bắt đầu của bài hát, tác giả đã miêu tả về tình mẫu tử thiêng liêng.

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa

Mà không nhớ thương người mẹ già

Chờ con lúc đêm khuya

Khắp núi rừng Việt Nam, những con đường mòn là nơi những người lính chiến hành quân và thực hiện nhiệm vụ. Ở những nơi xa xôi, bí mật ấy, họ tự bầu bạn với nhau để vơi đi những khổ cực, khó khăn. Tiếng hát về tình yêu quê hương, đất nước cứ âm ỉ, bất tận trong những cánh rừng, con suối. Thanh âm thật rộn ràng và yêu đời, nhưng cứ mỗi tiếng hát, mỗi lời ca cất lên là ta lại nhớ ở quê nhà có một người mẹ già đang mòn mỏi ngóng chờ tin con cả ngày sớm lẫn đêm khuya. Mỗi khi nghe được những tiếng hát ấy ai mà không nhớ thương mẹ già. Cả một đời lam lũ vất vả vì con, đến khi lưng còng, da nhăn thì vẫn phải ôm những vết thương lòng, hy sinh niềm hạnh phúc nhỏ nhoi cuối đời để đứa con trai được vững lòng mà bảo vệ Tổ Quốc.

Cảm xúc về bài hát "Nhớ Người Ra Đi" (Phạm Duy) - Ai có nghe tiếng hát hành quân xa...

Con bước đi khi trống làng dồn xa

Mẹ đưa mắt trông về ngọn cờ

Cầu cho đứa con trai

Ở đâu đó con ơi, được vui.

Một lần ly biệt là một lần đau khổ. Những người lính ra đi trước sự lo lắng xót xa của người thân và người dân thôn xóm. Người mẹ già mắt rưng rưng dõi theo bước chân con. Không khí tiễn người ra đi mỗi lúc một nặng nề, từng bước chân của con như từng mũi kim đâm vào lòng mẹ, nó đau đớn và tuyệt vọng nhưng chẳng thể thốt lên được. Những giọt nước mắt cứ vậy mà rơi xuống không ngừng, âm thầm ngoái trông theo ngọn cờ đến khi khuất bóng. Trong lòng đầy sự suy sụp, u buồn nhưng vẫn cầu trời, khấn phật cho đứa con được bình an, yên vui ở nơi xa.

Nhớ thương con oán thù loài thực dân

Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng

Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh.

Dẫu muốn níu kéo nhưng chẳng thể thay đổi sự thật. Một nỗi thương con là mười nỗi oán thù quân giặc, oán thù chiến tranh. Chiến tranh cướp đi quá nhiều điều của đất nước chúng ta. Những điều tưởng chừng đơn giản như là một bữa cơm chiều của mẹ già cùng con cháu cũng là điều quá khó khăn ở thời điểm hiện tại. Những ngày tháng trôi qua cùng với nỗi buồn tủi, chỉ mong chờ ngày đất nước hoà bình. Mong chờ bóng dáng thân quen trở về với lũy tre làng, trở về với gia đình. Chẳng cần lập chiến công hiển hách, chỉ cần quay về đã là người anh hùng trong lòng mẹ già. Dù con có khôn lớn bao nhiêu đi chăng nữa thì với mẹ vẫn là đứa con trai bé bỏng.

Nhớ người ra đi & Người về (Phạm Duy 1947-54) - Thái Thanh, Lệ Thu

Sau khi bày tỏ những nỗi niềm về tình thương của người mẹ già dành cho con. Nhạc sĩ tiếp tục nói về một sự hy sinh khác cũng lớn lao không kém, đó là tình yêu mà người vợ dành cho người chồng.

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa

Mà không nhớ thương người vợ hiền

Chồng ra lính biên cương

Ngồi may áo cho con, còn nhớ.

Những tiếng hát hành quân khi cất lên không những có người mẹ nhớ con mà ở quê nhà một người vợ tận tụy, hết lòng vì chồng cũng đang thầm trông mong. Người phụ nữ thời ấy đã thiệt thòi rất nhiều về mọi mặt trong xã hội. Nhưng họ có một tình thương đằm thắm và một trái tim hết lòng thủy chung. Tuổi xuân của họ là những bộn bề lo toan, chưa một ngày thảnh thơi. Giờ đây điều quý giá nhất của cuộc sống là được ở cạnh bên người chồng, cùng nhau xây dựng một gia đình yên ấm đã phải gác lại một bên vì tiếng gọi của non sông đất nước. Người chồng ở phương xa bảo vệ biên cương, bờ cõi, luôn nguy hiểm và khốc liệt. Người vợ ở nhà chăm lo cho cuộc sống tuy có nhẹ nhàng hơn nhưng nỗi đau xót trong lòng thì còn lớn hơn vô kể. Thương chồng chiến đấu gian khổ, thương con thiếu cha, thương mẹ già mòn mỏi trông ngóng và cũng thương cho chính bản thân, số phận của mình.

Em tiễn anh ra mãi tận đầu thôn

Một hôm lúc trâu bò về chuồng

Rồi anh nhớ anh mong

Chờ chiến sĩ xa xăm lập công.

Hôm chia tay, em tiễn anh ra mãi tận đầu thôn. Lưu luyến, bịn rịn lòng chẳng muốn xa. Trân trọng từng phút giây được ở cạnh nhau, cảm nhận từng lời nói, bước chân để lưu giữ lại hết những điều hạnh phúc nhỏ bé. Hôm ấy thật buồn, xế chiều là lúc trâu bò về chuồng, về với nơi yên ấm, bình an thì người ta lại phải rời xa nhau, đương đầu với sóng gió. Mọi thứ càng như xát muối vào vết thương trong tim. Tuy vậy chẳng một câu từ bi thương nào được nhắc đến trong cuộc chia ly. Hẹn thề nhau một ngày trở lại, lập công danh sự nghiệp. Người vợ tuy đau đớn đến thắt lòng nhưng không bi lụy. Giờ đây, cô là người đảm đương hết mọi gánh nặng ở hậu phương vì vậy luôn thể hiện sự lạc quan để anh có thể vững lòng, bền chí nơi xa trường. Lời hẹn mong chờ ngày lập công là lời khích lệ để anh có thêm nhiều động lực, nhiều niềm tin chiến thắng. Một người vợ hơn cả sự hy sinh, một người vợ bất khuất, không ra chiến trường, không cầm súng nhưng sức mạnh tinh thần mà người vợ mang lại  không hề nhỏ.

Nhớ thương anh oán thù loài thực dân

Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng

Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh.

Nỗi căm hờn “loài thực dân” dâng tràn trong tâm trí người ở lại. Chỉ cầu mong bóng hình thân yêu một ngày sẽ quay về chính nơi đã chia xa, mong chờ ngày chiến thắng lại được đoàn viên. Ở người mẹ, khi đứa con trai quay về với hình hài nguyên vẹn đã là điều hạnh phúc to lớn. Người vợ, thật sự cầu mong cho anh lập được chiến công, luôn hi vọng anh hoàn thành đại sự, để anh có thể tự hào về chính mình, làm chỗ dựa cho gia đình, tấm gương cho con và bù đắp lại những sự hy sinh của vợ ở quê nhà.

Ở đoạn cuối bài, tác giả nhắc về tình yêu thương của con trẻ đối với người cha để qua đó thấy hết được những tàn nhẫn của chiến tranh.

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa

Mà không nhớ thương đàn trẻ nhỏ

Đùa trong nắng ngây thơ

Cùng nhau hát líu lo, ngoài ngõ.

Chiến tranh lấy đi quá nhiều của con người, cả những đứa trẻ thơ cũng chẳng được một cuộc sống bình dị với cha và mẹ. Đàn trẻ nhỏ vô lo, vô nghĩ đùa vui hát líu lo càng làm cho những người chứng kiến thêm xót xa, thương cảm muôn phần. Chúng thật tội nghiệp, sống trong bất hạnh nhưng chẳng thể nhận thức được những bất hạnh của mình. Thiếu đi những lời dạy bảo cứng rắn của cha, không được sống trong tình thương yêu, bao bọc, che chở mà người cha mang lại.

Nhưng mỗi khi dưới mái nhà mênh mang

Ngừng chơi nắm tay mẹ, hỏi rằng

Rằng: Cha chúng con đâu?

Về mua bánh cho cho con, mẹ ơi.

Thiếu hơi ấm của cha, ngôi nhà thật mênh mang và rộng lớn. Rồi điều gì đến cũng phải đến, những ngây thơ, tò mò của con trẻ cũng tìm đến với người cha của mình. Hỏi mẹ rằng cha chúng con đâu, mẹ chỉ đáp lai rằng cha đi chiến khu “về mua bánh cho con”. Những điều nghe thấy mà nghẹn ngào, đau cắt lòng. Những chồi non xinh đẹp, trong trắng lại vì chiến tranh mà mất mát quá nhiều.

Nhớ thương cha oán thù loài thực dân

Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng

Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh.

Một đứa bé vô tư, vô lo, không suy nghĩ với những ngày rong chơi nhưng giờ đây cũng biết oán thù chiến tranh. Điều này là những vết đen trên tờ giấy trắng tinh ấy. Mong chờ cha giết giặc, chiến thắng về với con, về với mẹ, với bà. Được nghe cha dạy bảo, đánh đòn cũng là điều hạnh phúc.

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người mẹ già
Chờ con lúc đêm khuya
Người con đã ra đi, vì nước
Con bước đi khi trống làng rồn xa
Mẹ đưa mắt trông về ngọn cờ
Cầu cho đứa con trai
Ở đâu đó con ơi, được vui !
Nhớ thương con oán thù loài thực dân
Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh.

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người vợ hiền
Chồng ra lính biên cương
Ngồi may áo cho con, còn nhớ
Em tiễn anh ra mãi tận đầu thôn
Một hôm lúc trâu bò về chuồng
Rồi anh nhớ anh mong
Chờ chiến sĩ xa xăm lập công.
Nhớ thương anh oán thù loài thực dân
Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh.

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương đàn trẻ nhỏ
Đùa trong nắng ngây thơ
Cùng nhau hát líu lo, ngoài ngõ
Nhưng mỗi khi dưới mái nhà mênh mang
Ngừng chơi nắm tay mẹ, hỏi rằng
Rằng : Cha chúng con đâu?
Về mua bánh cho cho con, mẹ ơi
Nhớ thương cha oán thù loài thực dân
Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh…