“Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ” của đôi nhạc sĩ Hà Phương và Anh Việt Thanh

Đăng ngày 21/07/2024

Cuộc đời của mỗi người chúng ta đã trải qua biết bao cơn mưa lớn nhỏ. Có cơn mưa nhẹ nhàng lướt qua tựa một cơn gió thoảng, để lại trên quần áo vài đôi giọt nước nhỏ. Cũng có những cơn mưa nặng nề và dai dẳng, làm ướt áo, ướt cả lòng người. Nhưng một điều chẳng thể phủ định được là những cơn mưa đều để lại trong lòng ta những nỗi buồn, có thể do gợi nhớ về một ký ức trong quá khứ như ca khúc “MƯA ĐÊM TỈNH NHỎ” của đôi nhạc sĩ Hà Phương và Anh Việt Thanh.

Đôi điều về ca khúc "Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ" của nhạc sĩ Hà Phương và Anh Việt Thanh

Hà Phương là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng gắn liền với dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca Nam Bộ từ trước năm 1975. Ông tên thật là Dương Văn Lắm, quê ở Mỹ Tho (Tiền Giang) – Vùng đất lãng mạn với sông nước, con thuyền, có lẽ do đặc thù miền Tây đã xây dựng nên hình tượng của một người nhạc sĩ trữ tình nổi tiếng như thế. Bắt đầu học nhạc từ năm 19 tuổi cùng với nhạc sĩ Lâm Tuyền, sau hai năm ông đã bắt tay vào con đường giảng dạy âm nhạc và cũng trong độ khoảng đó, ông cũng dần chuyển hướng sang con đường sáng tác âm nhạc. Ca khúc đầu tay của nhạc sĩ mang tên “Đường khuya” vào năm 1957. Ngoài bút danh Hà Phương mang ý nghĩa của sự tự do tung hoành, mang ước mơ chu du thiên hạ cho thỏa chí tan hồng của người nhạc sĩ , ông còn dùng một bút danh khác gọi là Du Uyên.

Về phần của nhạc sĩ Anh Việt Thanh, ông tên thật là Đặng Văn Quang, là một người nhạc sĩ nhạc vàng nổi tiếng với nhiều ca khúc bất hủ của nền âm nhạc miền Nam Việt Nam. Anh Việt Thanh chỉ đơn thuần là một bút danh được đặt theo tên của thần tượng Anh Việt Thu, nhưng lại thể hiện sự tôn trọng của một người đàn em đối với thần tượng của mình. Ông bắt đầu sáng tác vào năm 1958, ca khúc để đời của ông cũng góp phần mang tên tuổi của nhiều ca sĩ đến với công chúng chính là “Vùng lá me bay” được sáng tác vào năm 1972. Anh Việt Thanh còn đồng sáng tác một số ca khúc với nhạc sĩ Hà Phương và trong đó để lại ấn tượng mạnh trong tâm trí người nghe chính là bài hát “MƯA ĐÊM TỈNH NHỎ” được sáng tác vào năm 1970.

Bài hát “MƯA ĐÊM TỈNH NHỎ” là một trong ba ca khúc của tuyển tập ca khúc nhạc tình về mưa của nhạc sĩ Hà Phương. Ngoài ca khúc “Mưa qua phố vắng” cùng với “Mùa mưa đi qua”, thì nhạc khúc “MƯA ĐÊM TỈNH NHỎ” đã đi sâu vào lòng người yêu nhạc, nó trở nên bất hủ theo thời gian. Tới thời điểm hiện tại, dù có ở đâu trên mảnh đất Việt Nam này, thì đôi lúc bạn cũng sẽ nghe thấy giai điệu “Trời đổ mưa, cho phố vắng mênh mông….” đâu đó bên tai chúng ta. Bài hát này được biết đến qua nhiều cái tên khác nhau như: Mưa đêm tỉnh lẻ hay Mưa đêm tình nhớ, nhưng nó vẫn nhạc khúc mưa không bao giờ quên của người hâm mộ nhạc vàng. Ca khúc này xoay quanh tâm trạng của một thời trai trẻ và nó như làm sống lại biết bao kỷ niệm về một mối tình trong quá khứ. Có lẽ, mưa luôn thể hiện cho chúng ta một cảm giác gợi nhớ vô vàn, nó làm buồn lòng người bởi những tiếng mưa réo rắt, nó như xát muối vào lòng người cô đơn trên phố vắng,…Mưa luôn là một điều gì đó bí ẩn, nó gợi lên sự tiếc nuối vô cùng….cũng như người thanh niên trong ca khúc bị cuốn vào hồi ức của quá khứ có mưa đồng hành, chưa thể thoát ra được….

Ca sĩ Trường Vũ và "Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ" (nhạc sĩ Hà Phương) - Bài hát thành công nhất trong sự nghiệp ca hát

“Trời đổ mưa
Cho phố vắng mênh mông
Khơi lòng bao nỗi nhớ.
Trời làm mưa, cho ướt áo em thơ
Mưa rơi tự bao giờ.

Tình yêu đó, phôi pha vào sương gió
Những đêm mưa tỉnh nhỏ
Gợi nhớ tuổi học trò
Tâm tình thường hay ngỏ
Trường tan về chung phố những lúc trời chiều đổ mưa!…”

Nơi sa trường không chỉ hiểm nguy vì đạи вαу ѕúиɢ иổ, mà còn những đêm sương lạnh đến thấu tâm can, những sóng gió nơi chiến trường có mấy ai hiểu thấu bằng những người chiến sĩ quân khu. Đêm nay mưa lại rơi, làm ướt cả tấm áo sờn vai của người chiến sĩ, làm tăng thêm vài phần gian lao và vất vả, nhưng lại chẳng gây trở ngại gì bước chân hành quân của người trai anh dũng. Hình ảnh bầu trời trút từng cơn mưa nặng hạt, làm đường phố nơi ấy càng trở nên thanh vắng hơn, mênh mông hơn. Những cơn mưa này đã gợi lên bao niềm nhớ trong lòng người trai ấy, những hồi ức về tuổi học trò thơ mộng, những mối tình chưa bao giờ phai trong lòng. Nhưng giờ, tình yêu ấy đã hòa tan vào từng đợt sương giá lạnh nơi quân trường, từng cơn mưa nhỏ đã rửa trôi hết tất cả.

Đôi nét về nhạc sĩ Hà Phương và những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng: Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ, Mùa Mưa Đi Qua, Em Về Miệt Thứ...

“….Mưa ! Mưa rơi qua phố buồn
Chạnh lòng bao nhớ thương
Chuyện tình yêu vấn vương.
Ngày xưa đường mưa ướt ê chề
Cùng đưa đón nhau về
Ấm đôi nhân tình trẻ…

Một người sang ngang cuộc đời
Một người đêm tay gối
Chia ly có gì vui
Trời mưa nghe giá buốt tim
Ru anh vào kỷ niệm thao thức trọn cả một đêm!!…..”

Trời âm u, chèn thêm những âm thanh tí tách của những giọt mưa trên đường càng làm người ta thêm buồn hơn, nỗi u sầu cứ như nước đang dần đầy ly, khoảnh khắc này người ta lại nhớ về những ngày xưa, ký ức hiện tại quá khứ đan xen. Mưa làm ta thêm nhớ thương cùng vấn vương về một mối tình ngày niên thiếu, tuổi học trò vô tư cùng tình cảm đẹp.

Từng có một mối tình được cơn mưa chứng minh tình yêu, cũng từng có một cơn mưa lặng lẽ nhìn đôi ta chia lìa hai đứa hai nơi. Nhớ ngày ấy, mưa ướt cả một đoạn đường làm lạnh giá da thịt, nhưng lòng ta vẫn ấm áp vô cùng, chắc là do ta có nhau, cùng đưa đón nhau trở về. Nhưng mưa sau đó lại trở nên lạnh lẽo và giá buốt khi nhìn em bước sang ngang cùng với người khác mà chẳng phải anh.

Đêm nay mưa lạnh buốt, không có em bên đời, cảm giác ấm áp ngày xưa bỗng tan vào không gian và bị nước mưa cuốn trôi đi mất. Người lính anh dũng trước những khó khăn của chiến sự, cũng có lúc nghẹn lòng và đau thắt cả con tim. Những kỷ niệm cũ cứ quẩn quanh trước mắt, cứ đi vòng trong tâm trí làm cho chàng trai thao thức cả đêm trường….

“…..Chờ em, đêm vắng với cô đơn
Ngõ hồn mưa ngập lối
Tình hợp tan
Nhưng vẫn nhớ nhau luôn
Biết em giờ có buồn ?

Và từ đó
Những đêm trời mưa gió
Thấu chăng người tỉnh nhỏ
Nuôi nấng cả một đời
Mối tình thời xa ấy
Giờ đây đường hai lối mưa gió về buồn nào nguôi!!!”

Hòa mình cùng với bóng tối cô đơn nơi sa trường vắng lặng, mưa vẫn cứ rơi từng đợt, như đánh vào lòng người thanh niên ấy từng nhịp đập hiu quạnh. Anh cứ ngỡ cơn mưa ấy đưa mình về quá khứ, chúng ta sẽ chẳng có sự chia ly, vẫn vui vẻ hạnh phúc cùng nhau đến bạc đầu. Tim này vẫn luôn có hình bóng em, vẫn ôm hoài ký ức hàng đêm trường và tự hỏi lòng liệu em có nhớ đến người em đã từng thương hay chăng? Em có buồn vì hai đứa chẳng còn là của nhau chăng?

Nỗi lòng của người chiến sĩ anh hùng đã được hai nhạc sĩ tài hoa miêu tả đến từng chi tiết, sự luyến lưu dù cách ngàn dặm cũng chẳng hề gì, anh vẫn luôn mong ngóng về mối tình cũ, ao ước chúng ta có thể đến được với nhau. Mối tình ngày xưa được anh nuôi nấng cả một đời dù ở nơi tỉnh nhỏ mưa to giá lạnh, nhưng chẳng thể phân thân mà trở về đoàn tụ hoặc níu kéo chút tình cảm. Chỉ đành buông tay chúc em có một đời hạnh phúc, còn nỗi buồn ấy cứ để bản thân anh mang cùng với những chuyến hành quân đêm lạnh – “Mối tình thời xa ấy, giờ đây đường hai lối mưa gió về buồn nào nguôi!”.

Cảm giác sẽ thế nào nếu bản thân ngồi mình mình bên khung cửa sổ, rồi ngắm nhìn từng giọt mưa nặng hạt rơi và mông tìm lại cho mình đôi chút dư vị của sự êm đềm. Nhưng nó chỉ làm ta buồn thêm, thêm nặng lòng về quá khứ, thêm sự mặc niệm cho tương lai, còn nỗi buồn của hiện tại. Mưa dù lạnh, nhưng vẫn sẽ ấm lòng vào người trong số những con người cùng khổ như chúng ta, mưa rơi…mưa rơi….lòng người thêm phần buồn tê tái. Khi bức màn cuộc đời dần khép lại, hai con người nắm lấy tay nhau cùng đưa nhau về trên con đường vắng thưa người trong những đêm buồn nơi tỉnh nhỏ quê hương. Dù sau cùng, cuộc tình không trọn vẹn, nhưng chẳng tiếc nuối khi để lại cho nhau nhiều hơn những kỷ niệm.

Không có sự phô trương, cũng chẳng chạy theo trào lưu âm nhạc hiện đại thời thượng, nhưng bài hát “MƯA ĐÊM TỈNH NHỎ” vẫn để lại cho người nghe nhạc sự yêu thích chưa hề nguôi. Nhạc sĩ của bài hát, cho ta thấy được sự thầm lặng và bình yên trong cuộc sống đầy bộn bề, từng lời ca giai điệu đều vô cùng tài tử. Không thấy sự vội vã chạy theo số lượng, chỉ thấy được sự thong thả dạo bước trên con đường nghệ thuật mà thôi. Đây chính là điểm thu hút và chinh phục người yêu thích âm nhạc xưa.