Tục xem bói từ trước đến nay chắc hẳn là một sự quen thuộc đối với người dân Việt Nam nói chung và người dân Sài Gòn nói riêng. Đôi khi ai đó gặp khúc mắc trong cuộc sống, điều họ nghĩ tới là đi xem bói để xin lời khuyên giải quyết những vấn đề của họ. Có khi là người ta đi xin số, xem bói tướng, còn những phụ huynh có con cái chuẩn bị thành gia lập thất thì xem số mạng có hợp không, ngày đẹp để dạm hỏi cưới xin. Hoặc đơn giản chỉ là những ngày lễ Tết đến để xin bề trên phù hộ cho gia đình mạnh khỏe cho năm tiếp theo. Phong tục xem bói cũng được xem như là một văn hóa của người Sài Gòn xưa vậy.
Các thầy bói tại Lăng ông
Lăng Ông Bà Chiểu là lăng đức Tả quân Lê Văn Duyệt xây ở Gia Định. Bên trong lăng là một dinh cơ khá rộng lớn, nom như lăng của vua Minh Mạng, Gia Long,… Tại Lăng Ông Bà Chiểu, các thầy bói sẽ đi quanh đây để hành nghề, có người thì đi rải rác và di chuyển khắp nơi, có người thì đặt một tấm chiếu hoa có “đồ nghề” xem bói đặt lên trên chiếu, có người đặt một chiếc bàn và những chiếc ghế quanh bàn để cho khách đến xem bói có chỗ ngồi. Khách đến lăng thường để xin xăm, xin quẻ, cầu tình duyên. Các thầy bói cũng có nhiều cách ăn mặc khác nhau. Người thì mặc áo dài đen đội khăn đóng, thường đây là những cụ thầy bói xưa. Có người thì mặc bộ đồ bà ba đơn giản. Còn có cả thầy bói hiện đại và tri thức khi khoác lên người bộ com-lê láng coóng và đeo kính.
Những người có chỗ ngồi nhất định thì sẽ bày ra một số “vật dụng” để hành nghề như xấp bài tây, sách chữ Hán, cái mu rùa, xâu chân gà luộc phơi khô, đèn nhang, bút lông, giấy màu đỏ, mực đen. Do mỗi năm các thầy đều đóng tiền thuế môn bài cho chính phủ đâu đó khoảng một ngàn nên có chỗ ngồi đàng hoàng. Họ thường tập trung ở bên trái hông Lăng Ông chừng 20 người để phía lề đường Trịnh Hoài Đức rồi xem tình duyên, đoán số mệnh cho những người rút thẻ xăm.
Thầy bói người Tàu
Tại khu vực Chợ Lớn xưa, đặc biệt là những khách sạn sang trọng mang tên Bát Đạt, Đồng Khánh,… thường sẽ có sự xuất hiện của các ông thầy bói tự xưng là những những thầy bói đại tài đến từ Hồng Kông với các tên gọi huyền bí nghe đậm chất “chuyên nghiệp” như Vân Đại Sư, Đại Lục Tiên,… Những thầy bói này không biết nói tiếng Việt nên sẽ thông dịch viên riêng để tiện đường làm ăn. Họ lấy tiền công khá đắt, chỉ coi tài lộc qua đường chỉ tay thôi mà lấy tận năm ngàn, còn xem ngày tốt để làm ăn thì mười ngàn, lấy lá số tử vì thì lên đến ba mươi ngàn. Vì vậy vào những năm 1971, 1972, mấy thầy xem bói “đại tài” đến từ Hồng Kông mà xem bói ở Sài Gòn thì trở nên giàu sụ. Họ toàn ăn uống ở những nhà hàng đắt tiền, sống trong khách sạn xa hoa, đã thế còn bay đi bay lại từ nước này sang nước khác. Mà những ông thầy bói này có thể lừa được những người dân ở Sài Gòn với các nước Đông Nam Á chứ với người dân Trung Hoa ở Chợ Lớn thì không thể qua mặt được họ. Họ không tin vào những lời bói toán của mấy ông thầy này, họ cho rằng ở bên nước của mấy ông thầy này không làm ăn gì được, cũng chẳng có nghề ngỗng gì nên mới qua đây để lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin.
Một số thầy bói nổi tiếng xưa
Từ xưa có khá nhiều thầy bói hành nghề, quả thực chúng ta không thể biết được hết tên của những người làm nghề này. Nếu có kể đến những người thầy bói đó thì chắc cũng chỉ được một số người mà thôi. Tuy nhiên có một điểm chung giữa những người thầy bói là đa số họ đều di cư từ Bắc vào Nam và sinh sống tại Sài Gòn.
Chẳng hạn như cô Bích người Đà Nẵng, khi xưa cô cũng có lập am, lên đồng, xem bói cho nhiều người. Ở thời Pháp thuộc cô cũng có chồng là sĩ quan Pháp nhưng hai người không có con. Mặc dù cô không có điều kiện được học nhưng khi lên đồng thì cô lại viết được chữ Hán rất đẹp. Sau năm 80 thì cô mất tại Đà Nẵng.
Còn nói về ông thầy ở Sài Gòn thì có thầy Gia Cát Hồng, thầy Nguyễn Huy Bích, thầy Minh Nguyệt,…
Thầy Gia Cát Hồng có tên thật là Phạm Bảo. Trước năm 1954, ông làm nghề công chức thuộc nha cảnh sát. Sau này vào Nam thì ông không làm công chức nữa mà chuyển sang nghề đoán mệnh, mở hẳn một văn phòng ở đường Trần Quốc Toản, gần Việt Nam Quốc tự. Thầy thường xem tử vi và chữ ký cho người khác. Khi xem tử vi thầy nói rất đúng nên được nhiều người tin tưởng. Ngoài ra thầy còn bốc thuốc, chữa những bệnh như kinh phong, phong tình,… Những việc thầy làm đều mang lại hiệu quả cao nên thầy trở nên giàu có và sở hữu nhiều tài sản.
Về thầy Nguyễn Huy Bích, ông bẩm sinh đã bị mù, trước đây ông hành nghề ở Hà Nội được hơn ba chục năm, sau này thì di cư vào Sài Gòn. Cụ nổi tiếng hiền lành, lại ngại gây thù chuốc oán nên dù cho nhiều người đến muốn thầy xem thì thầy cũng chỉ xem cho người quen để có thể nói ra những điều chân thật mà không bị mất lòng. Cụ không có nhiều tiền của như thầy Gia Cát Hồng vì cụ không xem vì tiền bạc mà chỉ xem vì quen biết mà thôi.
Có một người thầy xem bói toán khác cũng bị mù, đó là thầy Nguyễn Văn Canh, ông cũng là người Bắc Việt. Vì bị mù từ nhỏ nên gia đình cho ông học nghề bói toán để có kế sinh nhai. Thầy cũng xem bói ở Hà Nội, sau năm 1954 thì di cư vào Nam. Thầy có dáng người cao lớn cùng đầu óc minh mẫn, nổi tiếng với sở trường xem tử vi và bói dịch. Thầy xem bói rất hay, lại có trí nhớ rất tốt. Khi nghe ngày tháng năm sinh của người bói, thầy đã đọc vanh vách số mệnh của họ. Rồi sau này khi người ta quay lại chỉ cần nói tên là thầy nhớ ra người đó liền.
Trước năm 1975 thì nghề bói toán rất được trọng dụng nên những ai mà biết bói toán sẽ giàu lên bằng nghề này, chỉ trừ một số thầy không ham vinh hoa phú quý như thầy Nguyễn Huy Bích thôi. Tuy nhiên sau năm 1975 thì xem bói không được xem là nghề hợp pháp nên các thầy bói đành sống ở ẩn. Đôi khi không qua khỏi kiếp nạn rồi cũng tạ thế. Tuy bói toán không được xem là nghề chính thống, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng đó là một đức tin của người Sài Gòn xưa và kể cả những người thời nay. Đôi lúc gặp chuyện cần lời khuyên thì họ lại đi xem bói, coi như cũng là một cách để trấn an lòng mình.