“Lời tình viết vội” hay có tên khác “Thư ngoài biên trấn” là sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Giao Tiên. Nhạc khúc như bức thư tình của người lính viết vội khi hành quân xa, lá thư tuy viết vội nhưng lại chứa chan những cảm xúc chân thật nhất của người lính dành cho bóng hồng chốn quê nhà. Người lính muốn gửi gắm những lời yêu thương thay lời động viên và an ủi đến người yêu chịu nhiều thiệt thòi nơi hậu phương. Người lính chiến trong thư nhắc qua cho em gái hậu phương biết rằng, dù chinh chiến miền xa nhưng vẫn không quên sự mong nhớ của em nơi quê nhà, vẫn tranh thủ thời giờ viết vội cho em mấy dòng yên lòng em. Tình yêu của tuổi trẻ và tình yêu đất nước của người lính được nhạc sĩ Giao Tiên khắc họa bằng ngòi viết trữ tình đậm chất thơ và nhạc.
Nhạc sĩ Giao Tiên sinh ngày 16 tháng 11 năm 1941 tại phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông là một trong những nhạc sĩ nhạc vàng nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, với khoảng gần 800 ca khúc trữ tình, quê hương nhạc sĩ Giao Tiên được người hâm mộ khen tặng là “Nhạc sĩ của Đồng Quê”.
Nhạc khúc “Lời tình viết vội” (Thư ngoài biên trấn) được Giao Tiên sáng tác vào khoảng năm 1970, là nhạc khúc về tình yêu của người lính chiến, tuy nhiên hòa vào tình yêu tuổi trẻ là tình yêu đất nước và nét đẹp non sông. Trách nhiệm của phận trai trong việc bảo vệ nước nhà, và mộng ước thanh bình của đôi trẻ được Giao Tiên khắc họa rõ nét với dưới sự kết hợp hài hòa giữa nhạc, thi và họa.
Bao năm xuôi ngược khắp miền hành quân ngày đêm..
Gian lao nhưng lòng vẫn nặng tình yêu núi sông…
Cho nên nhiều khi biết người yêu nhớ…
Trang thư vài câu làm tin thế thôi …
Nàng hay trách hờn người tình biên ải …
Hỏi rằng vì sao nỡ đành nhạt phai ….
Phận trai nuôi chí anh hùng “bao năm xuôi ngược khắp miền hành quân” dù ngày đêm gian lao nhưng lòng vẫn nặng tình với non sông. Là phận nam nhi khi khoác trên mình màu áo lính, trách nghiệm với đất nước luôn đè nặng đôi vai, nên người lính dù biết rằng người yêu chốn quê nhà luôn nhớ thương và chờ tin anh nhưng anh lại không thể về ngay bên cô ấy được chỉ có thể tranh thủ đôi lúc nghỉ giữa chặng hành quân mà viết “vài câu làm tin thế thôi”. Anh muốn viết nhiều hơn, muốn giải thích nhiều hơn cho cô, muốn nói rằng anh cũng rất nhớ cô nhưng hàng quân gian lao, thời gian nghỉ không nhiều nên chỉ có thể viết vội đôi câu để an ủi người yêu. Anh hiểu và anh cũng biết là “nàng hay trách hờn người tình biên ải/ Hỏi rằng vì sao nỡ đành nhạt phai ….”. Không phải tình anh phai nhạt, cũng không phải anh phụ tình cô, chỉ là phận làm trai nuôi chí anh hùng, tình yêu và trách nhiệm dành cho đất nước trên vai, tình yêu gái trai anh chỉ có thể cất trong tim, chờ ngày đất nước thanh bình anh về bên cô và đắp xây một cuộc sống tương lai hạnh phúc.
Em ơi cho dù súng thù giờ đây lẻ loi …
Nhưng anh vẫn còn trách nhiệm vì dân dấn thân..
Nên thư của anh vẫn là thư lính..
Trong đêm rừng sâu đèn sao sáng soi …
Vài câu viết vội lời tình chân thành…
Mong người em yêu thấu hiểu lòng anh…\
Lời trần tình mộc mạc của người lính như khẽ chạm đến trái tim người nghe. Không đao to búa lớn, không thề non hẹn biển, chỉ đơn giản là lời giải thích cho cô gái chốn hậu phương một cách chân thành. “Em ơi” câu gọi chất chứa những nỗi nhớ, những niềm thương, anh muốn viết thư cho cô nhiều hơn nhưng lá thư viết vội trong rừng sâu dưới ánh sáng của ngôi sao trời. Anh biết, anh là người tình biên ải của em, nhưng anh còn là người lính vác súng trên vai “vẫn còn trách nhiệm vì dân dấn thân”, nên “Nên thư của anh vẫn là thư lính”. Dù anh viết vội đôi câu nhưng em ơi hãy tin, đó là những câu tình chân thành từ tim người lính, mong em hãy “thấu hiểu lòng anh”.
Khi non nước còn giặc thù,
Em chấp nhận lời nguyện đời trai dâng núi sông.
Bao nhiêu ái tình của lòng,
Em cố đợi trùng phùng trên vùng quê hương.
Cho dẫu mai sau còn dang dở,
Và còn những ngày cách chia.
Em là Tô Thị nhìn bến trông chồng…xa ngoài chân mây,
Cầu mong cho người sử quý lưu danh…
khi nước non còn giặc thù, anh đành phải để em chịu thiệt thòi khi có người yêu là lính chiến, “em chấp nhận lời nguyện đời trai dâng núi sông”, là thiệt thòi cho em khi phải đợi chờ trong nhớ nhung và bất an. Nhưng em ơi, mong em cố đợi ngày đôi ta trùng phùng trên vùng quê hương, ngày vui đất nước sạch bóng quân thù anh về bên em. Dù rằng vẫn còn những ngày chia cách và dang dở, “em là Tô Thị nhìn bến trông chồng…xa ngoài chân mây” mà cầu mong cho người tình biên ải “sử quý lưu danh”. Nhạc sĩ Giao Tiên đã khéo léo mượn hình ảnh nàng Tô Thị trông chồng để ca ngợi và thấu hiểu thay nỗi lòng của người yêu chốn quê nhà. Người lính ấy hiểu và càng hiểu anh lại càng đau lòng cho người yêu khi phải đợi chờ trông ngóng trong những ngày cách chia. Anh không thể về ngay bên cô ấy, nhưng anh lại có thể cầm chắc súng trên tay, chiến đấu vì ngày mai sớm sum họp bên cô, có lẽ đó là một lời hứa tốt nhất thay vạn lời yêu thương.
Em anh yên lòng an phận người thương chờ mong…
Mai đây thanh bình trở lại đời vui thắm thêm
Anh xin vì em đáp lời nhung nhớ…
Nâng niu hồn em bằng trăm đắm say …
Cỏ hoa chất đầy thuyền về bến mộng…
Trên vùng yêu đương kết nụ tầm xuân…
Em ơi hãy yên lòng, đừng buồn cũng đừng hờn trách tình anh phôi phai “Em anh yên lòng an phận người thương chờ mong…/Mai đây thanh bình trở lại đời vui thắm thêm”. Chờ ngày đất nước thanh bình, anh về bên em, chúng ta trở lại cuộc sống của một đời vui thắm trên mảnh đất thanh bình. Trong lá thư viết vội chốn hành quân, anh xin đáp lại “lời nhung nhớ”, ngày đất nước yên bình là lúc anh và em sum họp, khi ấy nguyện “nâng niu hồn em bằng trăm đắm say”. “Cỏ hoa chất đầy thuyền về bến mộng…/Trên vùng yêu đương kết nụ tầm xuân…” là câu hát hứa hẹn về một tương lai tươi đẹp “kết nụ tầm xuân” của người lính dành cho người yêu.
Dù nhan đề bài hát là “Lời tình viết vội” hay “Thư ngoài biên trấn” đều rất phù hợp với nội dung nhạc khúc. Dù là tên gọi nào thì đây vẫn là một sáng tác hay và chứa nhiều thông điệp về tình yêu người lính. Nỗi nhwos người yêu, nỗi niềm và trách nhiệm với đất nước, tất cả hòa hợp và khắc họa nên bức tranh người lính đầy tình yêu và khí phách anh hùng. Dù chia xa người yêu, dù chỉ có thể viết vội đôi câu tình an ủi nhưng người lính vẫn dùng tất cả sự chân thành của mình gửi gắm vào lá thư ấy. Không có nhwungx lời hoa ngữ, không có nhưng câu tình ướt át nhưng lá thư ấy vẫn nặng bởi tình yêu và hứa hẹn tương lai tương đẹp của đôi trẻ. Một tình yêu người lính đẹp bởi sự chân thành và trách nhiệm của chí trai đã tạo nên nét đẹp của người lính thời chiến, nói đẹp ấy đã được nhạc sĩ Giao Tiên vẽ lại và họa lại một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất trong nhạc khúc “Lời tình viết vội”.
Bao năm xuôi ngược khắp miền hành quân ngày đêm..
Gian lao nhưng lòng vẫn nặng tình yêu nuối sông…
Cho nên nhiều khi biết người yêu nhớ…
Trang thư vài câu làm tin thế thôi …
Nàng hay trách hờn người tình biên ải …
Hỏi rằng vì sao nỡ đành nhạt phai ….
Em ơi cho dù súng thù giờ đây lẻ loi …
Nhưng anh vẫn còn trách nhiệm vì dân dấn thân..
Nên thư của anh vẫn là thư lính..
Trong đêm rừng sâu đèn sao sáng soi …
Vài câu viết vội lời tình chân thành…
Mong người em yêu thấu hiểu lòng anh…
Khi non nước còn giặc thù,
Em chấp nhận lời nguyện đời trai dâng nuối sông.
Bao nhiêu ái tình của lòng,
Em cố đợi trùng phùng trên vùng quê hương.
Cho dẫu mai sau còn dang dở,
Và còn những ngày cách chia.
Em là Tô Thị nhìn bến trông chồng…xa ngoài chân mây,
Cầu mong cho người sử quý lưu danh…
Em anh yên lòng an phận người thương chờ mong…
Mai đây thanh bình trở lại đời vui thắm thêm
Anh xin vì em đáp lời nhung nhớ…
Nâng niu hồn em bằng trăng đắm say …
Cỏ hoa chất đầy thuyền về bến mộng…
Trên vùng yêu đương kết nụ tầm xuân…