Một điều giản đơn, mộc mạc nhất mà bạn thường nghĩ tới là gì? Có phải là một cuộc sống bình yên như người Miền Trung vẫn hằng ngày mong ước. Tưởng chừng như rất là đơn giản nhưng thực tế hiện tại lại đi ngược lại với mong ước của họ.
Miền Trung hiện lên với những hình ảnh có những ngày nắng và gió thổi hốc vào mặt nghe ran rát, có những ngày hạn hán kéo dài cả một mùa hoa màu mất trắng. Nhưng cũng có những ngày những trận bão bất chợt ập về, cây cối xơ xác, mái nhà xiêu vẹo; nước lũ tràn về mênh mông trắng xóa cả một cánh đồng, làng quê tiêu điều. “Ôi ! Nước tràn bờ đê, nước tràn bờ đê,tang thương khắp một miền quê”. Miền Trung nắng lửa, cỗi cằn, mưa lắm, bão nhiều phải oằn mình gánh chịu những trận thiên tai bất chợt.
Cuộc sống đã quá khó khăn với người dân miền Trung cớ sao còn bắt họ phải hứng chịu thêm những trận thiên tai, lũ lụt hằng năm đến thế. Nghe thì có vẻ cũng bình thường đấy, chỉ là mưa nặng hạt hơn bình thường một chút! Gió mạnh hơn một chút! Nhưng một chút đó đã cuốn trôi biết bao nhiêu từ nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò, thậm chí còn cướp đi tính mạng của một số người dân kém may mắn.
Có ai trải qua hoàn cảnh mới thấm thía những gì mất mát, trong nỗi đau tột cùng, những giúp đỡ, những lời chia sẻ động viên, như những liệu pháp tinh thần giúp họ vượt qua những thời điểm khó khăn. Nhìn những đứa bé thiếu ăn, thiếu mặc, ngày mai không có cơ hội đến trường, chúng ta có thể hình dung một tương lai khó khăn đang chờ phía trước. Hình ảnh những cụ già phải chống chọi trong cơn đói rét không khỏi xót xa. Rồi những nỗi đau mất mát người thân, gia đình ngay trước mắt nhưng bất lực không thể làm được gì.
Khắc nghiệt, dữ dằn, khốn khó là thế nhưng vẫn đong đầy tình người chân chất, lam lũ. Đi qua cơn bão giông mặc dù phải trải qua những cơn ác mộng nhưng cái trước mắt mà họ nhận được là tình người. Trong cơn bão cực, tình đồng loại được nhen nhóm và bùng lên một cách tự nhiên, không hề gượng gạo. Đặc biệt là tình làng nghĩa xóm. Trước, có thể nhà nào biết nhà đó, “đèn nhà ai nấy rạng”, thậm chí có mâu thuẫn nhưng giữa mưa gió trập trùng, mênh mông biển nước, câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần” của các cụ xưa quả đúng.
Con dân khắp cả nước tất cả đều đang hướng về miền Trung và cùng cầu nguyện. Rồi bão giông cũng sẽ qua thôi, và bình yên sẽ lại chào đón họ. Hy vọng tất cả người dân miền Trung hãy thật mạnh mẽ trong thời điểm này, hãy luôn kiên cường, cố gắng bảo vệ bản thân. Hãy tin rằng tất cả cùng đồng lòng, vững tin thì mọi khó khăn đều sẽ vượt qua…
Và có một ca khúc có thể nói lên tiếng lòng của con dân người miền Trung trong mùa mưa bão này chính là “Quê em mùa nước lũ” của nhạc sĩ Tiến Luân sáng tác năm 2000, là năm Thìn bão lụt. Tuy bài hát được viết cho mùa nước lũ miền Tây nhưng trong suốt những năm sau này đã theo tiếng hát Hương Lan phủ sóng trên khắp mọi miền quê hương đất nước, và cũng đã góp phần kêu gọi đồng bào cả nước hướng về miền Trung ruột thịt mỗi khi mùa lũ tới.
Ca khúc với giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng đã chạm đến trái tim hàng triệu người dân Việt Nam. Không khỏi xót xa trước nỗi đau mất mát mà người dân phải gánh chịu mỗi khi nước lũ dâng cao. “Ôi! Nước lũ dâng cao, nước lũ dâng cao,dâng theo bao nỗi sầu đau.”
Không còn con sông nước dâng tràn lên bãi bồi.
Anh về quê em khắp nơi như là biển khơi.
Chập chờn mái tranh ngôi lên giữa ngọn triều dâng,
những đàn gà con chơi vơi đứng nhìn trời xanh.
Bao ngày trôi qua lũ cao lại dâng nữa rồi,
không còn nhận ra tiếng ai đi tìm người trôi.
Mẹ ngồi dưới mưa tay ôm ấp trẻ lạnh câm,
xóm làng chìm trong bao la những nỗi đau này.
Ôi! Nước lũ dâng cao, nước lũ dâng cao,
dâng theo bao nỗi sầu đau.
Ôi ! Nước tràn bờ đê, nước tràn bờ đê,
tan thương khắp một miền quê.
Bên bờ đê cao mái tranh tạm che kiếp người.
Ơi đồng bằng ơi ! Biết bao thân phận nổi trôi.
Còn một trái tim ai ơi nhớ lại miền Tây,
nhiễu điều mà thương dân ta lắm nỗi đoạn trường.