Người Sài Gòn xưa và nay, chắc chắn không ai là không biết đến hình ảnh cột tháp cao ngay cửa ngõ phía Đông của Sài Gòn. Từ Hàng Xanh tiến lên phía Sài Gòn, trước khi qua cầu, cột tháp nằm phía bên tay phải đường Phan Thanh Giản, ngày nay được đổi tên là Điện Biên Phủ, một trong những tuyến đường huyết mạch của Sài Gòn.
Hình ảnh cột tháp đã quá nổi bật và quen thuộc với bất kỳ ai đi ngang qua đoạn đường này. Tuy vậy, không phải ai cũng biết cột tháp xây dựng ở đó với mục đích gì và có công dụng gì.
Bài viết này sẽ trả lời cho những bạn đọc hiếu kỳ về quá trình hình thành, công dụng và nguyên lý hoạt động của cột tháp này, cũng như gửi đến bạn đọc những hình ảnh của cột tháp trước năm 1975.
Hình ảnh quen thuộc mà ngày ngày mọi người đều nhìn thấy chính là cột tháp điều áp, nhiều người còn gọi là tháp cắt áp. Tháp được xây dựng từ năm 1966, cùng thời gian với dịp khánh thành nhà máy nước Thủ Đức – nhà máy nước lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Từ đó đến nay, nhà máy nước Thủ Đức vẫn là nơi cung cấp nước chính cho toàn Sài Gòn.
Nhà máy nước Thủ Đức xây dựng 2 tháp điều áp ở Sài Gòn. Cột tháp ở đường Phan Thanh Giản chính là 1 trong 2 cột tháp điều áp đó. Cột còn lại được xây dựng tại ngã tư Thủ Đức, gần nhà máy nước như hình dưới đây.
Công dụng
Tháp điều áp có tác công dụng điều tiết, ổn định áp lực nước từ nhà máy nước Thủ Đức. Nguyên lý hoạt động của tháp điều áp khá đơn giản: tháp cao hơn 30m, thân tháp có một đường ống được nối liền với đường ống cấp nước dưới lòng đất. Khi nước từ nhà máy được bơm vào các đường ống chính, rồi chạy đến đường ống dọc thân tháp, ngườI sẽ điều tiết làm giảm áp lực nước trước khi nước được chảy vào các mạng lưới đường ống nhỏ hơn dẫn đi khắp thành phố. Nếu không có tháp điều áp này, nước từ đường dẫn nước lớn sẽ giữ nguyên áp lực đỏ, đổ vào các mạng lưới đường ống nhỏ, điều này sẽ làm các đường ống nhỏ có nguy cơ bị xì hay bể ống.
Nhà máy nước Thủ Đức khánh thành vào ngày 12/12/1966 ở vùng Linh Trung hiện nay. Nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho Sài Gòn. Sự kiện khánh thành nhà máy nước là một sự kiện trọng đại. Bởi từ sau sự kiện đó, người dân Sài Gòn đều được sử dụng nước máy và không còn lấy nước phong tên nữa.
Nước máy ở Sài Gòn đã được sử dụng từ rất lâu. Tuy nhiên, chỉ có người dân sống ở khu vực trung tâm mới được sử dụng nước máy. Cho đến khi nhà máy nước ra đời, nước máy mới bắt đầu phổ biến, 90% người dân Sài Gòn đều bắt đầu sử dụng nước máy từ cột mốc này. Cũng từ năm 1966, chiếc tháp điều áp ở đường Phan Thanh Giản bắt đầu xuất hiện và dần trở nên quen thuộc với người dân Sài Gòn.