Bảo Đại (chữ Hán: 保大, 22 tháng 10 năm 1913 – 31 tháng 7 năm 1997), tên khai sinh: Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (阮福永瑞) hay trên mộ ghi Nguyễn Phước Vĩnh Thụy, là hoàng đế thứ 13 và là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, cũng là vị hoàng đế cuối cùng của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam.
Bảo Đại vốn là niên hiệu của ông, tục lệ các vị Hoàng đế nhà Nguyễn chỉ giữ một niên hiệu nên dân gian hay dùng niên hiệu để gọi vị Hoàng đế đó. Ông lên ngôi năm 1925 khi Đại Nam vẫn còn dưới thời Pháp thuộc. Năm 1945, dưới sự sắp xếp của phát xít Nhật, ông ra Tuyên cáo Việt Nam độc lập và là Hoàng đế của Đế quốc Việt Nam. Trong cao trào Cách mạng Tháng Tám cùng năm, Bảo Đại ra chiếu thoái vị, chấm dứt triều đại nhà Nguyễn. Ông nhận làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, nhưng sau đó ông lại bỏ sang Hồng Kông.
Giữa bối cảnh Chiến tranh Đông Dương đang diễn ra, năm 1948 Bảo Đại chấp nhận đứng ra đại diện cho các đảng phái quốc gia hợp tác với Liên hiệp Pháp để chống lại chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Là Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam (1949 – 1955), Bảo Đại bị Việt Minh kết tội ᴘнảɴ Quốc vì theo họ thì ông đã hợp tác với Liên hiệp Pháp, chống lại phong trào kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại để thành lập Việt Nam Cộng hòa. Từ đó, Bảo Đại đến sống lưu vong ở Pháp tới khi qua đời.
Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, tên tục lúc bé là mệ Vững, sinh ngày 22 tháng 10 năm 1913 tại kinh thành Huế, là con trai duy nhất của vua Khải Định, mẹ là Hoàng Thị Cúc. Về thân thế của Bảo Đại cho đến nay vẫn còn nhiều dấu chấm hỏi lớn, vì theo các ghi chép lịch sử, vua Khải Định bị cho là vô sinh và không thích gần đàn bà.
Ngày 28 tháng 4 năm 1922, khi được 9 tuổi, ông được xác lập làm Đông cung Hoàng Thái tử. Ngày 15 tháng 6 năm 1922, ông cùng Khải Định lần đầu sang Pháp để thưởng ngoạn cuộc triển lãm hàng hóa tại Marseille, Pháp.
Tháng 6 năm 1922, Vĩnh Thụy được vợ chồng cựu Khâm sứ Trung kỳ là Jean François Eugène Charles nhận làm con nuôi và học ở trường Lycée Condorcet.
Tháng 2 năm 1924, ông về nước để dự Lễ tứ tuần đại khánh của Khải Định, đến tháng 11 trở lại nước Pháp để tiếp tục học trường Hattemer.
Ngày 6 tháng 11 năm 1925, Khải Định mất, Vĩnh Thụy về nước thọ tang. Ngày 8 tháng 1, khi mới 12 tuổi, Vĩnh Thụy được tôn lên kế vị làm hoàng đế kế nhiệm, ông lấy niên hiệu Bảo Đại. Tháng 3 cùng năm, Bảo Đại trở lại Pháp để tiếp tục du học.
Khải Định, Vĩnh Thụy, và Albert Sarrault tại Marseille
Triều đình cử một bậc túc nho đi theo sang Pháp để dạy Vua học thêm chữ Hán và các khuôn phép phương đông nhưng các ông thầy người Pháp đã nhanh chóng cách ly ông. Sau này về nước cầm quyền bính Bảo Đại thú nhận rằng bản thân gần như hoàn toàn không biết gì về lịch sử triều đại đã dẫn đến việc quyền hành bị nước ngoài thâu tóm như thế nào.
Một viên chức cao cấp người Pháp chịu trách nhiệm trông nom dạy dỗ. Hàng ngày, cứ vào buổi trưa, đi học về, Bảo Đại đến gia đình ông Charles ở phố Bourdonnais và ở đó không được đi đâu cho đến chiều tối. Ông Charles chính là cựu Khâm sứ Pháp tại Huế, thay mặt nhà nước bảo hộ tại kinh đô An Nam, thời thơ ấu của Nhà vua. Khi Bảo Đại quay về Pháp, vua cha Khải Định đã uỷ thác cho ông Charles trông nom con trai.
Ngoài việc theo dõi từng bước việc học tập tại trường mà trong dịp hè còn đưa Bảo Đại đi nghỉ ở Vichy hay tại nhà riêng ở Prades. Có thể nói ông Charles coi Bảo Đại gần như con cháu trong nhà. Thời khoá biểu trong những năm niên thiếu của Bảo Đại đã được quy định chặt chẽ, chính xác, thích hợp với việc dạy làm vua trong tương lai. Ngoài giờ lên lớp buổi sáng, thời gian còn lại là làm những bài tập rất chuyên cần cùng với vài người đồng hương.
Từ niên khóa 1930, Bảo Đại vào học trường Sciences Po, Paris (Học viện nghiên cứu chính trị Paris, tên cũ là École libre des sciences politiques). Bảo Đại sống trong một căn nhà dành riêng cho mình tại 13 phố Lamballe. Theo báo LAsie Nouvelle (Châu Á mới) kể lại, ngoài thời gian học, Bảo Đại chơi thể thao. Đây là một điều mới mẻ, một cuộc cách mạng với hoàng tộc. Những ảnh chụp thời đó cho thấy Bảo Đại mặc trang phục tennis, quần soóc, áo thun trắng, hay trang phục của người chơi gôn, trượt tuyết. Lúc nào chàng thanh niên cũng ăn mặc chỉnh tề, trau chuốt, lịch sự, điển trai, hợp với những thú vui Paris hơn là hoạt động chính trường.
Chàng thanh niên thích thú với cách sống như vậy cho đến năm 1932, và chúng đã trở thành thói quen đến mức không dễ dàng thay đổi. Trong lúc bố cáo đã được niêm yết ở cửa Ngọ môn báo tin Hoàng đế hồi loan khiến hàng triệu người dân Việt ngóng trông thì ông vẫn còn do dự vì hình như là ông chưa dứt khoát quyết định rằng sẽ trở về nước.
Bảo Đại là người say mê chơi ô tô, ở tuổi 16 đã sở hữu trong tay nhiều kiểu ôtô. Cậu thanh niên có các xe tốc độ cao để đi vào các đường phố thủ đô hay đi trên đường cao tốc từ Cannes đến Deauville. Bản thân ông là người có năng khiếu, lái xe giỏi và nhanh, thoải mái, bình tĩnh mỗi khi tăng tốc độ, biết sử dụng tính năng của động cơ, không mất thời gian để gây ấn tượng như những tay chơi kiểu cách nhưng đôi khi cũng suýt gây tai nạn khi quành một chỗ rẽ.
Chính phủ Pháp không phải là không biết tính Bảo Đại chẳng ham thích gì trách nhiệm của vị đế vương. Về thái độ không mấy hăng hái trở về, ông Chatel, thư ký của Phủ Toàn quyền viết: “Tôi tự hỏi không biết ông Bảo Đại có luôn luôn tìm cách trì hoãn thêm nữa việc trở về nước không. Nếu tôi tin vào tâm sự của một số người gần gũi với ông ta thì quả là ông ta tỏ ra không sốt sắng lắm, không vội vã trở về để trị vì”
Abd Al Rahman Barjach Pasha of Rabat, Bảo Đại và Vĩnh Cẩn
Các hồ sơ lưu trữ của Phủ Toàn quyền Pháp cho biết cùng thời gian đó triều đình Huế cũng sôi sục những mưu toan thủ đoạn thầm lén. Các quan thượng thư trong triều cũng không ngồi yên. Công việc điều hành nhiếp chính trở nên khó khăn. Quan đại thần đứng đầu Viện cơ mật cũng gây không ít khó khăn cho chính quyền bảo hộ.
Tổng thư ký Phủ Toàn quyền Đông Dương là Eugène Chatel ngày càng tỏ ra bực bội trước những do dự của Bảo Đại. Chatel đã viết nhiều báo cáo về Bộ Thuộc địa, biện hộ sự cần thiết cần có nghi thức thật tráng lệ huy hoàng, đòi chi thêm tiền, thêm điều kiện dễ dàng. Tương lai của triều đại phụ thuộc một phần vào các điều kiện vật chất và tinh thần cho việc trở về. Ông viết trong báo cáo mật ngày 2 tháng 12 năm 1931: “Chúng ta nên cố gắng, không tiếc sức…” Các kế hoạch đề đạt đã được thông qua ở cấp cao nhất.
Lúc này, Ban Thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp họp kín tại 120 phố Chateaudun. Tám người có mặt, một người Âu và bảy người Việt. Trong chương trình nghị sự có mục: “Hoàng đế trở về nước và việc ám sát Bảo Đại”. Tất cả mọi người có mặt đều tuyên bố ủng hộ việc xử tử Bảo Đại. Sẽ tổ chức bốc thăm, ai trúng sẽ được giao thi hành nhiệm vụ. Một người tên là Phạm Văn Điều được chỉ định thực hiện bản án tử hình Bảo Đại ở Paris. Một người Việt khác tên là Nguyễn Đình Tính tức “Blinov” có trách nhiệm tổ chức một vụ thứ hai, lần này ở Marseille khi Nhà vua bước lên cầu tàu thuỷ.
Về nước
Tháng 9 năm 1932, Bảo Đại bắt đầu cuộc đại hành trình về nước. Bộ trưởng Thuộc địa khi đó là Albert Sarraut đã đại diện chính phủ đến Marseille để tiễn. Sau đó là những nơi tàu ghé lại đều tổ chức đón tiếp linh đình, trừ ở Penang là nơi Sở mật thám được tin mật báo có vụ mưu sát. Đây là vụ thứ ba được phát hiện. Sau hai lần trước định tổ chức ở Paris và Marseille không thành công, người ta dự định sẽ tổ chức vụ ám sát khủng bố ở bán đảo Mã Lai. Ngày hôm đó, con tàu xuyên đại dương mang tên Président Doumer đã phải âm thầm thả neo ở xa nơi tổ chức lễ đón tiếp. Nhưng hung thủ, người của ban Thuộc địa Đảng Cộng sản Pháp đã không xuất đầu lộ diện. Con tàu khách đi tiếp vào lãnh hải Việt Nam, thả neo ở mũi Saint-Jacques (Cam Ranh ngày nay) xung quanh có các tàu chiến bảo vệ.
Tại đây Bảo Đại rời tàu khách chuyển sang tàu chiến: Đó là tàu Dumont d’Urville sẽ đưa ông đến Đà Nẵng. Đến đó Vua mới thật sự cập bến để bước chân lên đất liền thuộc lãnh thổ An Nam. Đoàn tàu hộ tống ngoài chiếc Dumont d’Urville còn có thêm hai tàu nữa. Từng loạt đạn bác nổ vang khi Vua rời khỏi tàu khách vượt qua vài sải nước để bước lên tàu. Các tàu đỗ trong vịnh đều treo cờ. Đến cảng Đà Nẵng ông lại chuyển sang pháo thuyền ngược sông Hàn cập bến thành phố. Cuối cùng ông bước lên xe lửa đặc biệt đi thêm 100 cây số nữa mới đến Huế. Sau này. Ông viết trong hồi ký: “Sau nhiều năm sống tự do tôi có cảm tưởng từ nay bước vào nơi giam cầm…”