Trần Tử Thiêng là một người nhạc sĩ tài hoa, tiêu biểu cho dòng nhạc vàng miền Nam Việt Nam vào thời kỳ trước năm 1975, không chỉ nổi danh trong nước, tên tuổi của ông còn được lan truyền ra cả nước ngoài. Ngoài bút danh Trầm Tử Thiêng trong dòng nhạc vàng, nhạc sĩ còn lấn sân sang cả nhạc thiếu nhi với bút danh mộc mạc – Anh Nam. Bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp âm nhạc từ khi lên 10, nhưng đến vài năm sau ông mới chập chững sáng tác và cho ra đời hàng loạt ca khúc được mọi người chú ý đến. Thời gian đầu, hầu hết các sáng tác của ông đều là nói về tình yêu quê hương, đất nước, bởi thời điểm đó ông gia nhập vào Cục Tâm lý chiến thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị dưới sự điều hành của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trong số những bài hát về tình yêu quê hương, không thể nào bỏ qua ca khúc “BÀI HƯƠNG CA VÔ TẬN” – Một bài hát nói lên tiếng hát ngọt ngào của quê hương, sự luyến lưu của tác giả dành cho nơi chôn nhau cắt rốn, nơi cất giữ biết bao tuổi thơ, bao kỉ niệm và hồi ức.
Nhạc khúc “BÀI HƯƠNG CA VÔ TẬN” mang trong mình giai điệu trầm buồn, da diết như nỗi lòng của tác giả khi nhắc về quê hương mình. Đây không phải là một tình yêu quê hương bình thường, nó là một tình cảm vô tận, một bài hương ca không điểm dừng. Vô tận ở đây chính là chỉ những thế hệ, những con người nối tiếp nhau không ngừng nghỉ, từ ngàn xưa cho đến tương lai. Sẽ còn mãi những người Việt Nam, hát vang mãi những khúc hát yêu quê, ngợi ca vẻ đẹp của đất nước, cổ vũ đất nước tiến lên giành lấy hòa bình trong thời đao binh loạn lạc.
“Hát nữa đi Hương hát điệu nhạc buồn điệu nhạc quê hương.
Hát nữa đi Hương hát lại bài ca tiễn anh lên đường.
Ngày đao binh chưa biết còn bao lâu,
cuộc phân ly may lắm thì qua mau
Hát nữa đi Hương hát để đợi chờ.
Có ai bị nhầm tưởng khi nghe những giai điệu đầu tiên của bài hát này không? Nghĩ rằng đây là bài hát mà nhạc sĩ dành tặng cho cô nàng tên Hương, chàng đang luyến tiếc và si mê cô nàng nên mới viết ra lời ca da diết như thế để tặng nàng thơ? Không phải thế đâu! “Hương” ở đây không phải là nàng tên Hương, mà là Quê Hương – Nơi mà tác giả được sinh ra và lớn lên, nơi có người thân, người thương, có bạn bè và đồng đội, vùng đất hình chữ S xinh đẹp này. Chữ “Hương” được tác giả viết hoa từ đầu tới cuối bài hát, như một sự trân trọng, sự tôn thờ đối với quê hương xứ sở, nhạc sĩ cho ta cảm giác rằng ông tự hào biết là bao nhiêu khi được sinh ra nơi Tổ quốc yêu thương này.
“Hát nữa đi Hương hát lại bài ca tiễn anh lên đường” – Ngày chàng chiến sĩ ra đi, cống hiến sức mình để cứu lấy đất nước đang chìm trong bom đạn này, không chỉ có người thân, người thương chào tiễn biệt anh, mà anh còn nghe được tiếng của trời mây, tiếng của cỏ cây nơi anh sinh sống cũng đang khóc thương tiễn anh lên đường. Anh không biết đến khi nào thì cuộc chiến tranh này mới chấm dứt, không biết khi nào mới có thể trả lại một màu xanh lơ cho vùng đất thân yêu này, anh chỉ mong những nhớ nhung này sẽ qua mau thôi, chúng ta rồi sẽ được sum vầy như chưa hề có cuộc chia ly. Hãy hát lên đi, hát để chờ đợi, như một lời hứa hẹn, khi nơi quê nhà hát vang thì lúc đó chính là ngày anh khải hoàn trở về.
“…Hương ơi…sao tiếng hát em,
nghe vẫn dạt dào, nghe vẫn ngọt ngào
Dù em ca những lời yêu đương,
hay chuyện tình gẫy gánh giữa đường.
Dù em ca nỗi buồn quê hương,
hay mưa giăng thác đổ đêm trường….”
Câu hát này được lặp lại tới tận hai lần trong bài hát, Trầm Tử Thiêng như muốn nhấn mạnh với người nghe rằng quê hương rất đẹp, muốn nói rằng ông yêu quê ấy đến nhường nào! Tình yêu quê hương đất nước nói lớn không lớn, nói nhỏ không nhỏ, nó tùy thuộc vào nhận thức của mỗi con người. Đối với nhiều người, yêu quê là nỗ lực cố gắng xây dựng quê hương, yêu quê là giết giặc xâm lăng đem lại hòa bình cho Tổ quốc,…Những điều này tác giả cũng có, nhưng với ông cái lớn hơn thể hiện tình yêu của mình tới đất nước chính là yêu thương từ những điều nhỏ nhất: yêu lời ca tiếng hát, yêu những hình ảnh vụn vặt của nơi miền quê,….
Ông đã nhân cách Quê hương thành hình ảnh của một nàng thiếu nữ có giọng hát vô cùng ngọt ngào làm cho ông vô cùng xao xuyến; hình ảnh của những tình yêu đẹp rạng ngời trong cuộc tình vui vẻ nên đôi; hình ảnh của những đoạn tình yêu dang dở bị đứt gánh giữa đường không thể đến được với nhau; hình ảnh của những người rời xa mảnh đất thân yêu, lưu lạc nơi đất khách mong nhớ về quê hương; nỗi buồn của quê hương khi phải chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh,…..
“…Hát chuyện vai em tóc xõa bồng mềm dịu ngọt môi em.
Hát mãi nghe Hương cho hồng làn da kẻo đời chóng già.
Ngày xa xưa em vẫn nằm trong nôi,
Mẹ ru em câu hát dài buông lơi
Hát để yêu cha ấm lại ngày già.
Hát nữa đi Hương câu nhạc thành nguồn gợi chuyện đau thương.
Hát kể quê hương núi rừng đầy hoa bỗng thành chiến trường.
Đồng tan hoang nên lúa ngại đơm bông,
Thuyền ham đi nên nước còn trông mong.
Khiến cả đêm thâu tiếng em rầu rầu….”
Mượn giai điệu buồn bã để kể nên những câu chuyện hùng vĩ của non sông, đáng lẽ nơi đây sẽ mãi là mảnh đất nhỏ, không bon chen chốn phồn hoa, nhưng giờ đây lại chìm trong tình cảnh lửa đạn bom bay, mịt mù trong sương khói. Còn gì đau buồn hơn! Khi xưa câu hát của “em” vẫn rất ngọt ngào, dịu nhẹ đôi môi thiếu nữ, có tiếng hát mẹ ru, có tiếng cha ấm áp. Giờ đây, trong giọng hát của “em” chỉ còn lại là những câu chuyện đau thương, núi rừng khi xưa còn trải đầy hoa nhưng giờ lại bị biến thành nơi chiến trường tàn nhẫn. Chứng kiến cảnh tượng này, có mấy ai mà không ruột thắt tim đau, bởi thế những chàng trai của chúng ta quyết chiến ra đi, tìm con đường cứu nước, dâng hết sức mình để lấy lại sự trong xanh cho quê hương này. “Ham đi” không phải là phấn khích, ham chơi, mà đây là câu nói chỉ những chiến sĩ quyết tâm đánh đuổi quân thù, lấy lại nền hòa bình cho nước, cho quê.
“….Hát nữa đi Hương, hát đi Hương, hát mãi đi Hương.”
Xuyên suốt cả bài hát, tác giả nếu không gọi Hương thì cũng gọi “em”, như một kiểu xưng hô nam nữ, xưng hô giữa những cặp tình nhân. Cũng đúng! Đây cũng là một loại tình cảm, nhưng nó lớn hơn, cao cả hơn và thiêng liêng hơn tình cảm lứa đôi. “Hát nữa đi Hương, hát đi Hương, hát mãi đi Hương” câu kết như một lời cổ động cho quê hương không ngừng phát triển, không chỉ mạnh mà còn mạnh hơn, mãi trường tồn theo thời gian. Như một lời thúc giục tất cả người con Việt Nam chiến đấu, dù những điều nhỏ nhất cũng góp phần mang đất nước tiến lên, sánh bước cùng các cường quốc. Đây là niềm mong ước của tác giả, và cũng là ước nguyện của hàng vạn con người trên mảnh đất chữ S nhỏ xinh.
Phải chăng do mang tên là Hương ca, nên bài hát luôn mang trong mình những giai điệu buồn bã đặc trưng, đem lại nỗi da diết khôn nguôi, sự não nùng tận tâm can người nghe. Nhạc phẩm “BÀI HƯƠNG CA VÔ TẬN” đã được rất nhiều ca sĩ, danh ca nổi tiếng làng nhạc vàng cất giọng hát, nhưng có lẽ giọng ca của Thái Thanh mới làm người nghe ấn tượng nhất và nhớ nhất, bởi sự trầm ấm trong chất giọng của nữ ca sĩ. Bà truyền đạt một cách thành công những tâm tư, những nhớ mong về quê hương của cố nhạc sĩ đến với người nghe.