Hà Thanh là một ca sĩ nổi tiếng trước năm 1975, sở trường của cô là hát nhạc thính phòng cổ điển, nhạc tiền chiến và cả nhạc vàng. Tên tuổi Hà Thanh gắn liền với nhiều ca khúc nổi tiếng như: Tiếng xưa, Đêm tàn Bến Ngự, Suối mơ, Bến xuân, Đêm đông, Hoa xuân, Em đến thăm anh một chiều mưa, Từ Đàm quê hương tôi, Khúc tình ca xứ Huế, Ai lên xứ hoa đào, Tà áo tím… Tên tuổi của ca sĩ Hà Thanh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy âm nhạc Việt, cô được nhiều khán thính giả say mê và mến mộ. Tuy nhiên, Hà Thanh luôn giữ vẻ khép nép, khiêm nhường, chừng mực của một cô con gái nhà gia giáo nơi đất Thần Kinh (xứ Huế). Cô thường từ chối các show diễn và hầu như không tiếp xúc với giới báo chí nên có lẽ vì vậy mà đời tư và tên tuổi của ca sĩ Hà Thanh ít được nhắc tới trên báo chí.
Hà Thanh tên thật là Trần Thị Lục Hà, cô sinh ngày 25 tháng 7 năm 1937 tại quê ngoại là làng An Đô, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, nguyên quán là Liễu Cốc Hạ, huyện Hương Trà (nay thuộc xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên – Huế). Hà Thanh là con thứ tư trong một gia đình gia giáo có mười anh chị em nhưng chỉ có mình cô đi theo con đường ca hát. Hà Thanh là một người theo đạo Phật, từ nhỏ cô đã tham gia sinh hoạt trong Gia đình Phật tử Hương Từ tại Huế, cô theo học Trường Nữ Trung học Đồng Khánh và hát trong chương trình Tiếng nói học sinh Quốc Học – Đồng Khánh trên đài phát thanh Huế.
Năm 1953, Đài phát thanh Huế có tổ chức một cuộc tuyển lựa ca sĩ, Lục Hà đã đăng ký tham gia. Nhưng do lúc ấy cô mới chỉ 14 tuổi, chưa đủ tuổi tham dự nên Lục Hà đã khai thêm 1 tuổi. Và với giọng hát trời phú của mình, Lục Hà đã đạt giải nhất với sáu nhạc phẩm rất khó, trong đó có bài “Dòng sông xanh” (tiếng Đức: An der schönen blauen Donau, nhạc của Johann Strauss II) và từ đó Lục Hà lấy nghệ danh là Hà Thanh để tiến bước trên con đường nghệ thuật. Sau khi đoạt giải, Hà Thanh cộng tác với đài phát thanh và trở thành ca sĩ trong ban nhạc Nắng mới gồm: Hồ Đăng Tín, Lê Gia Thầm, Nguyễn Văn, Hồng Dũ Trân,…của Đài phát thanh Huế.
Đến năm 1963, nhân một chuyến vào thăm Sài Gòn, Hà Thanh mới có dịp tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ Sài Gòn và có bước tiến xa hơn trong sự nghiệp âm nhạc của mình. Người đã nhìn ra giọng hát đầy tài năng và triển vọng của Hà Thanh chính là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Sau khi ông mời Hà Thanh đến hát với ban nhạc Tiếng Thời Gian ca khúc “Về mái nhà xưa” thì nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã viết thư ra Huế mời cô vào Sài Gòn cộng tác với hãng đĩa Continental.
Năm 1965, Hà Thanh chính thức gia nhập vào giới văn nghệ Sài Gòn và cô nhanh chóng trở thành một trong những giọng ca xuất sắc hàng đầu của giới âm nhạc lúc bấy giờ.
Những năm giữa thập niên 1960, tiếng hát Hà Thanh thường xuyên xuất hiện trên các Đài phát thanh Sài Gòn, Tự Do, Quân Đội và trong các chương trình Đại nhạc hội, đặc biệt cô không bao giờ đi hát ở các phòng trà. Những nhạc phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã theo tiếng hát Hà Thanh vang xa khắp mọi miền như: Phiên Gác Đêm Xuân, Hải Ngoại Thương Ca, Hàng Hàng Lớp Lớp, Chiều Mưa Biên Giới,…
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Chiều Mưa Biên Giới do Hà Thanh trình bày.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từng nhận xét về giọng hát Hà Thanh như sau: “Tôi cho rằng Hà Thanh không chỉ hát mà còn sáng tạo trong khi hát. Hà Thanh đã tạo thêm những nốt luyến láy rất truyền cảm, rất mỹ thuật làm cho bài hát của tôi thêm thăng hoa, trong giai điệu cũng như trong lời ca. (…) Hà Thanh có giọng hát thiên phú, cô hát rất thoải mái, dễ dàng, không cầu kỳ, không cường điệu, không gò bó nhưng nó cuốn hút ta đi trong cái bềnh bồng không gò ép đó”.
Hà Thanh được đánh giá là một trong những giọng ca hiếm hoi đã đem đến một cái hồn khác biệt cho dòng nhạc Vàng. Cách luyến láy vô cùng đặc biệt, tự nhiên của cô thường khiến cho các khúc nhạc trở nên sang trọng, mượt mà và đầy cuốn hút.Nghệ sĩ Kim Cương từng chia sẻ suy nghĩ của mình về Hà Thanh: “Cứ mỗi lần nghe ca khúc Sắc Hoa Màu Nhớ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tôi lại bâng khuâng nhớ về giọng hát Hà Thanh. Tiếng hát của những hoài niệm và nhớ mong.(…) Tôi cho rằng nữ danh ca này có chất giọng thiên phú, chị hát rất thoải mái, không cầu kỳ, không cường điệu, gò bó mà cuốn hút đến lạ kỳ”.
Vào năm 1969, Hà Thanh là một trong những nghệ sĩ được chính phủ của Sài Gòn lúc bấy giờ chọn vào Đoàn văn nghệ của bộ thông tin VNCH cử sang Pháp biểu diễn. Đoàn gồm có hai nhóm là cải lương và tân nhạc. Bên cải lương thì có đoàn Thanh Minh, Thanh Nga của gia đình “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga. Bên tân nhạc thì có các ca sĩ như: Hà Thanh, Hoàng Oanh và ban AVT. Trong suốt 2 tháng lưu diễn ở Pháp, đoàn đã tham gia nhiều show diễn ở 8 tỉnh, chủ yếu là biểu diễn cho kiều bào và sinh viên Việt Nam tại Pháp.Ngoài trình bày thành công các nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Văn Đông, Hà Thanh còn trình bày nhiều nhạc phẩm tiền chiến khác rất nổi tiếng của các nhạc sĩ: Phạm Duy, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác,… hay các nhạc sĩ sau này như: Tuấn Khanh, Hoài Linh, Mạnh Phát, Hoàng Nguyên,… Đặc biệt, có thể nói Hà Thanh là người bạn ca sĩ đầu tiên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và hát nhạc của ông.
Nhiều người đánh giá tiếng hát của Hà Thanh thanh nhã, cao quý và đầy nội lực. Giọng hát của cô khi lên cao thì chót vót, trong trẻo khi xuống thấp thì dịu dàng, mượt mà, đầy tự sự. Cô là một nữ ca sĩ mà tài năng và phẩm hạnh đến thân thế đều có sự đồng nhất, luôn toát ra vẻ sang trọng và quý phái.
Tiếng hát và tên tuổi của Hà Thanh gắn liền với rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng của âm nhạc Việt Nam như: Đêm Tàn Bến Ngự (Dương Thiệu Tước), Suối Mơ, Bến Xuân (Văn Cao), Ai Lên Xứ Hoa Đào và Tà Áo Tím (Hoàng Nguyên), Hoa Xuân (Phạm Duy), Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa (Tô Vũ), Từ Đàm Quê Hương Tôi (Văn Giảng), Khúc Tình Ca Xứ Huế (Trần Đình Quân), Đêm Đông (Nguyễn Văn Thương),…
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Đêm Tàu Bến Ngự do Hà Thanh trình bày.
Bên cạnh tài năng ca hát xuất chúng cùng khí chất tao nhã Hà Thanh còn sở hữu một vóc dáng nhỏ nhắn, thanh thoát và nhan sắc tươi tắn, dịu dàng khiến bao trái tim văn nghệ sĩ Sài Gòn thời bấy giờ xao động. Cô là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Tuấn Khanh sáng tác ca khúc Nhớ nhau (mang âm điệu Huế) và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác ca khúc Áo lụa vàng,… Nhà thơ Bùi Giáng cũng từng làm nhiều thơ và viết sách về Hà Thanh, ông từng viết “Ði về phố rộng mà ra / Đi tu giản dị cô Hà Thanh ôi”.Nhà văn Mai Thảo có lẽ là người si mê Hà Thanh mạnh mẽ nhất. Ông từng lặn lội từ Sài Gòn ra Huế để gặp cha mẹ Hà Thanh, xin cưới người đẹp nhưng không thành.
Năm 1970, Hà Thanh kết hôn với Trung tá Bùi Thế Dung của Binh chủng Thiết Giáp, hai người có với nhau một người con gái tên là Bùi Kim Huyên (hiện đang là một nha sĩ).
Trong khoảng thời gian từ 1965 tới 1975, Hà Thanh thâu âm rất nhiều cho các hãng đĩa: Việt Nam, Sóng Nhạc, Shotguns, Trường Sơn, Premier, Continental, Sơn Ca,…
Sau năm 1975, chồng của Hà Thanh phải đi học cải tạo trong nhiều năm liền. Năm 1984, cô cùng con gái được bảo lãnh sang định cư tại Boston miền Đông Hoa Kỳ. Năm 1990, chồng Hà Thanh qua Mỹ và đoàn tụ với vợ con, nhưng hai năm sau thì họ chia tay. Sau khi tan vỡ trong hôn nhân, Hà Thanh không đi bước nữa.
Tại Hải Ngoại, các trung tâm âm nhạc đã cho ra mắt 4 album tiếng hát Hà Thanh: Khúc Tình Ca Xứ Huế, Chiều Mưa Biên Giới, Chinh Phụ Ca và Sầu Mộng. Hà Thanh cũng từng xuất hiện trên các sân khấu lớn như: Paris by Night, Asia, và Làng Văn.
Ngoài ra, Hà Thanh cũng phát hành hai CD nhạc Phật giáo mang tên “Ngát Hương Đàm” và “Nhành Dương Cứu Khổ”. Bên cạnh đó cô còn phổ nhạc vào nhiều bài kệ Phật giáo. Năm 1988, Hà Thanh đi hành hương ba tuần với Tăng Thân Làng Mai lên tận núi Linh Thứu ở Ấn Độ. Cô được Thiền sư Thích Nhất Hạnh ban cho danh hiệu Ca Lăng Tần Gìa.
Ngày 1 tháng 1 năm 2014, Hà Thanh qua đời tại Boston, sau thời gian chống chọi với chứng bệnh ung thư máu. Nhiều bạn bè và khán giả mến mộ đã tổ chức các buổi tưởng niệm cho cô tại Boston-Massachusetts, Virginia, California, Huế và Sài Gòn.