Giao Tiên là một trong những nhạc sĩ sáng tác nhạc vàng nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 với số lượng sáng tác đồ sộ hơn 800 ca khúc. Những ca khúc của nhạc sĩ Giao Tiên mang giai điệu ngọt ngào, thi vị, hình ảnh bình dị, lời ca mộc mạc,… đa số đều mang âm hưởng dân ca và gần gũi với mọi tầng lớp người dân, vì thế nhạc sĩ Giao Tiên được người mến mộ khen tặng là “Nhạc sĩ Đồng Quê”. Một số ca khúc nổi bật của nhạc sĩ Giao Tiên cho đến ngày nay vẫn được yêu thích như: Cô Thắm Về Làng, Nhớ Người Yêu , Hỏi Vợ Ngoại Thành, Tình Đẹp Mùa Chôm Chôm, Đám Cưới Nghèo,…
Giao Tiên tên thật là Dương Trung, ông sinh ngày 16 tháng 11 năm 1941 tại phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, Tỉnh Bình Định.
Thời niên thiếu Giao Tiên vào Sài Gòn để học, từ năm 1960 đến năm 1962 ông học tại trường Trung học Huỳnh Khương Ninh và trường Trung học Trường Sơn. Lúc còn học trung học, Giao Tiên rất thích thơ của Tố Hữu nên đã chép thơ của thi sĩ này vào tập học trò, không may bị mật vụ của chế độ lúc bấy giờ phát hiện vì nghi ông thân cộng nên bắt giam ông vào nhà lao Biên Hòa.
Năm 1962 khi bị bắt vào tù cũng là một cơ duyên để ông đến với con đường âm nhạc sau này. Trong tù ông gặp và quen một số ông thầy giáo dạy nhạc. Thấy Giao Tiên mê nhạc lại ăn nói dễ thương nên đã dạy nhạc lý căn bản cho ông.
Đầu năm 1964, Giao Tiên được thả tự do, sau đó lại bị bắt đi quân dịch, ông làm lính cần vụ (hậu cần). Trong thời gian này ông tập tễnh viết nhạc. Năm 1965, Giao Tiên sáng tác ca khúc đầu tay nhưng mãi đến năm 1970 ông mới bắt đầu nổi tiếng với ca khúc “Phận Gái Thuyền Quyên” được ký tên Giao Tiên và Nguyên Thảo.
Năm 1972, Giao Tiên học hàm thụ và dự thính khoa sáng tác tại Đại học Vạn Hạnh. Nhờ có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh và tự trau dồi kiến thức sáng tác mà Giao Tiên đã thành công trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình.
Từ năm 1970 đến năm 1975 Giao Tiên cho ra đời hàng trăm ca khúc và đã được phổ biến rộng rãi thông qua việc in ấn nhạc tờ rời, băng đĩa bán ra thị trường, phát thanh và truyền hình. Trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng và đã làm nên tên tuổi của Giao Tiên mãi cho đến bây giờ vẫn còn rất thịnh hành như: Quán Gấm Đầu Làng, Mất Nhau Rồi, Nhớ Người Yêu, Tình Đẹp Mùa Chôm Chôm, Cô Thắm Về Làng, Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non, Đường Sang Nhà Em,…
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non do Quang Lê và Ngọc Hạ trình bày.
Ngoài bút danh là Giao Tiên, ông còn sử dụng nhiều bút danh khác để ký tên khi sáng tác như: Dương Trung, Hoàng Hoa, Thảo Trang, Diễm Đào, Rạng Đông, Ngân Trang, Thu Anh, Kim Khánh, Xuân Hoà, Xuân Hậu, Hương Xuân,…
Sau sự kiện tháng 4 năm 1975, Giao Tiên tạm ngừng sáng tác trong một khoảng thời gian dài. Năm 1975 ông cùng vợ con đi xây dựng vùng kinh tế mới Bù Đăng, Sông Bé. Ông tham gia công tác địa phương (ĐB/HĐND xã, Trưởng ban VHTT xã, Phó Ban Tài chính xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, tỉnh Sông Bé). Sau 10 năm, thấy không thu được thành quả gì nhiều, năm 1985 Giao Tiên lại cùng vợ con lên Lâm Đồng nơi có người cháu có lò đường, làm thợ nấu đường và lấy mật mía nấu rượu. Tuy nhiên, lần này vẫn thất bại nên năm 1989, Giao Tiên đưa vợ xuống Cam Ranh nuôi tôm. Không may tôm chết, hai vợ chồng phải bán đìa trả nợ. Sau đó, vợ chồng ông chuyển sang nấu bánh chưng. Kiếm đủ tiền để trang trải nuôi con ăn học. Và từ đó, gia đình Giao Tiên định cư hẳn ở Cam Ranh – Khánh Hòa cho đến ngày nay
Đến năm 1993, khi đang đi bỏ mối bánh chưng, Giao Tiên nghe loa của một người bán cà – rem phát nhạc mình, cả đĩa toàn nhạc của ông do hãng Vafaco ấn hành. Lúc này ông mới vào Sài Gòn, đến tận hãng đĩa này để hỏi rõ ngọn ngành, thì ra một người bạn cũ của ông đã bán nhạc của Giao Tiên cho Vafaco.
Năm 1994, Giao Tiên bắt đầu viết nhạc trở lại, lúc này ông lấy bút danh mới là Dương Tiếng Thu. Giai đoạn 1994 đến năm 1998, Giao Tiên cho ra đời nhiều ca khúc đặc sắc như: Ai Có Qua Cầu, Mống Chuồn Chuồn và đặc biệt là chuỗi ca khúc về Cô Thắm (Cô Thắm Gặp Tình Nhân, Cô Thắm Theo Chồng,…), Lần đầu nói dối, Thương mối tình đầu,… . Các nhạc phẩm của Giao Tiên nhanh chóng được thu âm bởi hàng loạt hãng sản xuất băng, đĩa trong nước như: Saigon Video, Rạng Đông, Trung tâm Băng nhạc Trẻ, Kim Lợi,… hay các Trung tâm tại hải ngoại như: Thuý Nga, Asia, Vân Sơn,… Ngoài ra Giao Tiên còn được biết đến là một nhạc sĩ có nhiều ca khúc phổ thơ.
Giao Tiên được cho là nhạc sĩ bị ăn cắp bản quyền và thay tên tác giả nhiều nhất, nhạc sĩ Giao Tiên chia sẻ: “Có lẽ ở Việt Nam, tôi là nhạc sĩ chịu nhiều thiệt thòi nhất trong nhiều năm. Giờ thì đỡ hơn rồi, nhưng những thủ đoạn ăn cắp bản quyền vẫn còn rình rập mà mình không lường trước được”.
Âm nhạc của Giao Tiên gần gũi với âm điệu dân ca, ca từ mộc mạc, chân thành nên dễ đi vào lòng người nghe. Nhiều nhạc phẩm của ông đã đi vào tiềm thức của bao thế hệ và đã đồng hành cùng mọi người cho đến ngày nay.
Năm 2000, nhạc sĩ Giao Tiên trở thành Hội viên Hội VHNT Khánh Hoà. Từ năm 2000-2005, ông tham gia công tác địa phương như Chủ tịch Mặt Trận Phường, Chủ tịch Hội Khuyến Học Phường, Chủ tịch Hội NCT Phường …(phường Ba Ngòi, thị xã Cam Ranh). Từ 2006 cho đến nay, Giao Tiên thôi công tác, và vẫn sáng tác đều đặn, ông chú tâm tổng hợp lưu trữ tác phẩm – in ấn xuất bản.
Vào đầu tháng 8 năm 2010, nhạc sĩ Giao Tiên cho phát hành tuyển tập nhạc gồm 70 bài để kỷ niệm tuổi 70 – trong đó hai phần ba là những tình khúc đã làm nên tên tuổi ông và đi vào lòng công chúng từ 40 năm qua.
Cách sống của nhạc sĩ Giao Tiên cũng nhận được nhiều sự kính trọng của nhiều thế hệ ca sĩ. Ca sĩ Phương Dung từng chia sẻ: “Nhạc sĩ Giao Tiên là người sống tử tế, hiền lành và trong sạch, không có tai tiếng nên luôn được mọi người yêu thương. Còn nhạc của ông thì khỏi phải nói, vô cùng cảm xúc và lời lẽ sâu sắc. Tôi thích và hay hát bài “Lại nhớ người yêu 1”. Nghe cái câu: “Buổi chiều còn gặp nhau đây, mà đêm đã nhớ như vậy/ Em hỡi em có hiểu có hay”, rồi “ Tình anh như núi cao biển rộng, gom bốn phương trời xây thành lũy…” thật thấm thía, cảm động cho những người yêu nhau.”
Còn ca sĩ Bằng Cường – Phương Nhạc một cặp đôi ca sĩ trẻ hiện nay cũng chia sẻ về nhạc sĩ Giao Tiên như sau: “ Khi hát những sáng tác của ông mới cảm nhận hết sự sâu lắng thiết tha và dạt dào tình cảm. Các ca khúc ông viết về tình yêu đôi lứa khi thì luôn khắc khoải, khổ đau, day dứt cho mối tình ngang trái; khi lại nồng nàn mãnh liệt. Ông là một người sống tình cảm và tận tâm với nghề. Khi được nhạc sĩ ưu ái và chỉ bảo tận tình cách thể hiện các ca khúc mới của ông, chúng tôi thật sự xúc động.”
Bây giờ đã ở tuổi 80 nhạc sĩ Giao Tiên vẫn dành phần lớn thời gian cho gia đình, phần thời gian còn lại ông vẫn sáng tác nhạc và phổ thơ, sống với niềm đam mê âm nhạc của mình đến khi tận cùng. Nhạc sĩ Giao Tiên tâm sự: “Mỗi ngày tôi và bà xã dành phần lớn thời gian để chăm cho đứa con gái không may mắn. Thời gian còn lại tôi sáng tác nhạc, phổ thơ để cống hiến niềm đam mê đến khi tận cùng. Niềm vui của tôi là sáng tác. Ngày ngày bên những phím đàn khiến tôi tràn đầy sức sống. Tôi sẽ mãi sáng tác khi tôi vẫn còn cảm xúc.”