“Đưa em tìm động hoa vàng” – Nhạc khúc về con đường nuôi dưỡng chân tâm

Đăng ngày 21/07/2024

Mối lương duyên giữa thi sĩ Phạm Thiên Thư và nhạc sĩ Phạm Duy đã để lại cho hậu thế nhiều bản nhạc bất hủ. Cung như theo lời của Phạm Duy, trong các mối thâm giao, người mà ông thương nhất chính là nhà thơ Phạm Thiên Thư. Bên cạnh 10 bài đạo ca còn có các ca khúc: Gọi em là đóa hoa sầu, Ngày xưa Hoàng thị… Và đặc biệt là ca khúc “Đưa em tìm động hoa vàng” được phổ lại từ bài thơ “Động hoa vàng” của Phạm Thư Thiên.

Tân Nhạc VN – Thơ Phổ Nhạc – “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng”, “Ngày Xưa Hoàng Thị”, “Em Lễ Chùa Này”, “Gọi Em Là Đoá Hoa Sầu” | Đọt Chuối Non

Bài thơ “Động hoa vàng” là một trong những thi phẩm nổi tiếng nhất trong cõi thơ Phạm Thiên Thư. Xuất hiện khoảng đầu thập niên 70 ở miền Nam, bài lục bát 400 câu này là một câu chuyện tình yêu trong sáng, cao khiết không nhuốm màu tục lụy. Tựa một viên ngọc lung linh huyền ảo, nó dẫn người đọc tìm về một thế giới tịch lặng, đơn sơ đẫm hương Thiền. Nơi ấy con người có thể tìm được con đường nuôi dưỡng chân tâm hầu mong một cuộc sống bình an, thanh thản. Hẳn không mấy khó khăn để nhận ra rằng văn hóa Thiền thấm đẫm trong từng câu, từng chữ và làm nên nét đẹp thâm trầm, ý nhị cho bài thơ. Phạm Thiên Thư – “người hiền sĩ ngồi bên lề cuộc sống ta bà, lặng yên thi hóa kinh phật”. Đọc thơ ông, ta tìm thấy những điều phong phú và mới lạ về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên. Giữa một thời đạn lửa, ông bình thản lập cho mình một cõi thi ca riêng: trong trẻo, trữ tình và đậm chất Thiền.

Bài thơ “Ðộng Hoa Vàng” là một trong những thi phẩm nổi tiếng nhất của Phạm Thiên Thư và được giải thưởng Văn học toàn quốc năm 1971. Bài thơ ấy càng trở nên gần gũi và đi vào lòng người nhiều hơn qua nhạc khúc “Ðưa em tìm động hoa vàng” được nhạc sĩ Phạm Duy rút ra từ mấy trăm câu thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư, chỉ cần ba đoạn ca là nói lên hết được cái cảnh ngày xưa, có kẻ từ quan, lên non tìm động hoa vàng…

Rằng xưa có gã từ quan

Lên non tìm động hoa vàng nhớ người

Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau

Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi

Sông này đây chảy một dòng thôi

Mấy đầu sông thẫm tóc người cuối sông

Phạm Duy: THƯƠNG CA CHIẾN TRƯỜNG – Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng (thơ PHẠM THIÊN THƯ) – T.Vấn và Bạn Hữu

Với nguyên tác thơ “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư gồm 100 đoạn với 400 câu thơ với nội dung như một câu chuyện tình chốn thôn dã. Có chàng trai nghèo theo nghiệp bút nghiên, nhưng thi mãi chưa nên công trạng. Cô gái chàng yêu nay cũng bị gia đình ép gã cho người khác. Buồn đau vì mất đi người yêu, chàng dóc tâm miệt mài kinh sử và đỗ trạng nguyên. Sau vài năm ở chốn quan trường, chán cảnh bọt bèo nơi nhân tình lạnh lẽo, chàng cáo lão về quê làm bạn với thiên nhiên bên hoa vàng cùng trăng mây,…

Đoạn mở đầu nhạc khúc “Đưa em tìm động hoa vàng” kể chuyện “rằng xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng nhớ người”. Chàng học sinh năm nào đánh mất tình yêu nay đã là người từ quan quay về thôn dã, mà nhớ về người xưa. Nhớ người ngày ấy không ngại mưa mau mà “đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi”. Chỉ tiếc rằng sông này đây chỉ chảy theo một dòng, nên “mấy đầu sông thẫm tóc người cuối sông” kẻ đầu sông người cuối sông, chia cách nhau từ đấy.

Nhớ xưa em chưa theo chồng

Mùa Xuân may áo áo hồng đào rơi

Mùa Thu em mặc áo da trời

Sang Đông lại khoác lên người áo hoa

Nhớ về người em ngày xưa khi chưa theo chồng, nhớ màu áo em qua các mùa khác nhau. Mùa xuân em mặc áo hồng “áo hồng đào rơi”, màu áo hồng xinh tươi như màu cánh đào ghép thành xiêm y cho người. Nhớ mùa thu em hay mặc áo màu da trời, màu áo xanh một màu xanh như trời thu trong vắt. Chỉ là mùa đông năm ấy, em lại “khoác lên người áo hoa” cũng là mùa đông đó chàng không còn nhìn thấy người yêu, khi cô đã theo chồng.

Rằng xưa có gã từ quan

Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau

Thôi thì em chẳng còn yêu tôi

Leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng

Thôi thì thôi mộ người tà dương

Thôi thì thôi nhé… đoạn trường thế thôi

Biết rằng “em chẳng còn yêu tôi” nên “leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng”. Người ta từng nói, nam nhi không rơi lệ, nhưng ai cũng có “hỉ nộ ái ố”, chàng trai đó đã khóc, khóc cho một cuộc tình tan vỡ, người đi theo chồng còn mình cô đơn bên sách vở ngọn đèn. Chỉ là khóc cũng đã khóc rồi, đau thương nay cũng hóa thành ký ức cũ “thôi thì thôi mộ người tà dương/ Thôi thì thôi nhé… đoạn trường thế thôi”. Từ nay thôi “mộ người” thôi không còn đâu nhớ thương, thi thì đã qua đoạn trường bi ai ngày ấy.

Nhớ xưa em rũ tóc thề

Nhìn trăng sao nỡ để lời thề bay

Đợi nhau tàn cuộc hoa này

Buồn như cánh bướm đồi Tây hững hờ

Chỉ là đôi khi nhớ lại ký ức xưa, ngày em rũ tóc thề “nhìn trăng sao nỡ để lời thề bay”. Cau thề ngày ấy nay cũng tàn như trăng kia, lời hứa hẹn “đợi nhau tàn cuộc hoa này” nay cũng hóa thành bọt bèo “buồn như cánh bướm đồi Tây hững hờ”. Câu “Cánh bướm đồi Tây” được lấy từ điển tích xưa có chàng Trương Quân Thụy và nàng Thôi Oanh Oanh đã gặp nhau lần đầu tại chùa Phổ Cửu chốn đồi Tây, chuyện tình của họ đã dệt thành mỗi lương duyên trở thành nguồn cảm hứng của bao thi nhân trong đó có Phạm Thiên Thư. Nhạc sĩ Phạm Duy đã chắt lọc và giữ lại trong nhạc khúc này những “hạt ngọc” tính túy nhất từ thơ.

Rằng xưa có gã từ quan

Lên non tìm động hoa vàng ngủ say

Thôi thì thôi để mặc mây trôi

Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan

Thôi thì thôi chỉ là phù vân

Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi

“Gã từ quan” tìm về động hoa vàng để tìm giấc ngủ say “ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan”. Dù là thơ hay nahcj, vẫn lai láng thoát tục tiên cảnh, không mộng quan trường, chỉ mong một cuộc sống thanh bình và yên tĩnh chốn thôn dã. Muốn tìm về một cuộc sống mà ở đó ta không lo ngại cảnh người đời bạc bẽo ta sống an yêu “mặc mây trôi” xem mọi thứ “chỉ là phù vân”. Cuộc sống ngắn ngủi chỉ cầu mong lòng mình an vui “ngần ấy thôi”. Niềm vui của “gã từ quan” là những điều bình dị khi được sống với thiên thiên, được say giấc ngủ ngon bên đồi dạ lan ngát hương, sống và làm bạn cùng mây trắng hoa vàng.

Chim ơi chết dưới cội hoa

Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà

Mai ta chết dưới cội đào

Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu.

Con chim nhỏ chết dưới cội hoa nên tiếng kêu “rơi rụng giữa giang hà”. Còn ta đây, khi về động hoa vàng, nếu mai sau “chết dưới cội đào” xin “khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu”. Từ giã chốn quan trường, tìm về nơi thiên nhai sống bên cây cỏ đất trời, nguyện mai sau nếu nếu có chết đi cũng xin hòa vào thiên thu với đất trời.

“Đưa em tìm động hoa vàng” một nhạc khúc tuy nói về chuyện tình dang dỡ khi xưa nhưng vượt lên trên cả là tâm thái an nhiên của một hồn thơ yêu thanh bình chốn hương thôn. Thơ và nhạc hòa quyện vào đan xen, tạo nên một áng ca bất hủ gọt rửa tâm hồn người nghe. Lắng nghe nhạc khúc, ta như thả hồn cùng nhạc, như lắng nghe hồn mình đang hòa quyện vào thiên nhiên, thả lỏng mình mà “đánh giấc bên đồi dạ lan”.

Thi sĩ Phạm Thiên Thư tìm về chốn thanh bình giữa cảnh chiến chinh loạn lạc và tang thương qua bài thơ “Động hoa vàng”, còn nhạc sĩ Phạm Duy là người mượn thơ của thi sĩ bắt cầu giai điệu cho mọi người tìm về một chút thanh bình và an yên qua nhạc khúc “Đưa em tìm động hoa vàng”.

Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng nhớ người
Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau
Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi
Sông này đây chẩy một giòng thôi
Mấy đầu sông thẫm tóc người cuối sông

Nhớ xưa em chưa theo chồng
Mùa Xuân may áo áo hồng đào rơi
Mùa Thu em mặc áo da trời
Sang Đông lại khoác lên người áo hoa

Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau
Thôi thì em chẳng còn yêu tôi
Leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng
Thôi thì thôi mộ người tà dương
Thôi thì thôi nhé… đoạn trường thế thôi

Nhớ xưa em rũ tóc thề
Nhìn trăng sao nỡ để lời thề bay
Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Buồn như cánh bướm đồi Tây hững hờ

Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Thôi thì thôi chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi

Chim ơi chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà
Mai ta chết dưới cội đào
Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu.