Ca khúc “Hình Bóng Quê Nhà” – Nhạc sĩ Thanh Sơn

Đăng ngày 21/07/2024

Quê hương luôn là một nỗi niềm day dứt khôn nguôi, nó luôn thường trực trong trong tâm trí của những người con tha hương, như Chế Lan Viên từng viết:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở.

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”

Hay trong bài thơ của “Quê hương” của nhà thơ Đỗ Trung Quân đã nói về quê hương:

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người”

Sheet nhạc Hình bóng quê nhà PDF, Lời & hợp âm, giai thoại | Nhạc Nhẽo

Còn ca khúc của nhạc sĩ Thanh Sơn lại được mở đầu bằng niềm hân hoan khi lần nữa được đặt chân về quê hương – Nơi chôn rau cắt rốn, nơi có những câu hò điệu lý và một khung trời tuổi mộng chẳng bao giờ phai mờ – “Về tới đầu làng con chim sáo nhỏ hót vang rộn ràng”. Quê hương chính là như vậy, mọi thứ tưởng chừng như là thường nhật, là bình thường nhưng nó lại tự động lưu lại tất cả mọi thứ vào trong miền ký ức và thỉnh thoảng dâng lên một nỗi niềm khó diễn tả trong dòng chảy cảm xúc, trong khóe mắt của những người xa quê. Cũng trong nỗi niềm da diết đó, trong cái vời vợi xa xăm nơi hương đồng cỏ nội, nơi sông nước miền Tây, nhạc sĩ Thanh Sơn đã bộc bạch đến người nghe nỗi nhớ quê hương bằng những ngôn từ giản đơn, mộc mạc nhưng lại hết sức chân thành và tình cảm, thêm chút sự thiêng liêng và sâu lắng. Với những ai xa quê khi nghe ca khúc này của nhạc sĩ Thanh Sơn sẽ chẳng thể nào kiềm được cảm xúc, nước mắt cứ tự động mà tuôn rơi.

Sẽ chẳng điêu khi nói nhạc sĩ Thanh Sơn là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng và dòng nhạc mang âm hưởng quê hương Nam Bộ. Ca khúc “HÌNH BÓNG QUÊ NHÀ” cũng là một trong những sáng tác nổi bật của nhạc sĩ, điển hình cho những ca khúc quê hương với hình ảnh con đường mòn trải dọc cánh đồng ruộng lúa, cây cầu khỉ với mấy nhịp cầu tre bắc ngang những con đê be bé, những con đò đưa khách sang sông cùng những món ăn dân dã miền sông nước,…tất cả đều gợi lên một nét thanh bình, êm ả khi cách xa đô thị phồn hoa và đâu đó vẫn còn sự yêu kiều của những câu hò câu hát trên con đường làng.

“Về tới đầu làng con chim sáo nhỏ hót vang rộn ràng

Qua nhịp cầu tre, qua mấy con đê thắm đượm tình quê

Bao năm qua cách trở đường xa xuôi ngược bôn ba

Ôi kỷ niệm yêu, mái tranh nghèo tỏa khói lam chiều…..”

Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Thanh Sơn - Người viết nhạc cho tuổi học trò và quê hương Nam Bộ

Chào đón bước chân đầu tiên của người nhạc sĩ khi lần đầu trở về thăm quê sau nhiều năm xa xứ chính là dàn đồng ca chim sáo, bọn chúng hót vang rộn ràng như muốn báo hiệu với mọi người về sự hiện diện của tác giả. Dù xa cách muôn trùng, cách trở bao năm thì khi quay trở về lòng nhạc sĩ vẫn cảm thấy bồi hồi và xúc động, từng cảm giác thân quen lại một lần nữa xao động cả con tim. Nhìn mấy nhịp cầu tre, những con đê cong cong dọc theo lối đi vào làng vào xóm,…vẫn còn thắm đượm những tình cảm của năm nào.

Vượt bao nhiêu nẻo đường, những con đường xa xôi để quay trở lại quê hương, mệt mỏi chứ nhưng khi nhìn ngắm những khung cảnh trước mặt thì bao nhiêu ưu phiền, bao nhiêu vất vả cũng bị thảy lại phía sau. Cả con người như trở lại vài chục năm về trước, thời điểm bản thân vẫn còn gắn bó tuổi thơ nơi miền quê này, gắn bó với những “mái tranh nghèo” chiều nào cũng tỏa khói nghi ngút….và biết bao kỷ niệm vui buồn nơi đây.

“….Còn nhớ nụ cười, câu ca mát rượi chứa chan lòng người

Đâu rồi ngày xưa, ai đón ai đưa nắng đổ chiều mưa

Quê hương ơi, ấm mãi đời tôi uống ngọt đôi môi

Thương quá là thương, tuổi thơ nào ngọt đắng vui buồn…..”

Quê hương chính là những hoài niệm gắn liền với tuổi thơ. Nhớ những nụ cười thơ ngây của lũ trẻ trong làng, nhớ những câu hò câu hát ngọt ngào đậm chất miền Tây. Nơi đây chúng ta sẵn sàng thư thả tâm hồn mình mà chẳng cần cảnh giác hay đề phòng lắng lo, bởi những con người miền quê lúc nào cũng chân chất và thật thà, họ đối xử nhau như người nhà, như anh em trong một gia đình.

Rồi còn đâu “ai đón ai đưa nắng đổ chiều mưa” khi người nơi ta ngã, nơi phương trời cách biệt, có lẽ lần ly biệt năm cũ đã là lần cuối cùng những người bạn được gặp nhau. Với nhạc sĩ Thanh Sơn, quê hương ấm áp như vị ấm của đôi môi, cất giữ cho ta rất nhiều điều ngọt ngào và vui vẻ. Dù xen lẫn trong những niềm vui cũng sẽ có những nỗi buồn thường trực thì đây vẫn mãi là nơi mà bất kỳ ai cũng mong muốn quay trở về và yêu thương.

“…..À ơi, con nước lớn chảy xuôi

Đưa con thuyền chao nghiêng

theo nhịp chèo bơi ai ngân nga câu hò

Hò ơi, gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng

Về sông ăn cá, về sông ăn cá, về đồng ăn cua…..”

KHông có siêu thị rộng lớn, không có chợ búa tấp nập, chỉ có còng con trên rẫy, có cá dưới sông, có cua ngọt ngoài đồng,…muốn ăn thì tự tay bắt ăn, vừa vui vừa ngon,…tất cả đều là những kỷ niệm đẹp không thể phai mờ, dù có tiền cũng chẳng thể nào mua được những đoạn ký ức hồn nhiên như thế.

“…..Từ lúc vào đời, chân quen đất nẻ sớm trưa chiều hè

Ôi đẹp làm sao, đêm sáng trăng cao gõ nhịp chày mau

Nghe quê hương tiếng gọi mời thương những ngày tha phương

Trong cõi đời ta, giữ bên lòng hình bóng quê nhà.”

Những bí ẩn về tác giả ca khúc Yêu cô gái Bạc Liêu, Hình bóng quê nhà

Thử hỏi, có mấy ai dân quê từ lúc chào đời mà tay chân chẳng lấm sình bùn, nhưng không ai ngại gian khổ bởi họ vui với thành quả lao động của mình. Ban ngày thì “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhưng khi màn đêm buông xuống họ lại như những vị thi sĩ, tận hưởng vẻ đẹp lung linh. Hai câu hát cuối bài hát, dường như nhạc sĩ Thanh Sơn muốn gửi tặng cho những người tha hương, những người con xa quê chưa có dịp trở lại. Cảm nhận được sự da diết trong từng ca từ, nỗi lòng nhớ thương của những người con Việt Nam: “Nghe quê hương tiếng gọi mời thương những ngày tha phương, trong cõi đời ta, giữ bên lòng hình bóng quê nhà.”

Người con Sóc Trăng, nơi có vùng đất quê hương hiền hòa và chất phác luôn ngự trị trong trái tim của người nhạc sĩ xa xứ, có lẽ vì thế nên hầu hết những nhạc khúc sau này của ông đều thấp thoáng hình bóng của một miền quê xa. Ca khúc “HÌNH BÓNG QUÊ NHÀ” của nhạc sĩ Thanh Sơn không hổ danh là nhạc khúc quê hương hay, hay không chỉ do cái giai điệu hay ca từ mà còn hay từ sự mộc mạc và chân tình. Giai điệu vui tươi đã làm nổi bật nên tâm trạng sung sướng của nhạc sĩ khi được trở lại với quê hương, làm cho những người xa quê cũng mong muốn được mau chóng trở về mái ấm quê nhà…

Trích lời bài hát Hình Bóng Quê Nhà:

Về tới đầu làng con chim sáo nhỏ hót vang rộn ràng
Qua nhịp cầu tre, qua mấy con đê thắm đượm tình quê
Bao năm qua cách trở đường xa xuôi ngược bôn ba
Ôi kỷ niệm yêu, mái tranh nghèo tỏa khói lam chiều.

Còn nhớ nụ cười, câu ca mát rượi chứa chan lòng người
Đâu rồi ngày xưa, ai đón ai đưa nắng đổ chiều mưa
Quê hương ơi, ấm mãi đời tôi uống ngọt đôi môi
Thương quá là thương, tuổi thơ nào ngọt đắng vui buồn.

À ơi, con nước lớn chảy xuôi
Đưa con thuyền chao nghiêng
theo nhịp chèo bơi ai ngân nga câu hò
Hò ơi, gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá, về sông ăn cá, về đồng ăn cua.

Từ lúc vào đời, chân quen đất nẻ sớm trưa chiều hè
Ôi đẹp làm sao, đêm sáng trăng cao gõ nhịp chày mau
Nghe quê hương tiếng gọi mời thương những ngày tha phương
Trong cõi đời ta, giữ bên lòng hình bóng quê nhà.