“Ai Lên Xứ Hoa Đào” – Khung cảnh bồng lai tiên tử giữa nơi trần tục qua sáng tác của Hoàng Nguyên

Đăng ngày 21/07/2024

Đà Lạt được mệnh danh là thành phố ngàn hoa, bởi đâu đâu cũng nhìn thấy hoa, thậm chí bạn sẽ bắt gặp được những loài hoa chỉ thích hợp với không khí lành lạnh vùng cao nguyên như Đà Lạt mới có. Giữa hàng vạn loài hoa, nhưng hoa có thể mang đến cảm xúc và nguồn cảm hứng vô tận với các nhạc sĩ, nhà thơ chính là Hoa Anh Đào. Ban sẽ bắt gặp hình ảnh của loài hoa này ở rất nhiều ca khúc nổi tiếng, bởi nó đại diện cho cái đẹp, sự gợi tình và gợi nhớ đến cái lạnh của thành phố sương mù, vừa thơ mộng vừa lãng mạn. Và đương nhiên không loại trừ nhạc sĩ Hoàng Nguyên – Qua ca khúc “AI LÊN XỨ HOA ĐÀO”, nhạc sĩ Hoàng Nguyên được xem là người trao vương miện nhan sắc tuyệt vời cho vùng đất mộng mơ – Đà Lạt.Ca khúc "Ai Lên Xứ Hoa Đào" - Cõi đào nguyên một thuở của Đà Lạt ngày xưa

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên sinh năm 1930 tại Diễn Châu, Nghệ An, ông tên thật là Cao Cự Phúc. Từ nhỏ thì ông theo học tại trường Quốc học Huế, đến năm 1950, ông có tham gia cách mạng nhưng sau đó lại quay trở về thành phố. Tại Đà Lạt, ông tham gia dạy học tại trường tư thục Tuệ Quang, ông dạy lớp đệ lục bộ môn Việt văn. Nhạc sĩ Hoàng Nguyên chính là người đã dìu dắt nhạc sĩ nổi tiếng Nguyễn Ánh 9 theo con đường sáng tác âm nhạc. Ông là một người nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng với thể loại nhạc thuộc tình khúc 1954 – 1975, ông nổi danh với nhiều ca khúc bất hủ như “Ai lên xứ hoa đào”, “Cho người tình lỡ”, “Đừng trách gì nhau”, “Tà áo tím”,….Trước khi mất do tai nạn xe hơi vào năm 1973, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã kịp để lại cho nền âm nhạc Việt Nam nhiều nhạc khúc và tuyệt phẩm để đời. Dù không sáng tác quá nhiều bài hát, nhưng mỗi sáng tác của ông đều mang đến cho người nghe những cảm nhận âm nhạc khác nhau. Từng ca từ, từng giai điệu đều được chọn lọc một cách tinh tế, ông không chỉ trân trọng tác phẩm sáng tác của mình mà còn trân trọng cảm xúc của người nghe. Ông mong muốn mang đến những trải nghiệm âm nhạc tuyệt nhất và hoàn hảo nhất.

Đối với bài hát “AI LÊN XỨ HOA ĐÀO” có lẽ là một trong những ca khúc nổi bật nhất trong số ít sáng tác của ông. Bài hát đã góp phần mang tên tuổi của Hoàng Nguyên đến với giới yêu nhạc và đặc biệt là dòng nhạc vàng, nhạc tiền chiến. “AI LÊN XỨ HOA ĐÀO” là ca khúc ông viết về Đà Lạt bằng những ca từ da diết, nhưng lại cho ta cảm giác mãnh liệt như bức tranh Đà Lạt xinh đẹp hiện ra trước mắt người nghe. Phải chăng do nhạc sĩ tới từ vùng đất khô cằn, khô nóng và đầy sỏi đá nơi Nghệ An – nên lần đầu tiếp xúc với cái không khí se lạnh của Đà Lạt, ngắm nhìn từng cánh hoa đào rơi trong không trung. Đôi khi hư ảo như giấc mộng, đôi khi lại chân thật rực rỡ, Hoàng Nguyên đã bật thốt nên những câu hát tràn đầy cảm xúc, từng ca từ gợi lên loài hoa biểu tượng của thành phố ngàn hoa này: HOA ĐÀO.Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Nguyên - tác giả Ai Lên Xứ Hoa Đào, Bài Thơ Hoa Đào

“Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi.

Nghe hơi giá len vào hồn người chiều Xuân mây êm trôi.

Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ.

Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ.

Nghe tâm tư mơ ước Mộng Đào Nguyên đẹp như chuyện ngày xưa…..”

Lãng mạn nhưng cũng không kém phần mờ ảo, mọi cảnh vật xung quanh với khói sương, với mây trời, với hoa bay,….còn có tiếng suối róc rách, tiếng gió thôi đưa,….giữa chốn trần gian đầy dung tục, tác giả đã đưa ta đến với khung cảnh bồng lai tiên tử qua lời ca tiếng hát. Với tác giả, Đà Lạt rất dễ dàng gieo vào lòng ông những ý thơ không bao giờ cạn, nó không chỉ đơn thuần là sự lãng mạn hay mộng mơ, mà còn là sự thanh tịnh nơi tâm hồn, sự bình yên mà thiên nhiên mang lại.

Nếu như có một điều ước, có lẽ sẽ ước cho bản thân ở mãi trong chốn tiên cảnh này, để không còn phiền muộn của cuộc sống, để không phải chứng kiến cảnh nước nhà bị chiếm lấn chưa biết ngày giành thắng lợi.

“….Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa.

Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai.

Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa.

Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương.

Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên….”

Mệnh danh là thiên đường những loài hoa, nếu lên Đà Lạt mà không thử một lần đặt chân trên những con đường hoa, đi dọc nó để cảm nhận hương hoa ngào ngạt, thơm nhưng không nồng, mang đến cho người ta cảm giác dễ chịu tận tâm trí.

Sẽ thế nào nếu bản thân lạc vào vườn hoa anh đào, một cơn gió nhè nhẹ thổi qua, làm những cánh hoa đào yếu ớt không nơi nương tựa mà rơi rụng vào không gian, xen lẫn là vài ba cánh bướm đủ sắc. Làm ta nhớ đến hình ảnh của cô nàng Hàm Hương tỏa hương gọi bướm – Làm cho ta thấy “lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng trong khói sương”, bởi đây liệu là thật, hay chỉ là giấc mơ mà bản thân tạo nên.

“….Ôi! Màu hoa đào, màu hoa đào chiều Xuân nào.

Ôi! Màu hoa đào như môi hồng người mình yêu.

Ôi! Màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa

mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du….”

Những cánh hoa đào nhỏ bé, nhưng đã cướp đi tấm lòng của nhiều lữ khách xa lạ, chỉ định dừng chân nghỉ ngơi đôi chút, nhưng lại lạc vào mộng ảo của mộng cảnh hoa chiều. Cánh hoa hồng như đôi môi nhỏ của người mình yêu, mơ ước được một lần chạm vào rồi chìm đắm trong mật ngọt.

Cánh hoa anh đào đã bao lần hút hồn của những thi sĩ lỡ đường, đã bao lần đánh cắp trái tim của những nhạc sĩ tài hoa, để rồi hình ảnh hoa đào dần in sâu vào tiềm thức và gợi nhớ ngay đến một Đà Lạt đầy say mê.Ca khúc "Ai Lên Xứ Hoa Đào" - Cõi đào nguyên một thuở của Đà Lạt ngày xưa

“….Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa.

Cho tôi bớt mơ mòng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa.

Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương.

Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào thôi vấn vương.

Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai.”

Hoa đào nơi Đà Lạt làm người ta nghiện….Có lẽ với nhiều người có tâm hồn mộng mơ, sẽ chẳng bao giờ thôi nhớ về, Đà Lạt như người yêu đầu, nhớ mãi không quên cách xa vài canh đã tựa như trôi qua mấy mùa – “Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương, bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào thôi vấn vương…”. Chỉ cần cảm nhận được chút se lạnh, lại nhớ đến chốn bồng lai có hoa anh đào luôn khoe sắc, điểm tô chút hồng hào cho thành phố sặc sỡ sắc hoa – “Giờ nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai”.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hoàng Oanh – Trung Chỉnh trình bày.

Dù bản thân đã từng lên Đà Lạt, đã từng trải nghiệm được cái chất tình trong từng nẻo đường Đà Lạt, nhưng khi nghe lại bài hát này…..vẫn luôn cảm giác như lạc vào nơi tiên cảnh, như lần đầu được nghe. Nếu đến Đà Lạt bạn sẽ đi đâu và làm gì? Hãy thử cảm giác đi dạo Đà Lạt, dạo quanh bờ hồ Xuân Hương vào một chiều se lạnh. Ngắm nhìn dòng nước tĩnh lạng, môi cứ trôi bồng bềnh, cái lạnh thấm vào da thịt, lúc này lòng sẽ cảm thấy bình yên đến dị thường, tâm nhẹ nhàng đầu óc thư giãn đến lạ. Lúc này, bạn sẽ cảm nhận được cái tình, cái thơ của người nhạc sĩ đặt vào bài hát này. Đà Lạt vốn dĩ được bao bọc bởi núi đồi cùng với rừng thông bạt ngàn xanh mát, thử một lần ngồi cạnh bờ hồ hay tịnh tâm nơi con suối róc rách, lắng nghe âm thanh của thiên nhiên, từng tiếng thông reo rít gọi nhau, từng tiếng nước chảy khi khi gặp gió…..Mọi thứ như đưa bạn rời xa cái thực tại tàn khốc làm đau lòng người, mang chúng ta đến chốn bồng lai vô lo vô nghĩ. Ước rằng có thêm nhiều “Đà Lạt” trên đất nước Việt Nam để con người ta không phải gồng gánh quá nhiều đau thương và khổ sở mà chưa một lần dám đặt xuống để cảm nhận sự bình yên.

Hoàng Nguyên là người nhạc sĩ có số phận trôi nổi và trắc trở nhưng những giai điệu ông để lại cho đời vẫn du dương, vẫn nhẹ nhàng và da diết. Có lẽ, với những người yêu nhạc, cái tên Hoàng Nguyên cùng những sáng tác của ông sẽ mãi mãi vang vọng, bởi nó là những giai điệu của một thời kỷ niệm đáng nhớ. Dù nhạc sĩ Hoàng Nguyên ra đi từ rất lâu rồi, nhưng tin rằng các sáng tác của ông, những tin hoa được ông chắt chiu đã và sẽ góp phần vào nền âm nhạc nước nhà qua nhiều thế hệ con cháu.

Trích lời bài hát Ai Lên Xứ Hoa Đào:

Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi.
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều Xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ.
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ.
Nghe tâm tư mơ ước Mộng Đào Nguyên đẹp như chuyện ngày xưa.

Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa.
Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai.
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa.
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương.
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.

Ôi! Màu hoa đào, màu hoa đào chiều Xuân nào.
Ôi! Màu hoa đào như môi hồng người mình yêu.
Ôi! Màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa
mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du.

Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa.
Cho tôi bớt mơ mòng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa.
Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương.
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào thôi vấn vương.
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai.