Nhạc sĩ Song Ngọc tên thật là Nguyễn Ngọc Thương, là anh trai ruột của nữ diễn viên hài nổi tiếng một thời – Kiều Oanh. Ông còn được biết đến với danh xưng là một người nhạc sĩ Mỹ gốc Việt tài hoa. Nổi danh bởi những ca khúc tình yêu được viết vào thập niên 1960 tại miền Nam Việt Nam. Ông là người đầu tiên phổ thơ của thi sĩ Nguyên Sa thành nhạc phẩm, trong đó có ca khúc “Tiễn đưa” nổi tiếng vào năm 1961. Sau năm 1975, danh tiếng của ông cũng vang xa hơn nhờ những nhạc khúc lừng lẫy: “Đàn bà”, “Hà Nội ngày tháng cũ”, “Hương đồng gió nội”,….Bút danh Song Ngọc của ông là tên ghép bởi hai chữ lót trong tên của ông và người bạn gái mà ông yêu, do anh của ông đặt cho. Ngoài bút danh này, Song Ngọc còn dùng những cái tên khác ký dưới những sáng tác âm nhạc của mình như Hàn Sinh, Nguyên Hà, Hoàng Ngọc Anh, Anh Tuyến. Ông là tác giả của nhiều bản tình ca nổi tiếng, lẫy lừng dù là ở quá khứ hay ở hiện tại. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã viết lên hơn trăm nhạc phẩm, trong đó, ca khúc để lại tiếng vang lớn và được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt nhất phải kể đến là bài hát “XIN GỌI NHAU LÀ CỐ NHÂN”. Ca khúc này mang lại thành công không chỉ cho tác giả, mà còn cho nhiều ca sĩ trình bày như Giao Linh, Quang Lê.
Bài hát “XIN GỌI NHAU LÀ CỐ NHÂN” là một trong những sáng tác vào trước năm 1975 của cố nhạc sĩ Song Ngọc. Bài hát này như tường thuật lại tâm trạng của một vị lữ khách trở lại chốn xưa thân thuộc vào một đêm mưa giăng kín lối đi. Đây là nỗi lòng của tác giả khi quay lại miền đất cũ và tưởng nhớ về một mối tình tưởng chừng đã có kết thúc đẹp nhưng lại vụt mất trong tầm tay.
“Tôi trở về đây lúc đêm vừa lên
Giăng mắt trời mưa phố xưa buồn tênh
Gót mòn tìm dư hương ngày xưa
Bao nhiêu kỷ niệm êm ái
Một tình yêu thoát trên tầm tay
Tôi trở về đây với con đường xưa
Đâu bóng người thương cố nhân về đâu?
Tiếng buồn chợt đâu đây vọng đưa
Công viên lạnh lùng hoang vắng
Ngọn đèn đêm đứng im cúi đầu….”
Tại sao lại có từ cố nhân trong văn phong của một người nhạc sĩ hiện đại? “Cố nhân” – Thường thì từ này hay dùng trong những dòng thơ cổ, đây là một từ Hán Việt gợi nên nét buồn thăm thẳm, bởi “cố nhân” là để gọi một người bạn cũ, một người yêu cũ. Trong cuộc sống của chúng ta sẽ luôn gắn liền với cái gọi là quá khứ, hiện tại và tương lai. Hiện tại là cái mà người ta quan tâm hơn hết, tương lai là những thứ ta phải suy nghĩ đến, lo lắng hoặc lạc quan. Còn quá khứ lại là những điều đã trôi qua, nó là tiền đề cho hiện tại và nền tảng cho tương lai. Quá khứ có thể là những hạnh phúc, những niềm vui, nhưng cũng có thể là những bi thương, đau khổ. Khi ta sống ở hiện tại, ta không chỉ nhớ về những câu chuyện đã qua trong quá khứ, mà đôi khi ta còn bất chợt nhớ nhung về một hình bóng của con người. Đó có thể là những người xung quanh ta, gặp gỡ hàng ngày và cũng có thể là những người đã xa, đến một ngày ta phải bật thốt lên từ: Cố nhân.
Có lẽ tác giả cũng vậy! Xa xứ bao nhiêu năm trời, để một ngày lang thang về con đường vắng, bóng đêm vừa bao trùm thì trời cũng chợt đổ cơn mưa như đang khóc thầm cho tâm trạng của người tha hương lúc này. Nơi cung đường này, nơi vùng đất này đã chứa đựng biết bao là hoài niệm, nó không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn, mà nó còn là nơi bắt nguồn của một câu chuyện tình. Nhưng rồi sau đó thì sao? “Một tình yêu thoát trên tầm tay” – Tình tưởng đẹp nhưng lại là câu chuyện tình buồn, đôi ta tưởng bên nhau nhưng giờ lại chỉ có thể xem nhau là “cố nhân” – Một người cũ đã từng thương mà thôi. Đi mòn đôi gót chân để góp nhặt từng kỷ niệm, nhưng rồi chợt nhận ra chỉ có đau thương – “Tôi trở về đây với con đường xưa, đâu bóng người thương cố nhân về đâu, tiếng buồn chợt đâu đây vọng đưa”. Tưởng sẽ tìm thấy được chút niềm vui nơi quê cũ, nhưng chỉ đứng đây, lẻ loi cô đơn cùng với công viên vắng và ngọn đèn đêm. Lòng đang buồn, giờ lại càng não lòng hơn, lại càng da diết hơn…..chỉ biết lặng im mà cúi đầu để thương xót đôi chút cho tình cảnh này của bản thân mình.
“…Thu đến thu đi cho lá vàng lại bay
Em theo bước về nhà ai
Ân tình xưa đã lỡ
Thời gian nào bôi xóa
Kỷ niệm đầu ai đành lòng quên?
Phố buồn mình tôi bước chân lẻ loi
ray rứt trời mưa bỗng nghe mặn môi
Nỗi niềm chuyện tâm tư người ơi
Xin ghi nhạc lòng thương nhớ
Mình gọi nhau cố nhân u sầu…..”
Thời gian trôi qua như một cơn gió, mùa thu này vừa qua đi thì lại một mùa thu mới sắp đến, lá vàng cứ lần lượt rơi rụng khỏi cành và em cũng nhanh bước chân về nhà chồng rồi. Mối tình khi xưa của đôi lứa giờ chỉ còn là kỷ niệm. Nhưng phải công nhận một điều rằng, dù thời gian có trôi nhanh đến thế nào thì tình cảm đã cũ của đôi ta vẫn được cất giữ vào sâu trong trái tim, rất khó mà xóa nhòa được. Bởi lẽ đây là mối tình đầu của tác giả, mà người ta thì luôn nói tình đầu là tình nhớ, mối tình để khắc cốt ghi tâm.
Con phố buồn một mình lê đôi chân nhẹ bước, những bước đi sao buồn tênh, lẻ loi nơi góc phố vắng. Lòng người thì buồn, mưa thì cứ trút như thác, làm mặn nơi đầu môi, làm lạnh nơi trái tim. Những câu chuyện cũ, những tâm tư, dù biết là đẹp đấy, nhưng cũng đầy đau thương đấy, nhưng biết làm sao, chỉ đành cất nó mãi vào lãng quên, “ghi nhạc lòng thương nhớ”. Để rồi mai này, nếu một mai gặp lại xin được gọi nhau là cố nhân.
Con người ta khi trải qua nhiều chuyện mới có thể trưởng thành, tới lúc đó người ta sẽ tự học được cách quên đi, học được cách chữa lành mọi vết thương. Học được cách chấp nhận buông bỏ, không níu kéo một người đã quyết tâm rời đi. Đừng biến chữ thương yêu trở thành cố chấp khi níu kéo mãi một người không còn tình cảm. Ca khúc “XIN GỌI NHAU LÀ CỐ NHÂN” là một dòng nhạc thông thường, nó phù hợp với tâm trạng của những mối tình tan vỡ, những người thất tình đành lòng nhìn người mình thương cất bước theo chồng, về bến bình yên. Bài hát này chưa bao giờ xem là lỗi thời, bởi nó phù hợp với mọi thời đại và luôn được người nghe yêu thích.
Trích lời bài hát Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân:
Tôi trở về đây lúc đêm vừa lên
Giăng mắt trời mưa phố xưa buồn tênh
Gót mòn tìm dư hương ngày xưa
Bao nhiêu kỷ niệm êm ái
Một tình yêu thoát trên tầm tay
Tôi trở về đây với con đường xưa
Đâu bóng người thương cố nhân về đâu?
Tiếng buồn chợt đâu đây vọng đưa
Công viên lạnh lùng hoang vắng
Ngọn đèn đêm đứng im cúi đầu
Điệp khúc:
Thu đến thu đi cho lá vàng lại bay
Em theo bước về nhà ai
Ân tình xưa đã lỡ
Thời gian nào bôi xóa
Kỷ niệm đầu ai đành lòng quên?
Phố buồn mình tôi bước chân lẻ loi
ray rứt trời mưa bỗng nghe mặn môi
Nỗi niềm chuyện tâm tư người ơi
Xin ghi nhạc lòng thương nhớ
Mình gọi nhau cố nhân u sầu.