“Gạo trắng trăng thanh” – Nhạc khúc về một miền quê thanh bình trong tiếng hò giã gạo

Đăng ngày 21/07/2024

Miền Nam là vùng đất được trời phú cho đất đai màu mỡ, ruộng đồng tươi tốt, gạo trắng, nước trong. Thiên nhiên ưu đãi cho thoáng đãng, đêm trăng thơ mộng, mùa gặt lúa về đầy sân phơi, trai gái hẹn hò trao duyên mới…Chính vì sinh ra và được nuôi dưỡng trong “cái nôi” của thiên nhiên ấy mà âm nhạc Miền Nam không chỉ là một môn nghệ thuật của âm thanh, của giai điệu, của tiết tấu mà nó là nơi người nghệ sĩ truyền tải hình ảnh, tình cảm, tâm trạng đến với thính giả. Với Hoàng Thi Thơ, người nhạc sĩ chuyên trị dòng nhạc đồng quê đã khéo léo lựa cho mình một lối riêng mà ở đó ông đưa những hình ảnh dung dị và chân thật nhất vào âm nhạc. Có lẽ chưa bao giờ âm nhạc khiến cho con người yêu nông thôn, yêu làng quê thanh bình êm ả đến thế như ở nhạc khúc “Gạo trắng trăng thanh”.

Gạo trắng trăng thanh” là ca khúc được Hoàng Thi Thơ sáng tác năm 1956, khi nền nông nghiệp còn thô sơ. Khi ấy lúa gặt về rồi lại mang phơi khô, để có được hạt gạo thì người ta cần phải giã lúa bằng tay. Cối giã thường được đẽo bằng đá, có hình trụ và lòng cối thường được khoét sâu trong khối đá được mài nhẵn. Người dân dùng những chày gỗ rắn chắn, đặt cối ở gần nguồn nước chảy và mượn sức nước để giã gạo. Từ đó mà ta có thể nghe thấy tiếng chày giã gạo trong đêm trăng thanh bình, cũng những điệu hò trong quá trình lao động của người dân. Đó là tất cả những cảm hứng giúp Hoàng Thi Thơ thai nghén và viết lên nhạc khúc trữ tình nổi tiếng “Gạo trắng trăng thanh”.

Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang
Ai đang say, chày buông rơi, nghe tiếng vơi tiếng đầy
Ai đang đi, trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê
Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về

Gạo Trắng Trăng Thanh,' ca khúc no ấm, tự do của nước VNCH

Mở đầu nhạc khúc tác giả đã đưa người nghe lạc vào một đêm trăng thanh cùng tiếng chày giã gạo. “Tiếng chày khua” cùng tiếng hát vang trong đêm mênh mang, người dân lao động trong niềm hứng khởi vui tươi, khi ánh trăng chiếu vào mặt nước, nghe bên tay “tiếng vơi tiếng đầy” của cối giã và cất câu hò trong một tối trăng thanh. Bức tranh ấy không chỉ vẽ về cảnh giã gạo của người dân mà như lồng cả âm thanh của cuộc sống, những động tác của con người và cả một tâm hồn mê say với âm nhạc “Ai đang đi, trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê”. Mời em cùng vào đây “dù trời khuya anh nhớ đưa em về”, câu mời cũng như lời bày tỏ một cách rõ ràng nhưng lại không sỗ sàng, không mất tình cảm của chàng trai với cô gái.

Muôn câu hò, hò hò khoan, đang mãi vang trong đêm dài,
Gái trai làng chiều hôm nay đang mãi say theo tiếng chày
Đêm chơi vơi gạo cười tươi, như chuyền hơi ấm, ấm lòng người

Điệu hò giã chày là điệu hò không thể thiếu trong văn hóa sinh hoạt của người dân lúc bấy giờ. Họ cất cao tiếng hát, tiếng hò khoan để “mãi vang trong đêm dài”. Gái hay trai làng đều ra sức cùng nhau nâng cao chày giã gạo, “gạo cười tươi” trong tiếng giã tiếng hò, người ta cũng như say như mê theo tiếng chày ấy. Họ cùng nhau ra sức giã gạo và cất câu hò quên đi mệt mỏi, điệu hò khiến lòng người ngất ngây và vui tươi, điệu hò như “chuyền hơi ấm, ấm lòng người”.

Câu hò không chỉ lời ca giúp quên đi mệt mà còn là câu ca để chàng trai có thể thổ lộ cùng cô gái. Trong đêm thanh, khi ánh trăng in trên dòng nước xanh, khi tay cùng chung tay giã gạo trắng ngần, anh muốn cất câu hò rằng:

Hò hò hò
Anh em giã trắng cối này
Hò hò hò
Duyên ta ví đặng sông dài Long là Cửu Long
Câu hò mong cho duyên mình dài như sông Cửu Long, tình anh mênh mông như con nước trên sông, muôn đời vỗ mạn bờ, muôn đời muốn bên em.
Muôn câu hò hò hò khoan đang mãi vang trong đêm dài
Gái trai làng chiều hôm nay đang mãi say theo tiếng chày
Đêm chơi vơi, Gạo cười tươi như chuyền hơi ấm, ấm lòng người
Hò hò hò

Hoàn cảnh sáng tác "Gạo Trắng Trăng Thanh" (nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ) - Bài hát về một không gian yên bình đã trở thành hoài niệm

Muôn câu hò khoan vẫn vang mãi trong đêm dài, như muôn lời tâm tình chưa nói hết. “Gái trai làng chiều hôm nay đang mãi say theo tiếng chày” ta say trong tiếng chày và say trong tiếng lòng của nhau. Đêm chơi với gạo, gạo lại cười tươi chuyền hơi ấm, đấy là hơi ấm của một cuộc sống ấm no và đầy đủ với gạo trắng ngần.

Em ơi! Gạo trắng như ngà
Hò hô hò
Nuôi dân giết giặc
Hò hô hò
nước nhà là quang vinh.

Câu hò cho giã gạo trắng ngần, gạo trắng ta nuôi dân giết giặc, để nước nhà vinh quang. Câu hò giã gạo nuôi dân mang trong mình một tinh thần lao động một tình yêu nước nhà. Hình bóng những người dân chốn hậu phương hiện lên trong lời ca thời chiến chinh là những hình bóng vui lao động, hăng say cống hiến, không có oán than, không có mệt nhọc. Có chăng ở đó là tình yêu nước, thương đồng bào và quyết tâm mang quang vinh cho nước nhà.

Ai xa xăm, ai buồn chăng, nghe hát vang muôn câu hò thênh thang
Chân băng ngang, vào nơi đây, chấp mối duyên lỡ làng,
Trong đêm thanh, trăng tàn canh, bao tiếng ca theo tiếng chày nhanh nhanh
Dư âm xa, còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà
Trong đêm thanh, trăng tàn canh, bao tiếng ca theo tiếng chày nhanh nhanh
Dư âm xa còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà
còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà
…còn vang mãi trong xóm nghèo làng ta…

Tiếng hò như ngân vang và truyền xa đến “Chân băng ngang, vào nơi đây, chấp mối duyên lỡ làng” tiếng hò kéo gần khoảng cách giữa những con người, tiếng hò gắn nối tâm hồn của những bước chân xa. Trong trăng thanh, đêm sắp tàn canh nhưng tiếng hò vẫn ca vang cùng tiếng chày giã gạo “Trong đêm thanh, trăng tàn canh, bao tiếng ca theo tiếng chày nhanh nhanh”. Và dư âm cuộc sống đó vẫn “vang mãi trong ánh trăng tà”, “còn vang mãi trong xóm nghèo làng ta…”

“Gạo trắng trăng thanh” không chỉ là bài hát trữ tình mà còn là bức tranh về cảnh sinh hoạt của người dân. Âm thanh dân dã của tiếng chày cùng câu hò mộc mạc của người dân đã trở thành chất liệu đắt giá vẽ nên bức tranh thái bình ấy. Ta như nghe như say và như lạc vào không gia miền quê ấy, một miền quê thanh bình trong đêm trăng chiếu rọi nơi mặt nước, câu hò ngân vang hòa cùng tiếng hò bên nụ cười lao động hăng say của người dân. Họ lao động vì một cuộc sống ấm no hơn, nâng cao tay giã chày để gạo trắng ngần mà “nuôi dân giết giặc”. Ở “Gạo trắng trăng thanh”ta có thể trải nghiệm đủ những điều dung dị và gần gũi nhưng cũng đầy thi vị của một cuộc sống thanh bình miền quê. Càng nghe, ta lại càng thấy yêu hơn miền quê ấy, càng thấy bài ca dễ thương đến vô cùng!

Hoàn cảnh sáng tác "Gạo Trắng Trăng Thanh" (nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ) - Bài hát về một không gian yên bình đã trở thành hoài niệm

Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang
Ai đang say, chày buông rơi, nghe tiếng vơi tiếng đầy

Ai đang đi, trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê
Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về

Muôn câu hò, hò hò khoan, đang mãi vang trong đêm dài,
Gái trai làng chiều hôm nay đang mãi say theo tiếng chày

Đêm chơi vơi gạo cười tươi, như chuyền hơi ấm, ấm lòng người

Hò hò hò
Anh em giã trắng cối này
Hò hò hò
Duyên ta ví đặng sông dài Long là Cửu Long

Muôn cầu hò hò hò khoan đang mãi vang trong đêm dài
Gái trai làng chiều hôm nay đang mãi say theo tiếng chày

Đêm chơi vơi, Gạo cười tươi như chuyền hơi ấm, ấm lòng người
Hò hò hò

Em ơi! Gạo trắng như ngà
Hò hô hò
Nuôi dân giết giặc
Hò hô hò
nước nhà là quang vinh.

Ai xa xăm, ai buồn chăng, nghe hát vang muôn câu hò thênh thang
Chân băng ngang, vào nơi đây, chấp mối duyên lỡ làng,

Trong đêm thanh, trăng tàn canh, bao tiếng ca theo tiếng chày nhanh nhanh
Dư âm xa, còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà

Trong đêm thanh, trăng tàn canh, bao tiếng ca theo tiếng chày nhanh nhanh
Dư âm xa còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà
còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà
…còn vang mãi trong xóm nghèo làng ta…